Những “chiêu” đòi nợ quái gở tại Hà Nội:

Nguồn cơn “tín dụng đen” và vòng xoáy nghiệt ngã

Thứ Sáu, 01/04/2011, 16:50
Liên tiếp trong những ngày qua, trên địa bàn Hà Nội xảy ra một số vụ đòi nợ có tính chất côn đồ gây bất bình trong dư luận nhân dân, như bắt giữ con, tra tấn mẹ; không đòi được tiền nợ của mẹ thì tạt axít con…

Dường như "rút kinh nghiệm" từ bài học các công ty thu nợ đã bị Cảnh sát hình sự Hà Nội xử lý mấy năm về trước khi gây ra những vụ xiết nợ, đòi nợ bằng dao búa, các đối tượng chuyên  thu nợ cá nhân đi vào hoạt động kín đáo hơn nhưng cũng không kém phần manh động, liều lĩnh. Đi tìm nguyên nhân của các vụ đòi nợ thuê dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật như nêu trên cho thấy, đa phần các vụ việc đều xuất phát từ vay nợ "tín dụng đen".

Liên kết giang hồ để hoạt động "tín dụng đen"

Trở lại vụ việc bắt giữ con, tra tấn mẹ để đòi nợ vừa được Công an quận Đống Đa khám phá. Đối tượng chính trong vụ án này là Triệu Thị Nguyệt (39 tuổi) ở Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội.

Theo các điều tra viên Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận Đống Đa, trước khi hoạt động cho vay "tín dụng đen", Nguyệt kiếm sống bằng "nghề" ghi lô đề và 2 tiền án về tội "đánh bạc" của Nguyệt cũng xuất phát từ việc kiếm tiền bất hợp pháp này. Mới học hết lớp 5, khi nghề kinh doanh lông gà lông vịt của làng Triều Khúc, Thanh Trì đã "hết thời", để nuôi 4 đứa con nhỏ, từ việc ghi lô đề, Nguyệt chuyển sang cho vay lãi, hụi họ... cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng kinh doanh "tín dụng đen" muốn tồn tại được phải có trong tay đội quân đi thu tiền hiệu quả. Nghề "tín dụng đen" cũng có sự cạnh tranh với nhau. Mặc dù thuộc loại rắn mặt và cũng có "số má" nhưng dù sao vẫn là đàn bà, Nguyệt hiểu rằng nếu không có "giang hồ" đứng phía sau thì đường dây "tín dụng" của Nguyệt khó mà phất lên được. Mặt khác đối với các con nợ khó đòi thì chỉ làm cho họ sợ mới có thể thu tiền được.

Năm 2010, Nguyệt quyết định liên kết với Nguyễn Quốc Sơn tức Sơn "Thảo" , một giang hồ có máu mặt về "số má" ở phố Thái Hà, phường Trung Liệt. Sơn "Thảo" có 5 tiền án về các tội cướp, cưỡng đoạt, trộm cắp tài sản, vừa ra tù. Sơn thu nạp "đàn em" cũng toàn những kẻ lông bông, đầu trộm đuôi cướp, từng ra tù vào tội, cùng Nguyệt điều khiển chúng đi thu tiền lãi hàng ngày. Từ ngày dựa vào Sơn, việc làm ăn của Nguyệt quả là thuận lợi hơn.

Hiện trường vụ dùng súng để giải quyết mâu thuẫn vay nợ tại đường Láng - Hòa Lạc.

Theo lời khai của Triệu Thị Nguyệt, chị Bùi Thị Oanh là một con nợ từ nhiều năm nay. Hai người quen nhau từ hơn 10 năm về trước, khi chị Oanh tới Triều Khúc thuê nhà, còn Nguyệt là "thổ dân" ở đây. Chị Oanh đã vay tiền của Nguyệt nhiều lần trước đó và cũng có trả, có nợ. Đến trước ngày 9/3, Nguyệt thống kê lại tổng số tiền gốc và lãi mà chị Oanh còn nợ là 150 triệu đồng. Số tiền nợ này tính ra cũng không phải là nhiều, nhưng có lẽ ỷ thế dựa vào Nguyễn Quốc Sơn, Triệu Thị Nguyệt đã có những hành vi ngông cuồng, bất chấp pháp luật.

