Nghề thám tử tư săn tiền thưởng ở Hàn Quốc

Thứ Bảy, 08/10/2011, 22:25

Được gọi một cách mỉa mai là "paparazzi" của Hàn Quốc, những người như Im Hyun-seok, cựu giáo viên tiếng Anh, có nhiệm vụ rình mò "con mồi" rồi đưa hình ảnh của họ thật nhanh lên phim. Nhưng con mồi mà Im Hyun-seok săn đuổi không phải là người nổi tiếng, chính khách hay thậm chí tội phạm nguy hiểm.

Mà đúng hơn, Im Hyun-seok lang thang khắp các thành phố Hàn Quốc để bí mật quay phim những công dân bình thường vi phạm luật. Ông ta giao bằng chứng cho quan chức chính quyền rồi cuối cùng nhận... tiền thưởng.

Im Hyun-seok cho biết, nghề này bị nhiều người căm ghét nhưng ông chỉ làm những gì mà luật pháp cho phép. Cơ hội thì ở đâu cũng có: một nhà máy lén lút đổ chất thải công nghiệp chưa qua xử lý xuống sông, một chủ tòa nhà luôn khóa kín lối thoát hiểm, luật sư hay bác sĩ không sử dụng hóa đơn để có thể báo cáo thiếu về thuế thu nhập v.v… Im Hyun-sok thú thật là nghề này đem lại thu nhập gấp 3 lần nghề dạy tiếng Anh trước đây của ông. Năm nay 39 tuổi, Im Hyun-seok bắt đầu bước vào nghề có thể gọi là "thám tử tư săn tiền thưởng" này cách đây khoảng 7 năm và ông kiếm được trên dưới  85.000 USD một năm! Khoản thu nhập khá béo bở ở Hàn Quốc.

Trong những năm gần đây, các cơ quan chính quyền Hàn Quốc lập ra chương trình tương tự dành cho bất cứ ai muốn săn tiền thưởng đối với những lỗi vi phạm nhỏ nhặt như là vứt bừa mẩu thuốc lá cháy dở ra ngoài cửa sổ. Nghề săn tiền thưởng đặc biệt phổ biến khi đà phát triển kinh tế như vũ bão của Hàn Quốc bị chậm lại do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Paparazzi phần lớn là những người thất nghiệp muốn có cơ may kiếm hàng chục ngàn USD một năm. Không biết được chính xác có tất cả bao nhiều người tham gia nghề thám tử tư săn tiền thưởng kể từ khi chính quyền các cấp lập ra chương trình riêng cho mình, song có thể nói hiện tượng lan rộng đủ để sinh ra một ngành kinh doanh mới và nhiều trường dạy nghề paparazzi đã bắt đầu mọc lên.

Như Moon Seong-ok, 64 tuổi, quản lý một trường dạy paparazzi. ông giải thích: "Đặc điểm của người Hàn Quốc là thiếu kiên nhẫn nên thường phạm lỗi như là vượt đèn đỏ, chạy lấn tuyến, cắt ngang đường hay vứt mẩu thuốc lá lung tung. Đó là lý do khiến cho nghề paparazzi phát triển mạnh". Thậm chí chính quyền địa phương cũng có lợi vì họ tiết kiệm được tiền thuê nhân viên do số tiền phạt người vi phạm luật cao hơn khoản tiền thưởng cho paparazzi rất nhiều. Cụ thể, tiền thưởng cho bằng chứng về vi phạm đổ rác trái phép vào khoảng 40 USD, còn tiền phạt cho hành vi này cao hơn gấp 10 lần: 400 đến 500 USD!

Tùy theo hành vi vi phạm mà mức tiền thưởng cho paparazzi dao động từ mức thấp nhất là chừng 5 USD (cho vi phạm vứt bừa mẩu thuốc lá) cho đến 850 USD (trường hợp người bán thú nuôi không có giấy phép). Tuy nhiên cũng có những trường hợp giúp paparazzi trúng đậm. Ví dụ, chính quyền thành phố Seoul hứa hẹn khoản tiền thưởng khổng lồ 1,7 triệu USD cho những bằng chứng liên quan đến quan chức tham nhũng.

Cũng như mọi paparazzi khác, Im Hyun-seok không cho gia đình biết nghề ông đang làm nhưng ông ít có cơ hội để lựa chọn.

Tuy nhiên, những người chống đối cho rằng chương trình tiền thưởng của chính quyền các cấp ở Hàn Quốc chỉ làm suy yếu đi niềm tin vào xã hội. Như Lee Yoon-ho, Giáo sư Đại học Dongguk ở Seoul, nhận xét: "Bản thân ý tưởng là tốt, nhưng khi người ta dành trọn thời gian trong ngày để làm công việc này (săn tiền thưởng) thì điều đó thực tế đã tư nhân hóa sự thi hành luật pháp và còn đặt ra một số vấn đề về đạo đức". Ví dụ, paparazzi thường phát triển nét đặc trưng là theo dõi "hakwon", theo tiếng Hàn Quốc nghĩa là những trường luyện thi tư nhân (những nơi thường tính giá học phí cao hơn mức quy định của chính quyền).

Từ năm 2009, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã chi ra khoảng 2,9 triệu USD cho đội quân paparazzi sau khi bắt đầu dựa vào những người săn tiền thưởng giúp cho cơ quan phát hiện những cơ sở luyện thi tư nhân đòi giá học phí quá quy định - một gánh nặng cho người dân của một quốc gia vốn quá coi trọng thành tích giáo dục.

Được gọi là "hak-paparazzi", thám tử săn tiền thưởng thường giả trang thành phụ huynh học sinh để gặp ban quản lý của hakwon hỏi han về học phí luyện thi. Họ bí mật ghi hình cuộc trao đổi bằng camera giấu kín trong người. Do đó mà những hiệu trưởng khối hakwon rất căm ghét họ. Như Cho Young-hwan, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Hakwon Hàn Quốc, than thở: "Chính quyền đơn phương đặt ra mức giá thiếu thực tế rồi sau đó tung ra đội quân paparazzi để săn chúng tôi. Điều này gây xúc phạm nặng nề và phản giáo dục". Ju Myong-hyun, quan chức Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm chương trình paparazzi săn tiền thưởng, tuyên bố cơ quan vẫn tiếp tục theo đuổi giải pháp này cho đến khi hệ thống hakwon minh bạch trong mức tính học phí của họ.

Mặc dù có thu nhập khá cao, nhưng cựu giáo viên tiếng Anh Im Hyun-seok cảnh báo một số người chưa đủ khả năng làm paparazzi. Như ông giải thích, nghề này đòi hỏi phải ăn mặc và hành xử giống như gián điệp thực thụ với sự trợ giúp của những công cụ kỹ thuật cao, và vấn đề là công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn rất cao. Tuy nhiên, Im Hyun-seok khẳng định nghề paparazzi cũng có mặt tối của nó. Ví dụ như một số paparazzi có "thỏa thuận riêng" với những công ty lớn thường vi phạm pháp luật và sợ phải nộp số tiền phạt quá lớn. Hay họ lợi dụng paparazzi để hạ gục đối thủ của mình.

Im Hyun-seok kể: "Có một lần, người ta yêu cầu tôi lấy bằng chứng về một nhà hàng hoạt động trái phép trong công viên quốc gia. Nhưng té ra chính người đề nghị tôi cũng quản lý một hiệu ăn uống không phép gần đó"

Duy Minh (tổng hợp)
.
.