Những “bậc thầy” sản xuất đôla giả

Thứ Sáu, 22/04/2016, 16:00
Joel Quispe nổi tiếng ở thủ đô Lima của Peru là bậc thầy sản xuất những tờ 100 USD giả đến mức cực kỳ tinh xảo. Mỗi tờ USD được làm ra từ nhiều loại mực và được thiết kế hết sức tỉ mỉ.

Theo hồ sơ cảnh sát Peru, Joel Quispe đã bán ra hàng triệu USD giả do chính ông ta sản xuất trong vòng 5 năm qua. Mặc dù Joel Quispe bị giam trong tù, song gia đình bên ngoài của ông ta vẫn tiếp tục sản xuất!

Theo điều tra của cảnh sát Peru, Joel Quispe là thủ lĩnh của một trong 4 cơ sở sản xuất tiền USD giả hoạt động ở thủ đô Lima của Peru - quốc gia được Sở Mật vụ Mỹ (USSS) tuyên bố là “nhà sản xuất USD giả hàng đầu thế giới”.

Walter Escalante, lãnh đạo bộ  phận chống tiền giả thuộc cảnh sát quốc gia Peru, cho biết: “Từ năm 2009, trong những cuộc điều tra hợp tác với USSS, chúng tôi tịch thu được khoảng 75 triệu tiền giấy USD giả. Chúng tôi không biết bao nhiêu phần trăm lượng USD giả được tuồn bất hợp pháp vào Mỹ cũng như thâm nhập sâu vào hệ thống tài chính nước này. Chúng tôi nghĩ 75 triệu USD tuồn vào Mỹ thật sự là những tuyệt tác nghệ thuật”.

Geraldo Chavez và tờ USD giả.

Geraldo Chavez (không phải tên thật), một cựu chuyên gia sản xuất tiền giả ở Lima có 20 năm kinh nghiệm trong nghề, kể chi tiết: băng nhóm của ông ta sản xuất trung bình từ 3-5 triệu tờ tiền giả 100 USD trong mỗi tuần.

Geraldo Chavez giải thích: “Để làm ra những tờ tiền giả như thế, chúng tôi cần từ 10 đến 12 người. Người vận hành máy móc, chuyên gia thiết kế, số người phục vụ nguyên liệu như giấy và mực in, người cắt giấy, còn thêm người đóng gói và người được phân công canh gác bên ngoài. Tối thiểu là 8 người, song thường là từ 8 đến 12 người để công việc sản xuất được suôn sẽ”.

Khi được hỏi về thời gian đáp ứng đơn đặt hàng 5 triệu USD giả là bao lâu. Chavez trả lời ngay: “Khoảng 1 tuần. Đầu tiên là thiết kế, sau đó đến tổ chức nguyên liệu và rồi bắt đầu in”. Chavez điều hành một cơ xưởng gồm khoảng 6 máy in offset hoạt động cùng một lúc để cho ra đời USD giả. “Anh ta phải làm việc giữa đêm khuya. Máy móc rất ồn. Do đó, cơ xưởng phải đặt trên những ngọn đồi, trong những căn nhà tiền chế, nằm cách xa khu dân cư”.

Khách hàng tiêu biểu mua trong khoảng từ 10.000 đến 15.000 USD giả. Khách hàng quen mặt trả 20% mệnh giá, còn khách hàng mới phải trả 25%. Những tờ 100 USD giả tinh xảo giống y như thật của Chavez xuất xưởng từ phía bắc Lima, sau đó được vận chuyển vào trung tâm thủ đô và tiếp tục đi vào thị trường đen.

Ở Mỹ và nhiều nước châu Âu khác, các đơn vị chống tiền giả của cảnh sát kiểm soát chặt chẽ máy in offset - từ lúc bán, phân phối cho đến khi sử dụng. Nhưng ở Peru thì khác hẳn: công nghệ in offset tự do đối với bất cứ ai. Những vùng lân cận Lima nổi tiếng là những nơi dễ tìm mua mọi thứ giấy tờ làm giả - hộ chiếu, giấy phép lái xe, bằng cấp đại học, hợp đồng việc làm, giấy tờ nhà đất và bất cứ loại giấy tờ gì có mặt trên đời!

Ở Peru, sự đề cao cảnh giác tiền giả đến mức chủ mọi cửa hàng bán lẻ đều cung cấp cho nhân viên thu ngân thiết bị bấm lỗ. Khi nhận tờ tiền giả, thủ quỹ sẽ tiến hành bấm vài lỗ trên tờ tiền rồi trả lại cho người khách đang trố mắt ngạc nhiên. Tấm bảng nêu chi tiết những dấu hiệu cảnh báo tiền giả được bố trí ngay cửa vào nhiều hiệu bán thuốc tây ở Lima. Vài tờ tiền giả cũng được dán lên tấm biển cùng với dòng chữ lưu ý bất cứ tờ tiền giả nào bị phát hiện sẽ được bấm vài lỗ ngay lập tức. Lợi nhuận từ kinh doanh tiền giả là cực kỳ béo bở và sự cạnh tranh về chất lượng tờ tiền giả giữa các băng nhóm với nhau rất khốc liệt.

Sợi chỉ được luồn vào tờ tiền giả khiến nó trở nên thật hơn.

Walter Escalante nói: “Bọn tội phạm cố gắng giảm chi phí đầu tư nguyên liệu thấp đến mức có thể. Nên biết rằng, tiền giả sẽ được tuồn vào Mỹ trong khi người dân ở đây luôn tin tưởng vào tờ tiền của họ nên họ không mấy quan tâm kiểm tra”. Hàng triệu tờ 100 USD giả được tuồn vào Mỹ thông qua những “người vận chuyển” tinh ranh vượt biên bằng đường bộ. Tiền giả được giấu trong những cuốn sách, đế giày, bên trong khung tranh... Bọn buôn lậu không thể sử dụng máy bay để chuyển tiền giả vào Mỹ bởi vì các sân bay đều được trang bị những công nghệ mới nhất để phát hiện hàng lậu.

Nhằm triệt phá những băng nhóm sản xuất tiền giả và giảm bớt số lượng tiền giả tuồn vào Mỹ, cách đây 3 năm, USSS thành lập một văn phòng khu vực ở Lima để hợp tác chặt chẽ với cảnh sát Peru. Nhưng việc xâm nhập vào mạng lưới tội phạm tiền giả vô cùng khó khăn. Tội phạm tiền giả sống và làm việc trong những vùng ngoại ô Lima và bất cứ người lạ nào cũng bị theo dõi khi bất ngờ xuất hiện.

Đối với cảnh sát Peru, nạn tham nhũng lan tràn trong hệ thống tư pháp cũng như chính lực lượng cảnh sát khiến cho cuộc chiến chống tiền giả càng thêm khó khăn. Với hy vọng làm nản chí tội phạm tiền giả, Bộ Tài chính Mỹ liên tục thiết kế lại tờ tiền USD, thêm vào những yếu tố khác để cho việc sao chép trở nên khó khăn hơn. Nhưng mỗi khi thiết kế mới ra đời là chẳng bao lâu sau, bản giả lại lù lù xuất hiện!

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.