Người hết lòng với việc sửa "sản phẩm lỗi" của xã hội

Thứ Bảy, 09/08/2008, 10:45
Tôi hỏi anh công tác giáo dục ở trại giam là gì? Anh bảo: Đó là tổng hợp của rất nhiều những công việc có tên và không tên, nhưng nếu ví phạm nhân là những “sản phẩm tồi”, “sản phẩm bị lỗi” của xã hội thì khi mãn hạn tù được trở lại cộng đồng, người đó có thể sẽ được cải tạo để trở thành một “sản phẩm tốt”, “sản phẩm có ích” hơn. Giáo dục trại giam là như thế.

Đi lên từ gian khó

Không chỉ ở Trại giam số 5, Cục V26, Bộ Công an, mà với hầu hết các đoàn công tác đã từng đến làm việc, đặc biệt là với cánh nhà báo chúng tôi, cái tên Nguyễn Văn Vân đã trở nên thân thuộc. Là bởi hầu hết với những đoàn khách đến, Thượng tá Nguyễn Văn Vân thường được cử thay mặt Ban lãnh đạo trại đứng ra đón tiếp, và đón tiếp chu đáo.

33 năm có lẻ gắn bó với trại, gắn bó với mảnh đất hiểm trở miền núi nằm trên địa bàn 3 huyện Yên Định, Ngọc Lặc và Cẩm Thủy của tỉnh Thanh Háóa này, Thượng tá Vân đã trải qua hầu hết các công việc, từ cảnh sát bảo vệ, trực ban, cờ đỏ, quản giáo, nghiệp vụ - giáo dục, kiểm tra Đảng, phụ trách phân trại và giờ là Phó giám thị.

Nếu mặc thường phục, ít ai nghĩ anh lại là người đang phụ trách công tác giáo dục cho cả nửa vạn phạm nhân nơi đây. Dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt hiền lành, miệng thường trực nụ cười dễ mến nhưng người tiếp xúc vẫn cảm giác luôn có cái gì đó rất nguyên tắc trong phong cách của người Phó giám thị ấy.

Nhớ lại những ngày đầu về công tác tại Trại giam số 5, từ năm 1975 đến 1982, Thượng tá Vân bảo, đó là một giai đoạn rất gian khổ nhưng đáng tự hào của những người cán bộ công an làm công tác trại giam thời kỳ ấy. Chưa kể là đường sá đi lại còn khó khăn như đặc điểm chung của các trại giam khác, ngay cả cơ sở vật chất trong trại cũng quá nghèo nàn.

Trại nằm nơi thâm sơn cùng cốc, heo hút đến gai người giữa ba bề bốn bên là núi non hiểm trở, cán bộ đã được phân công đến đây đều phải là những người bản lĩnh lắm mới đủ sức bám trụ lại. Bấy giờ điều kiện sống có gì đâu, nhà tranh vách đất, mái lợp lá cọ. Anh em cán bộ, chiến sĩ phải tự an ủi, động viên nhau vượt qua thiếu thốn hàng ngày để hoàn thành nhiệm vụ.

Đời sống cán bộ còn khó khăn là thế, thì phạm nhân cũng chẳng thể đủ đầy. Bảo rằng tất cả thì hơi quá, nhưng phải thừa nhận rằng đa phần phạm nhân đều có tư tưởng trốn trại. Chỉ có điều trốn được hay không còn là do cách quản lý, giáo dục của cán bộ trại mà thôi.

Vất vả thế nhưng trong ký ức của người giám thị, đó vẫn là một giai đoạn tuyệt vời của tinh thần vượt qua gian khó, hết lòng tận tụy với công việc của người cán bộ quản lý trại giam. Có những lúc quản giáo phải chia sẻ khẩu phần, nhu yếu phẩm của chính mình cho phạm nhân để rồi từ đó mà cảm hóa, hướng thiện cho họ... Phạm nhân mãn hạn tù được ra trại, còn người cán bộ trại giam vẫn phải ở lại để tiếp tục công việc của mình. Người mãn hạn ra tù, kẻ phạm tội mới vào chịu án. Công việc thì vẫn vậy, chỉ có người thì mỗi ngày một già đi.

Hôm đến Trại 5, tôi được chứng kiến một “lớp học” chuẩn bị cho một đợt phạm nhân ra trại. Như lúc nhập trại, phạm nhân phải học về nội quy trong trại thì trước khi tái hòa nhập cộng đồng, họ lại được các cán bộ trại giam truyền đạt những kiến thức như Luật Giao thông, Luật Cư trú, khái quát tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, thực hành chống các tệ nạn xã hội, cách phòng tránh HIV/AIDS...

Nói tóm lại là những gì thiết thực nhất trong phạm vi có thể mà cần thiết cho người xa cách cộng đồng đã lâu. Với những người bình thường, chuyện này nghe có vẻ “chẳng có gì”. Nhưng thực tế, để rút ra được điều gì cần thiết phải bổ sung cho những con người bị khiếm khuyết đó là cả một quá trình đúc kết tâm huyết của những cán bộ quản lý trại giam.

