Những biệt đội chống “tin vịt” trên Internet

Thứ Ba, 05/12/2017, 13:36
Các quốc gia trên thế giới đang khẩn trương tìm cách ứng phó với tội phạm mạng, trong đó ưu tiên thành lập các lực lượng cảnh sát Internet.

Sự tràn lan của các thông tin giả mạo trên Internet đang ngày càng khiến cho người ta lo ngại. Một nghiên cứu mới công bố về tình trạng thông tin giả (fake news) được hãng truyền thông Anh BBC World Service thực hiện cho thấy kinh tế thế giới thiệt hại hàng trăm tỷ USD mỗi năm vì vấn nạn này.

Vì thế, các quốc gia trên thế giới cũng đang khẩn trương tìm cách ứng phó với tội phạm mạng, trong đó ưu tiên thành lập các lực lượng cảnh sát Internet.

Nhận diện fake news

Kết quả thăm dò của hãng BBC World Service tại 18 quốc gia được công bố hồi đầu tháng 11 cho thấy, có tới 79% người được hỏi bày tỏ lo ngại về việc không thể phân biệt được thông tin nào là thật và thông tin nào là giả mạo trên mạng Internet.

Nhiều người khác cũng cảm thấy chưa hài lòng với các biện pháp chống tin giả của chính phủ, trong đó đặc biệt người dùng Internet ở Trung Quốc và Anh đều cho rằng chính phủ cần phải tăng  cường kiểm duyệt hơn nữa đối với nguồn thông tin trên Internet.

Tại Việt Nam, đã 20 năm kể từ khi Internet chính thức có mặt và đến nay Internet đã được phổ cập tới 54% dân số. Nhưng việc dùng Internet và chia sẻ thông tin trên internet và mạng xã hội vẫn còn nhiều bất cập. Tại Diễn đàn Internet Việt Nam 2017 (VIF 17) kéo dài 2 ngày 27 và 28-11, lần đầu tiên, hơn 40 diễn giả trong và ngoài nước đã cùng bàn luận và chia sẻ những thông tin thú vị về cách xây dựng chuẩn mực cho người dùng Internet tại Việt Nam. 

Theo đó, hiện Việt Nam đang nằm trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất châu Á. Lượng thông tin xấu độc trên mạng Internet và mạng xã hội ngày càng nhiều, vấn nạn tấn công mạng, mất an toàn thông tin như thư rác, mã độc tống tiền nhằm vào nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam cũng gia tăng về số lượng và quy mô.

Tin giả mạo đang là vấn nạn của không chỉ một quốc gia.

Ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam nói: “Tại Diễn đàn Internet Việt Nam, các diễn giả đã bàn thảo đến 3 vấn đề chính gồm: chuẩn mực  hành vi của người dùng Internet trong kinh doanh; việc sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin và công bố một số hướng dẫn cho giới trẻ khi sử dụng Internet. Đặc biệt, diễn giả của một số quốc gia đã đưa ra những hướng dẫn khá đầy đủ về việc giúp người dùng phân biệt đâu là tin giả, đâu là tin thật”.

Theo ông Vũ Thế Bình, muốn phân biệt được đâu là tin giả và đâu là tin thật thì phải kiểm chứng nguồn tin, đặc biệt lưu ý là những tin do các hãng thông tin có tuy tín đăng thì độ tin cậy sẽ cao hơn. Tiếp đó là đọc kỹ và tìm hiểu nội dung trong tin, tránh trường hợp bị hấp dẫn bởi các tít bài câu khách mà bỏ qua nội dung vô lý bên trong. Suy ngẫm là biện pháp không thể thiếu để người đọc tự hỏi về tính logic, về phần trăm sự thật trong thông tin này hoặc tìm kiếm những lý lẽ và hoặc điều gì đó chứng minh thông tin là đúng.

Trong khi đó, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, ông Pereric Hogberg nhấn mạnh, Internet là ý tưởng về sự kết nối, mở ra cơ hội để mỗi người dân có thể liên tục cập nhật và nắm bắt nhiều vấn đề, cũng như giúp các cơ quan công quyền có thể cởi mở hơn, minh bạch hơn và có trách nhiệm giải trình cao hơn.

Tuy nhiên, việc gạn lọc, làm chủ thông tin trên Internet không hề đơn giản. Đặc biệt, đối với các cơ quan báo chí, việc cập nhật và đăng tải các thông tin cần phải có sự kiểm chứng và các nhà báo phải tỉnh táo giữa những luồng thông tin khác nhau, thậm chí là trái ngược về cùng một sự việc.

Đại sứ Pereric Hogberg nói: “Kinh nghiệm của Thụy Điển chúng tôi là thành lập các nhóm back-check (nhóm hậu kiểm) đối với thông tin từ các cơ quan báo chí với sự tham gia của các bên liên quan”.

