Những chuyên án buôn ma túy “khủng” qua đường hàng không

Thứ Ba, 21/03/2017, 12:25
Ma túy là thứ hàng siêu lợi nhuận nên các ông trùm, bà trùm luôn có trăm phương ngàn kế tổ chức mua bán trót lọt để kiếm lời. Thời gian vừa qua, bên cạnh thủ đoạn vận chuyển qua đường bộ, đường biển thì các đối tượng dường như đang “đẩy mạnh” việc vận chuyển ma túy qua đường hàng không. Cuộc chiến với loại tội phạm này thực sự nóng bỏng hơn bao giờ hết...

Chuyên án “bánh đa cua”

Chúng tôi có mặt tại trụ sở Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) Bộ Công an vào một buổi sáng mùa xuân mưa lây rây. Dịp này cũng trùng vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Cục. Dù vậy, các trinh sát cán bộ điều tra của C47 vẫn miệt mài đi công tác, đánh án ở mọi miền Tổ quốc.

Căn phòng nhỏ của Đại tá Mai Sơn Cương, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy qua đường biển, đường hàng không (Phòng 7 C47) giản dị nhưng rất ấm áp. Vốn sinh ra và lớn lên tại Lai Châu - một trong những “rốn lũ” ma túy của cả nước - Đại tá Cương hiểu rất rõ tác hại của ma túy cũng như cuộc chiến cam go với loại tội phạm này. Nếu như trên đường bộ, các đối tượng thường tỏ ra manh động, liều lĩnh thì trên đường hàng không bọn chúng lại có những “mưu sâu kế hiểm” nhằm qua mặt cơ quan chức năng.

Đại tá Cương nhớ lại một trong những quỷ kế của các đối tượng trong chuyên án này - được gọi vui là chuyên án “bánh đa cua” (do ma túy được ngụy trang thành những gói bánh đa cua theo đường hàng không sang châu Úc).

Cơ quan chức năng kiểm tra các lô hàng ma túy “lá Khat”.

Khoảng giữa năm 2015, C47 nhận được thông tin về một đường dây chuyên vận chuyển ma túy từ TP Hải Phòng lên Hà Nội rồi sang Australia qua đường hàng không. Ma túy được các đối tượng ngụy trang dưới dạng các đồ thực phẩm thuộc hàng “đặc sản” của TP Hải Phòng như bánh đa cua, bánh đa nem rồi gửi bưu kiện “chuyển phát nhanh”. Số lượng ma túy không nhiều (mỗi chuyến 2-4 bánh), song đều đặn tháng nào các đối tượng cũng thực hiện 1-2 chuyến.

Cũng phải nói thêm ở đây rằng Australia là một trong những thị trường “béo bở” của tội phạm ma túy. Một bánh heroin ở Việt Nam có giá khoảng 10.000 USD, khi vận chuyển trót lọt sang đó thì giá sẽ tăng vọt lên hàng chục lần. Do đó các đối tượng buôn bán thường “ưu tiên” vận chuyển hàng sang quốc gia này.

Tiến hành các biện pháp trinh sát liên hoàn, C47 dựng lên được một đường dây 3-4 đối tượng nữ, trú tại TP Hải Phòng liên tục “gửi quà” sang Australia là các bưu kiện nghi có chứa ma túy. Sau khi được sự đồng ý của lãnh đạo Cục C47, Phòng 7 đã lập chuyên án để điều tra.

Khác với những cuộc vây bắt qua đường bộ - đối tượng thường mang ma túy bên người hoặc giấu trong xe ô tô, đòi hỏi cán bộ chiến sĩ C47 phải bám sát sự di biến động một gói hàng được vận chuyển từ điểm A đến điểm B. “Nhóm nữ quái tỏ ra có kinh nghiệm, thừa lọc lõi trong việc buôn bán, vận chuyển ma túy khi mà trên bưu kiện và các liên giao nhận hàng có rất ít thông tin của chúng. Nếu có thì là các thông tin giả, không có giá trị truy xuất nguồn.