Mỗi quý tôi ký 10 nghìn chữ ký

Có người bảo, đã đi tù rồi thì còn gì nữa đâu mà phải thi đua với chả phân loại. Thượng tá Vân kịch liệt phản đối quan điểm này. Từ một cậu học trò nghèo ở Thọ Xuân với tấm bằng bổ túc văn hóa, Nguyễn Văn Vân đã phải phấn đấu không ngừng. Học sơ học, trung học rồi trở thành người đầu tiên ở Trại 5 thi đỗ Học viện Cảnh sát Nhân dân, Thượng tá Nguyễn Văn Vân hiểu rất rõ giá trị của nỗ lực bản thân.

Bởi thế, anh rất ủng hộ chủ trương xếp loại phạm nhân theo từng tuần, từng tháng, từng quý để có được một kết quả đánh giá chuẩn xác cho cả năm. Ví như một phạm nhân phải chịu án 20 năm, thì ngay từ khi vào trong trại, phạm nhân ấy sẽ được học để biết được rằng, nếu muốn được sớm giảm hình phạt thì sẽ phải làm như thế nào. Gần 5.000 phạm nhân, một quý giám thị trại phải ký cả 10 nghìn chữ ký phân loại. Tuy có thêm thủ tục, mất thời giờ hơn, nhưng thực tế đã chứng minh rất hiệu quả.

 

Đầu giờ xuất trại của một tốp phạm nhân.

Ở bên ngoài, có thể đó là những tay anh chị khét tiếng hay những kẻ “bán trời không văn tự”, thì khi đã vào đến đây, họ buộc phải ý thức được việc mình đang làm. Phạm nhân, dẫu có bị tước quyền tự do tạm thời thì cũng vẫn là con người, luôn muốn “người ta biết đến mình”. Đó là tâm lý muốn “hơn” người, đúng hơn là muốn “tự khẳng định mình”, thì ai mà chẳng có. Điều quan trọng là, trong quản lý hay giáo dục, muốn hiệu quả thì phải khơi dậy được điều ấy trong con người họ.

Nói như thế nhưng là người lâu năm công tác trong lực lượng quản lý trại giam, Thượng tá Vân thừa nhận không phải lúc nào hiệu quả của công tác giáo dục ở trại giam cũng được như mong muốn. Nhiều trường hợp gần như bất lực, chỉ tách họ ra khỏi xã hội cho yên ổn đi thôi. Có phạm nhân mang theo trong người 5 - 7 tiền án, vào trại rồi còn kỷ luật lên kỷ luật xuống, thì giáo dục sao nổi?

Những loại “đại bàng” nhà giam thời buổi này không còn tồn tại nữa, nhưng không phải vì thế mà yên chuyện. Đến cái thông báo cải tạo còn chẳng biết gửi về đâu thì lấy gì ra để đảm bảo rằng con người ấy, khi được trở lại với xã hội sẽ không tái phạm tội? Nói đến đây, Thượng tá Nguyễn Văn Vân trầm hẳn. --PageBreak--

Có phạm nhân chuẩn bị đến ngày mãn hạn, bố anh ta trực tiếp lên gặp thẳng giám thị và xin... các anh đừng thả nó ra! Là bởi gia đình đã quá ngán ngẩm với thành tích “bất hảo” của cậu con trai rồi. Lại có trường hợp con gái của phạm nhân viết thư đến giám thị, xin “các chú đừng thả bố cháu, bố cháu về say rượu lại đánh mẹ con cháu. Mẹ cháu chết mất các chú ơi...”.

Còn có “anh chàng” sắp mãn hạn tù, đến tâm sự với giám thị rằng khi về sẽ “bỏ vợ vì nó dám coi thường em”. Anh Vân tức quá nói rằng, anh phải quỳ xuống mà lạy vợ anh thì có! Mười lăm năm nay người vợ ấy hy sinh tuổi thanh xuân, làm lụng cật lực để có tiền thăm nuôi anh, vậy mà giờ sắp đến ngày đoàn tụ, anh lại ăn nói như thế!

Rồi lại có lần, một bà cụ lưng còng xuống rồi, vẫn còn khẩn khoản xin được gặp giám thị để “đề đạt nguyện vọng”. Hóa ra bà cụ muốn lên xin cho thằng cháu nội phạm tội đang bị giam giữ ở đây về nhà để “nối dõi tông đường”. Ở nhà, bà cụ đã chuẩn bị đầy đủ chăn bông, đệm cưới rồi, nên lên đây xin cho cháu về... cưới vợ! Khổ thế, trại giam là nơi thi hành án, là nơi người vi phạm pháp luật phải chịu tội trước pháp luật, trước cộng đồng, chứ đâu phải là nơi có quyền xét xử ai.