Bên cạnh đó, Đại sứ Thụy Điển kêu gọi người dùng phải có trách nhiệm phân tích nhiều lần những nguồn thông tin có được, nếu đúng thì cùng chia sẻ, nếu sai thì nêu lên ý kiến để minh bạch vấn đề. Tại Thụy Điển sử dụng một phần mềm gọi là "fact track" để gạn lọc thông tin. Với phần mềm này, mọi người đều có thể nêu ra ý kiến về các thông tin mà họ nhận được một cách công khai. Từ những ý kiến đó, có những bộ phận để kiểm tra, phân tích và chọn lọc thông tin.

Cảnh sát Internet các nước

Nói thêm về một số kinh nghiệm của các nước khác trong vấn đề quản lý Internet, đặc biệt là thành lập những biệt đội cảnh sát Internet, nhiều diễn giả khác đã nhắc đến chiến dịch tuyên truyền chống thông tin giả mạo, sai sự thật kéo dài đến hết tháng 2-2018 do Ủy ban châu Âu (EC) thực hiện nhằm vào các đối tượng là công dân, nhà quản lý mạng truyền thông xã hội, cơ quan báo chí, các nhà nghiên cứu và cơ quan công quyền.

Theo công bố của EC, một nhóm chuyên gia cao cấp được thành lập để đảm nhiệm xây dựng phương thức đối phó với việc phổ biến tin tức sai sự thật rồi cung cấp các giải pháp để công dân EU có thể xác định được đâu là những tin tức sai sự thật được đưa lên mạng và họ có thể yên tâm khi tiếp nhận, sử dụng và quản lý thông tin đó.

Nước Đức còn mạnh tay hơn khi xem xét việc đề ra cơ chế trừng phạt mới, phạt tiền đối với các nền tảng truyền thông xã hội nếu họ không kịp thời xóa các thông tin giả mạo. Mức phạt cho những lần vi phạm này là 500.000 Euro (khoảng 522.000 USD) đối với các nền tảng mạng xã hội không kịp xóa các bài viết bất hợp pháp trong vòng 24 giờ. CH Czech cũng đã thành lập một lực lượng đặc biệt chuyên xử lý các thông tin giả mạo.

Còn ở Phần Lan, lực lượng cảnh sát Internet tuy mới được thành lập vài năm nhưng đã góp phần không nhỏ trong việc giảm rõ rệt số vụ tội phạm mạng tại quốc gia Bắc Âu này.

Một điều thú vị nữa là tại Phần Lan, cảnh sát Internet không những phải hoạt động dựa trên các quy định của luật pháp như các lực lượng cảnh sát khác, mà họ còn phải duy trì trang cá nhân và phải đăng những thông báo liên quan các vấn đề mạng xã hội để giáo dục cư dân mạng về cách hành xử trên Internet.

Mỹ thì chi hàng triệu USD từ ngân sách để thành lập Trung tâm chống tuyên truyền và thông tin sai lệch từ nước ngoài. Thẩm quyền của trung tâm này bao gồm cả việc “phân phối các nguồn tài trợ để duy trì các nhóm xã hội dân sự, các nhà báo, các Hiệp hội khoa học và sản xuất (NPO), các công ty tư nhân và các viện nghiên cứu học thuật liên quan đến việc phân tích, thu thập thông tin và chiến đấu chống lại tin sai lệch nước ngoài”.

Còn Australia thì đang lên kế hoạch đưa vào giảng dạy một chương trình đại học đầu tiên trên thế giới về phân tích tình báo trong cuộc chiến chống lại tội phạm mạng. Khóa học này được đưa ra sau khi xuất hiện các phương thức chuyển tiền tiên tiến mà các nhóm vũ trang và tội phạm có tổ chức đã sử dụng trong thời gian qua.

Năm ngoái, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã tăng cường vai trò của cơ quan kiểm soát tiền tệ có tên là Trung tâm Phân tích và Báo cáo Giao dịch Australia (AUSTRAC) và nhất trí chia sẻ với Trung Quốc thông tin tình báo về tội phạm tài chính.

Tại khu vực châu Á, hồi tháng 7 vừa qua, chính quyền New Delhi đã tổ chức một hội nghị để bàn về việc triển khai chiến dịch chống thông tin giả mạo với sự tham gia của các nhà báo, các chuyên gia về công nghệ thông tin. Tờ Indian Express dẫn lời ông Nasr ul Hadi, một chuyên gia của Trung tâm Báo chí Quốc tế (ICFJ) đang triển khai các dự án về truyền thông ở Ấn Độ cho rằng, nếu muốn ngăn chặn được tin tức giả mạo thì điều đầu tiên là phải phân loại được chúng.

Theo ông Nasr ul Hadi, có 3 loại tin tức giả mạo: Tin giả mạo có nguồn gốc từ tin đồn lan truyền trong cộng đồng mạng; tin sai lệch xuất phát từ các hãng tin hay các tờ báo, nguyên nhân là nguồn tin không đáng tin cậy hay đưa tin thiếu xác minh; tin giả mạo được tạo ra có chủ đích.

