Nhiều lần đối mặt tử thần trong cuộc chiến không khoan nhượng

Thứ Năm, 19/07/2012, 11:50

Khi tôi liên hệ với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy để viết bài, cũng đúng vào thời điểm lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đang khen thưởng nóng cho tập thể và các cá nhân vừa có chiến công xuất sắc triệt phá đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia với số lượng tang vật cực lớn.

Cũng trước đó vài ngày, Đại úy Ngô Thanh Bình, Phó trưởng phòng 5 thuộc Cục cũng vừa được tôn vinh trong chương trình “Giữ trọn lời thề” dành cho những điển hình tiên tiến trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm và giữ gìn TTATXH vì những thành tích xuất sắc trong cuộc chiến đấu với tội phạm về ma túy. Cuộc chiến đấu trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy chưa bao giờ ngưng nghỉ!

Cho đến bây giờ, khi đã được vinh danh như một trong những trinh sát đứng ở tốp đầu về đánh án ma túy bằng cách thâm nhập vào đường dây tội phạm, Đại úy Ngô Thanh Bình vẫn cho rằng, cái bản lĩnh ấy có được phần lớn là do trưởng thành từ thực tế. Tất nhiên là làm công việc gì cũng cần phải có tố chất. Nhưng tố chất ấy được nhào nặn trong một môi trường công việc đặc thù đầy cam go, nguy hiểm, cộng với sự dẫn dắt, hỗ trợ tối đa của các bậc đàn anh đi trước, của đồng chí, đồng đội sẽ là phương trình chuẩn giải mã cho thành công trước các loại tội phạm ma túy luôn gian ngoan xảo quyệt. Lính trẻ như Bình, chưa tính bằng tuổi đời cũng như tuổi nghề. Nhưng với bảng thành tích đánh án bắt tại chỗ lần nhiều nhất lên tới 20 bánh hêrôin - cũng có thể coi là giữ "kỷ lục" từ trước đến nay - cũng đáng để tuyên dương người cán bộ cấp phòng trẻ tuổi ấy như một gương mặt tiêu biểu cho toàn lực lượng.

Cậu bé Bình sinh ra trong hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Bố mất sớm từ năm 4 tuổi, một mình mẹ tần tảo nuôi 2 anh em Bình khôn lớn. Xã Gia Sinh thuộc huyện Gia Viễn, Ninh Bình nơi Bình sinh ra là một xã miền núi thuộc vùng đệm của khu rừng đặc dụng văn hóa lịch sử - Môi trường Hoa Lư. Đây cũng là một trong những xã nằm trong vùng phân lũ sông Hoàng Long. Cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với những mùa thiên tai, bão lũ khiến cho đã nghèo lại càng thêm vất vả. Con đường phấn đấu của những cậu bé quê chỉ còn cách cố gắng học thật giỏi để thoát nghèo...

Ngày Bình đi thi đại học cũng là thời điểm người anh trai bước vào năm cuối trên giảng đường. Bình thi đỗ cả 3 trường: Học viện An ninh; Học viện Kỹ thuật quân sự và lớp tài năng của Đại học Giao thông vận tải. Gánh nặng chi phí nhập trường cho em và chi phí tốt nghiệp cho anh đã đè nặng lên vai mẹ. Điều này đã khiến Bình suy nghĩ và rồi đi đến lựa chọn: Nhập Học viện An ninh để giảm bớt gánh nặng cho mẹ già dưới quê. Con đường bước vào lực lượng Công an của Bình ban đầu chỉ đơn giản như thế. Hết năm rưỡi giai đoạn, Bình thi sang khoa kinh tế, và chuyển sang Học viện CSND.

