Nhật Bản: Luật kiểm soát súng nghiêm ngặt

Thứ Năm, 14/12/2017, 16:15
Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỉ lệ tội phạm liên quan đến súng thấp nhất thế giới. Chìa khóa của thành công về mặt trật tự trị an này là Nhật Bản có một số điều luật kiểm soát súng nghiêm ngặt với những bản án trừng phạt nặng nề đến mức gây kiêng dè cho cả tổ chức tội phạm nổi tiếng như Yakuza.

Đối phó với bạo lực là không sử dụng bạo lực

Luật quản lý súng hiện nay của Nhật Bản được ra đời năm 1958, nhưng nhiều nhà nghiên cứu và xã hội học thì cho rằng, ý tưởng của chính sách này được khởi nguồn từ... hàng thế kỷ trước.

Ông Iain Overton, Giám đốc điều hành tổ chức “Hành động vì bạo lực vũ trang” (Action on Armed Violence) và là tác giả của cuốn sách “Gun Baby Gun” cho biết: “Kể từ khi súng xuất hiện trong nước, Nhật Bản luôn có những luật quản lý nghiêm ngặt. Nhật là một trong số quốc gia đầu tiên thi hành các luật quản lý súng và tôi nghĩ đây là cơ sở để nói rằng súng không có vai trò gì trong xã hội dân sự. Mọi người được khuyến khích từ bỏ sử dụng hàng nóng bằng cách trả thưởng. Chính sách này có lẽ là khởi đầu cho ý tưởng mua lại súng”.

Lời khuyên cho một người muốn mua súng ở Nhật là cần phải... kiên nhẫn và quyết tâm! Vì sao? Người đó phải tham gia khóa học cả ngày, có khi cả tuần, về súng; rồi làm bài kiểm tra viết tay và vượt qua kỳ thi bắn súng với ít nhất 95/100 điểm. Chưa hết, phải kiểm tra tâm lý và kiểm tra tiền sử sử dụng các chất gây nghiện. Hồ sơ tội phạm của người đó phải được điều tra và cảnh sát tìm kiếm các mối liên hệ giữa cá nhân này với các nhóm cực đoan.

Cảnh sát cũng sẽ tìm hiểu về những mối liên hệ từ họ hàng cho đến bạn bè đồng môn, đồng nghiệp. Cảnh sát phải được thông báo về nơi để súng và đạn dược - và chúng phải được để ở nơi riêng biệt, có khóa và chìa khóa. Cùng với quyền từ chối cấp phép sử dụng súng, cảnh sát cũng có quyền tìm kiếm và thu giữ vũ khí.

Một khu phố nhỏ ở Tokyo luôn có cảnh sát tuần tra.

Như thế cũng chưa phải là tất cả vì theo luật, súng ngắn quân dụng bị cấm hoàn toàn; chỉ có súng săn và súng hơi được phép sử dụng. Luật cũng hạn chế số lượng các cửa hàng bán súng. Không thể có hơn ba cửa hàng bán súng hiện diện ở mỗi tỉnh và người đã mua súng chỉ có thể mua được đạn mới sau khi trả lại các vỏ đạn đã sử dụng từ lần mua trước.

Cảnh sát cũng kiểm tra khẩu súng được bán ra mỗi năm một lần. Và sau ba năm, giấy phép của người sử dụng súng hết hạn, người đó lại phải tham gia khóa học và lại phải vượt qua các cuộc kiểm tra hệt như lần đầu. Điều này giải thích tại sao các vụ nổ súng hàng loạt rất hiếm ở Nhật. Theo dõi báo chí, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy, trong các vụ án giết người hàng loạt, kẻ sát nhân thường sử dụng dao.

Cảnh sát Nhật hiếm khi sử dụng súng và họ coi trọng võ thuật. Tất cả cảnh sát đều có “chỉ tiêu” phải đạt đai đen môn võ Judo. Họ dành nhiều thời gian tập luyện Kendo (chiến đấu bằng kiếm tre) hơn là cách sử dụng vũ khí nóng. “Đối phó với bạo lực là không sử dụng bạo lực. Phải luôn có sự tiết chế.

Trong năm 2015, trên toàn quốc, cảnh sát Nhật chỉ phải nổ súng 6 lần” - nhà báo Anthony Berteaux nói - “Những gì cảnh sát Nhật làm là sử dụng những tấm đệm lớn để cuốn chặt những đối tượng đang gây sự hoặc say rượu vào trong và mang về đồn cảnh sát để giữ họ bình tĩnh trở lại”.

Overton nhận xét: điều này trái ngược với mô hình ở Mỹ, nơi “cảnh sát được quân sự hóa” và “nếu có quá nhiều cảnh sát rút súng để đối phó với tội phạm sẽ dẫn đến thực trạng là giữa cảnh sát và tội phạm sẽ diễn ra một cuộc chạy đua vũ trang!”.

