Nhà sáng lập WikiLeaks sẽ bị tử hình nếu dẫn độ sang Mỹ?

Thứ Tư, 16/03/2011, 08:05
Ngày 24/2 vừa qua, sau phiên tòa kéo dài 3 ngày, tòa án quận Belmarsh phía nam thủ đô London đã ra phán quyết dẫn độ Julian Assange sang Thụy Điển vì cho rằng các cáo buộc về xâm phạm tình dục là đủ nghiêm trọng để thực hiện quyết định này. Tại Thụy Điển, ông Assange sẽ phải đối mặt với các cáo buộc cưỡng hiếp và quấy rối tình dục.

Như thường lệ, Julian Assange đã lên tiếng phản đối. Theo Julian Assange, những rắc rối mà công dân quốc tịch Australia 39 tuổi này gặp phải là do trang WikiLeaks đã công bố hàng chục nghìn tài liệu mật của Mỹ, đặc biệt là các báo cáo quân sự về cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan. Julian Assange cho rằng phiên tòa tại London thực chất chỉ là một thủ tục để chính thức hóa việc dẫn độ ông chủ trang mạng WikiLeaks sang Thụy Điển.

Ngay sau khi có quyết định trên, luật sư bào chữa cho ông Assange khẳng định sẽ kháng cáo phán quyết của Tòa sơ thẩm Belmarsh. Ông Mark Stephens, luật sư của Julian Assange nói: "Chúng tôi vẫn hy vọng rằng vụ việc sẽ được giải quyết ngay tại Anh. Chúng tôi lạc quan về khả năng sẽ kháng cáo thành công". Các luật sư của Assange lo ngại rằng, nếu bị dẫn độ sang Thụy Điển, nhà sáng lập WikiLeak có thể sẽ bị tiếp tục dẫn độ sang Mỹ, nơi ông có nguy cơ đối mặt với án tử hình vì tội tiết lộ thông tin mật của ngành ngoại giao Mỹ.

Phát biểu sau phiên tòa, Assange chỉ trích hệ thống luật pháp châu Âu khiến ông bị bắt giam vào tháng 12/2010, xung quanh những cáo buộc ông lạm dụng tình dục hai người phụ nữ ở Thụy Điển. "Đó là kết quả của sự rối loạn trong hệ thống lệnh bắt giam của châu Âu. Chẳng hề có sự suy xét nào trong cả quá trình về những lý lẽ phải trái liên quan tới những cáo buộc chống lại tôi" - Hãng tin AFP dẫn lời Assange nói với 100 phóng viên đến từ khắp nơi trên thế giới.

Assange có 7 ngày để kháng án và nếu thất bại, ông sẽ bị dẫn độ về Thụy Điển trong vòng 10 ngày sau đó. Đơn kháng án có thể đưa lên tòa án cấp cao hơn và cuối cùng là Tòa án tối cao của Anh. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, thủ tục dẫn độ Julian Assange sang Thụy Điển sẽ vẫn còn rất phức tạp và có thể kéo dài nhiều tháng nữa.

Trong bản giải trình 74 trang, các luật sư của ông Assange cho rằng, một khi bị dẫn độ sang Thụy Điển, sẽ có nguy cơ Mỹ đề nghị nước này đưa Assange sang Mỹ và có thể sẽ bị giam giữ ở trại tù Guantanamo.

Assange là người đã khiến cả ngành ngoại giao Mỹ nổi giận sau khi ông công bố trên website WikiLeaks hàng nghìn bức điện tín mật của các nhà ngoại giao nước này. Tuy nhiên, cơ quan công tố Thụy Điển muốn ông trình diện để thẩm vấn vì hai phụ nữ nước này cáo buộc ông xâm hại tình dục họ hồi tháng 8/2010.

Cuối năm ngoái, ông Assange đã ra trình diện cảnh sát ở London và được phép tại ngoại nhưng phải tuân thủ những điều kiện nghiêm ngặt. Assange cho hay ông luôn tin rằng cuối cùng thì ông sẽ được trắng án.