Đầu những năm 2000 cũng là lúc tình hình cuộc chiến đấu chống tội phạm gieo rắc cái chết trắng bắt đầu có nhiều diễn biến mới. Tình trạng thẩm lậu ma túy qua đường dây, có tổ chức từ nước ngoài qua Việt Nam rồi lại chuyển sang nước ngoài tiêu thụ có chiều hướng gia tăng. Số vụ và số lượng ma túy bắt được ngày càng nhiều. Tội phạm trong nước móc nối với các phần tử buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên biên giới từ các trọng điểm khu Tam giác vàng lên phía Bắc và vùng Lưỡi liềm vàng (Pakistan) sang với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Nhiều vụ việc bắt giữ đã ghi nhận nhiều thủ đoạn, phương thức vận chuyển, cất giấu hàng tinh vi. Nếu như không phải đã có thông tin chính xác từ trước thì các lực lượng tại chỗ sẽ khó mà phát hiện ra chỉ qua một lần soi chụp.

Chính vì lý do này, Phòng Phòng ngừa và đấu tranh tội phạm có tổ chức và có yếu tố nước ngoài (Phòng 5) thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy được thành lập. Đến đây có lẽ phải nói rằng nhiều bạn đọc có khi chỉ nghe thông tin qua báo, đài về các vụ bắt ma túy lớn, lên đến hàng trăm bánh hêrôin, hàng nghìn viên ma túy tổng hợp nhưng để hiểu vào tính chất của vụ án cũng như đánh giá cho đầy đủ về công sức của những lực lượng tham gia phá án là một điều không phải ai cũng hiểu hết.

Án ma túy xưa nay có hai dạng: Truy xét và bắt quả tang. Thường là án truy xét. Có nghĩa là từ một vụ bắt quả tang vận chuyển, buôn bán số lượng nhỏ hoặc một vụ án liên quan, Cơ quan điều tra mở rộng và bắt giữ thêm nhiều đối tượng, làm rõ hành vi buôn bán của các đối tượng trong thời gian dài hoặc truy bắt đến những nơi cất giấu, tàng trữ ma túy. Với bắt quả tang, thì thường cũng dẫn đến truy xét để khám phá ra cả đường dây. Những năm gần đây, số các vụ bắt quả tang hoặc qua các nguồn tin hợp tác quốc tế đã tăng cả về số lượng và số vụ. Có những vụ số lượng lên tới hàng chục, hàng trăm bánh heroin. Tuy nhiên, đa phần các vụ phát hiện này thường là ngăn chặn tại cửa khẩu, số lượng tuy lớn nhưng chỉ là một phần mắt xích vận chuyển. Còn những "ông trùm" thực sự thì vẫn nằm trong bóng tối. Một nhiệm vụ quan trọng đặt lên vai lực lượng mũi nhọn chủ công trên mặt trận phòng, chống tội phạm ma túy là phải làm sao cài được người vào trong tổ chức, bắt tận sào huyệt, bóc tận gốc đường dây, không cho chúng tiếp tục gây tội ác.

“Giữ trọn lời thề” - Vinh danh những gương mặt Cảnh sát tiêu biểu.

Chuyên án lớn đáng nhớ đầu tiên mà Đại úy Ngô Thanh Bình trực tiếp tham gia đánh vào nội bộ đường dây là Chuyên án 119H - bóc gỡ đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ Mộc Châu - Bắc Giang - Trung Quốc. Đây cũng là một trong những chuyên án lớn của Phòng 5 lúc bấy giờ, và cũng được xếp vào trong số 10 chuyên án lớn của năm do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy xếp hạng. Quá trình điều tra hơn 4 tháng, đến tháng 9/2007 thì kết thúc, bắt giữ 3 đối tượng, thu 4 bánh hêrôin, một khuôn ép. Về sau mở rộng điều tra, bắt thêm 6 đối tượng, thu thêm 6 bánh hêrôin, 1 ôtô. Đặc biệt trong  số các đối tượng bị bắt có Hồ Viết Vân là một trong những "ông trùm" ở "vùng ma túy" Ngọc Vân. Bằng một sự may mắn tình cờ và khả năng nắm bắt, am hiểu đối tượng xuất sắc mà Bình đã khiến cho "trùm" Vân - lúc này đang nằm viện - tin tưởng và giao hàng từ xa, giúp cho chuyên án thành công.

