Nhức nhối thị trường thuốc lá lậu

Thứ Năm, 15/01/2015, 17:40
Hiện nay, mặc dù hút thuốc lá nơi công cộng bị cấm ngặt, nhưng tiêu thụ thuốc lá vẫn không giảm. Chính vì vậy mà hoạt động buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu vào tiêu thụ tại TP HCM và nhiều địa phương khác vẫn công khai hoành hành, bất chấp pháp luật.
Thuốc lá lậu cướp mất hơn 7 triệu ngày công lao động

Theo ông Phạm Kiến Nghiệp, Tổng Thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, thì trong vòng 7 năm trở lại đây, lượng thuốc lá nhập lậu luôn ở mức 750 triệu bao/năm trở lên và thuốc lá lậu đã gây thất thu khoảng 318 triệu USD/năm.

Ngoài các nhãn thuốc lá Jet và Hero chiếm khoảng 80% lượng thuốc lá nhập lậu vào nước ta, còn có khoảng 100 sản phẩm khác. Đặc biệt từ cuối năm ngoái đến nay thị trường nội địa còn xuất hiện loại thuốc lá lậu có giá bán rất thấp, chỉ ở mức 3.000 - 4.000 đồng/bao và các loại thuốc lá rẻ tiền này đã tràn ngập thị trường các tỉnh như Kiên Giang, An Giang, Long An, Đồng Tháp và TP HCM.

Năm 2013, thuốc lá lậu đã lấy mất gần 25% thị trường tiêu thụ nội địa và năm 2014 tiếp tục tăng lên xấp xỉ 27%. Nếu như trước đây thị trường tiêu thụ thuốc lá nhập lậu chủ yếu ở TP HCM, khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ, thì nay đã tràn ra cả một số tỉnh, thành phía Bắc như Hải Phòng, Nam Định…

Thông tin do ông Phạm Kiến Nghiệp đưa ra còn cho thấy, thất thu ngân sách do thuốc lá lậu lấy mất thị phần vào năm 2013 là 6,65 nghìn tỉ đồng và gây chảy máu ngoại tệ khoảng 550 triệu USD. Năm 2014, con số thất thu ngân sách còn tăng lên ở mức 8 ngàn tỉ đồng.

Riêng với các doanh nghiệp trong ngành, số tiền nộp ngân sách năm 2014 được dự báo sẽ tiếp tục giảm 2.000 tỉ đồng so với năm 2013 khi sản lượng tiêu thụ gồm cả thị trường nội địa và xuất khẩu đã giảm 20%, tương đương với 1,06 triệu bao.

Chưa dừng lại ở chuyện ngân sách thất thu, theo ông Nghiệp, thuốc lá nhập lậu đã lấy mất gần 7 triệu ngày công lao động. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp mất đi 6 triệu công lao động; công nghiệp mất tới 67 nghìn ngày công; dịch vụ hỗ trợ mất 6,24 triệu ngày công  và lĩnh vực thương mại đã bị thuốc lá lậu cướp mất 292 nghìn công lao động chỉ trong năm 2014.
Cảnh sát Kinh tế và Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra bắt giữ thuốc lá nhập lậu.

Nghiêm trọng hơn, thuốc lá lậu, thuốc lá bất hợp pháp không phải tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, không bảo đảm chất lượng khi tàng trữ, vận chuyển do thời hạn kéo dài thường bị nấm mốc dễ gây ung thư. Đã vậy, thuốc lá lậu, thuốc lá bất hợp pháp lại còn không bị chi phối bởi hàm lượng Tar và Nicotine.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của Viện Quốc gia Hà Lan vì sức khỏe cộng đồng, thuốc lá bất hợp pháp chứa hàm lượng chất cực độc là Cadmium cao gấp 5 lần và hàm lượng chì cao gấp 6 lần so với sản phẩm chính hiệu.

Con số tính toán của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng đã chứng minh được rằng, buôn lậu thuốc lá về bán lẻ tại thị trường trong nước lợi nhuận đạt từ 3,3 - 5,4 lần. Cụ thể giá trị thực theo hợp đồng nhập khẩu với loại thuốc lá Jet và Hero cũng chỉ 5.400 đồng/bao, còn giá mua lụi ở nước bạn chỉ hơn 3.000 đồng/bao.

Đã mua rẻ bán đắt, thuốc lá bất hợp pháp lại còn được làm với nhãn mác bắt mắt, đặc biệt là không có cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh, nên đây cũng chính là lý do tại sao thuốc lá lậu có phân khúc giá thấp đè chết các nhãn cùng phân khúc được sản xuất trong nước.