Trở lại với cảnh sát Nhật, cách cảnh sát cẩn trọng với vũ khí nóng được phản ánh rõ trong các lực lượng tự vệ. Họ không bao giờ được mang vũ khí khi không làm nhiệm vụ. Kết thúc ca làm việc, họ phải để lại súng tại cơ quan. Nhà báo Jake Adelstein có lần tham gia một buổi tập bắn súng.

Khi kết thúc buổi tập, các vỏ đạn được thu gom lại và... đếm. Thiếu một vỏ đạn và chuyện đó khiến mọi người có mặt trong buổi tập phải sốt vó. Ông nói: “Một vỏ đạn đã biến mất có nghĩa là một viên đạn đã bị dùng sai mục đích - và thế là không một ai được phép rời khỏi vị trí trước khi vỏ đạn được tìm thấy”.

Nhưng không ai phản đối các quy định kiểm soát ngặt nghèo như vậy, vì theo như sự đúc kết của Bertaux thì: “Việc này được bắt nguồn từ lý trí của những người theo chủ nghĩa hòa bình cho rằng, chiến tranh quá kinh khủng và họ không thể để điều đó xảy ra lần nữa. Mọi người cho rằng hòa bình luôn luôn tồn tại và khi bạn có nền văn hóa như vậy, bạn thật sự không cảm thấy cần phải trang bị hay sở hữu bất cứ vật dụng gì có thể phá vỡ nền hòa bình đó”.

Một poster của cảnh sát khu vực quận Kagawa (Tokyo) khuyến cáo: “Cấm mọi vũ khí nóng”.

Theo Ian Overton, “sự phản đối đến mức gần như cấm đoán” việc sử dụng súng ở Nhật Bản không có nghĩa là nước này có tỉ lệ tội phạm bằng không. Để so sánh, ông đưa ra dẫn chứng về Iceland. Đất nước này cũng có tỉ lệ rất thấp tội phạm liên quan đến súng, mặc dù xứ sở này tỉ lệ người dân sở hữu súng là khá lớn.

Giáo sư Henrietta Moore của Viện Toàn cầu thịnh vượng (Institute for Global Prosperity) tại University College London hoan nghênh Nhật Bản không coi quyền sở hữu súng là “một quyền tự do dân sự”, và từ chối ý tưởng rằng vũ khí :nóng” là “một cái gì đó bạn sử dụng để chống lại người khác để bảo vệ tài sản của bạn”.

Bắn 1 phát súng, ngồi tù mãn đời

Đối với thế giới ngầm Nhật Bản, luật kiểm soát súng chặt chẽ là một vấn đề nan giải. Tình trạng các băng nhóm Yakuza sử dụng súng đã giảm mạnh trong 15 năm qua. Thoạt đầu, để tiếp tục sử dụng vũ khí nóng, thành viên tổ chức này tìm cách buôn lậu súng.

“Bọn tội phạm đóng gói các khẩu súng bên trong những con cá ngừ đông lạnh đổ về các kho hay chợ”, Tahei Ogawa - một sĩ quan cảnh sát đã nghỉ hưu nói - “Nhưng chúng tôi đã phát hiện thùng cá nặng bất thường vì cá phải ôm súng”.

Yakuza không chỉ nổi tiếng ở Nhật Bản mà còn cả trên thế giới và được phân chia thành trên 20 nhóm với tổng cộng chừng 40.000 thành viên. Ở Nhật Bản, Yakuza có thể được coi là thực thể hợp pháp có logo công ty riêng, danh thiếp, trụ sở văn phòng và tạp chí xuất bản hằng tháng khoe khoang chiến tích.

Tác giả Ryo Fujiwara - người viết về Yazuka lâu năm.

Yakuza nổi tiếng với những vụ tống tiền doanh nghiệp, cho vay nặng lãi cùng hàng loạt hoạt động làm ăn phi pháp khác. Súng được sử dụng chủ yếu để uy hiếp nạn nhân, thu gom tiền bảo kê và đối đầu với những kẻ cạnh tranh nhưng do luật pháp kiểm soát loại vũ khí nguy hiểm này quá chặt chẽ kết hợp với án phạt nặng nề cho nên Yakuza phải tìm cách đối phó và giải pháp nghe có vẻ nực cười được những tay giang hồ bặm trợn sử dụng là súng... giả. Tuy nhiên, súng giả thường gây ra khối chuyện khôi hài hơn là làm chết người.

Tháng 8-2015, Yamaguchi-gumi - tổ chức tội phạm lớn nhất Nhật Bản với “tuổi đời” hơn 100 năm, rạn nứt và chia tách. Kể từ đó, nhóm mới Kobe Yamaguchi-gumi thường xuyên chạm trán với Yamguchi-gumi trong những trận chiến ít đẫm máu. Dĩ nhiên, súng đồ chơi chỉ là thứ “vũ khí” được sử dụng trong những xung đột này.