Sau nhiều lần đòi nhưng chị Oanh chưa có tiền để trả, rạng sáng 10/3, cho rằng đến nhà vào thời điểm khuya khoắt này con nợ sẽ khó có đường mà trốn, Nguyệt dẫn đám nhân viên thu nợ đến nhà riêng chị Oanh. Do chị Oanh đêm đó không có nhà, Nguyệt ra lệnh cho bọn đàn em vào giường bế con chị Oanh là cháu Đỗ Phương Ngọc Nhi, 4 tuổi, đi theo chúng và yêu cầu chồng chị Oanh có trách nhiệm bảo vợ gom đủ tiền đến trả mới được nhận con về. Hôm sau, khi chồng chị Oanh đến đòi con, Nguyệt một mặt trả lại cháu bé, mặt khác cử 2 đối tượng "mai phục" chờ chị Oanh về sẽ bắt giữ để đòi tiền.

Rạng sáng 11/3, các đối tượng bắt được chị Oanh ở khu vực đình Kim Liên nên gọi điện thoại thông báo cho Nguyệt biết. Nguyệt cùng các đối tượng đưa chị Oanh về nhà thuê trọ của Nguyễn Trường Sơn (đàn em của Nguyễn Quốc Sơn, quen biết nhau khi ở trong tù) ở ngõ 25 phố Vũ Ngọc Phan, phường Láng Hạ. Tại đây, Nguyễn Trường Sơn và Nguyễn Sỹ Đạt dưới sự chỉ đạo của Triệu Thị Nguyệt đã  tra tấn chị Oanh rất dã man, dùng kìm điện, dao đập vào đầu, vào mặt, dùng cờ lê gõ vào đầu gối...

Hậu quả của trận tra tấn, chị Oanh bị gãy 2 xương sườn và nhiều vết thương bầm tím trên cơ thể. Hành hạ nạn nhân chán tay, đến 4h sáng cùng ngày, chúng thả cho chị Oanh về nhà. Hiện Công an quận Đống Đa đã bắt giữ Triệu Thị Nguyệt, Nguyễn Trường Sơn, Nguyễn Sỹ Đạt và đang tiếp tục truy bắt các đối tượng đồng bọn bỏ trốn.

Tiếp xúc với Triệu Thị Nguyệt tại Cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa, chỉ có một lần duy nhất tôi thấy người đàn bà này cúi xuống, đôi mắt đỏ hoe. Đó là lúc tôi hỏi về 4 đứa con của chị ta, nếu có người bắt giữ như cái cách chị ta đã làm đối với mẹ con chị Bùi Thị Oanh thì sao? Rồi Nguyệt thanh minh số tiền đòi chị Oanh, cũng không hẳn là tiền của Nguyệt. Bản thân Nguyệt là chủ nợ, nhưng để có tiền cho vay, Nguyệt lại đi vay của người khác nên buộc chị ta phải bằng mọi cách để đòi tiền về.

Có thể Nguyệt nói thật. Và nếu như vậy, đằng sau Triệu Thị Nguyệt có thể còn những đối tượng khác "bơm tiền" cho Nguyệt hoạt động "tín dụng đen" với mục đích thu lợi. Đây chính là những phần chìm của tảng băng mà chỉ những đối tượng hoạt động trong lĩnh vực này mới biết rõ.

Đòi nợ thuê còn nhiều diễn biến phức tạp

Thượng tá Đào Thanh Hải, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC45)  Công an TP Hà Nội  cho biết, năm 2007, sau khi Công an Hà Nội xử lý mạnh vụ lợi dụng danh nghĩa công ty thu nợ Phương Đông để hoạt động đòi nợ, xiết nợ bằng hình thức côn đồ, loại hình công ty thu nợ đến nay không phát triển thêm. Nhưng các đối tượng lưu manh hoạt động đòi nợ cũng "quái" hơn, không sử dụng bạo lực trong đòi nợ mà dùng những "chiêu" quái dị để gây sức ép cho con nợ như thuê các đối tượng thương binh "đóng trại" ngay trước cửa nhà con nợ nhiều ngày, cắt cử người đi theo con nợ và cố tình cho con nợ biết có người theo dõi nhằm tạo tâm lý bất an, tạo ra các tình huống khiến con nợ cảm thấy không an toàn, lo lắng hoặc dùng lời nói hàm ý đe dọa...

