Nghi vấn Mossad ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran

Thứ Sáu, 10/12/2010, 11:05
Dư luận thế giới đang quan tâm đặc biệt đến vụ đánh bom ở thủ đô Tehran hôm thứ hai 29/11 vừa qua, làm chết nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran Majid Shahriari. Nhiều nghi vấn đang dồn về phía Cục tình báo đối ngoại Israel Mossad.

Sáng sớm ngày 29/11, liên tiếp 2 vụ nổ bom đã xảy ra ở Tehran. Theo tường thuật của báo chí, vào thời điểm trên có một số tay súng lạ mặt đi xe môtô đến đặt chất nổ vào xe của 2 nhà khoa học hạt nhân hàng đầu Iran là tiến sĩ Majid Shahriari và tiến sĩ Fereydoon Abbasi và sau đó kích nổ 2 quả bom từ xa bằng thiết bị di động. Hai vụ nổ bom đã làm cho tiến sĩ Shahriari chết tại chỗ, còn tiến sĩ Abbasi chỉ bị thương.

Qua điều tra sơ bộ, cơ quan chức năng Iran nghi ngờ tình báo Israel và Mỹ đứng đằng sau 2 vụ đánh bom. Tờ Time dẫn lời giới chức an ninh Iran cho biết, từ diễn biến 2 vụ đánh bom ở Tehran hôm 29/11 liên hệ với các vụ ám sát gần đây do Mossad thực hiện tại các nước trong khu vực cho thấy vụ này mang dấu ấn hành động theo kiểu mà điệp viên Mossad thường tiến hành.

Đó là: trước khi tấn công mục tiêu, một nhóm điệp viên Mossad thường do thám mục tiêu trong nhiều tháng liền để tìm hiểu quy luật sinh hoạt, hoạt động của người này, đánh giá những nhược điểm, sơ hở của mục tiêu và khả năng tấn công đạt hiệu quả như thế nào. Thường thì khi quả bom phát nổ, nhóm điệp viên coi như hoàn thành nhiệm vụ và trên đường thoát ra khỏi lãnh thổ gây án, chỉ để lại một người theo dõi mục tiêu "vào bẫy" để kích nổ quả bom từ xa, xong rồi điệp viên này cũng "biến" về nước.

Kịch bản này đã được tái diễn trong vụ nổ bom ám sát tiến sĩ Shahriari. Còn trong vụ nổ bom thứ hai, do người cận vệ của tiến sĩ Abbasi đã cảnh giác, ngay khi phát hiện các tay súng lạ mặt lượn xe máy đến gần đã điều xe tránh ra xa khiến chất nổ không gắn được lên xe, nhờ đó mà tiến sĩ Abbasi thoát nạn khi quả bom phát nổ.

Giới chuyên gia tình báo quốc tế cũng cho rằng Mossad là nghi can số một của vụ đánh bom hôm 29/11 vừa qua vì mấy lý do.

Thứ nhất, rất quyết liệt đòi Mỹ dùng sức mạnh quân sự tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran để ngăn Iran chế tạo "bom hạt nhân".

Thứ hai, từ lâu, tình báo Iran đã là một đối thủ khó chịu của Mossad và đã nhiều lần 2 đối thủ này từng đụng độ nhau ở trong lẫn ngoài khu vực Trung Đông. Tình báo Iran đã nhiều lần phá vỡ các âm mưu phá hoại của Mossad trong các chiến dịch dụ dỗ, lôi kéo các nhà khoa học Iran đào tẩu sang Israel và đồng minh Mỹ nhằm "hút chất xám", khiến cho Iran bị tiêu hao "nguyên khí quốc gia".

Thứ ba, gần đây, khi kênh thương lượng ngoại giao, kể cả việc áp dụng các biện pháp chế tài mạnh như lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc đã không giúp Mỹ và phương Tây đạt được mục tiêu buộc Iran ngừng chương trình hạt nhân, Mỹ và đồng minh Israel bắt đầu chuyển sang tăng cường các hoạt động tình báo vừa gây rối từ bên ngoài vừa thâm nhập vào bên trong lãnh thổ Iran để phá hoại.

Cũng không phải là thừa nếu xét phản ứng của Mỹ và Israel sau vụ việc: Trả lời báo chí về cáo buộc của Iran, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Philip J. Crowley tránh đề cập thẳng vụ việc mà chỉ nói là "không biết gì"; trong khi đó ở Israel, báo chí và giới tình báo đang tỏ ra hả hê và xem vụ đánh bom ở Tehran như một "chiến tích". 

Hiện trường vụ ám sát tiến sĩ Majid Shahriari sáng 29/11.

Ngoài những tổn thất về nhân lực và chuyên môn kỹ thuật do mất đi một bộ óc sáng giá đầu ngành năng lượng hạt nhân, 2 vụ tấn công bằng bom nhắm vào các nhà khoa học hạt nhân Iran còn đánh vào mục tiêu xa hơn, làm cho các nhà khoa học khác của Iran cảm thấy lo sợ cho sự an nguy tính mạng khi tham gia công việc nghiên cứu hạt nhân, từ đó có thể dẫn đến sự sụp đổ chương trình hạt nhân của Iran. Điều này hoàn toàn đúng nếu xâu chuỗi những sự kiện xảy ra gần đây liên quan đến chương trình hạt nhân Iran.

Gần đây nhất là vụ virus mạng máy tính có tên là Stuxnet tấn công hệ thống máy tính ở các lò phản ứng hạt nhân của Iran gây ra một số trục trặc trong vận hành các máy ly tâm có bàn tay của những kẻ muốn phá hoại chương trình hạt nhân của Iran.

Trước vụ ám sát tiến sĩ Shahriari, vào ngày 12/1/2010, tiến sĩ, giáo sư vật lý hạt nhân Massoud Ali Mohammadi cũng bị giết bằng bom điều khiển từ xa ngay trước nhà riêng; và năm 2007, nhà khoa học hạt nhân Ardeshir Hosseinpour đã bị giết bằng hơi ngạt.

Hãng tin Iran IRNA dẫn lời người đứng đầu Cơ quan Năng lượng hạt nhân Iran (AEO) Ali Akbar Salehi cho biết, tiến sĩ Shahriari là giáo sư vật lý và kỹ thuật hạt nhân tại Đại học Shahid Beheshti, đồng thời ông hiện cũng đang điều hành một "dự án lớn" cho AEO. Mất đi giáo sư Shahriari, chương trình hạt nhân Iran có thể bị hụt hẫng do thiếu mất một chuyên gia hàng đầu, đồng thời những gì ông thực hiện được trong hàng chục năm qua cũng cần nhiều thời gian để những người thay thế ông có thể tiếp cận và nắm bắt được.

Còn tiến sĩ Abbasi là giáo sư tại Đại học Imam Hossein, ông được xem là có vai trò còn quan trọng hơn giáo sư Shahriari. Là chuyên gia đầu ngành về đồng vị phóng xạ và nguyên lý dẫn truyền neutron - cốt lõi quan trọng nhất của ngành năng lượng hạt nhân. Ông hiện là Cố vấn cho Bộ Quốc phòng và đang nằm trong danh sách cấm vận của Liên Hiệp Quốc do liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.