Những người đi tìm vàng ở Indonesia

Thứ Ba, 19/07/2016, 20:30
Susyono rà quét lòng sông mót đá để bán cho chủ thầu xây dựng địa phương. Mặc dù, công việc chẳng giúp kiếm được bao nhiêu tiền song nó cũng khá hơn nghề trồng cà chua và bắp cải. Một đêm tháng 5-2011, Susyono ngủ mơ thấy được một ông cụ tóc bạc trắng, râu trắng và mặc quần áo cũng màu trắng ngỏ ý tặng cho anh một con búp bê to tướng bằng vàng.

Sau khi thức dậy, Susyono cảm thấy hoang mang và kể câu chuyện nằm mơ cho người bạn Yono nghe. Họ xem tivi thấy có nhiều phóng sự về vàng được tìm thấy ở một nơi nào đó của Indonesia và tự hỏi phải chăng vàng cũng có thể tồn tại gần nơi họ đang sinh sống - đó là dãy núi Botak trên hòn đảo hẻo lánh Buru của Indonesia.

Susyono phỏng đoán: “Chúng tôi nghĩ rằng giấc mơ có nghĩa là có vàng trên núi”. Susyono cũng mong muốn cuộc đời mình sẽ thay đổi.

Khu vực khai thác vàng hỗn độn trên núi Botak.

Từ mong muốn đổi đời

Sau vài ngày do dự, cuối cùng Yono và Susyono quyết định lên núi tìm vàng. Tuy nhiên, công cuộc tìm vàng chẳng hề dễ dàng, thậm chí họ còn không biết vàng trông ra làm sao nếu như may mắn tìm thấy. Họ cứ đào mãi mà vẫn không tìm thấy gì. Niềm hy vọng tắt ngúm, song Yono và Susyono cũng lấy vài mẫu cát lẫn đá về nhà.

Susyono nhớ đến một người láng giềng từng là công nhân khai thác mỏ vàng trên đảo Sulawesi nên đưa cho anh ta xem mẫu cát lẫn đá. Người này bất ngờ nhảy dựng lên: “Đây là vàng! Anh tìm thấy nó ở đâu? Hãy đưa tôi đến đó. Đi mau lên!”. Nhưng Susyono vẫn ngần ngừ vì thấy lo sợ. Susyono vẫn muốn tiếp tục công việc trồng trọt của mình mà không muốn quay lên núi nữa.

6 tháng sau đó, giá cà chua rớt thê thảm buộc Susyono phải có quyết định táo bạo. Anh trở lại gặp người láng giềng tỏ ý muốn lên núi tìm vàng. Sau đó, cả hai cùng Yono và một người bạn khác lên núi Botak một lần nữa với đầy đủ dụng cụ cần thiết. Họ mất 2 tuần đào bới, tìm kiếm và đãi cát trước khi phát hiện một cục vàng nhỏ nặng chừng 1g. Vui mừng phát điên, cả nhóm tiếp tục đào bới và giữ im lặng vì không muốn người khác biết thành quả bất ngờ của họ.

Với số vàng tìm được đầu tiên, Susyono mua thực phẩm cho gia đình vào dịp lễ Eid al-Adha kéo dài 3 ngày của người Hồi giáo. Mỗi ngày, nhóm của Susyono đều lên núi Botak với hy vọng tìm thấy vàng nhiều hơn. Và, mỗi ngày trôi qua đã mang đến cho họ 27g vàng.

Susyono và 2 cục vàng nhỏ tìm được.

Nhưng, chuyện gì phải đến cũng sẽ đến làm thay đổi cuộc phiêu lưu của họ. Cuối cùng, mọi người biết chuyện của họ. Trưởng làng Kuswanto là người đầu tiên biết họ tìm thấy vàng trên núi. Kuswanto nói: “Tôi thấy ngạc nhiên khi họ không lo trồng trọt nữa”. Kuswanto kể mỗi khi được hỏi công việc họ đang làm là gì mà không chịu trồng trọt, họ đều bảo đang bận thu thập đá. Kuswanto dò hỏi vợ của Susyono nhưng không được trả lời.

Rồi đến ngày, một người làm công của Kuswanto báo tin nhóm của Susyono khám phá ra vàng trên núi Botak nên từ bỏ công việc nhà nông. Kuswanto chặc lưỡi: “Thật vô lý hết sức. Làm gì có vàng trên đảo Buru. Những câu chuyện như thế đều là cổ tích. Mặc dù vậy, tôi vẫn đến chỗ của Yono để xem anh ta làm gì trong ngày song không gặp được anh ta.

