Nguy cơ lây lan HIV/AIDS trong hàng ngũ IS

Thứ Ba, 11/08/2015, 17:30
Hệ thống y tế ở Syria suy sụp do cuộc nội chiến khốc liệt và đẫm máu kéo dài 4 năm qua. Ở Raqqa, thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), hoạt động chữa trị bệnh nhân không an toàn và hành vi quan hệ tình dục bừa bãi dẫn đến nguy cơ lây lan HIV/AIDS là rất cao trong tổ chức này.

Bác sĩ Abu Osama Al-Raqqawi (không phải tên thật) cho biết: "HIV/AIDS đang là mối lo sợ lớn nhất cho IS do tình trạng thiếu thiết bị y tế xét nghiệm phát hiện virus ở Raqqa. Có nhiều nguyên nhân có thể khiến cho chiến binh người nước ngoài bị nhiễm HIV. Một trong số đó là, máu được truyền giữa các chiến binh với nhau hay máu từ nguồn cung cấp không được xét nghiệm mầm bệnh".

Syria và một số nước khác thuộc khu vực Trung Đông có tỷ lệ nhiễm HIV thấp. Trước khi chiến tranh nổ ra vào năm 2011, Syria có hệ thống bệnh viện tương đối tốt, cung cấp chương trình kiểm tra sức khỏe miễn phí cho công dân, bao gồm cả xét nghiệm HIV. Nhưng hiện nay, rất nhiều bệnh viện không còn nằm trong quyền kiểm soát của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và thuốc chữa bệnh cũng thiếu thốn trầm trọng do thiếu nguồn cung cấp. Thực tế này cho thấy thành phố "Raqqa đang bị tàn sát trong thầm lặng".

Nguy cơ lây nhiễm HIV cũng tăng cao giữa chiến binh IS và đối tượng quan hệ tình dục của họ. Wahda, một người mẹ từ chối một số chiến binh IS muốn cưới con gái của bà, cho biết: "Nhiều chiến binh nước ngoài cưới vợ chỉ được vài tháng rồi sau đó chết trận. Tôi biết có những cuộc hôn nhân chỉ kéo dài một ngày. Không ai được kiểm tra sức khỏe hay xét nghiệm mầm bệnh. Trong khi đó dưới chế độ Assad, mọi người đều phải qua xét nghiệm HIV/AIDS trước khi tiến đến hôn nhân".

Chiến binh người Indonesia bị chặt đầu vì lây nhiễm HIV cho thành viên IS.

Theo những người dân đang sống ở Raqqa, hệ thống y tế ở đây khá tốt khi thành phố còn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, đặc biệt là đối với phụ nữ. Mặc dù có các bác sĩ và y tá nữ trong các bệnh viện và có cả bệnh viện dành riêng cho phụ nữ, song quy định "đàn ông và đàn bà không được tiếp xúc với nhau" của IS khiến cho công việc chữa trị gặp nhiều khó khăn trong những trường hợp cấp cứu.

Fatma 17 tuổi con gái của Wahda giải thích: "Nếu chồng hay con trai không đi kèm với bệnh nhân nữ thì bác sĩ nam không thể kiểm tra cho bệnh nhân. Đây thật sự là vấn đề trong những trường hợp cấp cứu".

Người dân khó tìm mua được thuốc trong các hiệu thuốc ở Raqqa. Các bệnh viện do IS kiểm soát không có khả năng chữa trị những bệnh hay ca phẫu thuật phức tạp, ví dụ như bệnh ung thư. Do đó, người dân vẫn phải đến những vùng còn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Assad để mua thuốc. Wahda thường đi sang Thổ Nhĩ Kỳ để được kiểm tra y tế  và cho biết giá xét nghiệm máu ở nơi đây là 10 USD nếu đến bệnh viện công, còn ở bệnh viện tư là 20 USD.

Hình ảnh video của IS tuyên truyền về một bệnh viện do chúng kiểm soát có nhiệm vụ chính là truyền máu cho chiến binh. Trong ảnh là bác sĩ IS người Australia tự xưng là Abu Yusuf.

Nhiều bác sĩ và sinh viên y khoa mới tốt nghiệp - cả người Arập lẫn phương Tây - có mặt tại Raqqa nhưng họ lại thiếu kinh nghiệm chữa trị những vết thương do đạn pháo gây ra. Tình hình rối loạn đến mức IS phải chuyển chiến binh bị thương của họ đến thành phố Mosul ở miền Bắc Iraq, nơi có nhiều bệnh viện tốt hơn. Do đó hiện nay, các video tuyển mộ của IS cũng tập trung vào các đối tượng làm việc trong ngành y.

Một bác sĩ Australia tên là Tareq Kamleh đã gia nhập IS sau khi xem một video tuyên truyền được cho là quay tại Raqqa. Tháng 6/2015, một người đàn ông tự xưng là Abu Amir al-Mujahir thực hiện một video kêu gọi các bác sĩ Hồi giáo ở Sudan và Anh gia nhập IS.

Theo báo cáo của chính quyền Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, trong tháng 3 và tháng 6 vừa qua có 2 nhóm sinh viên y khoa Sudan (bao gồm quốc tịch Anh) mượn đường Thổ Nhĩ Kỳ để vào vùng lãnh thổ do IS kiểm soát.

Từ tháng 6/2015, IS đã cho thành lập một trung tâm AIDS ở thành phố Al- Mayadeen của Syria sau khi tình trạng nhiễm HIV lan tràn do chiến binh quan hệ với nô lệ tình dục. Một chiến binh IS tự xưng là "Abu Qatada" bí mật tiết lộ về những trường hợp nhiễm AIDS giữa các chiến binh: "Lúc đầu chúng tôi phát hiện một trường hợp. Đó là một người quốc tịch Indonesia hiến máu cho một chiến binh IS trong bệnh viện".

Abu Qatada khẳng định người Indonesia đã nhiễm HIV khi đến tỉnh Hasaka của Syria cách đây 1 năm do đó hắn bị chặt đầu vì gây tổn hại cho thành viên IS. Một cuộc điều tra khác của IS cũng phát hiện ít nhất 2 chiến binh gốc Arập Xêút bị nhiễm HIV sau khi cưỡng hiếp những nữ nô lệ tình dục người Yazidi.

Di An (tổng hợp)
.
.