Những bé gái bị bắt cóc trên đường phố ở Ấn Độ

Thứ Bảy, 09/02/2013, 04:35

Vị trí của phụ nữ trong xã hội Ấn Độ bị coi thường và các phương tiện truyền thông từ trước đến nay vẫn thường đưa tin về những vụ hủy bỏ phôi thai nữ, thậm chí còn sát hại các bé gái. Nhưng có một vấn đề nghịch lý là hiện nay những bé gái bị bắt cóc ngay trên các đường phố khắp Ấn Độ để "buôn bán" nhằm bù đắp lại sự thiếu hụt con gái dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng ở đất nước bảo thủ này.

Sau khi bất thần ập vào một căn nhà, nhóm cảnh sát hỏi bé gái tên là Rukhsana: "Con bao nhiêu tuổi? Sao lại ở đây?". "Con 14 tuổi", cô bé nhẹ nhàng trả lời. "Con bị bắt cóc". Nhưng, khi Rukhsana muốn nói gì thêm nữa thì một phụ nữ luống tuổi chợt xuất hiện gằn giọng: "Con bé nói dối đấy. Nó đã 18 - 19 tuổi rồi và tôi đã trả tiền cho cha mẹ nó để mua nó". Khi nhóm sĩ quan cảnh sát đẩy Rukhsana ra ngoài, người đàn bà nhảy xổ đến giật đôi bông tai của cô bé và la lên: "Chúng là của tôi".

Một năm trước, Rukhsana sống với cha mẹ cùng với hai đứa em gái trong ngôi làng gần biên giới với Bangladesh. Nhưng, tuổi thơ của Rukhsana kết thúc vào cái ngày bị 3 người đàn ông lạ mặt bắt đưa lên một chiếc ôtô sau khi cô bé đang trên đường từ trường học về nhà. Rukhsana nhớ lại: "Họ dùng dao đe dọa cắt tôi ra từng khúc nếu dám chống cự". Sau 3 ngày đi ôtô, xe buýt và tàu hỏa, cuối cùng nhóm bắt cóc dẫn Rukhsana đến một căn nhà ở bang Haryana, miền Bắc Ấn Độ, nơi cô bé bị bán cho gia đình có 4 người - bà mẹ và 3 thằng con trai.

Suốt 1 năm trời, Rukhsana không được phép bước ra khỏi nhà. Rukhsana khai với cảnh sát rằng cô bị ngược đãi, đánh đập và thường xuyên bị thằng con trai lớn nhất - gã tự xưng là "chồng" - cưỡng bức. Gã trai trẻ còn bảo mẹ hắn đã bỏ tiền ra mua Rukhsana cho nên cô bé phải phục tùng hắn.

Mỗi năm tại Ấn Độ có khoảng 10.000 cô gái bị mất tích. Chúng bị bán vào các nhà chứa mại dâm hoặc cho các gia đình để làm nô lệ tình dục, như trường hợp của Rukhsana, ở các bang miền Bắc Ấn Độ - những nơi mà tình trạng mất cân bằng giới tính nam và nữ ở mức trầm trọng do hiện tượng phá bỏ thai nữ bất hợp pháp lan tràn. Còn theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (Unicep) mỗi năm tại Ấn Độ có khoảng 50.000 phụ nữ bị mất tích.

Mặc dù không có con số thống kê chính thức cho biết có bao nhiêu cô gái bị bán làm nô lệ tình dục ở các bang miền Bắc Ấn Độ, song các nhà hoạt động xã hội cho rằng con số này đang tăng nhanh do sự khan hiếm phụ nữ ở khu vực miền Bắc tương đối giàu có và sự nghèo khó ở các phần khác của Ấn Độ. Rishi Kant - nhà hoạt động xã hội thuộc tổ chức Shakti Vahini hợp tác chặt chẽ với cảnh sát để giải cứu các nạn nhân nữ bị bắc cóc - cho biết: "Mỗi hộ gia đình ở miền Bắc Ấn Độ đều cảm thấy áp lực ghê gớm khi con trai ở đây không thể tìm được phụ nữ cho họ".

Theo dữ liệu chính thức mới nhất, khoảng 35.000 trẻ gái được báo cáo mất tích ở Ấn Độ vào năm 2011 - và trên 11.000 trong số đó là ở khu vực Tây Bengal. Cảnh sát ước chỉ khoảng 30% số vụ mất tích được báo cáo hiện nay.

Rukhsana (phải) đang khai báo với cảnh sát về vụ bắt cóc.

Một phụ nữ nông dân nghèo túng ở Sunderbans thuộc vùng Tây Bengal tên là Bilasi Singh nghe lời một người láng giềng cho phép cô con gái 16 tuổi đi theo hắn đến Delhi cách đây 2 năm để làm việc. Và từ đó cô gái không bao giờ quay về nữa. Bilasi Singh than vãn: "Cảnh sát chỉ có một lần đến gõ cửa nhà tên buôn người song không bắt giữ hắn. Cảnh sát đối xử với tôi rất tệ nên tôi sợ không còn dám tìm đến họ nữa".

Ở khu ổ chuột của thành phố Calcutta, miền Đông Ấn Độ, có một gã buôn người chuyên nghiệp. Hắn giấu tên nhưng chấp nhận nói công khai về hoạt động buôn người chủ yếu là phụ nữ trẻ ở Ấn Độ: "Nhu cầu đang tăng cao nhờ đó mà tôi kiếm được nhiều tiền. Tôi bán từ 150 đến 200 bé gái một năm - độ tuổi từ 10-11 và có khi lớn hơn. Tôi có giúp việc nên không cần phải nhọc công tìm kiếm. Chúng tôi bảo với cha mẹ các cô gái về công việc làm nhiều tiền ở Delhi và những gì xảy ra sau đó chúng tôi không màng đến".

Gã buôn người mất cả nhân tính này cho biết, hắn kiếm được khoảng 55.000 rupee (1.000 USD) từ mỗi cô gái. Gã còn cho biết giới chính khách và cảnh sát ở Calcutta, Delhi, Haryana đều luôn nhận hối lộ nên chẳng có gì phải sợ đối với việc buôn người.

Shankar Chakraborty, lãnh đạo Ban điều tra tội phạm chống buôn người ở Tây Bengal, lại khẳng định nạn tham nhũng trong lực lượng cảnh sát là "không đáng kể" và đơn vị của ông "tuyệt đối kiên quyết" chống buôn người! Theo Chakraborty, hiện nay mỗi đồn cảnh sát ở Tây Bengal chỉ có một sĩ quan chống buôn người nhưng tai mắt của cảnh sát thì giăng khắp mọi nơi.

Rishi Kant thuộc Tổ chức Shakti Vahini đặt vấn đề: "Chỉ giải cứu nạn nhân không thôi thì chưa đủ. Những gì chúng ta cần là phúc lợi xã hội và hệ thống tư pháp hoạt động hiệu quả". Theo Rishi Kant, cần có những phiên tòa xét xử nhanh để xử lý bọn tội phạm buôn người và không cho phép chúng đóng tiền bảo lãnh tại ngoại.

Rupa, 25 tuổi, bị bán từ Haryana đến Bihar. Cô bị bán làm vợ cho một người đàn ông không tìm được phụ nữ nào trong cộng đồng của hắn ta. Cô bị gia đình "chồng" bắt phá thai 2 lần cho đến khi mang thai một bé trai. Ở Ấn Độ, quan niệm chuộng con trai vẫn không thể xóa bỏ được cho đến tận ngày nay

Duy Ân (tổng hợp)
.
.