Nhiều kẽ hở “tiếp tay” cho buôn lậu

Thứ Hai, 16/12/2013, 08:40

Trong những ngày qua, dư luận bị “sốc” vụ 229kg (600 bánh hêrôin) được giấu trong lô hàng 12 loa thùng do một doanh nghiệp (DN) tại TP HCM gửi sang Đài Loan đã qua trót lọt các cửa giám sát của hải quan lẫn an ninh sân bay Tân Sơn Nhất. Điều đáng nói là 600 bánh Hêrôin này đã được đi bằng “luồng xanh” (luồng ưu tiên cho DN có “lịch sử” chấp hành tốt về thuế và các quy định về Hải quan). Thực tế đó cho thấy, quy định ưu ái dành cho DN loại này đang bị các đối tượng lợi dụng…

Đi "luồng xanh" không chỉ có heroin

Ngoài vụ 600 bánh heroin vừa bị phát hiện, bắt giữ tại sân bay Đào Viên, Đài Loan, trong thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ xuất, nhập lậu hàng hóa với thủ đoạn tương tự. Đó là vụ buôn lậu với số lượng hàng hóa đặc biệt lớn gồm 15 container gỗ quý xuất đi Trung Quốc, Nga, Ukraina do Nguyễn Văn Huy (33 tuổi, ngụ P.12, Q.Gò Vấp) - Giám đốc Công ty TNHH XD-TM-DV Huy Vũ (viết tắt Công ty Huy Vũ) tổ chức thực hiện. Tháng 10/2013 Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP HCM đã hoàn tất điều tra vụ án này và đề nghị truy tố Nguyễn Văn Huy về tội "buôn lậu".

Vụ việc xảy ra vào ngày 11/1/2012, Phạm Bá Nghiệp - Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Hưng Nghiệp (viết tắt Công ty Hưng Nghiệp) ký tờ khai hải quan điện tử số 527 với nội dung: "Công ty Hưng Nghiệp là bên xuất khẩu và đơn vị nhập khẩu là một công ty ở Trung Quốc. Mặt hàng xuất khẩu là áo thun (100% cotton, hàng mới 100%, do Việt Nam sản xuất, không nhãn mác) với số lượng 125.000 cái, trị giá 125.000 USD…".

Cùng ngày, Phạm Bá Nghiệp ký Packing List, số 32.HN-SH cho lô hàng có 520 kiện được đóng trong 2 container/20 feet, với trọng lượng 40.120 kg. Đồng thời, Phạm Bá Nghiệp ký giấy giới thiệu cho nhân viên Công ty Huy Vũ đến Chi cục Hải quan Tân Cảng để làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa, lô hàng được hệ thống thông quan điện tử phân vào "luồng xanh" (hàng miễn kiểm tra).

Tuy nhiên, khi đối chiếu, thấy trọng lượng hàng hóa khai báo theo tờ khai hải quan điện tử số 527 nhỏ hơn so với trọng lượng thực tế do dữ liệu trên hệ thống của cảng Tân Cảng cung cấp, thấy bất thường nên Chi cục Hải quan Tân Cảng chuyển lô hàng thuộc tờ khai 527 sang "luồng đỏ" để kiểm tra và mời doanh nghiệp đến chứng kiến việc kiểm tra. Tuy nhiên, Phạm Bá Nghiệp không đến, nại lý do  bận về quê ăn tết.

Ngày 17/1/2012, Chi cục Hải quan Tân Cảng ra quyết định khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính. Hai ngày sau, Chi cục Hải quan Tân Cảng tiến hành khám xét 2 container trên, phát hiện hàng hóa chứa bên trong không phải là hàng may mặc mà là 51 khúc gỗ giáng hương dạng tròn và xẻ hộp, là hàng hóa thuộc diện cấm xuất. Hai container hàng này đang chờ bốc xuống tàu để đi Trung Quốc vào ngày 24/1/2012.

