Nhật Bản: Chiến dịch loại trừ xã hội đen

Thứ Ba, 22/02/2011, 11:25
Sau hàng trăm năm hoạt động bất hợp pháp, Yakuza giờ đây phải đối mặt với chiến dịch tiêu trừ xã hội đen của Chính phủ Nhật.

Do tổ chức tội phạm Yakuza tại Nhật Bản hoạt động rất mạnh và bao trùm gần như toàn bộ đất nước nên hễ nói đến xã hội đen tại đây người ta mặc định gán cho Yakuza.

Yakuza xuất hiện hồi thế kỷ XVII và hiện có khoảng trên 100.000 thành viên đang hoạt động dưới quyền chỉ huy của 2.500 băng nhóm tội phạm. Đối với những người theo tổ chức này, họ tự coi mình là những người cực đạo, hoặc nghĩa hiệp chứ họ không nhận mình như những gì giới cảnh sát và truyền thông thường gọi - nhóm bạo lực hoặc xã hội đen.

Yakuza ở Nhật chia thành 5 tổ chức lớn: Yamaruchi, Sumizoshi, Ydagagaw, Yzukotesu và Toakai. Hầu hết những tổ chức này đều lấy tên rất đẹp như Hoàng đạo hội. Họ tự coi mình là những người nghĩa hiệp, nhưng thực sự việc làm của họ thì hầu hết trái pháp luật. Điều lạ là một số người trong tổ chức xã hội đen này lại xuất thân từ giai cấp quý tộc, Samurai. Sự khác biệt giữa Yakuza với Thiên Địa Hội, Bạch Liên Giáo của Trung Quốc hay mafia ở Italia ở chỗ: Yakuza vừa hoạt động công khai lẫn bí mật.

Các tổ chức Yakuza thường có một văn phòng với một tấm biển gỗ treo ở cửa trước, công khai tên hoặc biểu trưng của chúng. Các thành viên thường đeo kính râm và mặc những bộ đồ sặc sỡ để những người khác có thể nhận ra "nghề nghiệp" của chúng một cách dễ dàng. Ngay cả cách đi của nhiều thành viên Yakuza cũng hoàn toàn khác dân thường.

Hoạt động của Yakuza chủ yếu dính đến các mặt của xã hội đen: buôn lậu ma túy, cờ bạc, gái mại dâm, bảo kê, hoặc còn chen vào những nơi như đua ngựa, đua xe, đua thuyền, đôi khi cũng dính vào chính trị và chứng khoán và mới đây còn dính đến tổ chức Sumo, hiệp hội võ thuật cổ truyền danh tiếng của Nhật. Cụ thể trong vụ gần đây nhất, Yakuza mua những vé ngồi hạng nhất, ngay chỗ truyền hình chiếu ống kính trong những trận đấu Sumo với mục đích là để cho đàn em trong tù của họ thấy được mặt, nhằm trấn an tư tưởng.

Yakuza cũng có nhiều phe phái. Có những phe hoạt động theo kiểu tàn ác, nhưng cũng có những phe hoạt động ôn hòa hơn. Những tên Yakuza theo phe ác, tức là không từ bỏ bất cứ hành vi gì miễn là tuân lệnh trên, từ giết người cướp của, cưỡng hiếp... Khi vi phạm, thành viên sẽ phải tự chặt một ngón tay út để tạ lỗi. Còn những loại gangster “hiền” hơn, có thể do bản chất không thích hợp hoặc có thể do họ không muốn, thì họ chọn những hình thức phạm tội khác như buôn lậu, mua đồ ăn cắp bán đi bán lại... Giới này không dính tới bạo lực mà dùng đến mánh mung nhiều hơn.

Trước đây chính quyền, cảnh sát và tư pháp Nhật có thể làm ngơ trước các hoạt động của Yakuza bởi lẽ tổ chức này hoạt động vừa công khai vừa bí mật. Một phần do cảnh sát nắm khá rõ những hoạt động của tổ chức này. Phần khác, những hoạt động trong bóng tối của Yakuza trước đây nằm ở phạm vi nào đó mà cảnh sát có thể làm ngơ được. Tổ chức này chủ yếu nhắm vào các cơ sở thương mại để thu hụi chứ họ không nhắm vào người dân.

Cho tới gần đây, đa số nguồn thu nhập của Yakuza đến từ các mánh lới bảo kê những khu đèn đỏ và các hoạt động buôn bán ma túy, giải trí diễn ra trong phạm vi lãnh thổ của chúng. Điều này một phần do những người tham gia kinh doanh trong lĩnh vực này không sẵn lòng tìm kiếm sự giúp đỡ từ cơ quan an ninh.  Trong thời gian gần đây, một số nhóm Yakuza ác liên tục có những hành vi bạo lực đi xa hơn truyền thống.

Thậm chí, họ còn đánh nhau với cảnh sát và hăm dọa gia đình quan chức Nhật, hoặc chen vào những hoạt động văn hóa truyền thống của Nhật gây tai tiếng cho xã hội, điển hình như vụ Sumo vừa kể trên. Vì vậy, chỉ huy trưởng cảnh sát, Takaharu Ando, đã quyết định đối đầu với những nhóm gangster này. Takaharu Ando được người dân Nhật coi như nhân vật huyền thoại Eliot Ness, cảnh sát FBI Mỹ trước đây từng chống lại các băng đảng mafia Italia buôn lậu rượu ở Mỹ.

Trong một báo cáo công bố mới đây, Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật (NPA) nhấn mạnh, nhu cầu cấp thiết phải tấn công các băng nhóm Yakuza, hiện đã phát triển thành những nghiệp đoàn tội phạm, đang ngày càng giàu lên thông qua các vụ mua bán cổ phiếu và hùn vốn cho các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Các thành viên của thế giới ngầm tuyên bố rằng chúng có nhiều khách hàng hơn những gì công chúng biết và số tiền mà những bạn làm ăn này trả cho các dịch vụ của chúng không hề nhỏ.

Cảnh sát tuyên chiến thì có thể tạm thời đẩy lùi các hoạt động của những băng nhóm khiến chúng co cụm lại chứ nói đến chuyện diệt trừ các băng đảng này trong một thời gian ngắn là không thể

Hà Ninh (tổng hợp)
.
.