Bất ngờ nhất là tôi nhìn thấy trong nhà của Yono có tủ lạnh và tivi. Thậm chí còn nhìn thấy đám con của Yono chơi game trên điện thoại di động. Điều đó khiến tôi hết sức tò mò. Tôi biết trước đây Yono không hề có những thứ ấy bởi anh ta rất nghèo”. Thế là Kuswanto lặng lẽ theo dõi nhóm Susyono và Yono vào một đêm họ lên núi Botak. Bí mật được phơi bày và núi Botak bắt đầu chật kín người mò đến để... tìm vàng.

Đảo Buru có thảm thực vật và động vật hết sức phong phú, song nơi đây cũng có lịch sử bạo lực. Trong hai thập niên 1960 và 1970, chính quyền giam cầm khoảng 12.000 người ở đây. Vào đầu năm 2000, những cuộc xung đột giữa người Hồi giáo và Thiên chúa giáo nổ ra ở Buru, song sau đó người dân đảo bắt đầu sống yên bình trong hòa bình và ổn định. Một cánh rừng mưa nhiệt đới xanh mướt bao phủ Buru - nơi tụ tập của 25 loài động vật có vú, trong đó ít nhất 4 loài đặc hữu chỉ có ở đảo này và các đảo lân cận của Indonesia. Và, có khoảng 178 loài chim được ghi nhận.

Bà Mahami (cầm xẻng) làm việc tại mỏ vàng.

Giống như nhiều đảo khác của Indonesia, Buru ngày xưa là thuộc địa của Hà Lan và Bồ Đào Nha. Trước khi người Hà Lan đến (vào khoảng năm 1600) Buru nổi tiếng là nơi sản xuất dầu khuynh diệp. Mặc dù dồi dào tài nguyên thiên nhiên, song 40% người dân đảo Buru (khoảng 40.000 người) vẫn sống trong nghèo khó. Cách đây 4 năm, phần lớn dân đảo kiếm được chừng 2,32 USD/ngày từ làm nông. Nhưng, từ khi bí mật của Susyono được khám phá, mọi thứ đã thay đổi chóng vánh.

Tin đồn về kho vàng trên núi Botok lan nhanh đến chóng mặt, kích thích người dân trên khắp Indonesia đổ về tìm vận may. Các công ty đến từ Trung Quốc và Hàn Quốc cũng bắt đầu đến Buru xây dựng những lò nấu kim loại. Nhiều người trở nên giàu có bất ngờ, xây dựng nhà đẹp, mua sắm mô tô và mọi thứ tiện nghi đắt tiền. Theo quy luật, cũng từ đó tội phạm và bạo lực bắt đầu xuất hiện. Những va chạm về khu vực đào vàng nổ ra và có người chết. Buru một lần nữa rơi vào bạo lực.

Tháng 11-2014, nhằm cố gắng khôi phục hòa bình trên đảo, chính quyền địa phương kêu gọi người dân ngưng đào vàng bất hợp pháp trên núi Botak nhưng tất cả đều làm ngơ. Buru nằm cách thủ đô Jakarta 2.260 km và nằm trên biển cùng với 17.000 hòn đảo khác - điều đó có nghĩa là rất khó để cho chính quyền giám sát. Susyono nói bản thân anh cũng bị chính quyền chỉ trích vì đã tạo ra cơn sốt vàng dẫn đến bạo lực bùng phát trên hòn đảo yên bình, thậm chí môi trường còn bị tổn hại.

Vị trí đảo Buru ở Indonesia.

Rước bệnh chết người vì giấc mơ vàng

Khai thác vàng thải ra môi trường thủy ngân - một trong những nguồn gây ô nhiễm nguy hiểm nhất thế giới. Đó là chất độc chết người. Thủy ngân làm tắc nghẽn các mạch máu cũng như gây tổn thương cho não bộ, thận và phổi. Thủy ngân bốc hơi và lưu lại trong không khí đến 18 tháng, theo Yuyun Ismawati, chuyên gia môi trường từ tổ chức Bali Fokus. Khi hít phải khí độc này, con người sẽ chóng mặt và suy phổi. Nước nhiễm thủy ngân sẽ chảy vào sông và thấm vào đất. Nguồn thực phẩm cá, gà, dê và bò... do đó cũng bị nhiễm độc.

