Những ngành kinh doanh bất hợp pháp lớn nhất thế giới

Thứ Hai, 19/07/2010, 13:20
Buôn lậu ma túy
Đây là mạng lưới kinh doanh bất hợp pháp toàn cầu hiện đứng đầu thế giới. Thị trường buôn lậu cocaine, marijuana, hêrôin và các chất ma túy khác vẫn tiếp tục tồn tại trên quy mô rộng khắp thế giới, bất chấp mọi sự nỗ lực hao tiền tốn của của chính quyền các nước.

Ngành buôn lậu ma túy còn liên quan đến chính trị, tài trợ cho các nhóm khủng bố như Taliban và các tập đoàn ma túy khét tiếng hiện nay còn đe dọa đến sự ổn định của một số quốc gia như là MexicoAfghanistan.

Như trường hợp xảy ra gần đây nhất ở Jamaica: bạo lực bùng nổ khắp nước này khi chính quyền cố gắng lùng bắt trùm ma túy cực  kỳ nguy hiểm Christopher Coke.

Buôn lậu ma túy là ngành kinh doanh bất hợp pháp trị giá đến 300 tỉ USD, theo đánh giá của Cơ quan về ma túy và tội phạm của Liên Hiệp Quốc.

Đánh cắp tác phẩm nghệ thuật

Sự kiện 5 bức họa trị giá đến 125 triệu USD của các danh họa nổi tiếng như Picasso và Matisse đã bị đánh cắp khỏi Nhà bảo tàng nghệ thuật hiện đại ở Paris trong tháng 5/2010 đã cho thấy loại tội phạm đánh cắp tác phẩm nghệ thuật vẫn còn rất mạnh. FBI cho biết loại tội phạm này gây tổn thất đến 6 tỉ USD.

Những tác phẩm nổi tiếng được bọn tội phạm sử dụng để đòi tiền chuộc, trong khi những tác phẩm ít nổi tiếng hơn được tung ra bán ngoài thị trường đen.

Tổ chức an ninh ở nhiều gallery nghệ thuật còn chưa đủ bảo đảm an toàn tuyệt đối, cho nên thách thức cho bọn tội phạm chỉ là làm sao để kiếm được tiền mặt từ những "chiến lợi phẩm" vô giá của chúng.

Đơn cử một trường hợp: một người Thụy Sĩ tên là Stephane Breitwieser đã không mấy khó khăn khi đánh cắp 239 tác phẩm nghệ thuật trong vòng 10 năm qua từ các nhà bảo tàng của 6 quốc gia.

Kỹ nghệ làm hàng giả, hàng nhái

Thế giới hôm nay tràn ngập hàng giả, hàng nhái - từ những tên tuổi như Pepsi hay Nike cho đến âm nhạc có bản quyền và những sáng chế công nghệ cao như là dược phẩm hay chip vi tính. Từ những cuốn sách cho đến videogame - tất cả đều không an toàn.

Theo Tổ chức Hải quan thế giới, kỹ nghệ làm hàng giả chiếm từ 5 cho đến 7% trong thương mại hàng hóa toàn cầu.

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) năm 2009, kỹ nghệ làm hàng giả, hàng nhái trên thế giới trị giá 250 tỉ USD, chiếm 2% trong thương mại thế giới. 

Buôn lậu dầu mỏ

Trong năm 2009, Công ty Shell đánh giá có đến 100.000 thùng dầu bị buôn lậu khỏi Nigeria mỗi ngày - gây thất thoát khoảng 1,6 tỉ USD hàng năm.

Mexico, Pemex ước tính công ty bị mất 700 triệu USD mỗi năm do bọn tội phạm hút dầu từ những đường ống dẫn.

Bọn cướp biển ngày nay thường tấn công những tàu chở dầu ở ngoài khơi Somalia hay eo biển Malacca để đòi tiền chuộc.

Theo đánh giá của các chuyên gia, loại tội phạm cướp bóc dầu mỏ gây tổn thất đến 16 tỉ USD cho ngành, nghề này.

Buôn lậu thuốc lá

Có khoảng 600 tỉ điếu thuốc lá buôn lậu trên toàn thế giới mỗi năm, và theo đánh giá của Cơ quan về thuốc và tội phạm của Liên Hiệp Quốc, ngành kinh doanh bất hợp pháp này trị giá 30 tỉ USD. Thuốc lá được coi là sản phẩm hợp pháp bị buôn lậu lớn nhất thế giới.

Một phần nguyên nhân dẫn đến việc buôn lậu thuốc lá là do nhiều quốc gia có hệ thống thuế cao đánh vào những loại chất gây nghiện hợp pháp.

Buôn người

Theo Interpol, buôn người và nhập cư bất hợp pháp là mạng lưới kinh doanh trị giá 28 tỉ USD.

Tội phạm buôn người dẫn đến sự hình thành những vấn đề nhức nhối cho xã hội như nô lệ hóa con người, khai thác tình dục, hay cơ quan nội tạng, hủy diệt cuộc sống của các nạn nhân và làm giàu cho những tổ chức tội phạm.

Nạn nhân thường bị dụ dỗ hay bắt cóc và sau đó bị ép làm gái mại dâm hay lao động nô lệ. Buôn người là một trong những  loại tội phạm phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Đánh cắp hàng hóa

Đánh cắp hay rút ruột hàng hóa là vấn đề trị giá 30 tỉ USD mỗi năm, theo FBI.

Hàng hóa bất kể thứ gì đều bị lấy cắp từ xe tải hay trên máy bay - quần áo may sẵn, hải sản đông lạnh, chip vi tính và cả... giấy vệ sinh!

Loại tội phạm này không có tính bạo lực nhưng gây tổn thất không nhỏ cho kinh tế thế giới.

Mỹ, Mexico, Brazil, Nam Phi, Nga, Ấn Độ và Anh là những quốc gia gặp nguy cơ bị đánh cắp hàng hóa lớn nhất trên thế giới.

Buôn lậu vũ khí

Không thể tính toán được giá trị tổng cộng của thị trường buôn lậu vũ  khí trên toàn thế giới.

Vũ khí buôn lậu nuôi dưỡng những cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài, đồng thời gây bất an cho những cơ quan chống khủng bố, nhất là đối với vũ  khí hạt nhân.

Những khu vực như Trung Phi đã bão hòa với vũ khí buôn lậu và món hàng nguy hiểm chết người này bị buôn lậu khỏi nước Mỹ càng làm gia tăng bạo lực ở Mexico.

Buôn lậu động vật hoang dã

Trên phạm vi toàn cầu, thị trường buôn lậu động vật hoang dã - như là các bộ phận của hổ hay ngà voi - trị giá ít nhất 5 tỉ USD mỗi năm.

Sừng tê giác và các loài rắn quý hiếm cũng nằm trong danh sách buôn lậu của bọn tội phạm.

Gốc rễ của hoạt động buôn lậu này là ở vùng Đông Nam Á, nơi mà bọn săn trộm và môi giới hoạt động trong các quốc gia như Lào và Thái Lan.

Mới đây Brazil đã bắt giữ một lượng lớn vây cá mập trên đường chuẩn bị vận chuyển đến Nhật Bản

An An (tổng hợp)
.
.