Những kẻ siêu lừa đảo

Thứ Ba, 25/01/2011, 14:50
Những kẻ mạo danh có nhiều cách lừa thiên hạ nhằm tìm kiếm quyền lực, sự giàu có và nổi tiếng. Họ mang nặng tâm lý: “Tại sao không tìm mọi cách để trở thành một người khác?”. Bất kể do danh vọng, tình yêu, tiền bạc, hoặc một phút bốc đồng nào đó, một vài "chuyên gia giả danh" (cũng có một số không là dân chuyên nghiệp) nhập vai như người nổi tiếng thật trong đời.

Ví dụ gần đây nhất là một người đàn ông Pakistan suốt nhiều tháng liền cho rằng, mình là tư lệnh cấp cao Taliban Mullah Muhammad Akhtar Mansour, tiến hành các cuộc đàm phán tuyệt mật và kiếm được khoản tiền lớn trước khi bị vạch mặt là kẻ lừa đảo. Bài viết dưới đây xin được lướt qua chân dung những kẻ lừa đảo.

Những ông vua mạo danh (ảnh 1)

Cuộc sống của vua nước Anh hồi đầu thế kỷ XV vô vàn khó khăn. Ngoài những tuyên bố giành ngôi báu của anh chị em ruột, anh chị em họ, và chú bác, luôn luôn có nguy cơ giả danh đe dọa ngai vàng, như chuyện của Vua Henry VII nước Anh sau đây.

Vào cuối năm 1480, một nhóm câu kết quyền lực đã tôn vinh một cậu bé 10 tuổi tên là Lambert Simnel, tuyên bố cậu là bá tước Warwick. Warwick thật có thể là người lên ngôi vua, nhưng đã bị cầm tù trong Tháp London. Chính vì vậy, nhóm của Simnel tuyên bố cậu đã trốn thoát ngục ở Tháp London. Sau khi các đạo quân của Simnel bị Vua Henry đánh bại vào năm 1487, nhà vua ân xá cho cậu bé vì vai trò của cậu không lớn và cho cậu một vị trí cời than trong bếp hoàng gia (ảnh nhỏ bên phải).

Tuy nhiên, đến năm 1491 lại xuất hiện một kẻ giả danh khác: Perkin Warbeck, người tuyên bố là bá tước Richard of Shrewsbury (có khả năng Richard đã bị Vua Richard III giết chết từ bé). Warbeck thực ra chỉ là một người buôn tơ gốc Pháp, đã bại lộ mưu đồ tạo phản và bị bắt năm 1497. Vua Henry VII của nước Anh chẳng hề tỏ lòng thương xót kẻ lừa đảo này, và Warbeck đã bị hành quyết năm 1499 (ảnh trái).

Giả danh làm chồng (ảnh 2)

Guerre Martin là một nông dân sống ở miền Nam nước Pháp hồi đầu thế kỷ XVI với một cuộc sống gia đình không hạnh phúc. Trong khi đó Guerre cãi nhau với cha, nói cha trộm ngũ cốc, sau đó Guerre bỏ quê nhà Artigat ra đi. Vài năm sau, một người đàn ông tự xưng là Guerre về lại làng Artigat, chung sống với vợ của Guerre, tên là Bertrand, rồi họ sinh một đứa con.

Trong khi nhiều lời đồn đại về anh ta chưa dứt, một hôm có một gánh hát rong ghé qua và nhận ra y tên là Arnaud du Tilh. Họ cũng cho biết Guerre đi lính và bị cụt một chân sau khi rời khỏi Artigat. Arnaud du Tilh bị bắt và bị đưa ra xét xử vì tội lừa đảo tại Toulouse. Du Tilh, kẻ gian lận danh tính, bị kết án và bị hành quyết. Năm 1982, câu chuyện  về Arnaud du Tilh được chuyển thể thành phim do nam tài tử Gerard Depardieu đóng vai chính.

Công chúa rởm (ảnh 3)

Có một câu chuyện dân gian Anh kể rằng, năm 1817 ở Gloucestershire có một phụ nữ trẻ, đội khăn xếp và nói thứ ngôn ngữ khó hiểu. Lúc đầu chẳng ai hiểu cô nói gì, nhưng bị hấp dẫn bởi kiểu cách uống trà của cô. Họ đoán tên cô là "Caraboo", và một số suy đoán cô là người Trung Quốc, tuy cô có nét châu Âu.

