Nhật Bản: Sau những cánh cửa buồng thẩm vấn

Thứ Ba, 26/03/2013, 15:45

Trong thời gian gần đây, một phong trào phản kháng mới xuất hiện tại Nhật Bản, chỉ trích nạn ép cung có hệ thống khiến người vô tội phải vào tù. Trong khi giới hữu trách lại cho rằng tỉ lệ kết án đạt mức tối đa 99% là hết sức khả quan.

Mọi chuyện bắt đầu từ giữa năm 2012, khi những lời đe dọa nặc danh được tải lên trang web của thành phố Yokohama, cũng là đô thị lớn hàng thứ 2 ở xứ sở mặt trời mọc sau thủ đô Tokyo: "Tôi sẽ tấn công một trường tiểu học và giết tất cả học sinh trong mùa hè này".

Nhiều tháng liền sau đó lời đe dọa tương tự liên tục xuất hiện trên mạng Internet, bao gồm cả việc ám chỉ sẽ hãm hại Công chúa Toshi là người thừa kế ngai vàng xứ Phù Tang trong tương lai. Cảnh sát liền mở cuộc điều tra tiến tới việc bắt giữ 4 nghi phạm, 2 người trong đó có 1 nam sinh viên 19 tuổi đã nhận tội khi được hỏi cung.

Đột nhiên đến đầu tháng 10/2012, kẻ thực sự phát tán lời đe dọa đã gửi e-mail cho các cơ quan báo chí ở Yokohama, cũng như gửi tới  luật sư nổi tiếng Yoji Ochiai giải thích rằng đằng sau sự đe dọa ẩn chứa một virus máy tính; đồng thời muốn "phơi bày sự ngược đãi của cảnh sát và các công tố viên trước công chúng". "Tuy ngạc nhiên lúc nhận được e-mail, nhưng tôi không ngạc nhiên khi các nạn nhân bị buộc phải thừa nhận tội lỗi mà họ không phạm phải", luật sư Y. Ochiai quả quyết.

Vị luật sư này còn cho biết, sau khi đăng nội dung e-mail lên trên trang Twitter và blog cá nhân của mình, liền nhận được nhiều phản hồi chê trách cách hành xử ép cung của cảnh sát, hơn là lên án kẻ rêu rao những lời đe dọa ảo trên mạng. Riêng người cha của nam sinh viên nói trên lên tiếng trước báo giới, rằng gia đình biết nguyên nhân khiến con trai ông nhận tội dù không phạm phải là do bị cảnh sát dọa dẫm ép cung.

Cảnh sát lùng bắt tội phạm ở Tokyo.

Một trường hợp bị ép cung điển hình khác đã xảy ra với anh Shoji Sakurai, người từng bị kết án 29 năm tù về tội giết người cướp của. Sau 15 năm thụ án, đến cuối năm 2012 vụ án của S. Sakurai được xem xét lại dẫn tới việc tha bổng can phạm. "Tính tôi hơi bồng bột nên có mắc vài lỗi trong thời trẻ, còn cảnh sát thường xuyên theo dõi những ai có tiền án tiền sự, do đó tôi cùng với một người bạn thân là Sugiyama đã trở thành nghi can chính của vụ án mạng", S.  Sakurai kể lại. Khi bị bắt anh mới tròn 20 tuổi.

"Họ thẩm vấn tôi suốt ngày đêm buộc tôi phải nhận tội. Sau 5 ngày liền do tinh thần quá suy sụp, tôi quyết định bỏ cuộc và nhận liều - S. Sakurai giãi bày - Nhiều người có thể khó hiểu về chuyện này, nhưng một khi bị hỏi cung hết ngày này sang ngày khác ắt bạn sẽ tê liệt sức đề kháng". Đồng thời, anh cũng cho biết tuy những người thẩm vấn mình không có vẻ gì là dữ tợn, nhưng mọi tù nhân đều truyền tai nhau rằng cảnh sát cũng như các công tố viên luôn ngược đãi nghi phạm. Cuối cùng, tòa quyết định bồi thường cho mỗi ngày ở tù oan của S. Sakurai là 12.500 yen, tương đương 148 USD nhưng không kèm theo lời xin lỗi chính thức.

Hiện S. Sakurai đã làm đơn khởi kiện giới chức tư pháp địa phương khiến anh lâm vòng lao lý, cũng như đòi tăng mức bồi thường thỏa đáng. "Tiền bạc không phải là vấn đề lớn nhất, điều chính yếu là tôi không thể tha thứ cho những người đã cố tình gây án oan sai. Vả lại, điều cốt lõi ở đây là tôi muốn tác động làm thay đổi cách hành xử, luôn tìm cách đưa kẻ vô tội vào tù", S. Sakurai giải thích.

Ngoài ra, Sakurai cũng thổ lộ là khi bị bắt, cảnh sát nói  rằng mẹ anh muốn con mình nhận tội. "Đây là điều tôi cảm thấy nghi ngờ nhưng không biết hỏi ai, vì mẹ đã mất trước khi tôi được trả tự do", S. Sakurai cho biết thêm.