229kg heroin bị bắt giữ tại Đài Loan.

Từ phát hiện sai phạm trên, Cục Hải quan TP HCM yêu cầu các chi cục hải quan rà soát tất cả các lô hàng xuất khẩu của Công ty Hưng Nghiệp và Công ty Huy Vũ khai báo là hàng may mặc xuất khẩu đang tồn tại bãi Hải quan đã làm thủ tục thông quan "luồng xanh" và chờ xếp lên tàu để xuất đi đều phải đưa vào diện kiểm tra.

Kiểm tra qua máy soi, Hải quan phát hiện trong 16 container của 2 doanh nghiệp trên thì có đến 15 container hàng hóa khai báo là quần áo, nhưng thực tế bên trong đều chứa đầy gỗ giáng hương. Trong đó, 14 container là hàng của Công ty Hưng Nghiệp và 1 container hàng của Công ty Huy Vũ nằm rải rác tại cảng Tân Cảng và cảng Sài Gòn khu vực 4.

Theo lời khai của Phạm Bá Nghiệp: "Khi Nguyễn Văn Huy nhờ Nghiệp xuất khẩu hàng áo thun đi Trung Quốc và Nga, mỗi container Huy trả cho Nghiệp 600.000đ. Do tin tưởng Huy nên Nghiệp đã ký các tờ khai hải quan điện tử, giấy giới thiệu khống để Huy liên hệ với Hải quan làm thủ tục xuất hàng, hành vi xuất hàng gian dối của  Huy, Nghiệp hoàn toàn không hề biết".

Để giúp Huy xuất khẩu hàng, từ tháng 11/2011 Nghiệp đã giao hẳn cho Huy số tài khoản, mật khẩu khai báo hải quan điện tử (password) của hải quan cấp cho Công ty Hưng Nghiệp để Huy sử dụng khai tờ khai hải quan điện tử.

Trong vụ này, Phạm Bá Nghiệp đứng tên đại diện Công ty Hưng Nghiệp đã ký, đóng dấu vào 7 tờ khai Hải quan điện tử, đã hoàn tất thủ tục hải quan xuất khẩu với 14 container hàng (trong đó có 4 container chờ xếp lên tàu xuất đi Trung Quốc). Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Công ty Huy Vũ ký 2 tờ khai hải quan điện tử và cũng đã hoàn tất thủ tục xuất khẩu với 2 container hàng hóa. Trong 15/16 container hàng, hai doanh nghiệp trên khai là hàng may mặc xuất khẩu, nhưng thực chất là gỗ giáng hương. Theo kết quả giám định thì toàn bộ số lượng gỗ bị phát hiện, thu giữ là 344,623m3, có trị giá gần 17,6 tỉ đồng.

Theo nhận định của Cơ quan CSĐT: "Đây là vụ án buôn lậu với số lượng hàng hóa đặc biệt lớn. Công ty Huy Vũ với chức năng làm dịch vụ xuất nhập khẩu hàng may mặc nên Nguyễn Văn Huy, Giám đốc công ty biết rõ chính sách xuất khẩu hàng may mặc được Nhà nước khuyến khích, miễn kiểm tra, cũng như biết được việc kê khai tờ khai hải quan điện tử sẽ được máy tính phân "luồng xanh" (hàng miễn kiểm tra), nên Huy đã dùng những thủ đoạn gian dối: Sử dụng pháp nhân Công ty Hưng Nghiệp đã nhiều lần xuất khẩu hàng may mặc sẵn và nắm những kẽ hở của quy trình kê khai, kiểm tra hải quan điện tử để khai báo gian lận. Hành vi của Huy được thực hiện một cách có hệ thống và rất tinh vi".

