Những quy định kiểm tra an ninh sân bay gây nhiều tranh cãi

Thứ Sáu, 10/12/2010, 17:30
Các hành khách tìm thấy vô vàn những lý do để phản đối chính sách kiểm tra an ninh mới của Cơ quan An toàn vận tải (TSA) - đó là sự kết hợp giữa scan bằng công nghệ kiểm tra hình ảnh bậc cao và trực tiếp lục soát thân thể - bắt đầu có hiệu lực từ ngày 29/10/2010. Một số người nhận định phương pháp scan toàn thân có nguy cơ cao gây nhiễm phóng xạ. Một số khác coi chính sách mới vi phạm quyền tự do cá nhân.

Trong khi đối với một số người khác - hệ thống scan kiểm tra hình ảnh mới làm xuất hiện một mối đe dọa mới: đó là sự lo ngại ám ảnh về xúc phạm giới tính. Nhưng TSA lập luận rằng, hệ thống scan hình ảnh không chỉ an toàn mà còn cần thiết.

Theo người phát ngôn của TSA Nick Kimball, trong kỷ nguyên của những chất nổ dẻo, máy móc dò kim loại đã không còn đủ hiệu quả nữa và hệ thống scan toàn thân mới chính là sự lựa chọn khả thi nhất. Scan toàn thân tạo ra một hình ảnh chụp nhanh kỹ thuật số xuyên qua lớp áo quần đang mặt của hành khách đi máy bay cho phép nhân viên an ninh "nhìn thấy" bất cứ thứ gì giấu trong người. Những hành khách nào từ chối scan sẽ phải qua kiểm tra bằng phương pháp lục soát (sờ nắn) thân thể và đây chính là mối lo sợ bị xúc phạm đối với nhiều hành khách đi máy bay hơn biện pháp dò soát (bằng máy quét kim loại) trước kia.

Erin Chase, một phụ nữ Mỹ bay vài lần trong một tháng, nói: "Đó quả là một trải nghiệm kinh khủng. Tôi bị sờ nắn ở  những bộ phận nhạy cảm nhất, mà không hề có sự ưng thuận hay sự cảnh báo trước". Trong khi TSA quy định mọi nhân viên an ninh sân bay phải nói cho hành khách biết trước về những gì sẽ xảy ra trước khi tiến hành lục soát thân thể họ. Đối với những người từng là nạn nhân của tội phạm tấn công tình dục, những quy định kiểm tra an ninh mới của TSA là mối nguy hiểm thật sự đáng sợ. Bởi vì điều đó có thể gây ra phản ứng stress hậu chấn thương tâm thần.

Melissa Gibbs, nữ phát ngôn của We Won't Fly, nhóm phản đối những quy định kiểm tra an ninh mới của TSA cho biết, một nữ nạn nhân của sự cưỡng bức đã có phản ứng tấn công đáp trả khi nhân viên an ninh bắt đầu sờ nắn chân của chị ta. Shannon Lambert, người thành lập Dự án Pandora, tổ chức phi lợi nhuận cung cấp sự hỗ trợ và thông tin cho những nạn nhân của nạn cưỡng bức và xâm hại tình dục, nói: "Sau khi bị tấn công tình dục, dường như là nhiều nạn nhân không muốn  thân thể mình bị người khác chạm vào. Nhiều nạn nhân không muốn rơi vào những tình huống mà họ thấy mình dễ bị tổn thương. Họ sẽ có phản ứng phòng thủ khi thấy mình bị kiểm soát thân thể".