Cực chẳng đã, Thượng tá Vân đã phải ngọt nhạt giải thích với bà cụ thế này: “Bà ra mà hỏi cái “ông áo sọc” kia, rằng nó có thương bà không? Nếu nó thương bà, thì đã không làm những chuyện phi pháp như thế để mà phải vào đây”. Chính phạm nhân mới là người quyết định mình sẽ về sớm hay về muộn bằng chính ý thức lao động cải tạo của họ!

Giật mình mới biết mình đang ở nhà

Thượng tá Nguyễn Văn Vân tâm sự, làm quản lý trại giam lâu năm, thấy nghề này cũng có “bệnh nghề nghiệp”. Nhiều lúc tự thấy mình phải nghiêm túc hơn, tự nghiêm khắc với chính bản thân mình. Có như thế mới khiến cho phạm nhân nể phục mà giáo dục được họ.

Nhớ hồi trẻ, khi còn chưa biết đến chỉ vàng là cái gì, thì đã phải quản lý những phạm nhân từng “đốt” tiền tỉ của Nhà nước. Chẳng có gì là họ chưa từng cả. Vậy nên đối phó với những trường hợp ấy, chỉ có sự chín chắn, nghiêm túc của người cán bộ là thứ vũ khí sắc bén nhất. Nhưng cũng chính vì thế mà người cán bộ quản lý trại giam, đôi khi phải sống... “già” trước tuổi của mình.

Thượng tá Vân bảo, lớp người như các anh, nói ra chẳng phải để chờ đợi điều gì cho mình nữa. Nhưng phải nói để có một sự thông cảm cho lớp những cán bộ, chiến sĩ trẻ đang tiếp nối công việc quản lý trại giam bây giờ. Quản giáo hay gì thì cũng là con người, đều có nhu cầu học hỏi, giao lưu, tiếp xúc như những người trẻ tuổi khác. Nhưng vì công việc, vì trọng trách mà xã hội đã giao cho, nhiệm vụ cải hóa con người mà họ phải đến đây, ở nơi núi rừng heo hút này.

Cuộc sống vật chất bây giờ tuy đã được cải thiện hơn rất nhiều theo mặt bằng chung của một xã hội đang đi lên, nhưng những cách trở thực sự về mặt địa lý thì vẫn hiện hữu. Làm sao để giảm bớt thiệt thòi mà vẫn để cho các cán bộ trẻ bây giờ được cống hiến, phấn đấu hết mình là một bài toán khó đặt ra cho lực lượng Cảnh sát trại giam, cho xã hội.

Rồi thì chính căn “bệnh nghề nghiệp” ấy lại “phát tác” ngay cả những lúc anh về nhà, ở nhà với vợ, con. Vợ anh là cán bộ thuộc Đội An ninh, Công an thành phố Thanh Hóa. Cậu con trai cả đang học chuyên Sử, Trường Lam Sơn, Thanh Hóa. Cô con gái đang học cấp cơ sở. Chẳng cách nhau bao xa nhưng vì công việc, anh ở trại suốt, tháng về nhà được 2 lần, việc ở nhà phó mặc cho chị mà vẫn êm xuôi.

Chỉ có điều, ở trên trại, tiếp xúc với nhiều đứa trẻ hư nên mỗi lần về nhà, dường như có những lúc anh tự cảm thấy mình hơi quá khắt khe với con. Cũng may, cả hai con của anh chị đều ngoan cả. Nhiều lúc đang có công việc gia đình, lên đến hồi căng thẳng, giật mình mới nhớ ra là mình đang ở nhà, lại phải thay đổi cách giải quyết vấn đề.

Mặc dù vậy, Thượng tá Vân vẫn tâm sự rằng đối với các bậc cha mẹ, khi con cái vẫn còn đang nằm trong tầm kiểm soát thì nên cố gắng làm thật tốt việc ấy. Mình làm Phó giám thị trại giam, quản lý hàng ngàn người, khi về nhà vẫn sẵn sàng rửa bát, giặt quần áo cho con để nó học bài hay đi chơi thể thao lành mạnh. Nhưng đi chơi lông bông, không biết đi đâu thì không được. Chỉ vài lần như thế là hỏng ngay.

Giáo dục con cái, có thể chiều chuộng, nhưng thiếu sự quan tâm là “ăn đòn” với những thói hư, tật xấu của xã hội ngay lập tức. Đó là bài học đúc kết từ những trường hợp cụ thể mà anh bắt gặp trong công tác. Va chạm với chúng nhiều, anh Vân dám khẳng định trẻ em hư, phạm tội thì lỗi lớn nhất thuộc về gia đình. Bố mẹ, anh chị không làm gương được cho con cái thì lớn lên, đứa trẻ ấy khó mà đi đúng đường được.

Anh Vân bảo, người làm công tác quản lý trại giam cũng giống như nghề bác sĩ, đâu mong mình có nhiều tù nhân. Người cảnh sát trại giam mong rằng, qua những bài học thực tế từ những thân phận lầm lỗi ấy, rút ra được những phương cách phòng chống hữu hiệu cho chính gia đình mình, cho những người xung quanh mình và rộng hơn, mong muốn cho xã hội

Việt Anh
.
.