Tháng 12-2016, Yoichi Yoshida, chủ tịch 49 tuổi của tập đoàn tội phạm Kobe Yamaguchi-gumi Issei-ai, dùng súng giả “bắn” vào đối thủ 46 tuổi thuộc nhóm Yamaguchi-gumi. Theo mạng truyền hình Nagoya Television và một số nguồn khác, vào ngày 29-11-2017, tại một phiên tòa xét xử ở quận Nagoya, một trùm Yakuza thuộc nhóm Kobe Yamaguchi-gumi bị tuyên án tù 3 năm vì tội đe dọa một đối thủ khác bằng... khẩu súng đồ chơi!

Ryo Fujiwara, tác giả lâu năm chuyên viết về yakuza và là tác giả cuốn sách “The Three Yamaguchi-gumi” cho biết, hình phạt đối với tội sử dụng súng trong cuộc chiến tranh băng nhóm hay trong vụ án nào đó nặng đến mức phần đông thành viên Yakuza tránh sử dụng thứ vũ khí nóng này, trừ phi dùng để ám sát một ai đó.

Ryo Fujiwara giải thích thêm: “Trong một cuộc xung đột bạo lực, bất cứ ai có hành vi nổ súng hay chịu trách nhiệm về vụ nổ súng chắc chắn sẽ phải ngồi tù cho đến mãn đời. Đó là quyết định quan trọng cho nên hậu quả cũng nghiêm trọng. Dĩ nhiên, không ai muốn tuyên bố chịu trách nhiệm về hành vi nổ súng”.

Nhưng nếu chuyện nổ súng là không thể tránh khỏi thì băng nhóm sẽ có trách nhiệm hỗ trợ gia đình sát thủ trong thời gian hắn ngồi tù, và đây là gánh nặng tài chính không nhỏ cho tổ chức tội phạm.

Yakuza chỉ nổ súng không do dự trong video game, truyện tranh hay “trong những ngày xưa cũ”.

Theo Các Luật kiểm soát gươm và vũ khí nóng của Nhật Bản, tội sở hữu bất hợp pháp 1 khẩu súng sẽ bị trừng phạt đến 10 năm tù giam. Trong khi đó, tội sở hữu bất hợp pháp hơn 1 khẩu súng sẽ ngồi tù 15 năm. Nếu sở hữu 1 khẩu súng kèm với đạn thì án phạt sẽ nặng hơn nữa. Ngồi tù chung thân là hình phạt nặng nhất dành cho tội nổ súng trong tàu hỏa, xe buýt hay các không gian công cộng.

Sau vụ Thị trưởng thành phố Nagasaki bị một thành viên nhóm Yamaguchi-gumi bắn chết năm 2007, luật kiểm soát súng của Nhật Bản còn trở nên nghiêm khắc hơn nữa.

Một sĩ quan cảnh sát trong Đội Kiểm soát tội phạm có tổ chức ở Sở Cảnh sát Osaka bình luận: “Thông thường, khi một tên Yakuza nổ súng thì chúng tôi sẽ quy cho hắn tội cố ý giết người - tội rất nặng và phải ngồi tù lâu năm. Súng giết người cho nên nếu anh sở hữu 1 khẩu súng có nghĩa là sẽ có vụ giết người”. Do đó, không Yakuza nào muốn dùng súng trừ phi đó là một tên gangster lớn tuổi chấp nhận ngồi tù cho đến chết bởi vì hắn ta không có nơi nương tựa lúc cuối đời”.

Hồi tháng 6-2017, 2 thành viên nhóm Matsuba-kai đặt mua chiếc đồng hồ đeo tay trị giá 850.000 yên (7.626 USD) và địa chỉ giao hàng là văn phòng nhóm ở quận Arakawa của Tokyo. Nhưng khi đồng hồ được giao đến nơi, một Yakuza không chịu trả tiền mặt mà rút khẩu súng giả ra đe dọa. Cảnh sát được gọi đến, bọn tội phạm bị bắt giữ và buộc tội cố ý sử dụng súng tống tiền!

Theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA), trong đất nước có hơn 125 triệu dân này, có 12 vụ nổ súng xảy ra vào nửa đầu năm 2017 giết chết 2 người và làm bị thương 3 người khác. Trong đó, 8 vụ nổ súng được tin là liên quan đến tội phạm có tổ chức.

Một thành viên cấp thấp của nhóm Kobe Yamaguchi-gumi thừa nhận: “Mọi chàng trai thông minh đều từ giã súng ống từ cách đây rất lâu. Án phạt quá nặng. Thật là chẳng sung sướng gì khi phải ngồi tù mãn đời chỉ vì bắn 1 phát súng”.

Di An - Quốc Hùng (tổng hợp)
.
.