Những nỗi đau mang tên: Ma túy!

Thứ Hai, 29/03/2021, 20:54
Ma túy chính là thủ phạm gây biết bao bi kịch cho các gia đình. Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, các đối tượng sẵn sàng gây ra những vụ trọng án như cướp, cướp giật tài sản, trộm cắp và thậm chí là giết người. Đau lòng hơn, đã có không ít con nghiện khi lên cơn “ngáo” thì sẵn sàng ra tay với chính người thân, để lại những hậu quả đau xót.


1. Đầu năm 2020, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã xảy ra một vụ án khiến người dân nói chung và các nghệ sĩ, thính giả yêu opera trên cả nước bàng hoàng.

Khoảng 22h ngày 18-2-2020 đối tượng Dương Quang Bình (sinh năm 1977, trú tại số 12, ngõ 609 Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm) đã đốt chiếc xe máy Yamaha Mio của người anh ruột là anh Dương H.A. Sau đó Bình tiếp tục cầm dao, thách thức người nhà. Đối tượng còn khóa cửa phía ngoài sân chung, đồng thời trốn sang nhà anh Vũ Mạnh Dũng (em rể của Bình). Thấy Bình trèo sang, anh Dũng chạy ra ngăn cản, giằng co thì bị đối tượng dùng dao đâm. Ít phút sau, Bình đã bị lực lượng công an tiếp cận, khống chế. Dù được đưa đi bệnh viện cấp cứu song anh Dũng đã không qua khỏi.

Theo một lãnh đạo UBND phường Chương Dương, đối tượng Dương Quang Bình có 2 tiền sự về hành vi trộm cắp tài sản năm 2007 và một tiền sự khác khi đối tượng phải đi cai nghiện bắt buộc vào năm 2004. Đến tháng 1-2019, Bình tiếp tục đi cai nghiện theo dạng tự nguyện.

Trước tết Nguyên đán, gia đình có xin cho Bình về nhà ăn tết. Không ngờ, chưa kịp đưa anh ta trở lại trung tâm cai nghiện thì xảy ra cơ sự... Ngay sau đó Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm đã ra quyết định khởi tố vụ án, ra lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp đối với Bình để điều tra.

NSƯT Vũ Mạnh Dũng là nghệ sĩ opera, giảng viên cộng tác với Khoa Thanh nhạc của hai trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội và Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đồng thời giữ nhiệm vụ Phó trưởng Đoàn Nhạc kịch của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Anh vốn nổi tiếng trong giới nhạc thính phòng - là một solist thuộc dạng “hiếm có khó tìm”. Khi biết tin Dũng bị sát hại bởi một con nghiện ma túy, bạn bè đồng nghiệp và đông đảo khán, thính giả cả nước đều thương tiếc anh.

Đối tượng Dương Quang Bình bị khống chế.

Cuối năm 2020, trên địa bàn huyện Gia Lâm (Hà Nội) cũng xảy ra một vụ án khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Chiều 16-11-2020 đối tượng Nguyễn Hồng Giang (SN 1985, thường trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tìm đến nhà mẹ đẻ là bà Nguyễn Thanh T. (SN 1963, trú tại chung cư CT8A khu đô thị Đặng Xá, huyện Gia Lâm). Tại đây, hai mẹ con đã xảy ra cãi vã, Giang đã dùng dao gọt hoa quả đâm nhiều nhát khiến bà T. tử vong tại chỗ.

Sau khi nhận được thông tin, Công an xã Đặng Xá phối hợp với với lực lượng nghiệp vụ nhanh chóng bắt giữ đối tượng Giang. Được biết, Giang là con nghiện ma túy và từng phải đưa đi điều trị một thời gian về bệnh tâm thần. Tuy nhiên, sau khi bệnh tình thuyên giảm, Giang lại tiếp tục sử dụng ma túy. Bà T. vốn trước đây sinh sống trên địa bàn phường Lê Đại Hành, song không chịu nổi nghịch tử nên đã chuyển sang khu đô thị Đặng Xá. Vậy mà cuối cùng vẫn không thoát khỏi tai vạ.

Nghịch tử Nguyễn Hồng Giang.

Không chỉ ở Hà Nội mà còn tại nhiều địa phương khác trên cả nước, những con nghiện ma túy đá gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng. Có những vụ sát hại tới 3 người trong gia đình (như vụ đối tượng Trương Tín đã dùng dao lấy đi tính mạng của mẹ đẻ, dì và bà ngoại do nghĩ họ là robot muốn sát hại mình xảy ra tại TP Hồ Chí Minh).

