Hậu vụ tấn công khủng bố tại Mumbai, Ấn Độ:

Những sự thật khó được chấp nhận

Thứ Tư, 10/12/2008, 15:00
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh chỉ chấp nhận đơn xin từ chức hôm 30/11 của Bộ trưởng Nội vụ Shivraj Patil, còn đơn từ chức của Cố vấn an ninh quốc gia MK Narayanan, Thủ hiến Vilasrao Deshmukh và Phó thủ hiến RR Patil bang Maharashtra vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Những người kể trên xin từ chức vì dư luận đang chỉ trích sự yếu kém của cơ quan tình báo và an ninh nước này, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu bang Maharashtra trong việc để xảy ra vụ khủng bố đêm 26/11 ở thành phố Mumbai khiến hàng trăm người chết và bị thương.

Sự giống nhau trong vụ khủng bố hôm 26/11/2008 với vụ tấn công trụ sở Quốc hội hôm 13/12/2001

Thứ nhất, đều có liên quan tới tổ chức khủng bố Lashkar-e-Toiba. Theo lời khai của Ajmal Amir Kasar, tay súng duy nhất còn sống sau vụ tấn công hàng loạt vào thành phố Mumbai thì chúng có 12 tên, được đào tạo và nhận được sự hỗ trợ của tổ chức khủng bố Lashkar-e-Toiba (Lashkar-e-Tayyiba hoặc Lashkar-e-Taiba).

Cũng giống như trước đây, người phát ngôn của Lashkar-e-Toiba tại khu vực Kashmir Abdullah Ghaznavi lại khẳng định, họ vô can và những phiến quân Hindu mới là thủ phạm gây ra vụ khủng bố đêm 26/11. Tuyên bố này cũng từng được Lashkar-e-Toiba đưa ra sau khi người của chúng tấn công tòa nhà Quốc hội Ấn Độ hôm 13/12/2001.

Thứ hai, được chuẩn bị chu đáo. Theo những tin tức mới được tiết lộ, những tay súng tham gia vụ tấn công Mumbai đã xuất phát từ Rawalpindi đến Karachi, Pakistan và được chiếc tàu của ông trùm thế giới ngầm đang ẩn náu ở Pakistan Dawood Ibrahim đưa tới hải phận Ấn Độ.

Sau đó chúng đã cướp chiếc tàu đánh cá Kuber (Hải quân Ấn Độ phát hiện ngoài khơi, cách bờ biển Mumbai 5 km), giết thủy thủ đoàn rồi đổ bộ lên bờ bằng xuồng cao su. Trong vụ tấn công tòa nhà Quốc hội Ấn Độ, cả 6 tên khủng bố đều mặc đồng phục của quân đội và ngay sau khi tới trước cửa tòa nhà Quốc hội, bọn chúng lập tức triển khai đội hình - đột nhập vào cánh cửa chỉ dành riêng cho các nghị sĩ.

Thứ ba, được đào tạo bài bản. Cũng giống như Ajmal Amir Kasar, những tay súng tham gia tấn công vào 7 địa điểm ở thành phố Mumbai đêm 26/11 đều được đào tạo khá kỹ càng, nhất là kỹ năng chiến đấu và chiến thuật quân sự, nhưng không cùng một địa điểm. Vì được đào tạo tốt, lại được sử dụng ma túy trước khi xung trận nên bọn chúng đã khiến lực lượng chống khủng bố gặp nhiều khó khăn khi tác chiến.

Thứ tư, sử dụng phương tiện hiện đại, tối tân. Bọn khủng bố đã sử dụng thẻ sinh viên của trường đại học địa phương (làm giả), thiết bị GPS cùng các bản đồ Google Earth và liên lạc với nhau bằng điện thoại di động Blackberry khi tiến vào 7 địa điểm ở Mumbai. Do đó các vụ tấn công diễn ra cùng một thời điểm khiến cho lực lượng cảnh sát, an ninh và đặc nhiệm bị động thời điểm ban đầu.

Thứ năm, gây hậu quả càng lớn càng tốt. Bọn khủng bố đã lên kế hoạch giết 5.000 người trong vụ tấn công tổng lực vào thành phố Mumbai đêm 26/11, nhưng theo thống kê “mới có” 174 (chứ không phải 195) người chết và hơn 330 người bị thương. Vụ tấn công tòa nhà Quốc hội Ấn Độ hôm 13/12/2001 cũng có diễn biến tương tự.