Tuy nhiên, bà Claire Montgomery, luật sư công tố của Thụy Điển, cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy một khi bị đưa về Thụy Điển, ông Assange phải đối mặt với nguy cơ bị dẫn giải sang Mỹ. Theo lời bà Montgomery, nếu Mỹ muốn Thụy Điển dẫn độ ông Assange sang Mỹ thì trước tiên việc này phải được phía Anh chấp thuận.

Bà Montgomery cũng bác bỏ lập luận của các luật sư biện hộ cho ông Assange cho rằng, Viện Công tố Thụy Điển đang lạm dụng tiến trình ban hành lệnh bắt giữ khẩn cấp của Liên minh châu Âu. Bà cho biết hiện nay Viện Công tố Thụy Điển chỉ muốn thẩm vấn chứ chưa quyết định liệu sẽ truy tố ông Assange hay không. Trong khi đó nếu muốn bác bỏ yêu cầu dẫn độ ông Assange về Thụy Điển, tòa án ở Anh chủ yếu xem xét trên hai yếu tố: liệu lệnh dẫn độ này có vi phạm nhân quyền của nghi can hay không và liệu lệnh bắt giữ có tuân thủ đúng quy trình pháp lý hay không.

Chính quyền Mỹ cũng đã xem xét việc có thể truy tố ông Assange về tội tiết lộ các bức điện mật hay không nhưng chưa có kết luận chính thức.

Ông Assange mới đây cũng đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Australia hãy giúp ông hồi hương. Trong lời kêu gọi được thu âm sẵn được phát tại một diễn đàn tổ chức ở Melbourne đầu tháng 2/2011, ông Assange lên tiếng cảm tạ những ủng hộ viên WikiLeaks và cho biết, trang mạng này sẽ vẫn tiếp tục công bố những tài liệu mật.

Tuy nhiên, ông Assange yêu cầu chính quyền Australia phải hỗ trợ ông: "Hiện có nhiều người đã lên tiếng kêu gọi hạ sát tôi và nhân viên của WikiLeaks. Đây là những lời kêu gọi phi pháp và kích động bạo lực. Tuy nhiên chính quyền Australia vẫn làm ngơ trước các hành động này".

Ông Assange cũng lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Australia: "Bà Julia Gillard phải thực hiện những bước đi tích cực để đưa tôi trở về nước và phải lên tiếng bảo vệ người dân. Bà phải liên hệ với Tòa đại sứ Mỹ và yêu cầu phía Mỹ lui bước. Nhìn về tương lai, như từ trước tới nay, chúng tôi vẫn cương quyết tiến bước. Với sự giúp đỡ và hỗ trợ của quý vị, chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn đầy bão tố hiện nay...".

Trong một diễn biến khác, WikiLeaks đã tiếp tục tiết lộ những bức điện thư ngoại giao cho hay trong các cuộc gặp gỡ với nhiều viên chức Mỹ có liên quan tới tân Phó tổng thống Ai Cập Omar Suleiman và Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.

Việc công bố mới nhất này khiến người ta phải đặt dấu hỏi về tính trung thực của ông Suleiman trong các cuộc hòa đàm ở Trung Đông.

Theo các tài liệu này, ông Suleiman cáo buộc Tổ chức Huynh đệ Hồi Giáo đã đào tạo nhiều phần tử cực đoan vũ trang. Vào năm 2008, ông Suleiman đã lên tiếng cảnh báo rằng, nếu Iran hỗ trợ cho tổ chức này thì Tehran sẽ trở thành kẻ thù của Ai Cập. Tài liệu cũng cho hay Mỹ không tin điều ông Suleiman mô tả tổ chức này là "những tên ma quỷ".

Thực ra người dân Ai Cập không lạ gì quan điểm riêng của ông Suleiman đối với Tổ chức Huynh đệ Hồi Giáo, tuy nhiên việc tiết lộ ở thời điểm nhạy cảm này khiến người ta tự hỏi liệu ông có phải là người thích hợp để dẫn đầu các cuộc thương lượng với các đại diện phong trào biểu tình rầm rộ ở Ai Cập gần đây hay không?

M.T. (tổng hợp)
.
.