Những người gác "vườn hồng"

Thứ Hai, 31/07/2017, 15:30
Câu chuyện về "Đội đặc nhiệm" chống bạo hành tình dục và hãm hiếp ở Ấn Độ - những "bóng hồng" đang ngày đêm bảo vệ an toàn cho rất nhiều phụ nữ Ấn Độ, được lan truyền khắp thế giới.

Phụ nữ bị hãm hiếp, xâm hại tình dục đã trở thành nỗi ám ảnh ở Ấn Độ. Trung bình cứ 20 phút lại có một phụ nữ bị hãm hiếp ở đây. Để chống lại điều này, luật pháp đang được siết chặt. Đã có án tử hình dành cho tội danh này. 

Để tự bảo vệ mình, những người phụ nữ đã tự đứng lên. Câu chuyện về "Đội đặc nhiệm" chống bạo hành tình dục và hãm hiếp ở Ấn Độ - những "bóng hồng" đang ngày đêm bảo vệ an toàn cho rất nhiều phụ nữ Ấn Độ, được lan truyền khắp thế giới.

Thực tế bẽ bàng

Tháng 12-2012, người dân Ấn Độ và cộng đồng quốc tế hết sức bàng hoàng và phẫn nỗ sau thông tin nữ sinh Jyoti Singh bị hành hung, hãm hiếp kinh hoàng dẫn đến cái chết đầy đau đớn. Vụ việc như giọt nước tràn ly làm bùng lên một làn sóng phản kháng dữ dội chống lại nạn bạo hành nói chung, đặc biệt là nạn xâm hại tình dục phụ nữ ở Ấn Độ.

Tại một đất nước khác - Ai Cập. Thế giới vẫn còn nhớ câu chuyện cô Lara Logan, phóng viên của đài CBS đã bị tấn công tình dục vào đêm 11-2-2011. Khi chế độ Hosni Mubarak sụp đổ, đã có hơn 100,000 người ăn mừng tại quảng trường Tahrir của Cairo. Cô Lara Logan đã bị một đám đông khoảng 200, 300 trăm người đàn ông bao vây và tấn công.

Sau hàng loạt những vụ cưỡng hiếp nghiêm trọng xảy ra gần đây ở khắp Ấn Độ, các nhà hoạt động nhân quyền nhấn mạnh, tình trạng trên là do không có một hệ thống pháp luật đủ mạnh mẽ để ngăn chặn các "yêu râu xanh", khiến chúng lộng hành. 

Theo kết quả của một cuộc khảo sát hồi cuối tháng 12-2012 của Phòng Hợp tác Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (ASSOCHAM), 92% phụ nữ đi làm cho biết, họ cảm thấy không an toàn, đặc biệt là vào ban đêm tại tất cả các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước. Ngoài ra, phụ nữ Ấn Độ cũng cho biết, họ không cảm thấy an toàn khi làm việc trong các ngành công nghiệp chủ chốt như thông tin, khách sạn, hàng không dân sự, y tế và ngành công nghiệp may mặc.

Những người không sợ "yêu râu xanh"

Không chỉ ở Ấn Độ, nhiều phụ nữ Ai Cập đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để phản ánh lên những "góc khuất" trong đời sống của họ, như những hành động bạo lực đã gạt bỏ họ ra khỏi hoạt động xã hội cộng đồng. Nhiều "bóng hồng" đã không ngần ngại vượt qua những sự kỳ thị để buộc chính quyền, các nhà chức trách và xã hội phải có những biện pháp đối phó với nạn khủng bố tình dục.

Đội nữ cảnh sát Jaipur tuyên truyền về ý thức tố giác tội phạm cho phụ nữ. Ảnh: AFP.

Năm 2016,  hàng loạt phụ nữ Brazil đã đổ xuống đường phố biểu tình chống nạn hiếp dâm tại làng Olympic, sau vụ 2 VĐV bị bắt giữ và tước quyền tham dự Thế vận hội vì tấn công tình dục nữ phục vụ phòng. Barbara Chiavegatti một người biểu tình chống xâm hai tình dục cho biết, ở Brazil những nạn nhân bị hãm hiếp là tầng lớp thấp trong xã hội, vì vậy, cô tham gia biểu tình để thể hiện sự ủng hộ đối với những người này trong việc đấu tranh, đòi lại sự công bằng.

Sau vụ việc năm 2012, năm 2013, Quốc hội Ấn Độ phê chuẩn dự luật thực thi các hình phạt nghiêm khắc, mức cao nhất là tử hình đối với tội phạm hiếp dâm. Tháng 5-2017, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã tuyên y án tử hình đối với 4 đối tượng bị kết án trong vụ cưỡng dâm tập thể nữ sinh viên y khoa Jyoti Singh.

Trước đó, vào tháng 4-2013, lần đầu tiên, Tòa án ở Ấn Độ chuyên xử tội phạm chống lại phụ nữ đã được mở tại bang Tây Bengal. Theo BBC, tòa án do hai nữ thẩm phán đứng đầu. Toàn bộ nhân viên tòa án cũng như luật sư đều là phụ nữ. Một thẩm phán cấp cao nói, tòa án cho phụ nữ sẽ đảm bảo "xử lý nhanh chóng các vụ án" liên quan đến phụ nữ, chẳng hạn các vụ hiếp dâm hoặc lạm dụng tình dục. "Khi có mặt đàn ông tại tòa, các nạn nhân nữ không thể kể ra và cung cấp thông tin chi tiết những hành động tàn bạo đối với họ.