Ông Hadi lập luận, một khi đã hiểu được bản chất của các tin giả mạo, Chính phủ, giới công nghệ và truyền thông sẽ lập được những chiến lược hiệu quả hơn để ngăn chặn chúng. Đồng thời, mỗi nước cũng nên có một lực lượng cảnh sát Internet để đấu tranh có hiệu quả hơn.

Trong khi đó, Trung Quốc đã có cả một ngành công nghiệp và một nghề dành riêng cho việc kiểm soát thế giới truyền thông xã hội đang phát triển với tốc độ chóng mặt, khi các thông tin có thể nhanh chóng bị lan truyền tới 500 triệu người dùng Internet.

Hãng tin nhà nước Beijing News (Tin tức Bắc Kinh) đưa tin, Trung Quốc có tới 2 triệu người làm việc theo dõi các hoạt động trên mạng Internet, nhiều hơn cả số quân nhân tại ngũ hiện đang là 1,5 triệu của nước này.

Ở khu vực ASEAN, Chính phủ Singapore vẫn đang tham vấn các bên như luật sư, chuyên gia truyền thông và các công ty công nghệ để phục vụ cho việc soạn thảo luật chống thông tin giả mạo dự kiến ban hành vào năm 2018. 91% người dân Singapore khi được hỏi đều bày tỏ sự ủng hộ việc công bố một đạo luật mạnh mẽ hơn để đảm bảo gỡ bỏ và sửa lại cho đúng những tin giả.

Còn Indonesia thì hồi tháng 1 vừa qua đã thành lập một cơ quan chuyên xử lý nạn tin tức giả lan tràn trên mạng xã hội. Bộ trưởng an ninh Indonesia, ông Wiranto nói: “Tự do ngôn luận là một quyền trong nền dân chủ, nhưng cũng còn có bổn phận phải tuân thủ luật pháp nữa”. Giới quan chức Indonesia cho biết, một trong những nhiệm vụ của cơ quan chống tin tức giả sẽ là theo dõi các tin tức lan truyền trên mạng để kiểm chứng sự thật và chỉ ra những tin giả mạo.

Tổng thư ký Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) Ronald Noble cho biết, một Trung tâm mới của Interpol đã đi vào hoạt động từ tháng 4-2015 tại Singapore nhằm tăng cường nỗ lực toàn cầu chống tội phạm Internet. Việc đào tạo lực lượng cảnh sát các nước thành viên đối phó với hình thức tội phạm trong thời đại mới là một phần quan trọng của trung tâm mới này.

Riêng với vấn đề an toàn thông tin trên Internet cho trẻ em, bà Dragana Strinic - Trưởng đại diện tổ chức cứu trợ trẻ em tại Việt Nam cho rằng có nhiều loại hình tội phạm nảy sinh nhờ sự phát triển của Internet trong đó có vấn nạn xâm hại tình dục qua internet.

Hàng triệu trẻ em trên khắp thế giới trở thành nạn nhân của lạm dụng tình dục qua internet, các trường hợp này đều không báo cáo với công an. Các nhóm trẻ dễ bị tổn thương phần lớn là những trẻ găp khó khăn trong tiếp cận các đơn vị hỗ trợ, trẻ em bị mắc bệnh tâm thần hoặc những người không nhận được hỗ trợ xã hội một cách đúng mức.

Theo bà Dragana Strinic, cha mẹ không nên và không thể ngăn được trẻ truy cập, sử dụng internet. Vậy chỉ còn cách tự cha mẹ trở thành “một cảnh sát Internet” để giám sát hành động của mình và con em mình. Các cha mẹ cần trò chuyện nhiều hơn với trẻ để trẻ kể về những người chúng gặp trên mạng để từ đó xác định dấu hiệu khả nghi… 

Đối với các nội dung độc hại trên Internet có thể ảnh hưởng xấu tới trẻ em, ông Jeremy Showalter, Giám đốc Tiếp thị của Microsoft Việt Nam cũng nhận định phụ huynh cần kiểm soát chặt chẽ nội dung và thời gian truy cập internet của con em mình. Nói cách khác, cha mẹ đóng vai trò như "tuyến phòng thủ đầu tiên" nhằm bảo vệ con mình khỏi những nội dung xấu trên mạng, đặc biệt là những nội dung được truyền tải qua video.

Còn bà Malavika Jayaram, Giám đốc của Digital Asia Hub thì nhấn mạnh, việc truy cập internet hiện nay không còn bị giới hạn ở các phương tiện như máy tính, điện thoại thông minh mà còn ở cả đồ chơi của trẻ em nên các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý và giám sát chặt chẽ điều này.

Sông Thương – Như Uyên
.
.