Thuốc lá lậu vẫn thách thức dư luận

Trong vòng 3 năm trở lại đây, lực lượng Công an cả nước đã phát hiện và bắt giữ gần 36.640 vụ buôn lậu thuốc lá lậu với hơn 20,38 triệu gói các loại. Trong cuộc họp Ban chỉ đạo 389 của TP HCM dịp cuối năm, ông Phan Hoàn Kiếm, Phó giám đốc Sở Công thương - Chi cục trưởng - Chi cục Quản lý Thị trường (QLTT) TP HCM đã cho biết, từ đầu năm tới nay bộ phận thường trực Ban chỉ đạo 389 thành phố phối hợp với Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam giám sát tiêu hủy 75.453 bao thuốc lá ngoại các loại tịch thu được. Đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện tái xuất 885.885 gói thuốc lá các loại, trị giá hơn 3,6 tỉ đồng.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của thành phố cũng đã tạm giữ hoặc tịch thu hơn 400 xe gắn máy, 9 xe ôtô chở thuốc lậu từ các tỉnh biên giới về thành phố tiêu thụ. Riêng lực lượng QLTT thành phố đã thu giữ 800.000 gói thuốc nhập lậu và chỉ trong 1 tháng cao điểm đã kiểm tra 86 vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu và các điểm bán lẻ; tạm giữ hơn 13.600 bao thuốc lá nhập lậu các loại…
Một điểm tập kết thuốc lá lậu bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Xử lý quyết liệt như vậy, song hoạt động buôn lậu thuốc lá vẫn không giảm mà ngày càng được tổ chức chặt chẽ và tinh vi do buôn lậu mặt hàng này trót lọt sẽ cho sinh lợi "một vốn bốn lời". Nhận định về tình hình buôn lậu thuốc lá năm nay của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm cho thấy, buôn lậu thuốc lá đã hình thành các tổ chức, đường dây chặt chẽ, có sự phân công trách nhiệm và sự móc nối giữa các chủ đầu nậu và các chủ hàng tiêu thụ nội địa.

Trong quá trình hoạt động, các đối tượng tổ chức đội ngũ canh gác, cảnh giới với số lượng đông đảo, chặt chẽ nhằm kịp thời trốn tránh kiểm tra, tẩu tán hàng hóa khi bị phát hiện, bắt giữ. Địa bàn trọng điểm diễn ra buôn lậu thuốc lá đã lan rộng ra tới 11 tỉnh, thành gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Trị, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ, Tây Ninh, Long An, An Giang và Đồng Tháp, với thủ đoạn hoạt động không đổi: tập trung hàng tại các kho bên kia biên giới, sau đó tìm cơ hội tổ chức nhập lậu vào thị trường nội địa bằng nhiều hình thức, từ đường biển, đường sông tới đường bộ.

Sau đó bằng cách dùng các loại phương tiện tốc độ cao, chia nhỏ hàng hóa để vận chuyển, trốn tránh việc truy đuổi, bắt giữ của lực lượng chức năng. Chính vì thủ đoạn xé nhỏ, chia lẻ số lượng thuốc lá lậu khi vận chuyển, nên dù phát hiện, bắt giữ được cả chục ngàn vụ buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu mỗi năm, thì cũng chỉ có thể khởi tố hình sự được 369 vụ với 488 bị can về hành vi này.
Thu giữ thuốc lá nhập lậu vận chuyển trên xe khách.

Với mức giá chênh lệch giữa thuốc lá ngoại ở thị trường nội địa với bên kia biên giới rất cao; thuốc Hero chênh lệch khoảng 9.000 đồng/gói, Jet chênh lệch 10.000 đồng/gói… nên các đối tượng  buôn lậu ngày càng tinh vi và táo tợn hơn.

Các "nài thuốc" đóng giả là người dân chuyên chở các sản phẩm khác hoặc giấu thuốc lá trong các phương tiện đã được thay đổi kết cấu nhằm qua mắt lực lượng chống buôn lậu. Phổ biến nhất là hiện tượng sử dụng xe gắn máy đã đôn dên, xoáy nòng thành loại phân khối lớn, hè nhau xuất phát cùng một thời điểm, chạy với tốc độ cao gây kinh hoàng cho người đi đường. Các đối tượng liên tục thay đổi các cung đường để cắt đuôi lực lượng truy bắt, len lỏi vào các con hẻm nội thành, sau đó mới đổ về các chợ, tập kết, giao hàng.