Pallevi Sarda và Shruti Sharma đều 20 tuổi đã tham gia một lớp học karate và taekwondo và là biểu tượng của phong trào đấu tranh bùng lên ở New Delhi sau vụ nữ sinh viên Jyoti Singh bị hiếp dâm tập thể và đã qua đời. Họ đại diện theo cách riêng của họ, đấu tranh với nạn hiếp dâm và đối xử tàn bạo với phụ nữ. Ở Pakistan, danh tính tội phạm hiếp dâm hầu như không được báo cáo, nhất là những vụ do các quan chức cấp cao thực hiện. Tuy nhiên, mới đây, sau khi một cô gái 15 tuổi bị hãm hiếp ở Lahore, Pakistan, danh tính, hình ảnh các thủ phạm đã được đăng công khai trên mạng xã hội. Một trào lưu "chống hiếp dâm online" đã xuất hiện.

Tại một đất nước văn minh như Mỹ cũng không là ngoại lệ. Xâm hại tình dục và hiếp dâm trở thành nỗi ám ảnh với nhiều cô gái. Ngày 23-2-2016, thành viên đảng Dân chủ tại Thượng viện đã giới thiệu một dự luật mới để tiêu chuẩn hóa các quyền lợi cho những người bị xâm hại tình dục. Đây là dự luật quốc gia đầu tiên của Mỹ tập trung trực tiếp vào việc nâng cao sự bảo vệ pháp lý cho những người bị xâm hại tình dục.

Những bông hồng nhiều gai

Để ngăn ngừa tấn công tình dục, một thành phố ở Ấn Độ đã thành lập đơn vị nữ cảnh sát giỏi võ đi tuần quanh các điểm nóng. Thành phố Jaipur, bang Rajasthan, miền bắc Ấn Độ đã đi tiên phong trong việc thành lập đội nữ cảnh sát đặc nhiệm nhằm bảo vệ phụ nữ trước nạn quấy rối và bạo lực tình dục. Họ được đào tạo nhiều tháng về pháp luật và võ thuật tổng hợp (MMA). Các nữ cảnh sát có nhiệm vụ đi tuần ở những nơi công cộng như trường học, bến xe buýt, công viên, để ngăn chặn các vụ tấn công và quấy rối tình dục.

Tại một công viên ở Jaipur, nữ cảnh sát Saroj Chodhuary trong trang phục màu kaki, đội mũ bảo hộ màu trắng vừa bước khỏi xe tuần tra và đi về phía một nhóm phụ nữ mặc sari để tự giới thiệu. "Bạn chỉ cần gọi điện thoại hoặc thậm chí chỉ cần gửi tin nhắn trên WhatsApp. Chúng tôi sẽ có mặt ngay lập tức. Danh tính của bạn sẽ không bị tiết lộ nên bạn không phải lo lắng khi lên tiếng tố cáo. Nếu ai đó gọi điện chọc ghẹo hay gây phiền hà gì cho bạn, hãy cho chúng tôi biết. Đừng giữ im lặng", cô nói.

Theo chính quyền thành phố, nạn nhân có thể e dè khi trình báo các vụ quấy rối hay tấn công tình dục với nam cảnh sát. Nhưng với lực lượng nữ cảnh sát, chỉ cần nhận được điện báo hay tin nhắn qua ứng dụng thông minh, họ sẽ lập tức có mặt để giúp đỡ. Tình trạng quấy rối ở các điểm nóng đã giảm đáng kể. Hàng ngày, lực lượng đặc nhiệm nữ này tuần tra trên đường phố, các công viên, khu ký túc xá hay bến tàu xe, nơi phụ nữ thường có nguy cơ bị tấn công tình dục.

Trong lúc tuần tra, các nữ cảnh sát thường xuyên tiếp xúc với phụ nữ và các cô gái trẻ. Họ được tuyên truyền thông tin để bảo vệ bản thân, đồng thời cảnh sát cũng thông báo rằng họ có thể liên lạc với đội nữ biệt động bằng WhatsApp bất kỳ lúc nào để được giúp đỡ trong tình huống nguy hiểm.

Kamal Shekhawat, người đứng đầu đơn vị đặc nhiệm nữ cho biết, đội đặc nhiệm này được huấn luyện võ thuật hàng tháng để có thể trấn áp tội phạm là nam giới. "Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi tới là không khoan nhượng đối với tội ác chống lại phụ nữ. Nếu một người đàn ông bị phát giác và bị khống chế, những người khác nhìn vào sẽ tự cảm thấy phải dè chừng nếu họ có ý định làm bất cứ điều gì sai trái. Đó là thành công của chúng tôi", Kamal Shekhawat nói. Sau hai tháng vận hành, đơn vị này đã cho thấy hiệu quả phòng ngừa và tình trạng quấy rối phụ nữ giảm rõ rệt. 

Tiểu bang Uttar Pradesh, bang đông dân nhất của Ấn Độ, cảnh sát cũng phát triển các nhóm "chống Romeo" nhằm mục tiêu bảo vệ nữ giới, nhưng một nghịch lý hiện nay cho thấy phần lớn cảnh sát Ấn Độ là nam giới. Nữ giới hiện chỉ chiếm 6,5% lực lượng cảnh sát Ấn Độ.

Người đứng đầu đơn vị đặc nhiệm nữ Shekhawat hy vọng việc nhìn thấy cảnh sát nữ đi tuần sẽ giúp nhiều phụ nữ ở Jaipur mạnh dạn tố cáo những kẻ quấy rối hơn vì cảm thấy tìm được người có thể chia sẻ. "Chúng tôi thấy tác động rất tốt và kết quả tích cực ở bất cứ nơi nào mà đội chúng tôi tuần tra. Hoạt động của chúng tôi có hiệu quả ngăn ngừa và giúp khôi phục niềm tin của công chúng đối với lực lượng cảnh sát. Đó là điều cần thiết để duy trì luật pháp và trật tự", cô nói.

Hoa Huyền
.
.