Những tình tiết mới xung quanh vụ WikiLeaks

Thứ Ba, 14/12/2010, 16:40
Cơ quan Cảnh sát quốc tế Interpol đã chính thức ban hành lệnh truy nã trên toàn cầu đối với Julian Assange, ông chủ của WikiLeaks. Có thể nói trong năm nay, Julian Assange đã trở thành một trong những cái tên được nhắc tới nhiều nhất. Qua đó ông cũng là người bị truy lùng gắt gao, có lẽ chỉ sau Osama bin Laden... của các cơ quan mật vụ hàng đầu thế giới.

WikiLeaks đe dọa phản công

Giữa lúc bị tuy lùng gắt gao nhất, người sáng lập trang WikiLeaks đe dọa sẽ phản công bằng "một quả bom nhiệt hạch trên mạng": tung ra toàn bộ hàng trăm ngàn tài liệu quân sự - ngoại giao mật của Chính phủ Mỹ ở dạng nguyên bản.

Luật sư đại diện ông Assange ở Anh là ông Mark Stephens tuyên bố nếu ông Assange bị truy tố về tội cưỡng dâm ở Thụy Điển hoặc vì tội phản gián ở Mỹ, ông sẽ công khai chìa khóa giải mật mã. Điều đáng nói là trong tập tin này có nhiều thông tin không được công bố trước đó cũng như tên tuổi, chi tiết đã được lọc bỏ khỏi những tài liệu đã đưa lên mạng để bảo vệ danh tính của các điệp viên, nguồn tin, binh sĩ Mỹ.

"Đây sẽ là một quả bom nhiệt hạch của thời đại thông tin" - The Globe and Mail dẫn lời luật sư Stephens.

Những tiết lộ gây chấn động

Ngay từ ban đầu, WikiLeaks đã mang một xu hướng chính trị rõ ràng - nó tự coi mình là một loại vũ khí thông tin của những người tự do. Đòn tấn công đầu tiên của Assange bất ngờ nhằm vào các nước châu Phi. Tháng 12/2006, trên WikiLeaks xuất hiện một tài liệu có chữ ký của thủ lĩnh Hồi giáo Hassan Dahir Aweys ra lệnh phải trừng trị các quan chức nhà nước Somali. Tháng 8/2007, tờ The Guardian của Anh cho đăng trên trang đầu tài liệu về sự dính líu của gia đình cựu Tổng thống Kenya Daniel Arap Moi đối với các mạng lưới tham nhũng tại nước này. Nguồn gốc tài liệu trên do chính WikiLeaks cung cấp.

Mục tiêu tiếp theo của Assange là tấn công vào những bí mật của giới ngân hàng. Trên trang web của họ cho công bố nhiều tài liệu về việc ngân hàng Julius Baer (Thụy Sĩ) che giấu những khoản tiền bất minh cho khách hàng của mình ở nước ngoài. Kết quả là ngân hàng trên nộp đơn kiện WikiLeaks lên tòa án tại Mỹ, trong đó đề nghị nhà cung cấp tên miền Dynadot cho đóng cửa trang web của Assange. Tuy nhiên, các nhà chức trách đã buộc phải cho mở lại WikiLeaks chỉ sau một thời gian ngắn trước sức ép của các tổ chức nhân quyền và nhà báo Mỹ với lý do phải đảm bảo quyền tự do ngôn luận. 

Đến đây, Assange quyết định "cày bừa" trong lĩnh vực hồ sơ mật của Mỹ, vốn được nhìn nhận là có nhiều chuyện dễ khai thác và ít có nguy cơ bị phản đòn nếu dựa theo luật pháp nước này. Đầu tiên chỉ là công bố những hướng dẫn nội bộ cho việc bảo vệ trại Delta tại nhà tù Guantanamo, là nơi giam giữ nhiều tù nhân là nghi can khủng bố trước con mắt của Hội Chữ thập đỏ quốc tế. Tiếp đó cũng nhờ WikiLeaks, công luận được biết đến toàn bộ nội dung hộp thư điện tử riêng của cựu Thống đốc Alaska và cựu ứng cử viên Phó tổng thống Sarah Pailin, cũng như cả những tài liệu bí mật của giáo hội Mỹ. 

Nhưng có tác động mạnh mẽ hơn cả vẫn là những tài liệu mật của giới chức quân sự Mỹ, bắt đầu từ vụ công bố hồi tháng 4 vừa qua một loạt những tài liệu video cảnh trực thăng Apache đã xả súng bắn  12 dân thường (trong đó có cả 2 phóng viên Hãng Reuters) tại Baghdad năm 2007. "Hồ sơ hình ảnh về Baghdad" trên chỉ trong tuần đầu tiên đăng tải đã có gần 4,8 triệu người vào WikiLeaks để xem. Tiếp đó, cứ cách quãng khoảng 3 tháng một lần là hai đợt công bố tài liệu mật lớn về các cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq.