Nhưng, ghê gớm hơn cả có lẽ là vụ thảm sát xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cũng vào cuối năm 2019. Ngày 26-12-2019 đối tượng Hoàng Văn Chín (sinh năm 1976, trú tại thôn Lương Bình 2, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) - một con nghiện ma túy đá - đã dùng dao sát hại 5 người (trong đó có vợ của Chín) tại xóm Lương Bình 2, xã Sơn Phú.

Tại Cơ quan công an, Chín khai nhận bản thân nghiện heroin và ma túy đá. Do bị mất ngủ trong thời gian dài, tâm lý bất ổn và luôn cảm thấy hoang mang, khó chịu nên Chín đã gây ra vụ án kinh hoàng này. Sáng sớm 26-12, Chín nghe thấy vợ là chị Ma Thị Hưởng càu nhàu đòi bỏ nhà đi nên tức tối, cãi nhau. Chín đã dùng búa đánh vào đầu khiến vợ tử vong. Sau khi sát hại vợ, Chín cầm một con dao bỏ trốn. Trên đường trốn, Chín gặp anh Lường Văn Bánh (sinh năm 1974), anh rể của mình, tiếp tục chém nhiều nhát làm làm nạn nhân này tử vong. Tiếp đó Chín đã sát hại thêm 3 người khác, cùng trú tại  xóm Lương Bình 2.

Tháng 8-2020 TAND tỉnh Thái Nguyên đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Hoàng Văn Chín về tội “Giết người”.Tại phiên tòa, sau khi xem xét các tình tiết, tính chất, mức độ của vụ án, HĐXX đã tuyên phạt Hoàng Văn Chín tử hình. Ngoài ra, bị cáo phải bồi thường cho các bị hại, gia đình bị hại số tiền hơn 400 triệu đồng và có trách nhiệm cấp dưỡng nuôi hai con nhỏ của một nạn nhân cho đến năm 18 tuổi.

2. Còn nhớ vài năm trước chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Hợi (thôn 4, xã Tự Nhiên, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) - một gia đình mà có đến 4 người con mắc nghiện ma túy. Họ đã hủy hoại cả cuộc đời mình lẫn những người thân trong gia đình.

Chị Nguyễn Thị Lan - con dâu bà Hợi kể chuyện mà nước mắt không ngừng rơi. Mẹ chồng chị có 6 người con, trong đó 3 người con trai thì mất cả 3. Anh con cả mất khi đang tuổi đôi mươi, sắp đến ngày cưới, lúc ấy chị mới về làm dâu gia đình chưa đầy năm. Tiếp sau thì 2 người con trai và 1 người con dâu lần lượt mắc nghiện.

Hoàng Văn Chín bị bắt sau khi gây ra vụ án giết người.

“Đầu tiên là chú út mắc nghiện, chú ấy nghiện lâu lắm rồi, đến lúc không làm ăn được gì thì bán hết đồ đạc gia đình, đánh vợ chửi con. Chú ấy sinh được 2 đứa con nhưng khi đứa út mới 2 tuổi thì vợ chú ý cũng nghiện mà bỏ nhà đi, bỏ lại các con cho nhà chồng. Nói là có bố nhưng chú ấy lúc nào cũng chìm vào nghiện ngập, hút chích, các con đều ỷ cho mẹ và chị dâu. Lúc ấy một tay chị với mẹ chồng chăm 4 đứa trẻ, con bé nhà chị mới 2 tháng tuổi, rồi còn gánh nặng 2 người nghiện nữa” - chị Lan tâm sự.

Ma túy cũng khiến 2 người con trai còn lại của bà Hợi thân tàn ma dại và cuối cùng chết trong đau đớn. Đầu tiên là cậu con trai út, sau thời gian nghiện ngập, vợ bỏ đi càng làm anh ta ngập trong làn khói trắng, người ngợm quắt queo, lở loét, cai lên cai xuống cũng chẳng có tác dụng gì.

Rồi đến lượt anh Sứ (chồng chị Lan) vốn là người hiền lành, chăm chỉ làm ăn, hai vợ chồng chí thú mở được xưởng gỗ đang ăn nên làm ra thì anh dính vào nghiện. Chị Lan bảo rằng không biết chồng mình nghiện từ khi nào, vì anh vẫn chăm chỉ làm ăn, không bán đồ đạc gia đình, cũng không đánh chửi vợ con.