Một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng đối với trinh sát được lựa chọn để đánh vào sào huyệt là phải cực kỳ bản lĩnh. Bản lĩnh ấy có được không thể chỉ qua trường lớp, mà thực tế người trinh sát phải tự có ý thức rèn luyện mình, cộng với điều kiện dấn thân một cách bài bản với sự hỗ trợ của cả lực lượng dày dạn kinh nghiệm phía sau. Chẳng ai sinh ra hay chỉ do đào tạo trong trường học mà có được khả năng mưu trí, dũng cảm, quyết đoán để đối mặt với loại tội phạm manh động bậc nhất này. Nhớ lại những ngày đầu làm lính chiến, đã có những lúc Bình phải đứng trân trân nhìn đối tượng ôm tiền đi mất ngay trước mắt mình mà chẳng làm gì được… Từ những thất bại ấy, người có bản lĩnh và quyết tâm sẽ phải tự rút ra kinh nghiệm cho mình, cho đồng đội.

Một trong những vụ án mà cho đến nay các cán bộ của Phòng 5 cũng như của Cục vẫn còn nhắc đến với niềm tự hào, đó là Chuyên án 303C. Đây là một chuyên án đánh người vào đường dây cực kỳ táo bạo và rất cầu kỳ, và nó cũng là một trong những thành tích đem lại Cờ thi đua của Bộ Công an cho Phòng 5, đơn vị dẫn đầu của Tổng cục 6, còn Cục thì được Cờ thi đua của Chính phủ. Chuyên án này, Phòng 5 là chủ công, đánh người vào đường dây, bóc gỡ toàn bộ đường dây vận chuyển ma túy từ Lào - Mộc Châu - Lai Châu sang Trung Quốc tiêu thụ. Kết quả thu giữ 20 bánh hêrôin, bắt 3 đối tượng, thu 2 súng K54 đạn đã lên nòng với 14 viên đạn.

Nói ngoài lề một chút, thì đây cũng là chuyên án đánh người vào đường dây thu được lượng tang vật lớn nhất, giúp cho Đại úy Ngô Thanh Bình đang giữ… "kỷ lục" về số lượng ma túy bắt được trong một chuyên án kiểu này. Đã có rất nhiều vụ bắt giữ ma túy số lượng lớn hơn nhiều, hàng chục, thậm chí gần cả trăm bánh hêrôin xảy ra. Nhưng việc đóng giả làm kẻ mua ma túy, một thân một mình đối mặt với những tên trùm trong tình huống ngặt nghèo thì lại là một việc khác hẳn. Cố nhiên không ai muốn thế! Nhưng nhiệm vụ yêu cầu bắt phải thế, và ai là người được chọn để làm những việc như thế cũng là cả một vấn đề. Đó là Ngô Thanh Bình. Trong Chuyên án 303C, một mình Bình với chiếc vali lèn chặt 3,6 tỉ đồng, đối mặt với những tên trùm ma buôn bán ma túy không còn gì để mất, đạn lúc nào cũng sẵn sàng ra khỏi nòng súng là một thử thách mà không phải ai cũng "cảm" được.

Tang vật một vụ án.

Bản thân Chuyên án 303C có nhiều chi tiết không thể nào quên. Thứ nhất là về thời gian của vụ án. Thời điểm tháng 3/2010 là thời điểm vừa mới diễn ra vụ ở Hang Kia - Pà Cò, cũng là lúc mà tâm lý bọn tội phạm ở khu vực này tỏ ra khá huênh hoang, hỗn loạn. Thậm chí có những đối tượng nằm trong đường dây còn nhân dịp này rêu rao rằng cả khu vực Lũng Xá - Tà Dê của Lóng Luông và Hang Kia - Pà Cò giờ đã trở thành "khu tự trị" của những kẻ reo giắc cái chết trắng…

