Nhân viên bệnh viện tâm thần buôn... ma túy

Thứ Ba, 22/05/2007, 16:00
Có lẽ điều khá bất ngờ với các trinh sát phòng chống ma túy Công an Hà Tây khi ập vào nhà Nguyễn Thị Thảo (hiện là y sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh Hà Tây, đóng trên địa bàn xã Phúc Lâm. ở Phúc Lâm) bắt quả tang chị ta đang bán ma túy cho 2 con nghiện, thu 2 ống morphin và 1 ống seduxen là loại thuốc tân dược gây nghiện.

Từ lời khai của Thảo và chồng chị ta là Hồ Văn Nhâm, các trinh sát nhanh chóng mở rộng điều tra, bắt giữ cặp vợ chồng Nguyễn Văn Thẩm  và Hoàng Thị Kim Liên, trú ở Hòa Bình (Thường Tín), chủ Cửa hiệu thuốc tân dược Kim Liên ở  trước cổng Bệnh viện Tâm thần TW thuộc địa bàn huyện Thường Tín.

Theo vợ chồng Nhâm - Thảo thì Thẩm không chỉ là nơi tiêu thụ mà còn là nguồn cung cấp thuốc TDGN và HTT cho họ. Không chỉ có Thảo, trong khi bắt, khám xét Thẩm - Liên, các trinh sát phát hiện, bắt giữ một người phụ nữ  rất đáng ngờ có mặt trong hiệu thuốc.

Khám trong chiếc túi xách của chị ta, các trinh sát phát hiện, thu giữ 30 vỉ thuốc tân dược gardenal. Người phụ nữ này là Bùi Thị Kim, trú ở Phúc Lâm (Mỹ Đức), cũng là y sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh Hà Tây, một người thường xuyên quan hệ, cung cấp hàng cho Thẩm.

Nhà thuốc số 6 của Nguyễn Thị Hoa.

Với số lượng thuốc bị thu giữ khá lớn, Thẩm khai nhận, nguồn hàng ấy anh ta có được là nhờ móc nối, lén lút buôn bán thuốc TDGN và HTT với anh em một người bạn trước đây cùng học lớp dược tá ở Hà Nội.

Người bạn ấy là Nguyễn Duy Phú, quê ở Thanh Sơn (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), hiện là trình dược viên (TDV) của Công ty TNHH Thành Đạt. Phú còn giới thiệu cho ông anh họ là Tống Văn Đạt, cũng là TDV của Công ty TNHH Thành Đạt.

Trong 3 lần móc nối làm ăn, 2 vị TDV đã tiếp thị,  bán cho Thẩm 138 ngàn viên seduxen, 90 ngàn viên melokuxen và 48 ngàn viên diazempam. 

Lập dự trù khống, lấy TDGN bán... ra ngoài

Sau khi hay tin dữ về Thẩm, hai anh em Phú, Đạt hốt hoảng bỏ trốn nhưng họ đã bị các trinh sát bắt giữ khi lẩn trốn ở Thanh Hóa và Việt Trì. Hai vị TDV này khai rằng, nguồn thuốc họ “khai thác” được đem bán cho Thẩm là từ kho của... Chi nhánh dược Thanh Sơn (Phú Thọ).

Chính Nguyễn Thị Quynh, Giám đốc chi nhánh dược Thanh Sơn đã trực tiếp chỉ đạo việc buôn bán này. Các điều tra viên PC17 Công an tỉnh Phú Thọ hoàn toàn không bất ngờ khi Quynh bị PC17 Công an tỉnh Hà Tây bắt giữ. Bởi trước đó, vào tháng 1/2006, Quynh đã từng bị PC17 Công an tỉnh Phú Thọ xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy chế quản lý thuốc TDGN và thuốc HTT.

Liên tục trong 6 tháng đầu năm 2006, Quynh chỉ đạo Nguyễn Thị Tuyết Tâm, cán bộ nghiệp vụ của Chi nhánh 5 lần lập dự trù mua 208 ngàn viên seduxen và 144 ngàn viên mekoluxen tại Công ty Cổ phần Dược phẩm (CTCPDP) Phú Thọ.

Nhằm hợp lý hóa số hàng này, sau khi nhận hàng về kho, Quynh chỉ đạo Tâm và Bùi Việt Cường, cán bộ nghiệp vụ Chi nhánh dược viết hóa đơn “khống” thuốc HTT theo số lượng mà Quynh ấn định cho từng TDV. Thậm chí có hóa đơn Quynh tự tay viết

Sau đó, Tâm hoặc Cường ký phần người bán hàng trong hóa đơn, Quynh ký, đóng dấu phần Thủ trưởng đơn vị rồi chuyển hóa đơn liên 2 xuống kho cho Phùng Văn Khoa và Nguyễn Đăng Khoa là thủ kho dược và thủ quỹ của Chi nhánh dược.