Phía người nhận bên Australia, bọn chúng cũng gửi đến một địa chỉ “ma” - không phải là nơi đồng bọn ẩn nấp. Theo dõi vận đơn online phát hiện thấy có bưu kiện gửi đến thì đồng bọn chúng mới xuất hiện, thuê người qua lấy. Chính vì vậy mà công tác điều tra vụ án gặp rất nhiều khó khăn” - Đại tá Cương chia sẻ.

Với quyết tâm phải khui bằng được đường dây ma túy nguy hiểm này, trinh sát Phòng 7 không kể ngày đêm dựng lên rất nhiều phương án nhằm buộc đối tượng ở Hải Phòng phải xuất đầu lộ diện. Cho đến đầu tháng 7-2015, một kiện hàng xuất phát từ bưu điện trung tâm TP Hải Phòng được chuyển lên Hà Nội và có điểm đến cuối là Sydney (Australia). Khi bưu kiện chuyển đến kho tại Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bằng biện pháp soi chiếu, lực lượng chức năng phát hiện ra nhiều bánh heroin được ngụy trang khéo léo dưới dạng các hộp bánh đa cua, hộp chè, măng khô...

Do đã có biện pháp trinh sát từ trước, đối tượng mang hàng đi gửi ngay sau đó cũng được “định danh”. Thời điểm phá án đã tới...

Khoảng 22 giờ ngày 10-7-2015 tại Bưu điện trung tâm  thành phố Hải Phòng, Ban chuyên án bắt quả tang Nguyễn Thị Minh Tâm (SN 1978, trú tại Nguyễn Công Hòa, phường An Dương, quận Lê Chân) và Lê Thị Thủy (SN 1968, trú tại đường Dư Hàng Kênh cùng quận Lê Chân, TP Hải Phòng) đang có hành vi gói các kiện hàng chứa ma túy để gửi sang Australia. Tại CQĐT, các đối tượng đã khai nhận mọi hành vi.

Được biết đường dây của Tâm, Thủy và một số đối tượng bên Australia đã hoạt động khoảng hơn 1 năm. Bằng thủ đoạn giấu heroin vào các thùng hàng với mác đặc sản Hải Phòng, các đối tượng đã gửi hàng chục bưu kiện hàng sang Australia trót lọt. Dù khá rủng rỉnh do lợi nhuận từ các thương vụ ma túy, song hai đối tượng vẫn ngụy trang bằng một sạp hàng khô.

“Để phá thành công vụ án này C47 đã được sự phối hợp rất nhiệt tình, có hiệu quả từ Phòng PC47 Công an TP Hải Phòng, một số cục nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an huyện Tiên Lãng, Đội 5 Cục Điều tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan, Đội kiểm soát ma túy thuộc Cục Hải quan Hà Nội, Đội kiểm soát Hải quan thuộc Cục Hải quan Hải Phòng, Bưu điện Hà Nội, Bưu điện Hải Phòng...” - Đại tá Cương chia sẻ.

Đại tá Phạm Văn Chình, Phó Cục trưởng C47: “Thủ đoạn vận chuyển ma túy qua tuyến hàng không ngày càng gia tăng”..

Chặn đứng 2,5 tấn lá Khat

Tháng 6-2016 C47 phối hợp với Cục Hải quan TP Hà Nội đã triệt phá một đường dây vận chuyển ma túy với số lượng cực lớn từ nước ngoài vào Việt Nam qua đường bưu điện. Tổng cộng 2,5 tấn lá Khat đã liên tục được “đẩy” vào Việt Nam để từ đó vận chuyển sang các nước thứ ba. Tuy nhiên, tất cả số ma túy này đã bị chặn lại tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những chiến công nổi bật của C47 trong năm 2016.