Tại điểm nóng ở khu vực biên giới, tuyến vận chuyển thuốc lá lậu của các đối tượng đi qua xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, chuyển tiếp bằng ghe theo sông Vàm Cỏ rồi tập kết hàng ở bãi Than Bùn. Đây là điểm giáp ranh giữa huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và Hóc Môn, TP HCM, sau đó chẻ nhỏ hàng ra rồi vận chuyển vào thành phố. Ở đây, mỗi ngày có trên 10 lượt ghe chở  thuốc lá lậu rồi chuyển tiếp lên xe gắn máy về thành phố. Ngoài xe gắn máy, các đối tượng buôn lậu còn vận chuyển bằng xe tải, xe khách, xe du lịch…

Vạch mặt những trùm buôn lậu lớn

Gần đây nhất, ngày 23/12/2014, Cục Cảnh sát kinh tế - Bộ Công an đã phối hợp với lực lượng QLTT TP HCM bắt quả tang một xe khách chở 16.350 gói thuốc lá nhập lậu khi đang dừng trên đường Trường Chinh, quận 12. Xe khách này do tài xế Võ Văn Phúc, 35 tuổi, ngụ huyện Đức Hòa, Long An điều khiển có chứa 16.350 gói thuốc lá Jet trong nhiều bao tải được giấu trong xe. Toàn bộ số thuốc lá trên đều không hóa đơn chứng từ hợp lệ nên lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản tạm giữ để tiếp tục điều tra làm rõ.

Theo trình bày của tài xế Phúc, số hàng trên được chở thuê từ Đức Hòa, Long An đến ngã tư Dầu Giây, Đồng Nai để giao hàng, với phí chuyên chở 10 triệu đồng. Số lượng thuốc lá lậu thu giữ trong vụ này được cho là khá lớn, nhưng so với vụ nhập lậu nguyên container thuốc lá đã bị khởi tố trước đó thì số lượng trong vụ vận chuyển thuê này chỉ là quá nhỏ.

Sau thời gian theo dõi, ngày 24/11 lực lượng Cảnh sát thuộc Phòng 7 - Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ đã phát hiện Công ty CP Hải Minh, ở quận 4 TP HCM, một đại lý cho hãng tàu nước ngoài, vận chuyển một container từ Malaysia về Cảng ICD Phước Long 3 có dấu hiệu nghi vấn.

Phối hợp với Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực 4, và đại diện Cảng ICD Phước Long 3 kiểm tra thực tế hàng hóa đóng trong container nói trên, kết quả lực lượng chức năng phát hiện hàng hóa chứa trong container không phải hạt nhựa như khai báo mà là 168 thùng với 10.080 cây thuốc lá hiệu Brand. Cơ quan CSĐTđã tạm giữ toàn bộ số thuốc lá lậu trên.

Thuốc lá lậu tràn ngập thị trường, nên chỉ trong một lần phối hợp kiểm tra đột xuất giữa lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và QLTT thành phố, tại cửa hàng tại số 15, đường Học Lạc, quận 5 đã phát hiện, tịch thu hàng ngàn bao thuốc lá nhập lậu nhãn hiệu 555, Dunhill, Hero… được cất giấu ở cửa hàng.

Trong quá trình kiểm soát việc lưu thông hàng hóa, Đội QLTT huyện Bình Chánh cũng đã bắt giữ một xe ôtô chở hơn 12.000 bao thuốc lá lậu từ Đức Hòa, Long An về TP HCM tiêu thụ. Đây cũng chỉ là vài trong số hàng trăm vụ bắt giữ thuốc lá lậu tràn vào TP HCM trong năm vừa qua.

Theo ông Phan Hoàn Kiếm, từ nay tới Tết Nguyên đán, lực lượng QLTT sẽ triển khai quyết liệt trên các địa bàn trọng điểm mua bán và vận chuyển thuốc lá lậu. QLTT phối hợp với các cơ quan trên địa bàn thành phố và các tỉnh có đường biên giới như Long An, Tây Ninh và phối hợp với 19 tỉnh, thành phía Nam để việc ngăn chặn thuốc lá lậu diễn ra đồng bộ, hiệu quả hơn nữa.

Song để công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá có hiệu quả, cùng với lực lượng QLTT, các ngành chức năng và chính quyền 24 quận, huyện thành phố phải vào cuộc một cách quyết liệt và đồng bộ. Đặc biệt, công tác này phải ngăn chặn triệt để từ nguồn thuốc lá nhập lậu qua đường biên giới về thành phố, nhất là ở các tuyến nóng khu vực giáp ranh như huyện Đức Hòa (Long An); huyện Trảng Bàng (Tây Ninh)…

Thái Bảo
.
.