Nhân viên bảo vệ hay côn đồ?

Thứ Tư, 08/07/2009, 10:10
Liên tiếp trong thời gian gần đây, xảy ra nhiều vụ việc nhân viên của một số công ty bảo vệ tư nhân (thường gọi là vệ sĩ) hành hung người khác. Chưa bàn đến chuyện đúng - sai, nhưng lối hành xử "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" của những nhân viên này có thể khẳng định đó là hành động côn đồ.

Cuối năm ngoái, xảy ra một vụ việc mà người dân ở phố Phủ Doãn, Hà Nội còn nhớ: nhân viên bảo vệ của Công ty Dịch vụ Bảo vệ Hoàng Long hành hung người nhà bệnh nhân. Sự việc xảy ra chỉ bắt đầu từ một nguyên nhân rất nhỏ. Chả là, Bệnh viện Việt - Đức có quy định: từ 7h30’ đến 11h là thời gian điều trị, thăm khám  bệnh nhân, ngoài một người được phép ở lại để chăm sóc bệnh nhân (người này sẽ đeo thẻ do bệnh viện phát), không một người nào được bén mảng đến khu vực điều trị.

Hôm đó, đúng vào khoảng thời gian này khi anh Trịnh Xuân Lợi chưa kịp đeo thẻ trước ngực và đang nói chuyện điện thoại với người nhà để thông báo tình hình cấp cứu của mẹ anh thì một nhân viên bảo vệ của Công ty Dịch vụ Bảo vệ Hoàng Long hất hàm, xẵng giọng đuổi anh Lợi ra khỏi khu vực bệnh nhân nằm. Nhưng vì đang dở dang với cuộc điện thoại như đã nói nên thay vì giải thích bằng lời anh Lợi rút tấm thẻ trong túi quần ra chìa trước mặt nhân viên bảo vệ ý muốn nói: thẻ của tôi đây, đừng đuổi tôi nữa.

Thế là, chẳng nói một lời, nhân viên bảo vệ ấy xông vào đấm, đá anh Lợi đồng thời còn hô hoán, gọi đồng nghiệp đến “dạy” cho anh Lợi một bài học vì cái “tội”: “Tinh tướng”. 3 nhân viên bảo vệ của Công ty Hoàng Long xúm vào đánh "hội đồng" anh Lợi đến mức phải cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn. Sự việc sau đó đã được Công an phường Hàng Bông giải quyết.

Mặc dù sự đã xảy ra từ lâu nhưng khi kể lại sự việc với chúng tôi, Trung tá Tô Quốc Đồng, Phó trưởng Công an phường vẫn trong tâm trạng bức xúc. Anh nhớ rõ rằng, buổi làm việc giữa Công an phường và Đội bảo vệ hung hăng ấy diễn ra khá căng thẳng. Khi ấy, đội trưởng đội bảo vệ (hiện nay người này đã không làm việc ở đây nữa) đã khăng khăng quan điểm: theo quy định của bệnh viện, trong giờ cấm, nhân viên bảo vệ có quyền cưỡng chế tất cả những ai không có thẻ!

Tuy nhiên, theo Trung tá Tô Quốc Đồng, vấn đề quan trọng ở chỗ anh Lợi có thẻ nhưng chưa kịp đeo vào cổ. Và người bảo vệ khi biết điều đó phải giải quyết linh hoạt, mềm dẻo chứ không thể áp dụng quy định một cách cứng nhắc.

Cũng trong năm 2008, một bưu tá thường xuyên chuyển bưu phẩm, thư từ đến Bệnh viện Việt - Đức cũng bị nhân viên bảo vệ ở đây hành hung cho thâm tím mặt mày với lý do: đi xe đạp vào trong bệnh viện. Thật ra, việc đi xe đạp của bưu tá là thói quen do công việc tạo ra. Và chiếu theo quy định của Bệnh viện Việt - Đức thì việc làm này của bưu tá nọ  là không đúng.

Song ở đây, vấn đề cốt lõi mà chúng tôi muốn bàn đến là cách giải quyết của bảo vệ thuộc Công ty Hoàng Long quá manh động, hung hãn đối với người vi phạm quy định. Họ không ý thức một cách đầy đủ rằng, từ chỗ thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm giữ gìn an ninh trật tự tại bệnh viện  sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật nếu họ đánh người. Bởi việc thực hiện nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ở bệnh viện hay bất kể ở đâu cũng phải được dựa trên cơ sở pháp lý chứ không thể là “phép vua thua lệ làng”.

Một vụ việc khác xảy ra tại Bệnh viện Việt - Nhật, vụ này đã từng rùm beng trên báo chí. Nạn nhân là anh Nguyễn Thế Thanh, 46 tuổi, thường trú tại xã Bối Cầu, huyện Bình Lục, Hà Nam. Anh Thanh đi chăm sóc bố đẻ là ông Nguyễn Thế Phúc, bị bệnh phổi nằm ở Việt - Nhật đã hơn 1 tháng.