Cũng liên quan đến việc lô hàng của doanh nghiệp được hệ thống máy tính hải quan đưa vào "luồng xanh" nhưng bằng… tờ khai hải quan giả. Ngày 11/1/2012, Hồ Thanh Tú (Bình Thuận), hành nghề dịch vụ giao nhận tự do, đại diện Công ty TNHH Nhật Việt đăng ký tờ khai hải quan số 2736/NK D05 tại Chi cục Hải quan đầu tư. Hàng hóa nhập khẩu theo khai báo trên tờ khai Hải quan là "phụ tùng cho máy lọc khí - ruột lọc khí nén Filter, mới 100%". Lô hàng này sau đó được phân luồng xanh (miễn kiểm) và thông quan cùng ngày.--PageBreak--

Tuy nhiên, khi Hồ Thanh Tú đi nhận hàng tại kho, hải quan giám sát phát hiện tên hàng hóa trên vận đơn hàng không (chứng từ vận chuyển hàng hóa) và tên hàng hóa trên tờ khai hải quan của Công ty TNHH Nhật Việt không giống nhau, nên Chi cục Hải quan đầu tư không cho nhận hàng. Ngày 9/2/2012, Chi cục Hải quan đầu tư phối hợp với Chi cục Cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất tiến hành kiểm tra thực tế lô hàng nhập khẩu thì phát hiện hàng hóa không đúng như khai báo mà lô hàng này gồm các mặt hàng: giày da, bott da, ví da, túi xách… nhãn hiệu Minelli, có tổng trị giá hơn 1,1 tỉ đồng.

Với hành vi gian dối như trên, cơ quan chức năng đã mời ông P.L - Giám đốc Chi nhánh Công ty Nhật Việt tại TP HCM đến để làm rõ vụ việc thì ông L hết sức bất ngờ vì ông không hề biết gì về tờ khai số 2736.

…hàng loạt mánh khóe gian lận "qua mặt" Hải quan

Theo xác minh của Cơ quan CSĐT Công an TP HCM,  trước đây Tú có thời gian làm dịch vụ thông quan hàng hóa cho Công ty Nhật Việt. Trong thời gian Tú làm việc tại Công ty Nhật Việt, theo thỏa thuận mỗi khi hàng của công ty từ nước ngoài về, ông L. - Giám đốc Chi nhánh Công ty Nhật Việt sẽ thông báo bằng thư điện tử cho Tú, trong đó gửi kèm bill (vận đơn), invoice, packinglist, giấy kiểm dịch của nước ngoài.

Dựa vào các chứng từ đó, Tú lập tờ khai hải quan, sau đó đưa cho ông L. ký hoặc in trên các giấy có chữ ký và con dấu khống chi của Công ty Nhật Việt. Tuy nhiên, do thường xuyên đi công tác, nên ông L. đã ký, đóng dấu khống chi sẵn trên một số giấy trắng để Tú làm thủ tục hải quan, thông quan hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài về cho công ty, khi không có mặt ông L.

Ông L. cũng không ngờ rằng, khi không còn làm với Công ty Nhật Việt, Tú đã "chôm" một số tờ giấy trắng có chữ ký và con dấu khống chi của Công ty Nhật Việt để "làm ăn" sau này.

Với lô hàng giày da, bott da, ví da, túi xách… nhãn hiệu Minelli nhập khẩu từ nước ngoài về bằng tờ khai hải quan giả số 2736 do Tú thực hiện thực chất đó là lô hàng của Công ty M. Công ty M đã thuê đối tượng tên Bình làm dịch vụ hải quan với giá 240 triệu đồng, sau đó Bình đã giao lại cho Tú làm với giá 110 triệu đồng. Khi bàn giao lại cho Tú, Bình chỉ nói hàng nhập khẩu là phụ tùng máy móc và giao cho Tú giấy photo bill tàu, và giấy ủy quyền thể hiện Công ty 388 nhận lô hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ về.

Với giấy ủy quyền, Tú yêu cầu Bình chuyển tên người nhận hàng từ Công ty 388 sang Công ty Nhật Việt. Sau đó, Tú đã làm giả tờ khai số 2736 bằng cách in nội dung lên tờ giấy trắng có chữ ký và con dấu khống chi của Công ty Nhật Việt do ông L đã ký sẵn trước đó, để làm thủ tục thông quan.