Khoảng tháng 3-2016, C47 nhận được thông tin về một đường dây vận chuyển ma túy từ các nước châu Phi vào Việt Nam và sau đó sẽ được chuyển sang Mỹ, Australia, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á... Khẩn trương tiến hành điều tra, cán bộ Phòng 7 thực sự bất ngờ về độ “khủng” của đường dây này. Chỉ trong vòng vài tuần lễ, đã có hàng chục bưu kiện với hàng trăm kg lá Khat (được ngụy trang dưới dạng lá chè, lá chùm ngây) được chuyển về Việt Nam và chuyển tiếp đi các nước thứ ba.

“Đường đi” của những bưu kiện này là từ các nước châu phi như Etiopia, Kenya sang Qatar, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, quá cảnh tại Thái Lan và về Việt Nam.

Theo Đại tá Mai Sơn Cương, khi phát hiện những kiện hàng nghi vấn, trinh sát C47 đã đề nghị Hải quan Hà Nội tập trung kiểm tra làm rõ. Qua giám định, chất thành phần trong mẫu giám định là cathinone, nằm trong danh mục chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống. Bề ngoài lá Khat trông rất giống các loại chè đang được sản xuất, buôn bán rộng rãi ở Việt Nam, tuy nhiên đây lại là một loại ma túy cực kỳ nguy hiểm.

Khi sử dụng (nhai) loại lá này sẽ cho cảm giác sảng khoái, tạo hưng phấn, giảm cảm giác đói. Khi lạm dụng loại lá này sẽ khiến người nghiện có thể bị rụng răng, dãn đồng tử mắt, hóa điên, gây ung thư... âm thầm tước đi mạng sống của con người. Tuy nhiên, thời điểm đó lá Khat lại chưa có trong danh mục chất ma túy trong BLHS 2015 nên việc xử lý các đối tượng trong đường dây này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Mặc dù vậy, toàn bộ cán bộ chiến sỹ Phòng 7 C47 vẫn tập trung lực lượng ngày đêm có mặt tại các kho hàng thuộc Cục Hải quan TP Hà Nội để “tóm” những lô hàng có dấu hiệu nghi vấn. Từ tháng 3 đến tháng 6-2016 đã có hàng trăm kiện hàng với 2,5 tấn lá Khat bị phát hiện, thu giữ.

Đơn cử ngày 20-4, phát hiện lô hàng gồm 36 bưu kiện với tổng trọng lượng 545kg lá Khat gửi từ Ethiopia về Việt Nam; Ngày 24-5, phát hiện tạm giữ 52 kiện hàng với trọng lượng 468kg lá Khat do một người ở Lào Cai gửi đi Mỹ 38 kiện, đi Anh 12 kiện, đi Australia 2 kiện.

Cùng ngày cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện 76 kiện với 1.088kg lá Khat được gửi từ Ethiopia về Việt Nam cho 7 người và một công ty. Đồng thời có 6 kiện (60kg) gửi đi Mỹ và Hà Lan của một đối tượng ở Lào Cai; ngày 25 và 26-5 một công ty có địa chỉ ở Hà Nội gửi đi 11 kiện (108kg) lá Khat đóng trong túi bạc màu trắng có dãn nhãn mác là Chùm ngây khô tinh chất tự nhiên đóng trong gói trọng lượng mỗi túi 1kg được gửi đi Mỹ 4 kiện, đi Australia 7 kiện...

Cũng ngay sau đó, các đối tượng đứng sau đường dây này cũng được làm rõ. Cán bộ trinh sát Phòng 7 đã rà soát hàng trăm đối tượng ở Hà Nội, Lào Cai, TP HCM, Vũng Tàu và nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ethiopia, Kenya..., làm rõ vai trò của từng đối tượng trong đường dây.