Cựu công tố viên Hiroshi Ichikawa từng làm việc ở Viện Công tố Yokohama 13 năm, bị sa thải vì đe dọa giết một nghi phạm lúc tham gia hỏi cung. "Tôi sẽ không xin lỗi về hành vi của mình bằng cách biện hộ rằng các đồng nghiệp khác đều làm thế, nhưng tôi không nghĩ mình là một con ngoáo ộp khi lớn tiếng với nghi can - H. Ichikawa lý giải - Tôi đã từng chứng kiến nhiều đồng sự khác hét thẳng vào mặt nghi phạm. Thậm chí một ông sếp của tôi còn khoe đã đá trộm dưới gầm bàn, trúng ngay ống quyển kẻ đang bị hỏi cung khiến hắn vẹo xương".

Ngoài việc ân hận bởi lỡ nặng lời khi lấy cung ra, cựu công tố viên H. Ichikawa còn cảm thấy ray rứt bởi từng ghi lời thú tội không đúng sự thật. "Sau khi hù dọa nghi can suốt 8 tiếng đồng hồ, tôi buộc người đó phải ký vào bản cung khai, mặc dù anh ta không hé miệng lấy nửa câu. Trong khi bên trên cứ ép tôi bắt nghi phạm nhận tội, nên tôi nghĩ mình chẳng thể ra về tay không. Lời khai đúng hay sai không thành vấn đề, miễn sao phải có được bản thú tội của nghi can", H. Ichikawa biện luận.

Trong thực tế thì cảnh sát và công tố viên ở Nhật thường không bị công khai chỉ trích, bởi lúc áp dụng các phương thức hỏi cung như mạt sát nhằm đe dọa tinh thần, hay thậm chí tra tấn thể xác mà không ai bên ngoài biết được sự thật đang diễn ra phía trong, đơn giản  vì các cuộc thẩm vấn thường diễn ra đằng sau những cánh cửa khép kín không có sự hiện diện của luật sư biện hộ cho nghi phạm.

Luật sư Y. Ochiai.

Vì sao hệ thống tư pháp xứ Phù Tang lại đánh giá cao việc tự nhận tội như vậy? "Đó chính là bằng chứng rõ rệt nhất. Nếu như có thể bắt ai đó thú nhận tội danh, đương nhiên tòa án sẽ có lý khi buộc tội họ", giáo sư Jeff Kingston thuộc khoa Luật của Trường đại học Temple ở Tokyo giải thích. Ngoài ra vị giáo sư còn cho biết thêm, rằng theo thông lệ nếu một nghi can nào đó tỏ ra ăn năn trong quá trình lấy cung, bên công tố sẽ căn cứ theo đấy để đưa ra phán quyết "nương tay" hơn. Còn trung tá Yoshiki Kobayashi, một nhà điều tra lão luyện của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản suốt 1/4 thế kỷ qua, lại cho rằng, việc coi trọng các lời thú tội ảnh hưởng một phần từ sự hạn chế quyền hạn điều tra của cơ quan chức năng.

"Cảnh sát ở các quốc gia khác có thể tổ chức nghe trộm, một khi nghi ngờ khả năng thông đồng giữa luật sư với công tố viên hòng giảm án cho nghi phạm, nhưng ở Nhật lại không được phép thực hiện điều tương tự. Do đó, tất cả những gì cảnh sát có thể áp dụng là dựa vào lời thú tội của nghi phạm", Y. Kobayashi khẳng định. Vẫn theo lời ông Kobayashi thì quyền lực bị hạn chế của cảnh sát phát xuất từ nguyên nhân lịch sử, do trước Thế chiến II cảnh sát thường được lạm dụng quyền hành nên bị dân chúng yêu cầu tước bỏ đặc quyền này sau khi nước Nhật bại trận.

Nhưng điều gì dẫn tới việc các nghi can lại muốn nhận tội, ngay cả với thứ tội lỗi mà họ chưa thực hiện bao giờ? "Theo truyền thống người Nhật Bản luôn nghĩ rằng họ phải tuân thủ nhà chức trách, bởi vậy nên các tội danh được thú nhận một cách dễ dàng - luật sư Y. Ochiai bức xúc nói - Nhưng giờ đây thế giới đã bước sang thế kỷ XXI, ngày càng có nhiều người dù phạm tội hay không đã biết đấu tranh cho quyền lợi của mình, nên không dễ bề bắt họ nhận tội được. Trong khi chính quyền vẫn cố áp đặt lối buộc tội bằng cách sử dụng các biện pháp cũ, đó là nguyên nhân dẫn đến việc ép cung bắt nghi can nhận tội cho dù họ có phạm phải hay không. Vấn đề đặt ra lúc này là cần phải thay đổi cách suy nghĩ truyền đời trong dân chúng".

Luật sư Y. Ochiai còn lưu ý rằng người Nhật thường cảm thấy xấu hổ trước bất cứ hành vi phạm tội nào, cũng như sự xăm xoi dòm ngó của thiên hạ đối với gia đình nghi phạm luôn là một yếu tố tác động hết sức quan trọng.

Nhằm phản bác lại phong trào chỉ trích nạn ép cung tràn lan, đại diện Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết là hầu hết các lời thú tội đều đúng sự thật, đóng vai trò then chốt trong việc kết án đúng người đúng tội. "Nếu không bạn cứ thử hỏi bất kỳ ai tình cờ gặp ngoài đường mà xem, thể nào cũng nhận được câu trả lời chứng tỏ hầu hết mọi người luôn đặt niềm tin vào lực lượng cảnh sát", vị đại diện Bộ Tư pháp quả quyết

Kim Dung (tổng hợp)
.
.