Những người bảo vệ cho quy định sờ nắn toàn thân lập luận rằng, nó hoàn toàn không khác gì biện pháp dò soát được sử dụng trước kia (mặc dù những hành khách bay thường xuyên như là Erin Chase không đồng tình). Quy định mới được thực hiện như thế nào và khi nào cũng đã có sự thay đổi. Trước kia, biện pháp sờ nắn thân thể được thực hiện đối với những hành khách mà máy dò kim loại không hoạt động tốt đối với họ, hay những người được chọn ngẫu nhiên để lục soát thân thể. Nhưng với quy định mới của TSA, biện pháp sờ nắn thân thể được sử dụng cả cho những hành khách không chịu scan toàn thân khi mà kỹ thuật viên scan không bắt được những hình ảnh rõ ràng. Với 385 máy scan hiện đang hoạt động tại 68 sân bay, một số nạn nhân của sự cưỡng bức lo ngại họ sẽ bị xúc phạm thân thể và mối đe dọa tái chấn thương tâm thần ngày càng tăng này đủ khiến họ không còn muốn bay nữa.

Một blogger tên là Melissa McEwan nói: "Mặc dù là nạn nhân của cưỡng bức, tôi cũng không thể tránh khỏi quy định mới của TSA". Các bài viết của Melissa về biện pháp sờ nắn thân thể đã nhận được rất nhiều phản hồi từ phía những nạn nhân khác, những người bị hoảng loạn tinh thần sau khi qua kiểm tra thân thể theo quy định mới hoặc những người không còn muốn bay nhằm tránh bị xúc phạm thân thể. Melissa Gibbs, bản thân cũng là nạn nhân của nạn cưỡng bức, là người có kế hoạch tẩy chay ngành hàng không trong khắp nước Mỹ, cùng với We Won't Fly.

Theo những chuyên gia cố vấn cho những người từng bị tấn công tình dục, bản thân quy định kiểm tra sờ nắn thân thể không là điều duy nhất có thể gây ra phản ứng. "Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều nạn nhân mà hình ảnh của họ bị đánh cắp và tung lên Internet", như là một dạng của sự tấn công tình dục. Shannon Lambert nói. "Vì thế đối với họ, cho dù những hình ảnh của TSA được hủy tức khắc, hay người kiểm tra ngồi trong căn phòng khác, thì ý tưởng hình ảnh của họ bị đánh cắp có thể là vụ việc khó giải quyết được".

Shannon Lambert cũng lưu ý rằng những người lớn từng bị tấn công tình dục khi còn nhỏ cũng có thể bị chấn thương tâm thần khi nhìn thấy con cái họ bị kiểm tra scan hình ảnh hay bị sờ nắn toàn thân quá tỉ mỉ. Được biết, máy scan sẽ tự động hủy những hình ảnh trước khi chuyển sang kiểm tra hành khách tiếp theo sau, và người kiểm tra ngồi trong một phòng khác cũng không nhìn thấy mặt hành khách đang qua kiểm tra và những nhân viên an ninh làm việc với hành khách cũng không hề được thấy những hình ảnh scan kiểm tra. Theo ý kiến của Lambert và Marsh, áp lực của yếu tố thời gian đối với chuyến bay càng làm cho sự hoảng sợ trước quy định kiểm tra thân thể càng tồi tệ hơn nữa.

Wendy Maltz, nhà liệu pháp và tác giả cuốn "Sách hướng dẫn cho những nạn nhân của xâm hại tình dục", nói: "Tình huống này sẽ gây tái chấn thương tâm thần. Mọi thứ phải diễn ra thật nhanh, có nhiều áp lực, nhiều người đang chờ bạn, không được để mất thời gian, không đòi hỏi sự ưu tiên, không đặt câu hỏi. Bạn phải bắt chuyến bay thật nhanh".

Hành khách có thể yêu cầu nhân viên kiểm tra an ninh cùng giới tính với mình để thực hiện kiểm tra sờ nắn thân thể, nhưng McEwan lưu ý rằng bất cứ sự đụng chạm không mong muốn nào cũng có thể gây ra vấn đề. Hiện nay Liên minh Dân quyền Mỹ (ACLU) và một số chính khách cũng đang đau đầu với chính sách kiểm tra an ninh mới

An An (tổng hợp)
.
.