Quynh chỉ đạo Nguyễn Đăng Khoa, Phùng Đăng Khoa, Tâm và Cường đưa hóa đơn liên 2 xuất “khống” thuốc HTT cho các TDV có tên trong hóa đơn. Các TDV có nhiệm vụ hợp lý hóa hóa đơn, tránh việc thanh, kiểm tra phát hiện bằng cách lập dự trù “khống” xin mua thuốc theo số lượng thuốc ghi trong hóa đơn và ghi lùi ngày so với hóa đơn, vào sổ nhập, xuất thuốc HTT bán lẻ...

Làm như vậy, không những họ được chi nhánh trừ vào doanh số khoán mà còn  được hưởng 9% lương theo doanh số, không phải nộp tiền mua theo hóa đơn. Vì thế các TDV mới dễ dàng nhận hóa đơn thực hiện theo yêu cầu của chi nhánh mà không cần biết chi nhánh sử dụng số thuốc hướng thần ấy làm gì?

Ngoài số “hàng” bán cho Đạt, Quynh chỉ đạo nhân viên Chi nhánh dược chuyển một số seduxen và mekoluxen bán cho bà Cao Thị An, dược sĩ nghỉ hưu, chủ cửa hiệu thuốc ở cổng Bệnh viện tỉnh Phú Thọ và em gái Quynh là Nguyễn Thị Hoa, nhân viên chi nhánh dược, bán hàng tại quầy thuốc số 6, gần Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Sơn. Sau khi nghe tin Quynh bị bắt, bà An đã mang đến nộp cho Cơ quan CSĐT 5.300 viên seduxen.

Đôi điều cảnh báo

Theo các vị quản lý CTCPDP Phú Thọ thì việc Chi nhánh Dược Thanh Sơn không cần qua Phòng Y tế huyện để duyệt dự trù mua thuốc TDGN và HTT là đúng với quy chế quản lý thuốc HTT và Phòng Y tế huyện không có thẩm quyền duyệt dự trù đối với nhà thuốc doanh nghiệp?

Công ty có quyền quyết định việc phân phối nội bộ cho các chi nhánh trực thuộc để kinh doanh thông qua mạng lưới bán lẻ và cung úng cho các đơn vị trên địa bàn nhằm mục đích phục vụ người bệnh? Có lẽ vì cái lý này mà Quynh mới dám tự tung, tự tác, tự lập dự trù để lấy các loại thuốc nằm trong danh mục các chất ma túy  bán trái phép ra ngoài kiếm lời?

30 vỉ thuốc thu được trong túi xách của Bùi Thị Kim, y sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh Hà Tây đưa đi giám định được xác định đều là thuốc phenobarbital, tổng trọng lượng 45,90gr, hàm lượng phenobarbital trung bình 99,6 mg/viên. Hoạt chất phenobarbital nằm trong danh mục các chất ma túy.

Qua điều tra làm rõ, từ tháng 4/2006 đến tháng 6/2006, Kim đã lĩnh thuốc gardenal tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Hà Tây theo sổ điều trị ngoại trú của 2 bệnh nhân Nguyễn Duy Thuật, trú ở Tuy Lai (Mỹ Đức) và Lê Đình Trường, trú ở Đồng Tâm (Mỹ Đức).

Nguyễn Thị Quynh và Nguyễn Thị Thảo.

Gia đình 2 bệnh nhân này nhờ Kim lĩnh thuốc hộ nhưng rồi chị ta đã ỉm đi sử dụng vào mục đích tư lợi. Theo quy định của bệnh viện thì mỗi cán bộ, y, bác sĩ chỉ được phép lĩnh hộ thuốc TDGN và thuốc HTT cho một người nhà ruột thịt là bệnh nhân, không được lĩnh thuốc thay, hộ người bệnh. Trong khi đó, anh Thuật và anh Trường không hề có quan hệ ruột thịt gì với Kim?

Trong đường dây buôn bán thuốc TDGN và HTT này, Giám đốc Nguyễn Thị Quynh cùng một số cán bộ, nhân viên Chi nhánh Dược Thanh Sơn là Phùng Đăng Khoa, Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Tuyết Tâm, Bùi Việt Cường và các đối tượng Nguyễn Thị Thảo, Nguyễn Văn Thẩm, Hoàng Thị Kim Liên, Nguyễn Duy Phú, Tống Văn Đạt và Cao Thị An đã bị Cơ quan CSĐT Công an Hà Tây khởi tố về hành vi mua bán trái phép chất ma túy.

Còn 2 đối tượng Hồ Văn Nhâm và Bùi Thị Kim bị khởi tố về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy. Điều đáng nói, trong số 14 bị can này có 12 người đang hoạt động trong ngành y, dược.

Hiện Cơ quan CSĐT Công an Hà Tây đã hoàn tất kết luận điều tra chuyển sang VKSND tỉnh để truy tố các bị can này trước pháp luật. Vụ án thêm lời cảnh báo về công tác quản lý thuốc TDGN và HTT, cần chấn chỉnh để sử dụng đúng mục đích phục vụ việc điều trị cho người bệnh

Hoàng Yến
.
.