Những đoàn thám hiểm mất tích bí ẩn

Thứ Ba, 09/12/2008, 11:00
Hàng năm khách du lịch và các nhà nghiên cứu vẫn lên đường chinh phục những nơi khó đến và ít được nghiên cứu trên hành tinh của chúng ta. Nhưng không phải tất cả họ đều trở về. Đã có các trường hợp khi cả đoàn thám hiểm biến mất hoặc chết trong hoàn cảnh bí hiểm...

Vào năm 1948, tại sa mạc miền Trung Arabi, đoàn thám hiểm gần 100 người, do Liudvig Leihard đứng đầu, đã biến mất mà không để lại dấu vết...

Ngày 8/6/1924, trong thời gian bão tuyết các nhà leo núi George Lei-Melori và Andrew Irvin đang trong hành trình lên đỉnh Everest, đã mất tích. Thi thể của họ cho đến nay vẫn chưa được tìm ra...

Vào năm 1925, tại Mata-Grossa (Brazil) đoàn thám hiểm của Persi Fauccett đang tìm kiếm  thành phố cổ của người da đỏ, đã bị mất tích. Trong tháng 5/1928, người ta đã gửi đến khu vực này một đoàn cứu hộ, nhưng họ không tìm thấy một dấu vết nào của Fauccett, cũng như của những người đồng hành với ông. Có tin đồn rằng, người ta đã nhìn thấy Fauccett điên loạn giữa bộ lạc mọi rợ, nhưng câu chuyện này cũng không được khẳng định...

Mùa hè năm 1953, đoàn thám hiểm của L.N.Leoncheva, đang tiến hành nghiên cứu tại Tuva bất ngờ bị mất liên lạc. Tại chỗ đóng trại, nhóm cứu hộ đã tìm thấy đống lửa với than còn âm ỉ, lều trại và các trang bị... Nhưng không có người hay ngựa nào hết... Tuy nhiên, trên mặt đất có thấy dấu vết móng ngựa, đi từ rừng vào trại..., ngoài ra không có gì thêm! Những cuộc tìm kiếm kéo dài đã không mang lại kết quả...

Vào mùa đông năm 1959, nhóm sinh viên Trường đại học Ural gồm 7 nam và 1 nữ, tất cả họ là những nhà du lịch có kinh nghiệm, bắt đầu tiến lên đỉnh núi Otorten (theo tiếng địa phương có nghĩa là “Núi của những người chết”) trên bàn trượt tuyết. Dẫn đầu nhóm là Igor Diatlov, người có rất nhiều kinh nghiệm.

Đến thời hạn định trước, nhóm không phát tín hiệu liên lạc. Ngay sau đó nhóm cứu hộ đã lôi từ trong tuyết ra những thi thể lạnh cứng. Một số người chết do bị quá lạnh, số khác do bị những chấn thương quá nặng: xương của họ dường như bị đập nát. Có người bị chết do vỡ tim... Trên mặt những người xấu số vẫn còn hiện rõ nét sợ hãi... Người ta đã nói và viết rất nhiều về sự kiện này.

Trong số các giả thuyết có cả giả thuyết “dị thường”. “Núi của những người chết” được dân địa phương coi là thiêng liêng. Đã có thời trên sườn núi này họ tiến hành làm lễ hiến sinh. Người ta đã đưa ra lệnh cấm vào nơi đó đối với người lạ. Song những người trẻ tuổi dám cả gan vi phạm điều  này, nên họ đã bị thầy phù thủy trừng phạt.

Trên quần áo của một số người chết, các dấu vết của sự nhiễm phóng xạ đã được tìm thấy. Có thể họ đã lọt vào khu vực thử hạt nhân? Cho đến ngày hôm nay, bí mật này vẫn chưa được giải đáp... Đó không phải là bi kịch duy nhất liên quan đến “Núi của những người chết”.

Từ năm 1960 đến 1961, nơi đây đã có thêm 9 người chết nữa. Họ là những phi công và thành viên của đoàn thám hiểm địa chất. Theo truyền thuyết, ngọn núi được đặt tên như vậy sau khi có 9 người địa phương chết trên sườn núi (con số 9 rõ ràng không phải là ngẫu nhiên!). Từ đó các thầy phù thủy cấm mọi người đến đó...

Tháng 3/1966, tại vùng trũng Heichzou thuộc tỉnh Sichuan của Trung Quốc (khu vực này được biết đến nhiều hơn như “Thung lũng chết”) toàn bộ đoàn khảo sát gồm các nhà lập bản đồ quân sự đã mất tích... Năm 1976, cũng tại “Thung lũng chết” này một số người của nhóm kiểm lâm đã biến mất. Những người cùng đoàn đã thấy có đám sương mù rất kỳ lạ bao quanh họ, từ đó phát ra những âm thanh khó hiểu...

Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã gửi tới khu vực một đoàn thám hiểm bao gồm những nhà khoa học và cứu hộ. Các thiết bị ghi nhận được là tại đó có những khí độc thoát ra từ các cây bị thối rữa... Nhưng thậm chí nếu giả thuyết họ bị chết vì sương mù độc thì thi thể của họ biến đi đâu?

Tất nhiên không phải tất cả các trường hợp sự mất tích hay tử vong của các nhà thám hiểm đều liên quan đến sự thần bí. Nhưng những người ưa mạo hiểm cần biết về những nguy hiểm có thể gặp phải và cần thận trọng để không lặp lại những kết cục buồn của những người đi trước

Hoàng Thương (theo Pravda.ru)
.
.