Các đối tượng làm giả hồ sơ xuất, nhập khẩu: Nguyễn Văn Huy, Lê Văn Tú, Trần Văn Thái.

Theo ông Trần Mã Thông - Phó cục trưởng Cục Hải quan TP HCM thì hiện nay Cục Hải quan TP đang áp dụng hình thức thủ tục hải quan điện tử, mọi hồ sơ, tờ khai xuất nhập khẩu đều được tiếp nhận bằng hệ thống máy tính. Việc phân luồng cho hàng hóa xuất nhập khẩu được chia làm ba loại: luồng xanh, luồng vàng và luồng đỏ.

Máy tiếp nhận thông tin đăng ký phân ra các luồng: luồng xanh (miễm kiểm 100%) hoặc luồng xanh có điều kiện (công chức hải quan yêu cầu doanh nghiệp mở tờ khai kê khai thông tin thêm, không kiểm tra hồ sơ hay hàng hóa); luồng vàng (thì công chức kiểm tra hồ sơ, nếu phát hiện bất thường mới đề nghị kiểm tra hàng hóa sau thông quan); luồng đỏ, công chức hải quan sẽ kiểm tra trực tiếp lô hàng, nhưng cũng chỉ kiểm tra xác suất khoảng 5-10%.

Cơ quan CSĐT cho rằng, thủ tục thông quan điện tử nhanh chóng nhưng cũng dễ bị các đối tượng lợi dụng. Thực tế, Cơ quan điều tra cũng đã từng thụ lý nhiều vụ các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để xuất lậu, nhập lậu hàng hóa, trốn thuế, hoặc các loại hàng cấm có giá trị lớn. Như trường hợp Công ty TNHH XNK Thái Minh (Q.Bình Thạnh) làm giả bộ hồ sơ với mặt hàng nhập khẩu là 24 tấn da bò muối chưa thuộc (miễn thuế GTGT), nhưng thực chất đây là lô hàng 2.475kg ngà voi (ước tính gần 5 triệu USD), thuộc mặt hàng cấm nhập khẩu…

Theo khai nhận của Giám đốc và Phó giám đốc Công ty Thái Minh thì bộ hồ sơ giả này đã được làm dựa trên các bộ hồ sơ cũ mà Công ty Thái Minh đã làm dịch vụ nhập khẩu cho chủ hàng tại Việt Nam ký kết với các đối tác tại nước ngoài. Với thủ đoạn này, trước đó Công ty Thái Minh cũng đã làm thủ tục thông quan cho lô hàng nhập lậu từ nước ngoài về nhưng không bị phát hiện; Còn Công ty TNHH TM Đa Lộc Phát (huyện Nhà Bè) do Nguyễn Quang Nhựt (41 tuổi, ngụ Q. Bình Thạnh) làm Phó giám đốc.

Để trốn thuế nhập khẩu mặt hàng gạch men mua từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ, Nhựt mở tờ khai hải quan điện tử nhập khẩu số 39651 và mặt hàng ghi trên tờ khai hải quan là đá phiến dạng khối (có thuế suất 0%). Sau khi hàng về đến cảng, các kiểm hóa viên kiểm tra theo phương pháp thủ công 3/14 container và kết luận: "Hàng nhập khẩu kiểm tra theo tỷ lệ, đúng theo khai báo của người khai hải quan", nên cùng ngày toàn bộ lô hàng 14 container đã được thông quan.

Tuy nhiên, thực tế số hàng chứa trong 14 container là gạch men Trung Quốc (gồm 12.943 thùng) có trị giá gần 2,7 tỉ đồng. Trên đường chuyển về kho, lô hàng này đã bị Chi cục Quản lý thị trường TP HCM và Cơ quan CSĐT phát hiện, bắt giữ

Trần Nguyên
.
.