Mất bò mới lo làm chuồng

Thủ tướng Manmohan Singh luôn coi Lashkar-e-Toiba là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với an ninh của Ấn Độ, nhưng vụ khủng bố đêm 26/11 diễn ra đã đặt ông và Cơ quan Tình báo, An ninh nước này vào thế khó. Giới chuyên môn không hiểu tại sao Cơ quan Tình báo và An ninh Ấn Độ lại không hay biết về kế hoạch cũng như việc chuẩn bị của bọn khủng bố.

Trước khi động thủ, bọn khủng bố đã ra vào Mumbai nhiều tháng để điều tra, nắm tình hình cũng như tích trữ vũ khí, chất nổ... Những tay súng đã nhiều lần đến khách sạn Oberoi-Trident và Taj Mahal Palace để điều nghiên nên rất thông thạo địa hình khiến cho lực lượng chống khủng bố gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu diệt chúng.

Theo Quốc vụ khanh Sriprakash Jaiswal, hoạt động tình báo đã được tăng lên cấp độ thời chiến và Bộ Nội vụ cũng đã yêu cầu chính phủ nâng mức kiểm soát an ninh lên cấp chiến tranh. Cơ quan tình báo đã yêu cầu chính phủ có các biện pháp hữu hiệu để cải tiến việc thu thập tin tức tình báo, đồng thời yêu cầu Pakistan nhanh chóng triệt phá các tổ chức khủng bố như Lashkar-e-Toiba, Jaish-e-Mohammad và Hizbul Mujahideen đặt căn cứ ở Pakistan.

Cách đây không lâu (18/9), Thủ tướng Manmohan Singh từng thừa nhận, cơ quan chức năng Ấn Độ phải thắt chặt hơn các luật lệ, cũng như biện pháp chống khủng bố bởi thời gian qua có quá nhiều lỗ hổng lớn trong việc thu thập tin tức tình báo.

Giới chuyên môn cho rằng, sau vụ khủng bố đêm 26/11, Ấn Độ có thể thành lập một cơ quan chỉ huy chung để phối hợp điều tra về những vụ tấn công khủng bố tại các bang. Bộ trưởng Nội vụ Shivraj Patil đang bị chỉ trích vì đã không đảm bảo được an ninh trong nước.

Theo giới thạo tin, cách đây hơn nửa năm (tháng 3/2008), Cảnh sát Ấn Độ từng bắt giữ 6 nghi can đang lên kế hoạch tấn công vào thị trường chứng khoán ở thành phố Mumbai. --PageBreak--

Theo ông Yamitabh Yash, người đứng đầu lực lượng chống khủng bố của bang Uttar Pradesh cho biết, Lashkar-e-Toiba muốn đánh vào một trong những thị trường chứng khoán lâu đời nhất châu Á, đồng thời là biểu tượng của nền kinh tế tăng trưởng nhanh của quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Nhưng thông tin này khi đó đã bị bỏ qua nên mới có hậu quả ngày hôm nay.

Giới chuyên môn cho rằng, kể từ khi thành lập (năm 1969) Tổng cục Tình báo đối ngoại và Cục Phân tích xử lý tin đến nay  đây là vụ mất mặt nhất của Cơ quan Tình báo Ấn Độ cho dù họ từng thành công trong việc tạo dựng tin giả khiến nhiều cơ quan tình báo lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Pakistan... không hề hay biết về cuộc thử tên lửa mang đầu đạn hạt nhân diễn ra cách đây 10 năm (1998-2008).

Kể từ đầu năm 2008 đến nay, nhiều vụ tấn công, đánh bom khủng bố diễn ra tại các thành phố Jaipur, Ahmedabad, Bangalore, New Delhi và Mumbai khiến hàng trăm người chết và bị thương. Và Lashkar-e-Toiba luôn bị coi là thủ phạm trong những vụ tấn công vào một số cơ sở ở Uttar Pradesh, huyện Nayagarh, bang Orissa...

Nguy cơ một cuộc chiến

Sau vụ tấn công tòa nhà Quốc hội Ấn Độ hôm 13/12/2001, ngày 23/12/2001 những cuộc đấu súng, đấu pháo giữa Ấn Độ và Pakistan đã diễn ra tại một số khu vực biên giới. Điều này cũng có thể diễn ra sau vụ khủng bố hôm 26/11 bởi Ấn Độ đã nâng mức kiểm soát an ninh tại nước này cũng như ở các khu vực biên giới lên cấp chiến tranh. Lực lượng hải quân và phòng vệ bờ biển đã tăng cường phối hợp tuần tra để đảm bảo an ninh cho khu vực duyên hải.