Bệnh viện Việt - Nhật quy định: Sau 21h, mỗi bệnh nhân chỉ được một người ở lại thăm nuôi. Nhưng như luật bất thành văn, thời gian này bao giờ cũng được du di thêm nửa tiếng và trong nửa tiếng ấy nhân viên bảo vệ sẽ đi kiểm tra tất cả các phòng nếu phát hiện ai không thực hiện đúng quy định sẽ bị yêu cầu ra ngoài. 

Hôm đó cũng như mọi ngày, trước khi ra ngoài ngủ, anh Thanh nán lại thêm ít phút để chuẩn bị cẩn thận cho cô em gái ở lại chăm sóc bố được dễ dàng, chu đáo. Trong khi đang chuẩn bị thì anh Thanh được một số bảo vệ yêu cầu ra khỏi khu vực cấm. Anh Thanh chấp hành ngay theo yêu cầu của họ. Thế nhưng không hiểu sao, khi đi đến cửa thang máy ở tầng 6, bất ngờ anh bị 2 bảo vệ ở Bệnh viện Việt - Nhật vô cớ xông vào đánh đấm túi bụi. Hoảng quá, anh Thanh chạy thục mạng xuống tầng 3 thì không phải là 2 như lúc trước mà là 6 bảo vệ dồn ép, tấn công liên tiếp bằng cách đấm đá vào người anh. Chịu không nổi, anh ngất xỉu ngay trên chiếu nghỉ của cầu thang bộ tầng 3.

Quá bức xúc trước tình trạng con trai mình bị đánh một cách vô cớ, ông Phúc dù vẫn đang trên giường bệnh đã viết đơn gửi đến các cơ quan chức năng, báo chí để kêu cứu. Trong đơn ông nêu rõ: "... Lúc con trai tôi thoát khỏi trận đòn "hội đồng" của các nhân viên bảo vệ là 21h15’, tức là lúc ở trong phòng tôi, cháu chưa "phạm" vào giờ tối đa như bệnh viện đã quy định. Con tôi cũng không có bất kỳ hành động gì khiến những nhân viên bảo vệ kia phải nổi nóng để rồi bị đánh như "đòn thù". Tôi thiết nghĩ, bệnh viện là một môi trường cần được bảo vệ nghiêm túc và có những hành xử có văn hóa".

Các nhân viên bảo vệ côn đồ này đều thuộc Công ty Dịch vụ Bảo vệ an ninh Cộng Lực, đơn vị được hợp đồng để bảo vệ tại Bệnh viện Việt - Nhật. Tại Công an phường Phương Mai, nơi giải quyết vụ việc, một lãnh đạo của Công ty Cộng Lực cũng thừa nhận ông đã phải đi giải quyết hậu quả cho 3 vụ việc tương tự vào thời gian trước đó. Tuy nhiên, bên cạnh việc thừa nhận như vậy, vị lãnh đạo này lại bao che cho nhân viên của mình một cách không thể chấp nhận được. Vì anh Thanh chạy trốn nên mới bị các nhân viên bảo vệ đánh "hội đồng"!

Phi lý hơn nữa khi vị lãnh đạo ấy còn cho rằng sự việc giữa nhân viên bảo vệ ở Việt - Nhật với anh Thanh chỉ là "giằng co quá tay", mà "giằng co" thì có người khỏe hơn, người yếu hơn. Với người yếu hơn nếu chẳng may bị thương, cùng lắm chỉ xin lỗi, bồi thường sức khỏe, tiền thuốc thang là xong. Với "tư duy" như vậy, hèn gì lãnh đạo Công ty Cộng Lực chả phải đi giải quyết tới 4 lần việc nhân viên của mình đánh người và có thể còn nhiều lần khác nữa.

Anh Huy phải cấp cứu ngay tại bệnh viện nơi mà vợ và con anh đã nằm.

Tại một bệnh viện phụ sản cũng xảy ra sự việc tương tự. Nạn nhân là anh Huy, nhà ở Hà Nội. Hôm đó, vui mừng vì được đón vợ con về nhà, như bao người chồng, cha khác, anh Huy phấn khởi gọi xe taxi đỗ vào tận khu nhà vợ anh nằm để tránh cho vợ con anh phải đi bộ trên quãng đường nắng chiếu gay gắt. Thế mà, chẳng hiểu sao khi chiếc taxi đã dừng bánh ở đây, bảo vệ của bệnh viện lại buộc chiếc xe quay ra ngoài.