Chính vì thế, lãnh đạo Cục C47 từ trên xuống dưới đã hạ quyết tâm, tập trung mọi lực lượng, nguồn lực để phá cho được đường dây buôn bán ma túy này, nêu cao tinh thần trấn áp tội phạm đến cùng. Thời điểm phá án, Ban chuyên án huy động gần 60 CBCS từ đủ các nơi: Cục C47 chủ công, cùng với đó là Công an Sơn La, Lai Châu, Cục Hải quan, lực lượng của huyện Mộc Châu… triển khai với một áp lực rất lớn. Chỉ tính riêng tiền ăn nghỉ cho ngần ấy người trong 2 ngày đã mất 40 triệu đồng.

Đối tượng chính của vụ án, Giàng A Páo, cũng là kẻ đang có lệnh truy nã đặc biệt trong một vụ án mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy trước đó do Công an tỉnh Hòa Bình ra lệnh. Một tháng trời lăn lộn trong đường dây, nhiệm vụ của Bình là phải làm sao cho đám cầm đầu tin tưởng và đồng ý trực tiếp giao dịch. Để tạo niềm tin với Páo, Bình hẹn mua 20 bánh hêrôin, cầm dư ra 300 triệu đặt cọc cho lần sau, tổng cộng là 3,6 tỉ trong chiếc vali khóa số, một mình đi đến điểm hẹn. Điểm giao dịch ban đầu ấn định bên lề Quốc lộ 6. Tuy nhiên, hôm đó thế nào lại có một vụ va chạm giao thông gần đấy. Thấy bóng lực lượng Cảnh sát giao thông, Páo và đồng bọn là Giàng A Của bèn thay đổi điểm hẹn, cách điểm phục kích dự kiến tới hơn 11km. Là một trinh sát lão luyện, thuộc địa bàn, Bình tính sơ sơ với khoảng cách như thế, sau khi phát lệnh phải ít nhất 10 phút anh em mới kịp đến hỗ trợ. Làm thế nào đây?

Bây giờ mà không khéo, để lộ ra với chiếc vali hơn 3 tỉ đồng kia thì cầm chắc cái chết. Nhưng nếu không giữ chân được Páo và Của để chờ đồng đội đến, thì chuyên án coi như tan. Đây mới là lúc thật sự cần đến sự mưu trí và bản lĩnh của người trinh sát. Sau khi làm đủ các thao tác đòi xem hàng này nọ, vẫn chưa hết 10 phút, Bình bèn nghĩ ra một mẹo: Xin số điện thoại của Páo để "sau này lấy hàng dễ liên lạc!". Tưởng được ôm vali tiền thoát tới nơi, nhưng với yêu cầu "hết sức hợp lý", Páo bèn nán lại, lóng ngóng lôi điện thoại ra bấm. Sau khi làm chủ được tình thế, đảo ngược thế cờ, Bình - trong vai kẻ đi mua hàng trắng - lại là người tỉnh queo hỏi đi hỏi lại các con số trong khi chính kẻ cầm đầu đường dây kia lại lập cà lập cập, đánh vật với chiếc điện thoại…

Khi đồng đội Bình ập đến cũng là lúc Páo chết lặng người tại chỗ, khẩu súng đạn đã lên nòng vẫn nằm yên trong túi quần. Giàng A Của sau khi bị quật ngã đã định cắn lưỡi tự tử. Một cán bộ áp sát đã kịp thời vả vào miệng Của và nhét cho hắn một chiếc dép vào mồm để ngăn chặn ý định chối bỏ trách nhiệm của y… Chuyên án khép lại với chiến công vang dội của lực lượng Cảnh sát phòng chống ma túy. Như một định mệnh, chỉ chậm sau 5 phút, một cơn mưa rừng thối đất thối cát ầm ập kéo đến như một dấu chấm hết buồn bã cho những kẻ gieo rắc cái chết trắng kia…

Việt Ba
.
.