Cho dù cả Tổng thống Asif Ali Zadari và Thủ tướng Yousuf Raza Gilani đều liên tiếp đưa ra những tuyên bố chỉ trích và phủ nhận có liên quan tới vụ khủng bố đêm 26/11, nhưng Pakistan vẫn phải chịu một phần trách nhiệm trong vấn đề này. Đây là tuyên bố mới nhất của cơ quan chức năng Ấn Độ bởi theo những bằng chứng và lời khai thu thập được thì mọi đầu mối đều bắt nguồn từ Pakistan.

Lashkar-e-Toiba từng bị cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf cấm hoạt động tại Pakistan, thậm chí ông còn ra lệnh cho cơ quan tình báo chấm dứt mọi hỗ trợ, ủng hộ đối với tổ chức này.

Nhưng theo tờ Thời báo châu Á, tổ chức Lashkar-e-Toiba và các nhóm phiến quân hoạt động ở khu vực Kashmir vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công chống Ấn Độ. Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ Michael McConnel từng tuyên bố Lashkar-e-Toiba có căn cứ ở Pakistan và sẽ tiếp tục tiến hành nhiều kế hoạch tấn công, ám sát và khủng bố ở Ấn Độ.

Cha đẻ của Lashkar-e-Toiba

Cách đây gần 3 năm (17/2/2006), Giáo sĩ Hafiz Mohammed Saeed đã bị bắt tại thành phố Lahore, Pakistan khi đang chuẩn bị một cuộc biểu tình lớn sau lễ cầu nguyện. Trước đó (4/1/2002), Thiếu tướng Javad Iqbal Cheema, người phát ngôn Bộ Nội vụ Pakistan từng tuyên bố, thủ lĩnh Lashkar-e-Toiba, ông Hafiz Mohammed Saeed đã bị bắt.

Khi đó Hafiz Mohammed Saeed đang cùng một số thuộc hạ thân tín bàn thảo các bước tiếp theo nhằm đối phó trước sức ép của cả Ấn Độ và Pakistan bởi ông ta bị Cảnh sát Ấn Độ liệt vào danh sách một trong những kẻ có liên quan tới vụ tấn công vào tòa nhà Quốc hội nước này hôm 13/12/2001. Tuy nhiên, việc bắt giữ Hafiz Mohammed Saeed cùng một số lãnh đạo chủ chốt của Lashkar-e-Toiba khi đó chỉ là “biện pháp tình thế”.

Hafiz Mohammed Saeed đến với “thánh chiến” từ năm 1986, nhưng sau đó ông ta nhận ra rằng, khó có thể trở thành tướng quân tại Afghanistan nên đã đứng ra sáng lập trường đào tạo Hồi giáo. Đến nay cơ ngơi này đã phát triển thành 2 trường đại học, 8 học viện và 140 trường đào tạo Hồi giáo nằm rải rác trên khắp thế giới.

Trường tôn giáo do Hafiz Mohammed Saeed xây dựng trên đất Pakistan không những có ảnh hưởng lớn tới người dân ở đây, mà còn tạo nên một màng lưới giáo dục đạo Hồi hùng mạnh tại khu vực Đông Á. Năm 1990, Hafiz Mohammed Saeed thành lập tổ chức khủng bố Lashkar-e-Toiba với tư tưởng “gắn lý luận với thực tiễn”.

Năm 1993, Lashkar-e-Toiba bắt đầu can thiệp vào “vấn đề Kashmir”. Đến năm 1997, tổ chức này trở thành một trong những lực lượng dân binh của Pakistan. Cho tới nay người ta không tính hết được những phi vụ do Hafiz Mohammed Saeed chỉ huy.

Kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001, Hafiz Mohammed Saeed đã vạch rõ ranh giới trong việc “tấn công tự sát” giữa Lashkar-e-Toiba với Al-Qaeda của Osama bin Laden. Hafiz Mohammed Saeed cho rằng, cách làm của Osama bin Laden dễ dẫn tới diệt vong.

Sau khi Lashkar-e-Toiba bị lên án nhiều, Hafiz Mohammed Saeed đã nhảy sang lãnh đạo nhóm Hồi giáo Jamaat-ud-Dawa, được Chính phủ Pakistan bảo trợ. Tuy nhiên, Hafiz Mohammed Saeed vẫn là lãnh tụ tinh thần và tổng chỉ huy của Lashkar-e-Toiba

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.