Nạn buôn bán cô dâu ở châu Á: Những “lời đường mật” và nỗi đau không thể nguôi ngoai

Thứ Sáu, 28/02/2020, 13:59
Khi các siêu dự án với cơ sở hạ tầng có quy mô toàn cầu của Trung Quốc - ngày càng phát triển, bên cạnh mặt được trong phát triển kinh tế thì cuộc sống của những người dân ở các nước liên quan có ảnh hưởng ít nhiều. Trong đó, mặt trái là nạn buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc kết hôn với đàn ông nước này cũng gia tăng.


Giấc mơ kiếm tiền nơi xứ người

Louise sống lần hồi qua ngày bằng cách giúp dì bán phở ở Thủ đô Viêng-chăn (Lào), nằm trên một khúc cua của con sông Mekong. Cuộc sống của họ gần như không bị ảnh hưởng dù trong những năm gần đây, sự đầu tư của Trung Quốc vào Lào ngày càng tăng với các dự án xây dựng đập thủy điện, cầu, đường sắt trị giá hàng tỉ USD.

Louise (tên nhân vật đã được thay đổi), ở độ tuổi 20, và đã nghĩ có vài cơ hội việc làm khi một người phụ nữ tiếp cận với cô và nói rằng, cô gái trẻ có nhiều cơ hội tuyệt vời ở Trung Quốc. 

Người phụ nữ này cho hay, người thân của bà ta đã thành công ở Trung Quốc, nên cũng đề nghị đưa Louise đến đó. Louise không biết rằng, đây là bước chân đầu tiên dụ cô dấn thân vào một cuộc hôn nhân đầy bạo lực với một người đàn ông Trung Quốc - kẻ cho rằng anh ta có quyền sở hữu cô.

"Tôi muốn giúp đỡ bố mẹ mình. Tôi nghèo và rất tò mò muốn được tận mắt thấy cuộc sống ở Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng nó sẽ mang lại cho tôi một cuộc sống tốt hơn" - Louise nhớ lại. Chẳng bao lâu sau đó, Louise đã ở trên một chiếc xe tải cùng với 9 người phụ nữ Lào khác, đi từ Viêng-chăn đến biên giới với Thái Lan. Từ đó, họ đến sân bay Suvarnabhumi của Bangkok, rồi bay tiếp đến Quảng Châu - thành phố ở phía nam Trung Quốc.

Louise là một trong số hàng nghìn cô gái trẻ và phụ nữ, hầu hết đến từ các nước Châu Á, đã bị mua bán trong các cuộc hôn nhân với đàn ông Trung Quốc. Cô sau này được giải cứu, nhưng nhiều phụ nữ khác thì không may mắn như vậy.

Một người Việt Nam có con gái bị mất tích ở vùng biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ảnh: AFP/SCMP.

Ngoài các "điểm nóng truyền thống" ở Việt Nam và Myanmar, thực tế thì một số khu vực mới đang nổi lên, bên cạnh việc mở rộng sáng kiến Vành đai và Con đường trị giá hàng tỉ USD của Bắc Kinh nhằm kết nối Âu - Á - Phi trong vô số dự án kinh tế và đầu tư cơ sở hạ tầng. 

Theo các chuyên gia, số lượng phụ nữ bị buôn bán ngày càng tăng lên do sự kết nối khu vực này, cũng như việc làm ăn với Trung Quốc ngày càng phát triển. Cùng với đó là các nguyên nhân như phụ nữ ở các quốc gia này thiếu cơ hội trong kết hôn, thiếu mạng lưới các công ty môi giới hôn nhân và việc môi giới hôn nhân bất hợp pháp ngày càng tăng, diễn biến phức tạp. Chưa kể, nhu cầu này bị thúc đẩy do sự mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc do chính sách một con trước đây.

Khi Louise hạ cánh xuống thành phố Quảng Châu náo nhiệt, cô được một môi giới người Trung Quốc đón, đưa đến một ngôi nhà. Nơi đó, Louise sẽ gặp những người đàn ông có ý định "mua" cô làm vợ.

"Nhiều người đàn ông Trung Quốc đã đến và chọn tôi, nhưng tôi không chọn họ" - Louise kể. 

Tuy nhiên, cuối cùng, dưới sức ép của các đối tượng môi giới - những người đã hứa sẽ trả khoảng 4.000 USD cho cha mẹ cô - nếu cô chịu kết hôn. Cô buộc phải thay đổi ý định. Sau 3 tháng, Louise quyết định chọn một người đàn ông Trung Quốc. Cô làm đám cưới vào tháng 2 năm ngoái thông qua một công ty môi giới hôn nhân, mặc dù cô không chắc chắn về tính hợp pháp của vụ sắp xếp này.

Cô không bị ai ép buộc đến Trung Quốc. Song cho đến khi ở đây, cô mới nhận ra cô đã đánh đổi một cuộc sống giản dị để trở thành một ô-sin (phận tôi tớ). Ở đây, cô không thể đi đâu, Louise hồi tưởng. Cô không có tiền, không được ăn những gì mình thích và phải theo về gia đình chồng.