Cuối cùng, một thủy thủ Bồ Đào Nha tuyên bố anh biết ngôn ngữ của cô nhờ đi nhiều nước, và rằng cô chính là Công chúa Caraboo của đảo Javasu ở Ấn Độ Dương. Bị hải tặc bắt cóc, cô đã nhảy khỏi tàu và trôi giạt lên bờ biển Anh. Chỉ khi câu chuyện kỳ lạ của cô đã được xuất bản trên tạp chí, có người nhận ra cô là Mary Baker, con gái của một người thợ vá giày cách đó vài quận. Lộ chuyện, cô ta một mình sang Mỹ, rồi chết trong cô độc.

Con gái triệu phú (ảnh 4)

Có hai cách để nổi tiếng, một là có tài năng phi thường, hai là tự xưng. Cassie Chadwick chọn cách thứ hai để trở thành kẻ lừa đảo suốt đời. Năm 1897, khi vừa tái hôn (cô gặp chồng mới cưới khi đang điều hành một nhà chứa) ở Cleveland, Chadwick bắt đầu tính kế lừa siêu hạng: tự xưng là một người con gái ngoài giá thú của ông trùm ngành công nghiệp Andrew Carnegie.

Sau khi giả mạo các giấy tờ, cô nói bóng gió rằng, cô là con gái của Carnegie và sẽ thừa kế 400 triệu USD khi ông qua đời. Lời đồn thổi nhanh chóng lan rộng, các ngân hàng quanh khu vực Cleveland cho cô vay nặng lãi hàng trăm ngàn USD, hy vọng gom "bộn lãi" khi cô được thừa kế gia tài Carnegie.

Nhưng chuyện đùa này không kéo dài: Chadwick quen sống cao sang trên số tiền vay cho đến khi người triệu phú cho cô vay tiền yêu cầu trả nợ, và trò mạo nhận của cô bị lật tẩy. Carnegie cũng đến dự phiên tòa xét xử cô "con gái không giá thú" của ông Chadwick bị kết án 10 năm tù. Cô qua đời khi ngồi tù chưa đầy 2 năm.

Siêu lừa đảo (ảnh 5)

Giống như Chadwick, Wilhelm Voigt là một tội phạm đang thụ án chung thân (25 năm tù). Nhưng năm 1906, Wilhelm bỗng trở thành một người hùng dân gian của Đức. Lượm nhặt từng món cho đủ bộ quân phục của một đại úy trong quân đội Phổ, Wilhelm bận vào rồi đến một doanh trại địa phương ra lệnh cho sáu người lính theo, và họ làm theo. Đi đến thành phố Kopenick, Wilhelm chiếm giữ tòa thị chính, bắt thị trưởng và nhân  viên ngân khố tịch thu một khoản tiền lớn trước khi... thay quần áo dân sự và chuồn mất dạng.

Trong vòng 10 ngày, y bị bắt và cuối cùng bị kết án lừa đảo, nhưng cả công chúng và Hoàng đế Wilhelm II đều thích thú và ấn tượng với sự táo bạo của y, nên đức vua tha tội cho y. Sau khi được trả tự do, Voigt nổi tiếng với biệt danh "đại úy Kopenick".

Kẻ lừa đảo lên phim (ảnh 6)

Không giống như Cassie Chadwick và Wilhelm Voigt, Frank Abagnale chứng tỏ kỹ năng của mình lúc còn rất trẻ. Từ thời niên thiếu, hắn đã xài hàng triệu USD bằng chi phiếu giả và nhiều nhân thân khác nhau, từ luật sư, bác sĩ (thực tế có chữa một số bệnh nhân), giáo sư, và phi công của Hãng Hàng không Pan Am (thật ra hắn chưa bao giờ lái).

Hắn liên tục thoát khỏi sự rình bắt của các viên chức an ninh cho đến năm 1969 mới bị tóm cổ tại Pháp. Abagnale (bên trái) ngồi tù 5 năm tại các nhà tù Pháp, Thụy Điển, và Mỹ trước khi được ra khỏi tù với điều kiện là hỗ trợ thực thi pháp luật trong việc phát hiện giấy tờ giả mạo và các tội tương tự. Abagnale, hiện đang làm việc với FBI, được tái hiện hình ảnh trong phim Catch me if you can (năm 2002) do Leonardo DiCaprio thủ vai chính (bên phải).