Hỏi ra mới biết sau lần tai nạn lao động năm 2002, anh bị vỡ xương hông, nghe bạn bè rỉ tai là hút cái thứ bột màu trắng vào thì sẽ không bị đau nữa, thế là anh thử. Ma túy tuy giúp anh thoát khỏi những cơn đau tức thời nhưng cũng khiến anh ngày càng lệ thuộc vào nó. Cai nghiện năm lần bảy lượt không thành, anh bị bắt trong một lần mua ma túy và bị phạt tù vì tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, rồi chết trong trại giam vì bệnh tật.

Sau khi anh Sứ mất, gia đình họp bàn, quyết định đưa người con trai út sang Trung Quốc - nhà của một người chị gái để cai nghiện. Nhưng, sang đó chưa được bao lâu thì người con này cũng mắc bệnh nặng mà mất. 3 người con trai đều chết trẻ, con dâu thì cũng nghiện ngập bỏ nhà đi... giờ đây bà Lan chỉ biết trông cậy vào người con dâu cả và mấy đứa cháu. Ma túy đã lấy đi của họ quá nhiều...

Người nghiện ma túy là người vi phạm pháp luật

Tại diễn đàn Quốc hội, đề cập đến quan điểm, thái độ của cơ quan lập pháp đối với người nghiện ma túy, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, dự thảo luật không thể hiện rõ nhưng trong các báo cáo thẩm định của các ủy ban tại Kỳ họp thứ 10 và trong nhận thức của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) vẫn coi người nghiện ma túy là người bệnh, không vi phạm pháp luật.

ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị phải coi người nghiện ma túy là người vi phạm pháp luật, bởi thực tế một số người nghiện đã vin vào quan điểm này để đòi hỏi được hưởng các quyền và nghĩa vụ như người bệnh, quy định tại Chương 2, Luật Khám, chữa bệnh năm 2011.

Họ cho rằng, trung tâm cai nghiện không phải là hình thức tổ chức, cơ sở khám chữa bệnh, từ đó gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình quản lý và làm tốt công tác tư tưởng cho người nghiện.

Đại biểu tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại hội trường Quốc hội.

“Tôi đề nghị Quốc hội khẳng định rõ quan niệm này trong luật để thống nhất thực hiện. Đề nghị bổ sung vào khoản 5, Điều 3 chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy” - Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu lý giải.

Về việc quản lý đối tượng nghiện, nhiều đại biểu quan niệm, người nghiện khi đã xác định được tình trạng nghiện thì đưa đi cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và các trung tâm cai nghiện nên ta đã quản lý họ rồi. ĐBQH Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, nhận thức như thế sẽ sai lầm rất lớn trong quá trình áp dụng pháp luật. Trong tình hình hiện nay, khi tội phạm và tệ nạn ma túy đang tăng đột biến, chúng ta cần tăng cường, siết chặt hơn nữa việc quản lý người nghiện.

Theo đó, thực tế nước ta đang có 230.000 người nghiện, phần lớn người nghiện chưa được cai đang ở ngoài xã hội, nếu không quản lý sẽ rất khôn lường. Tình trạng ngáo đá, gây án nghiêm trọng diễn ra trong thời gian qua đang gióng lên hồi chuông báo động. Ông đề nghị ban soạn thảo quy định chặt chẽ, chi tiết hơn về công tác quản lý người nghiện ma túy, đưa nội dung này vào Điều 43 dự thảo luật.

ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam) nhận thấy, từ khi chúng ta bỏ điều luật về tội “Sử dụng trái phép chất ma túy” trong Bộ luật Hình sự năm 1999 thì tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy diễn ra rất nhiều, tỷ lệ người nghiện tăng lên. “Đồng thời, như đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đã phân tích, chúng ta không thể xem người nghiện ma túy như người bệnh được. Cai nghiện tại cộng đồng, gia đình là cần thiết nhưng hiệu quả không cao. Cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo hướng cho bổ sung trở lại tội danh “Sử dụng trái phép chất ma túy”, với nhiều giải pháp mạnh hơn”, ông nói, đồng thời lấy ví dụ, đã xử lý hành chính mà tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, hay đã đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà tiếp tục tái phạm là xử lý hình sự...

M. Khang - Y. Chi
.
.