Chồng Louise đưa cô về tỉnh Hồ Bắc, và cô bị buộc phải ở trong nhà. Người chồng không cho phép cô liên lạc với gia đình, còn tất cả giấy tờ tùy thân của cô đều bị mẹ chồng giữ. "Tôi bị “giam giữ', không thể ra ngoài. Tôi cảm thấy mình không khác gì một tù nhân" - Louise nói.

Sau khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ một phụ nữ người Lào khác cũng kết hôn với một người đàn ông Trung Quốc, Louise đã được giải cứu vào tháng 7 bởi các tình nguyện viên liên kết với một tổ chức phi lợi nhuận, rồi được đưa đến Đại sứ quán Lào.

Louise hiện giúp mẹ điều hành một thẩm mĩ viện tại quê nhà. Cô đã từ bỏ giấc mơ kiếm tiền nơi xứ người. "Giờ tôi dành phần lớn thời gian chăm sóc bà ngoại. Bà đang già đi và tôi muốn ở bên bà" - Louise cho biết.

Hứa hẹn một cuộc sống sung túc hơn

Sana – một phụ nữ trẻ người Pakistan - lớn lên ở một nơi cách xa Louise hơn 3.000km, song có cùng mục đích khi kết hôn với đàn ông Trung Quốc.

Sana (cũng đã được đổi tên) chỉ mới 16 tuổi khi được giới thiệu với người đàn ông tên Liu vào năm 2017. Cha mẹ Sana nói rằng, cô sẽ sống một cuộc đời khỏe mạnh và giàu có ở Trung Quốc, Sana cho hay. Trên thực tế, cô gái trẻ cũng sẵn sàng kết hôn với Liu vì cô tự cho rằng mình đang sống ở "địa ngục" (Pakistan).

Sana từng sống với bố mẹ và hai chị em gái khác gần Faisalabad, ở tỉnh miền đông bang Punjab, trong một ngôi nhà tồi tàn. Họ không có tiền để đi học và thường chỉ ăn một bữa mỗi ngày.

Ban đầu, cô từ chối lời đề nghị kết hôn với một người đàn ông Trung Quốc và chuyển đến sinh sống ở đất nước này. Song, "một môi giới người địa phương nói với cha mẹ tôi rằng, người đàn ông Trung Quốc đó giàu có và làm kinh doanh... Ý nghĩ rằng vậy có thể gửi tiền về quê nhà thôi thúc tôi quyết định kết hôn với anh ta" - Sana nói.

Sana không gặp chồng trước lễ cưới tổ chức tại nhà cô. Vốn là một tín đồ Kitô giáo, cô đã rất ngạc nhiên khi đám cưới không được tiến hành tại nhà thờ ở địa phương. Ngoài ra, cô cũng băn khoăn về việc cha mẹ chú rể không hiện diện. Nhưng gia đình cô yêu cầu cô giữ mồm giữ miệng.

Cha mẹ Sana cho biết, họ đã nhận được 5.500 USD, ngoài 1.100 USD chi phí kết hôn, từ người chồng Trung Quốc với con gái họ.

Sau đó, Sana được đưa đến vùng ngoại ô Thượng Hải - một thành phố mà cô không hề biết gì về nó. "Tôi sống với chồng cùng hai người phụ nữ mà (chồng) giới thiệu là mẹ và chị gái. 3 ngày đầu ổn, nhưng sau đó, tôi bị đối xử như một nô lệ. Chồng tôi còn thường bạo hành tôi về thể xác" - Sana cho biết.

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vào 6 tháng sau, khi chồng đưa cô đi khám và phát hiện cô không có thai.

Sana kể với cha mẹ về sự đối xử tàn tệ trên, song họ không buồn làm rõ về chuyện này. Sau đó, cô gọi điện, tìm kiếm sự giúp đỡ từ một người bạn. "Bằng cách nào đó, cô ấy đã tiếp cận được Đại sứ quán Pakistan tại Trung Quốc và tôi được giải cứu" - Sana cho hay. 

"Tôi có một cuộc sống bấp bênh trước khi kết hôn. Nhưng cuộc sống sau khi kết hôn ở Trung Quốc lại trở thành địa ngục. Tôi mừng vì đã không thể sinh con" - Sana chia sẻ.

Ở Pakistan, cũng giống như ở các nước Châu Á khác, hàng trăm đàn ông Trung Quốc đã tìm được vợ thông qua các nhà môi giới. Những người môi giới này thường đến từ cùng một khu vực với các cô dâu tiềm năng, dụ dỗ họ hoặc người thân của họ bằng tiền cũng như lời hứa về một cuộc sống dễ chịu. 

Một số cuộc hôn nhân không được công nhận về mặt pháp lý, nên nhiều phụ nữ cuối cùng đã đến Trung Quốc song không có giấy tờ hợp lệ để cư trú hợp pháp.

Những mạng lưới môi giới như vậy chủ yếu hoạt động ở Punjab - tỉnh thành đông dân nhất ở Pakistan, và nhắm mục tiêu vào các gia đình Kitô giáo kém may mắn. Mặc dù vậy, theo nhiều báo cáo, một số cô gái Hồi giáo cũng bị dụ dỗ.

(Còn tiếp)

Huyền Anh
.
.