Kinh khủng nhất là những pha "khủng bố" bằng chất thải, thuê các đối tượng dùng phân tươi trộn dầu nhớt đổ vào cửa nhà con nợ lúc nửa đêm. Những hành vi này  gây bức xúc cho nhân dân nhưng theo quy định của pháp luật, nếu có bị phát hiện thì cũng chỉ dừng ở mức phạt hành chính.

Thượng tá Đào Thanh Hải khẳng định,  trên địa bàn Hà Nội chưa xuất hiện những tổ chức đòi nợ chuyên nghiệp, mà chỉ dừng ở những hoạt động đòi nợ tự phát. Những vụ việc sử dụng vũ khí "nóng" để đòi nợ, thường liên quan đến việc giải quyết mâu thuẫn nợ nần giữa các đối tượng hình sự, côn đồ. Đối với người dân bình thường, do bức xúc của việc đòi nợ không trả, lại bị kích động của người bị hại, cộng thêm sự thiếu hiểu biết về pháp luật đã dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật khác như gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật

Đứng ở góc độ xã hội, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trong năm 2010 đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của người dân. Đã xảy ra nhiều vụ vỡ nợ, vỡ hụi họ... kéo theo gia tăng các vụ  đòi nợ thuê. Điển hình như vụ anh Lưu Văn Vương (27 tuổi), kỹ sư xây dựng làm việc tại công trường tòa nhà KeangNam, đường Phạm Hùng, con trai bà Thiều Thị Bản, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Gia Lộc, Thanh Hóa đã bị "đối tác" làm ăn của bà Bản là Đỗ Danh Khánh, Giám đốc Công ty Cổ phần XNK Thịnh An thuê người bắt giữ trái pháp luật hơn 1 tuần nhằm mục đích bắt mẹ trả nợ. Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội đã vào cuộc giải cứu anh Vương khi các đối tượng khống chế tại một nhà nghỉ ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Hay mới đây nhất, cũng từ mâu thuẫn nợ tiền trong làm ăn tại dự án xây dựng chợ Túc Duyên (Thái Nguyên) với bà Trần Thị Chúc, sau khi không đòi được tiền, đêm 12/3, Bùi Duy Minh, Giám đốc Công ty Xây dựng Hà Thái đã phục thù bằng cách tạt axít vào người anh Nguyễn Tiến Thuận, con trai bà Chúc khiến nạn nhân bị bỏng nặng. Tại Cơ quan Công an, Minh khai nhận khi đòi tiền không được, anh ta đã gửi đơn tới cơ quan pháp luật nhưng lại bị bà Chúc nhắn tin thách thức, Minh vô cùng bức xúc đã nghĩ ra cách trả thù hèn hạ và độc ác trên.

Xác định tính chất phức tạp của hoạt động đòi nợ thuê, Công an Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp như chủ động rà soát, phát hiện các mối quan hệ làm ăn giữa những nhóm người phát sinh mâu thuẫn để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ xác minh, nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm sẽ tổ chức răn đe phòng ngừa và áp dụng các biện pháp hành chính. Đây là một nội dung nằm trong nhóm giải pháp phát hiện những mâu thuẫn xã hội để phòng ngừa trọng án đã được Phòng PC45 thực hiện.

Tuy nhiên, Thượng tá Đào Thanh Hải cũng nhận định, cùng với sự phát triển của xã hội, gia tăng các quan hệ vay mượn dân sự thì hiện tượng đòi nợ thuê không chấm dứt mà còn có những diễn biến phức tạp. Do đó, Cơ quan Công an khuyến cáo người dân khi liên quan đến các khoản nợ vay mượn dân sự, cần gửi đơn đến Tòa án dân sự để được giải quyết theo pháp luật. Nếu người vay nợ có những dấu hiệu chiếm đoạt thì gửi đơn tố cáo tới cơ quan pháp luật, không nên "tự xử" dễ dẫn đến vi phạm pháp luật khi không kiềm chế được bản thân.

Về phía các cơ quan thực thi pháp luật, đã đến lúc cần thiết phải tổng kết, đánh giá tình trạng phạm pháp hình sự từ việc đòi nợ, để có biện pháp giải quyết, phòng ngừa hiệu quả, kể cả sửa đổi quy định của pháp luật nếu có kẽ hở.