Theo một cán bộ điều tra Phòng 7, C47 mặc dù các đối tượng trong đường dây này sau đó chỉ bị xử lý hành chính, tuy nhiên chiến công này cũng đã góp phần giảm tới 99% lượng ma túy lá Khat vào Việt Nam. Bên cạnh đó nó cũng thể hiện lực lượng C47 đã làm tốt công tác phối hợp kiểm soát hàng hóa, kịp thời phát hiện những lô hàng có chứa chất ma túy. Đồng thời góp phần tuyên truyền phòng ngừa cho người dân hiểu rõ và không tham gia hoạt động buôn bán vận chuyển lá Khat nữa.

Đại tá Phạm Văn Chình, Phó Cục trưởng Cục C47 cho chúng tôi biết, khoảng 5 năm trở lại đây lợi dụng việc đi lại thuận tiện, nhanh chóng, tình hình tội phạm vận chuyển ma túy qua tuyến hàng không ngày càng gia tăng. Nếu như giai đoạn 2011-2012, cơ quan chức năng mới chỉ phát hiện khoảng trên 20 vụ với số lượng vài chục kg heroin thì giai đoạn 2014-2015 đã phát hiện bắt giữ 40 vụ, 41 đối tượng, thu giữ 25,2 kg heroin, hơn 86 kg cocain, 54 kg ma túy tổng hợp các loại, trên 30 kg tiền chất...

Đặc biệt có vụ mua bán, vận chuyển với số lượng rất lớn như vụ vận chuyển 600 bánh heroin từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Đài Loan... hoặc như gần đây bắt vụ vận chuyển trên 60kg cocain từ khu vực Nam Mỹ về Việt Nam và đi nước khác tiêu thụ.

Đối tượng Nguyễn Thị Minh Tâm và Lê Thu Thủy.

Thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy tuyến hàng không ngày càng tinh vi; đối tượng vận chuyển thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động. Các đối tượng gốc Phi cư trú ở các nước Đông Nam Á như: Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Philippines... cấu kết với các đối tượng ở các nước Tây Phi như: Nigeria, Mali, Bénin... hình thành các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy từ châu Phi về Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

Ma túy chủ yếu là heroin, ma túy tổng hợp dạng đá (Methamphetamin), cocain, tiền chất Pseudoephedrine (PSE)... Tuyến vận chuyển đa dạng, thường xuyên thay đổi. Một số tuyến trọng điểm vận chuyển qua đường hàng không như: tuyến nhập từ châu Phi, từ các nước Nam Mỹ quá cảnh Doha, Dubai, Thái Lan, Philippines, Malaisia... về Việt Nam; tuyến xuất chủ yếu từ Việt Nam - Australia, Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Đài Loan.

Hiện nay, không chỉ các cảng hàng không quốc tế mà tại các cảng hàng không nội địa, tội phạm cũng đã lợi dụng để vận chuyển ma túy, nhất là các tuyến bay đi và đến Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang); các tuyến từ các địa bàn phức tạp về ma túy như: Thanh Hóa, Nghệ An, Cần Thơ, Điện Biên...

Ma túy được ngụy trang, giấu trong giày dép, các hộp thực phẩm, mỹ phẩm, trà, cà phê, trong các thiết bị âm thanh, thiết bị điện tử... pha thành các chất lỏng rồi thấm vào lớp lót va li, khăn tắm... hoặc chất sệt để tránh sự kiểm tra phát hiện của cơ quan chức năng. Một số vụ vận chuyển ma túy dưới hình thức nuốt, nhét trong cơ thể, một số trường hợp chúng còn móc nối với nhân viên phục vụ hành khách tại sân bay để lẩn tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Có trường hợp đối tượng phạm tội dát mỏng ma túy rồi dán vào thành, đáy va li nên công tác kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng ở sân bay gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh thủ đoạn vận chuyển ma túy theo đường gửi bưu kiện ẩn danh, thì các đối tượng còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của du học sinh, người đi du lịch thăm thân, người lao động ngoài nước... để nhờ, gửi, thuê mang ma túy theo đường “xách tay” (dĩ nhiên đã được ngụy trang là hàng tiêu dùng). Và đã có không ít người trở thành nạn nhân của chúng...

Minh Tiến
.
.