Nhật Bản: Nạn bắt cóc con đẻ vì đổ vỡ hôn nhân

Thứ Sáu, 21/06/2013, 17:30

Nhật Bản đang có vấn đề liên quan đến bắt cóc trẻ em. Nhưng, không phải những kẻ lạ mặt bắt cóc trẻ tại công viên hay trạm xe buýt mà vấn đề là sau một cuộc ly hôn đầy sóng gió với người bạn đời ở nước ngoài, người mẹ (hay cha) sẽ ra tay bắt cóc chính con ruột của mình đem trở về Nhật Bản. Trong khi đó, luật pháp Nhật Bản không cho phép người cha (hay mẹ) ở hải ngoại quyền thăm con hay đưa đứa bé ra nước ngoài.

Theo báo cáo điều tra của Bộ Ngoại giao Mỹ, có hơn 100 trường hợp trẻ em Mỹ bị bắt cóc đưa về Nhật Bản từ năm 1994. Nhưng theo một nguồn am tường vấn đề cung cấp con số là 386  trẻ em Mỹ bị bắt cóc đưa về Nhật Bản từ các năm 1994 đến 2012!

Ngay trong đất nước Nhật Bản, ly hôn thường có nghĩa là một người cha hoặc mẹ hạn chế hoặc không được phép thăm con. Vấn đề rắc rối đối với hành vi bắt cóc con ruột một phần bắt nguồn từ luật gia đình cổ xưa ở Nhật Bản không công nhận quyền giám hộ chung. Điều đó có nghĩa là người này thậm chí không có quyền thăm con nếu như người kia phản đối.

Tháng 9/2009, Christopher Savoie - người Mỹ mang quốc tịch Nhật Bản - bị bắt giam ở Nhật Bản vì bị coi là bắt cóc hai đứa con (một trai và một gái) từ người vợ cũ ngay tại nước này. Noriko Savoie được công nhận quyền giám hộ hai đứa con với điều kiện thường trú ở Tennessee (Mỹ), nhưng chị đã vi phạm phán quyết của Tòa án Mỹ khi tự ý mang con trở về Nhật Bản. Một tháng sau đó, Christopher Savoie bị giam 18 ngày ở Nhật Bản vì tội bắt cóc trẻ em khi anh cố gắng đưa hai con về Mỹ.

Vụ án đã gây chú ý cho cả thế giới do Nhật Bản là nước duy nhất trong nhóm G-8 không tham gia Công ước Hague về ngăn ngừa bắt cóc trẻ em có hiệu lực từ năm 1983 - một hiệp ước quốc tế được 89 quốc gia ký kết trong đó quy định những đứa trẻ bị bắt cóc phải được giao trả về nơi chúng bị đưa đi. Do đó, người vợ cũ của Christopher Savoie nằm ngoài vòng ràng buộc của luật quốc tế!

Trong trường hợp khác, Mika Chiba được các bác sĩ chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt vào đầu năm 2010, và chị bị tước quyền giám hộ hai đứa con trai còn nhỏ do phải nằm bệnh viện tâm thần điều trị kéo dài 9 tháng. Do người chồng đã đưa hai con sang nước Anh nên sau khi xuất viện Chiba bay sang nước này để kiện chồng cũ ra tòa.

Mika Chiba với bức ảnh hai con trai bị bắt cóc đưa về Anh.

Căn cứ theo Công ước Hague, tháng 4/2011 Tòa án Anh ra quyết định chồng của Chiba bắt cóc hai đứa con bất hợp pháp và do đó hai vợ chồng phải trở về Nhật Bản để tòa án nước này xem xét quyền giám hộ con. Nhưng, do không có quyền giám hộ chung ở Nhật Bản đồng thời cũng vì Chiba vắng mặt 9 tháng do phải nằm viện cho nên hai đứa con được giao cho người cha chăm sóc.

Bị mất con kể từ đó Mika Chiba lên tiếng: "Tôi cho rằng Nhật Bản cần có sự thay đổi để loại bỏ tình trạng bắt cóc và cho phép nuôi con chung. Nếu như cha mẹ có thể cùng nhau chăm sóc con nhỏ sau khi ly hôn thì sẽ ít xảy ra hoặc thậm chí không xảy ra trường hợp bắt cóc nào nữa. Theo tôi, vấn đề nằm ở chỗ luật pháp Nhật Bản".

Một sĩ quan cảnh sát ở Tokyo cho biết: "Khi những đứa trẻ ở trên đất Nhật Bản mà người cha hay mẹ nước ngoài cố gắng đưa chúng về nước của họ thì chúng tôi sẽ xử lý họ là người bắt cóc - trừ phi Tòa án Nhật Bản chính thức trao cho họ quyền giám hộ. Luật là luật".

Những người cha Mỹ thuộc tổ chức BackHome biểu tình chống nạn bắt cóc trẻ em về Nhật Bản ở Washington D.C.

John Gomez, Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận mới được thành lập Kizuna Child-Parent Reunion, cho biết nhiều bác sĩ nhi khoa và các chuyên gia về chăm sóc trẻ em nhấn mạnh rằng trẻ sẽ phát triển nhanh hơn khi mối quan hệ giữa chúng với cha mẹ không bị cắt đứt, cho dù cuộc hôn nhân đã tan vỡ.

Nhưng, xã hội Nhật Bản quy định sau khi ly hôn chỉ có một người cha hoặc mẹ (nhưng thường là người mẹ) có quyền nuôi dạy con mà thôi - nghĩa là hoàn toàn không có sự giám hộ chung ở nước này - và nếu có trường hợp xảy ra bắt cóc con thì cảnh sát sẽ không xử lý như chuyện riêng của gia đình mà coi là hành vi tội phạm phải bị bắt giam! Các chuyên gia ước tính có gần 150.000 cha mẹ ly hôn ở Nhật Bản mất quyền thăm con.

Tuy nhiên, cũng có các tổ chức muốn duy trì luật pháp cổ xưa ở Nhật Bản. Như là, ngày 22/2/2011, Hội Luật sư Nhật Bản (JBA) phát đi thông điệp yêu cầu chính quyền Nhật Bản bảo đảm luật trong nước không cho phép giao trả trẻ em trở về nước cư trú của chúng nếu chúng là nạn nhân của bạo lực gia đình. Hay Mạng An toàn cho những người bảo vệ và trẻ em (SNGC) của Nhật Bản, với khoảng 50 thành viên, là nhóm ủng hộ phụ nữ bắt cóc con từ nước ngoài về Nhật Bản.

Những người cha hay mẹ bị bỏ rơi, trong đó bao gồm Christopher Savoie, tuyên bố yêu cầu của JBA là tàn bạo và chống lại quyền cùng chung chăm sóc con cái, một phần bởi vì cả hai phía khó chứng minh được sự bạo hành và thường thì đó là một trong nhiều lý do chính biện hộ cho hành vi bắt cóc.

Bà Jemery Morley, luật sư Mỹ chuyên về những vụ bắt cóc trẻ em người Nhật, cho biết hiện nay các tòa án nước ngoài đang cố gắng ngăn chặn các bà mẹ Nhật sống ở hải ngoại đưa con cái về nước này cho dù chỉ để thăm viếng gia đình - bởi vì Nhật Bản được coi là thiên đường của nạn bắt cóc trẻ em ở hải ngoại

Thục Miên (tổng hợp)
.
.