Bất bình vì việc này, anh Huy lời qua tiếng lại với nhân viên bảo vệ và anh đã nói: "Quy định của bệnh viện đúng là "tiền hậu bất nhất". Thế là bảo vệ của bệnh viện ấy xông vào cho ăn đòn đủ với các chiêu đấm đá. Họ còn lấy bộ đàm to cỡ viên gạch đập liên tiếp vào đầu khiến anh Huy chảy máu ròng ròng phải cấp cứu chính tại bệnh viện đó.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an (C13) tính đến tháng 12/2008, đã có gần 500 công ty dịch vụ bảo vệ ở 28 địa phương với khoảng 40.000 nhân viên. Thượng tá Lê Xuân Điến, Phó trưởng phòng Hướng dẫn công tác quản lý vũ khí, đặc doanh, con dấu (Phòng 3), người theo dõi, quản lý sát sao lĩnh vực này trong nhiều năm qua  cho biết, tình trạng hành hung người của nhiều nhân viên bảo vệ trước hết do cơ sở căn bản đầu tiên là Luật chưa chặt chẽ, bất cập cụ thể ngay ở quy định đầu tiên là trang phục dành cho nhân viên của những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ bảo vệ không rõ ràng. Cho nên nhiều công ty bảo vệ may trang phục cho nhân viên rất giống trang phục của công an.

Hay quy định cách gọi đối với các công ty dịch vụ bảo vệ. Mặc dù Luật định: Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ bảo vệ ngoài tên riêng, phải gọi là Công ty dịch vụ bảo vệ nhưng một số doanh nghiệp vẫn ngang nhiên "trương" chữ "vệ sĩ" rõ mồn một ở phù hiệu. Do chưa có điều khoản xử lý về điều này nên cơ quan hữu trách chưa biết giải quyết ra sao. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất chính là ở khâu đào tạo, tuyển dụng của các công ty dịch vụ bảo vệ.

Các doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ hiện nay tuyển người ồ ạt, chỉ quan tâm đến số lượng mà không coi trọng chất lượng, đặc biệt là nhân thân của người được tuyển dụng. Còn chương trình đào tạo của các doanh nghiệp hiện nay thì thiếu tính chuyên nghiệp, sơ sài một cách trầm trọng. Họ chỉ tập trung dạy võ thuật nhưng cũng chỉ dạy từ 2-3 tháng trong khi pháp luật, văn hóa ứng xử là những lĩnh vực cũng rất cần thiết cho người hành nghề bảo vệ lại không được coi trọng, thậm chí bị loại bỏ ra khỏi chương trình đào tạo.

Theo Thượng tá Lê Xuân Điến, tới đây, sẽ áp dụng nghị định, thông tư mới về công tác quản lý cũng như hoạt động trong dịch vụ bảo vệ. Theo đó, đối với các doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ phải thực hiện quy định: chỉ các trường của lực lượng Công an, Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ Công an và các doanh nghiệp có đủ điều kiện về giáo dục dạy nghề mới có nhiệm vụ đào tạo nhân viên bảo vệ. Nội dung đào tạo sẽ gồm các môn: nghiệp vụ bảo vệ, kiến thức cơ bản về pháp luật, phòng cháy, sơ cứu, cấp cứu nạn nhân, quân sự vũ thuật và một số nội dung cơ bản về nghiệp vụ bắt giữ tội phạm. Ngoài ra còn có một nội dung vô cùng quan trọng đó là chứng chỉ đào tạo nhân viên bảo vệ sẽ do cơ sở đào tạo cấp thay vì chứng chỉ này do chính doanh nghiệp tuyển dụng bảo vệ cấp như trước đây.

Thượng tá Lê Xuân Điến đánh giá: "Quy định này sẽ vừa giúp cho công tác quản lý "đầu vào" lẫn "đầu ra" của các nhân viên bảo vệ một cách hiệu quả, vừa bảo vệ được quyền lợi của nhân viên bảo vệ. Bởi từ trước tới nay, để bảo toàn chi phí đào tạo đồng thời "giữ chân" được nhân viên, nhiều doanh nghiệp sau khi đào tạo giữ lại chứng chỉ mà không trả cho người hành nghề bảo vệ". Thông tư mới cũng quy định vũ khí được phép sử dụng của lực lượng bảo vệ duy nhất là gậy điện.

Về lực lượng bảo vệ theo yêu cầu, Đại tá Vũ Bá Dạc, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội đã nhận định, nếu tiếp tục môi trường quản lý, hoạt động còn thiếu chặt chẽ, thiếu nghiêm túc như hiện nay, việc một số nhân viên bảo vệ trở thành côn đồ sẽ chỉ là  trong gang tấc. Cho nên, cần thiết lập lại trật tự trong lĩnh vực này một cách nhanh chóng và hiệu quả

Tú Anh
.
.