Nghệ thuật rửa tiền của các tài phiệt Nga

Thứ Tư, 30/07/2014, 16:26

Tại sao các doanh nghiệp Nga rất hay ôm tiền trốn chạy ra nước ngoài và không khó khăn gì khi làm thủ tục định cư hay nhập quốc tịch ở nước mà họ tới? Ông Vladimir Kekhman là một ví dụ.

Kekhman không chỉ là giám đốc nhà hát Mikhailovsky ở thành phố St Petesburgh mà còn là một doanh nghiệp kinh doanh rau quả. Trong khi doanh nghiệp này đang nợ các ngân hàng Nga một lượng tiền khổng lồ thì lại được tòa án tối cao của Anh tuyên bố phá sản.

Mới đây Kakhman bị chính quyền Nga cấm xuất cảnh. Liệu các ngân hàng của Nga có lấy lại được các khoản  tín dụng mà họ đã cấp cho các công ty của Kekhman vay hay không?

Đầu năm 2013, các điều tra viên của Tổng cục An ninh kinh tế và Phòng chống tham nhũng thuộc Bộ Nội vụ của Liên bang Nga tiến hành khám xét nhà hát Mikhailovsky, vì nhà hát này có liên quan tới hoạt động của tập đoàn rau quả JFC của Kekhman. Trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình, bản thân ông Kekhman cũng như các công ty trong tập đoàn JFC đã gây ra biết bao thù oán, ông biến không ít các ngân hàng từng cấp vốn làm ăn cho mình thành những nạn nhân.

Có thể nêu ra đây một số thí dụ như: ngân hàng Uralsib, Matscova-bank, Promsvyas-bank v.v... Tính đến nay tổng số nợ đã lên tới xấp xỉ 1,3 tỉ USD, dĩ nhiên các ngân hàng này không chịu khoanh tay ngồi nhìn, họ đang nỗ lực quyết tâm giành lại số tiền mà mình đã đầu tư cho việc kinh doanh của ông Kekhman.

Thực ra những rắc rối về tài chính của ông Kekhman đã nảy sinh ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, khi còn đang là lãnh đạo tập đoàn rau quả khổng lồ (Tập đoàn có tên gọi là: Olbi-Dzab), ông có quan hệ mật thiết với một số công dân Mỹ gốc Nga, số người này lại lập ra một số công ty khác, và qua những công ty đó tập đoàn Olbi của Kekhman thực hiện những hoạt động kinh doanh của mình.

Tất cả các giao dịch đều được thực hiện thông qua cảng Rotherdham và được các ngân hàng lớn của thế giới ở thành phố Liechtestein cung cấp tài chính, qua thời gian không lâu tập đoàn Olbi giải thể và để lại cho Kekhman một món nợ khổng lồ, các công ty của ông không có khả năng chi trả, khoản nợ ước tính lên tới hàng triệu USD.

Kekhman không chịu dừng lại, lần này ông hợp tác với công ty Soyzkontrakt, giám đốc là ông Iury Rydonik, đồng sáng lập ra công ty này lại là các công dân Mỹ gốc Nga,  ông Liubovich và ông Golsten. Tất cả mọi hoạt động kinh doanh lần này cũng giống như lần trước, lại thông qua cảng Rotherdham và cũng được các ngân hàng lớn của quốc tế ở Liechtestein cung cấp tài chính và kết cục cũng thảm hại không kém lần đầu tiên. Soyskontrakt chỉ tồn tại một thời gian ngắn rồi giải thể.

Tiếp tục không lùi bước, lần này Kekhman thành lập một tập đoàn lớn, có thương hiệu là "Bonanza", cổ đông chính của tập đoàn này là công ty đầu tư của Ai Cập, cũng giống như những lần trước, lần này cũng không thể không có sự tham của yếu tố người nước ngoài có gốc Liên Xô, và kết thúc phi vụ này cũng không khác các phi vụ trước là bao.

Để tìm chỗ trú ẩn an toàn cho mình, Kekhman đã nhờ tới sự bảo trợ của tòa án nước ngoài, cụ thể là Tòa án Tối cao Anh. Khi tòa án này tuyên bố Kekhman phá sản, các ngân hàng của Nga cũng như các ngân hàng quốc tế khác, nếu muốn đòi lại các tài khoản của Kekhman thì quá trình này sẽ diễn ra dưới sự giám sát của tòa án nước ngoài đó. Khi tiến hành khám xét nhà hát Mikhailovsky có lẽ các điều tra viên của Nga cho rằng có thể Kekhman chưa kịp tẩu tán tiền ra nước ngoài chăng?

Thực chất có nhiều bằng chứng khẳng định doanh nghiệp rau quả của ông giám đốc nhà hát đã chuyển hết tài khoản của mình ra nước ngoài và xin tị nạn chính trị tại London. Nhà chức trách Nga dù có khởi tố hình sự những hoạt động kinh doanh của Kekhman, hoặc có tổ chức phiên tòa xét xử vắng mặt, nếu xét về góc độ kinh tế thì những việc làm đó sẽ không mang lại lợi ích gì.

Lịch sử nước Nga cho ta thấy: không chỉ có doanh nghiêp Kekhman chạy trốn, ở nước Anh không khó gì để bắt gặp một danh sách dài những tài phiệt người Nga xin tị nạn chính tri như: cựu tài phiệt Boris Berezovsky, Andrei Borodin hay Evghenhye Chychvakin...

Nguyễn Đỉnh (tổng hợp)
.
.