Còn đối với những phụ nữ mang thai, nguy cơ sẩy thai là rất cao. Những em bé chào đời dị tật cũng không loại trừ. Bệnh lao, bệnh tắc nghẽn phổi, nhiễm trùng hệ hô hấp phần trên và tai nạn là những gì mà người đào vàng luôn phải hứng chịu. Yuyun Ismawati nói: “Trong thời gian dài, nhiều đàn ông và phụ nữ không còn làm việc được do bệnh nặng hay tàn phế”.

Nhiều người lũ lượt lên núi đào vàng, có cả trẻ em và phụ nữ lớn tuổi.

Phần lớn thủy ngân nhập khẩu vào Indonesia theo con đường bất hợp pháp, và chính quyền Buru không hề điều tiết hay giám sát việc sử dụng thủy ngân cũng như các hóa chất khác trong khai thác vàng. Nguy cơ tăng thêm một cấp độ nữa khi vừa qua, Tổng thống Insonesia Joko Widodo quyết định đảo Buru sẽ trở thành một trong những “kho gạo” của đất nước. Yuyun Ismawati cảnh báo nguồn nước nhiễm thủy ngân có thể tràn vào những ruộng lúa trên đảo Buru.

Susyono bắt đầu đào vàng trên bề mặt núi Botak, nhưng hiện nay những thợ mỏ đã hoạt động sâu xuống 40 mét dưới mặt đất. Họ phải làm việc trong điều kiện thiếu dưỡng khí và thậm chí trong bóng tối dày đặc. Các ca làm việc thường kéo dài liên tục đến 12 giờ. Cơn sốt đào vàng cũng gây xói mòn đất đai và dẫn đến những trận lở đất cực kỳ nguy hiểm. Trong mùa mưa, các tai nạn xảy ra thường xuyên hơn. Vàng đã làm thay đổi hoàn toàn cảnh quan tự nhiên xinh đẹp của đảo Buru. Một số người dân đảo kêu gọi chính quyền Indonesia nên hành động để củng cố luật pháp và cấm mọi hoạt động khai thác vàng.

Rẫy cát tìm vàng.

Một người dân lập luận: “Khai thác vàng đã tạo nên nhiều vấn đề ở đây. Những tai nạn thương tâm, những vấn đề về sức khỏe và cảnh vật ở đảo đã không còn xanh tươi và xinh đẹp như xưa nữa”. Nữ thợ mỏ đã 60 tuổi Mahami biết rất rõ những nguy hiểm đang chực chờ. Bà thở dài: “Đó là một nơi đáng sợ”.

Susyono kể: “Có lần, vợ tôi đi theo tôi lên núi đào vàng. Và, khi tận mắt chứng kiến sự nguy hiểm, cô ấy liền cấm tôi tiếp tục việc này. Cô ấy sợ tôi sẽ chết do ngã té, nhất là khi nghe nói về nhiều tai nạn thương tâm xảy ra trên núi”. Nhưng, nhờ có vàng mà mọi trẻ em ở Buru được đến trường học.

Người ta cũng tin rằng vàng là món quà của Thượng đế giúp cho tương lai sáng sủa hơn. Trẻ em lạc quan hơn về cuộc sống tương lai và cùng nói về ước mơ trở thành bác sĩ, giáo viên hay sĩ quan cảnh sát. Một số muốn học tập và làm việc ở thủ đô Jakarta, hay thậm chí ở nước ngoài. Cùng với sự giàu có như từ trên trời rơi xuống, Susyono gặp vấn đề về mắt. Susyono nhớ lại, ông già râu bạc trắng trong giấc mơ có cảnh báo về sự trả giá đắt cho nên anh quyết định ngưng đào vàng.

Ruộng lúa trên đảo Buru bị đe dọa bởi nguồn nước nhiễm thủy ngân.
Cảnh quan xanh tươi trên đảo Buru đang bị phá hủy từng ngày.

Susyono giải thích: “Thật ra, quyết định đó chẳng dễ chút nào bởi vì đồng tiền đến quá nhanh. Nhưng cuối cùng, tôi tin rằng đồng tiền nên đến từ việc làm gì đó tốt đẹp”. Susyono quay trở lại trồng trọt song đôi lúc cũng lên núi đào vàng khi có nhu cầu. Anh cũng sử dụng đồng tiền kiếm được để mở một cửa hiệu nhỏ bán bánh kẹo trước căn nhà của mình. Anh không bao giờ hối tiếc về quyết định của mình. Mọi người đều nhìn thấy những nguy cơ, song họ vẫn cứ tiếp tục đào vàng.

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.