"Tín dụng đen" ngày càng phát triển nhưng khó xử lý, vì sao?

Thượng tá Nguyễn Văn Thái, Đội trưởng Đội Điều tra án kinh tế, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV (PC46) Công an Hà Nội phân tích, hoạt động "tín dụng đen" là bất hợp pháp nhưng lại đang là hình thức cho vay phổ biến hiện nay bởi nhiều yếu tố: điều kiện vay dễ dàng, vay bao nhiêu cũng có, người vay không phải làm các thủ tục rườm rà, không cần thẩm định tài sản thế chấp, thậm chí không bị nhũng nhiễu như khi vay tín dụng tại ngân hàng. Nhiều người buôn bán, kinh doanh do cần vốn nhanh thường tìm đến "tín dụng đen", chấp nhận lãi suất cao, chấp nhận "luật chơi" mà các đối tượng "tín dụng đen" đặt ra.

Vì vậy đã hình thành những đường dây, tổ chức hoạt động "tín dụng đen" núp bóng dưới hình thức cầm đồ, kinh doanh bất động sản, dịch vụ đáo nợ ngân hàng... Bản chất vay mượn cá nhân là quan hệ giao dịch dân sự bình thường giữa hai bên. Nhưng từ đây phát sinh "biến thể" như người vay không sử dụng đúng mục đích vay tiền như đã cam kết ban đầu dẫn đến khả năng không thanh toán được. Để đòi nợ hợp pháp, chủ nợ phải có đơn khởi kiện ra tòa theo đúng trình tự tố tụng dân sự. Nhưng không mấy khi các chủ nợ thực hiện vì thủ tục kéo dài, việc thu hồi tài sản để đảm bảo thi hành án là rất khó khăn. Do đó, dẫn đến việc hình sự hóa quan hệ dân sự, chủ nợ gửi đơn tố cáo con nợ và đề nghị Cơ quan Công an phải xử lý hình sự.

Tuy nhiên, việc phân biệt giữa quan hệ dân sự và hình sự trong vấn đề vay nợ cá nhân là rất phức tạp. Cơ quan Công an phải chứng minh được dấu hiệu của tội phạm như gian dối để không trả nợ, từ chối nợ hoặc bỏ trốn của người vay nợ. Trong khi đó, con nợ cũng có nhiều thủ đoạn để đối phó như vẫn xác nhận nợ, trả nợ nhỏ giọt, hứa hẹn trả nợ nhưng thực tế không trả... Đây chính là kẽ hở của pháp luật hiện nay. Bức xúc vì không đòi được tiền, nhiều chủ nợ đã tự giải quyết bằng cách thuê mướn các đối tượng hoạt động đòi nợ thuê.

Chủ nợ chấp nhận phần thu hồi ít, trả công thật cao cho các đối tượng đòi nợ với hy vọng vớt vát được đồng nào hay đồng ấy. Bị "ma lực" đồng tiền hấp dẫn, các đối tượng đòi nợ dùng mọi thủ đoạn, là nguyên nhân gia tăng tội phạm hình sự trong thời gian gần đây, hình thành các băng nhóm đòi nợ kiểu "xã hội đen", thuê thương binh, sử dụng các đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự đi thu nợ, dùng vũ lực, hung khí và cả vũ khí "nóng" để đe dọa, gây áp lực cho con nợ... dẫn đến các vụ cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, thậm chí cả án mạng.

Đối với các đối tượng hoạt động "tín dụng đen", thực chất là cho vay lãi suất cao nhưng để xử lý theo tội danh cho vay nặng lãi, phải chứng minh được tỉ lệ lãi suất cao gấp 10 lần lãi suất ngân hàng và có tính chất bóc lột, chuyên nghiệp. Việc chứng minh này cũng hết sức khó khăn do các đối tượng đối phó bằng cách cho vay với lãi suất dưới mức  sẽ bị xử lý hình sự về tội cho vay nặng lãi (lãi suất cao 8-9 lần so với lãi suất ngân hàng). Mặt khác, bản thân các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" thường sử dụng "đầu gấu" để thu nợ khiến người vay nợ nếu bị vay lãi suất cao cũng không dám tố cáo.

Vũ Hương
.
.