Kẻ lừa đảo để ăn chơi (ảnh 7)

Làm cách nào để "chơi chùa" trong một câu lạc bộ danh tiếng? Chỉ có cách giả làm người nổi tiếng, hoặc con của họ. David Hampton chọn cách thứ hai, tuyên bố y là con trai của Sidney Poitier để có thể vào các sàn nhảy Studio 54 lừng danh ở New York, trong khi kẻ đi cùng y xưng là con của Gregory Peck. Tự mãn với chiêu lừa để ăn chơi không tốn 1 xu, Hampton bắt đầu lạm dụng nó để nhận bữa ăn miễn phí và tìm chỗ trọ miễn phí hoặc ký nhận tiền từ các hãng thời trang như Calvin Klein, với chiêu thức đơn giản: làm ra vẻ y vừa bị người ta móc túi hay mới mất hành lý.

Chỉ được một năm, y bị bắt và bị trục xuất khỏi thành phố New York, sau đó bị bắt và bị cầm tù vì vi phạm lệnh cấm. Được trả tự do, y tiếp tục lừa đảo, sử dụng nhiều danh tính khác nhau trên khắp đất nước cho đến khi chết vào năm 2003 (trong ảnh, y bị cảnh sát đưa về trại giam sau khi giả cảnh sát đe dọa bắn người hồi năm 1991). Y cũng trở thành nguồn cảm hứng cho một vở kịch và một phim (Six degrees of separation, 1993).

Mạo danh dòng tộc Rothschild (ảnh 8)

Giống như dòng họ Rockefellers, dòng tộc Rothschild - các tỉ phú tài chính và ngân hàng châu Âu - cũng tạo nhiều cảm hứng cho vài kẻ giả danh. Vụ việc gần đây nhất liên quan đến Stefan de Rothschild, tên thật là Stefan Roberts. Là tên lừa đảo "thực sự hiện đại", Roberts đã lập một bảng gia phả dòng dõi Rothschild cho mình bằng cách sử dụng Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) và đã tạo một trang blog trên báo Huffington Post (trong đó hắn khoa trương tặng 2,5 triệu USD cứu trợ động đất cho Haiti). Nhưng trò lừa trên Internet chấm dứt khi người truy cập phát hiện chi tiết tương tự từ trang web của Stefan Roberts và trang của "Rothschild".

Giáo sư Harvard dỏm (ảnh 9)

Dù biết một số kẻ lừa đảo phải nhận một kết thúc bi thảm, nhưng vẫn có một số kẻ xem chuyện lừa người khác như vai diễn trên sân khấu hài vậy! Chẳng hạn Adam Wheeler, kẻ sở hữu nhiều chứng chỉ giả mạo (kể cả bằng tốt nghiệp và tín chỉ từ các học viện uy tín như Phillips Andover và Viện Công nghệ Massachusetts, MIT) đã giúp y chui lọt vào Trường đại học Harvard và gần như chạm đến học bổng Rhodes.

Thực ra, y là cựu sinh viên Trường Bowdoin College bị đuổi vì học tập không trung thực. Y bị bắt khi một giáo sư để ý thấy đơn xin học bổng Rhodes của y viết rất giống đơn của một giảng viên trong trường. Wheeler bị buộc 20 tội danh và phải ra tòa tại Woburn (bang Massachusetts) tháng 5/2010. Điên hơn nữa, y từng tuyên bố đã viết nhiều sách về người Armenia và Ba Tư cổ.

Giả danh tư lệnh Taliban (ảnh 10)

Giống như trong câu chuyện người ăn xin biến thành hoàng tử, vụ giả mạo Mullah Muhammad Akhtar Mansour quả là trò lừa cổ điển của thể loại này. Nhưng tác động của nó lên các quan hệ quốc tế khiến cho nó thành màn trình diễn bậc thầy. Suốt nhiều tháng, một người đàn ông vốn là nhân viên bán hàng ở thành phố Quetta (Pakistan) đã bay qua lại thủ đô Kabul trên máy bay của NATO, gặp gỡ Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, và nhận nhiều khoản tiền lớn, trong khi giả làm một trong những viên chức cao cấp Taliban, Mullah Muhammad Akhtar Mansour.

Chính quyền Mỹ thậm chí còn yêu cầu báo chí không được đề cập việc "Mansour" đã tham gia vào các cuộc đàm phán, để không gây nguy hiểm cho các cuộc đàm phán đó. Nhưng khi một quan chức từng nhìn thấy Mansour thật ngồi vào đàm phán, ông lớn tiếng vạch mặt hắn không phải là tư lệnh cấp cao Taliban. Cú lừa này như một cái tát đau điếng vào mặt các quan chức tình báo Mỹ

Lệ Đào - Lê Minh (theo ABC News)
.
.