Đến với Assange sau những sự kiện đình đám trên không chỉ là sự nổi tiếng toàn thế giới, mà là cả những khoản tiền quyên góp hào phóng. Ông ta đã nhận được ít nhất 300.000USD từ Wau Holland, một quỹ chuyên hỗ trợ các dự án trên Internet tại Đức. Còn theo chính Assange, ông ta đã nhận được cả triệu đôla kể từ đầu năm nay. Phần lớn các khoản tiền trên, theo các nhà quan sát, được Assange dùng để trả cho các nguồn cung cấp thông tin của mình. Bản thân WikiLeaks luôn khẳng định rằng, những nguồn tin hợp tác với họ chỉ luôn đơn thuần trên cơ sở tự nguyện.

Trát truy nã Julian Assange xuất hiện trên trang web của Interpol.

Danh sách tiết lộ mới

Ngày 6/12, WikiLeaks tiếp tục gây ra một cơn địa chấn mới, khi công bố danh sách bí mật các địa điểm hạ tầng quan trọng trên thế giới nếu bị tấn công khủng bố sẽ đe dọa nghiêm trọng an ninh Mỹ, theo đánh giá của Washington. AFP cho biết trong bức điện tín gửi hồi tháng 2/2009, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu các cơ quan ngoại giao Mỹ ở nước ngoài lên danh sách những cơ sở hạ tầng và nguồn lực trên thế giới "nếu mất mát có thể tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, an ninh kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ".

Trong danh sách này có các ống cáp ngầm dưới biển, các trung tâm liên lạc, cảng biển, nguồn khoáng sản và những công ty có tầm quan trọng chiến lược ở các nước từ Anh tới New Zealand, qua Châu Phi tới Trung Đông và Trung Quốc, một số cơ sở nằm ở Anh, như trạm vệ tinh và nhà máy của BAE Systems có liên quan đến các chương trình vũ khí chung với Mỹ. Ngoài ra còn có các hãng dược phẩm sản xuất vaccine bệnh đậu mùa và bệnh dại ở châu Âu, một công ty của Đức điều trị ngộ độc plutonium.

Trong số đó có cả công ty sản xuất văcxin bệnh đậu mùa ở Đan Mạch, một nhà máy sản xuất thuốc chống nọc rắn ở Australia hay một mỏ cobalt ở CHDC Congo. Một số địa điểm được mô tả là mang tầm quan trọng cực lớn. Ví dụ, hệ thống đường ống dẫn khí đốt Nadym ở miền tây Siberia được mô tả là "cơ sở khí đốt quan trọng nhất thế giới".

Đây là địa điểm trung chuyển khí đốt từ Nga sang Tây Âu. Một số công ty dược đang sản xuất các sản phẩm từ máu cũng được đánh giá mang tầm quan trọng sống còn đối với hệ thống cung cấp toàn cầu.

Danh sách do WikiLeaks công bố không ghi rõ địa chỉ cụ thể của các địa điểm này, nhưng không khó để những ai có khả năng truy cập Internet tìm ra chúng.

Báo chí quốc tế đánh giá đây là tài liệu "nhạy cảm nhất", "gây tranh cãi nhất" trong số các tài liệu ngoại giao Mỹ mà WikiLeaks từng công bố, có khả năng gây ra một "cơn bão chính trị".

Báo The Times tại London dẫn lời cựu quan chức ngoại giao Anh Malcolm Rifkind chỉ trích WikiLeaks đã "vô trách nhiệm". "Đây là loại thông tin mà bọn khủng bố rất muốn biết" - ông Rifkind khẳng định.

Ngoài ra, trong những bức điện tín WikiLeaks mới đưa lên mạng còn có một chuyện rất nhạy cảm khác. Trong một cuộc trò chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd, hiện đang là ngoại trưởng Australia, khẳng định cần phải hội nhập Trung Quốc một cách hiệu quả vào cộng đồng quốc tế, nhưng "cũng phải sẵn sàng triển khai lực lượng nếu có gì xảy ra".

Trong hàng loạt những tài liệu bí mật bị WiliLeaks tung ra cho tới nay, thông tin mới nhất hôm thứ hai được tiết lộ là danh sách những cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới có thể đe doạ nghiêm trọng tới an ninh của Mỹ nếu bị khủng bố tấn công.

Ngoài ra, trong số những tiết lộ mới nhất của WikiLeaks còn có những thông tin:

- Mỹ cáo buộc Arập Xêút là nước tài trợ khủng bố.

- Chủ tịch Liên minh châu Âu Herman Van Rompuy nói với đại sứ Mỹ rằng, châu Âu không còn tin vào Afghanistan và rằng năm 2010 có thể là cơ hội cuối cùng cho sự thành công.

Vòng vây đang siết chặt

Việc công bố những tài liệu mật của WikiLeaks đã gây ra nhiều phản ứng trái ngược. Ngay cả những tổ chức như "Nhà báo không biên giới" và "Tổ chức ân xá quốc tế" cũng lên án hành động của WikiLeaks vì cho rằng, nhiều điệp viên phương Tây được nhắc tới trong các tài liệu về Afghanistan có thể bị Taliban lần ra và thanh trừng.

Phát ngôn viên Zabihullah Mujahid của phong trào này tuyên bố đã cho thành lập một ủy ban đặc biệt gồm 9 người để tìm kiếm những tên gián điệp trong hàng ngũ của mình - được ước tính có khoảng 1.800 "phần tử nguy hiểm" trong Taliban đang được kiểm tra dựa trên những tài liệu của WikiLeaks. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng tuyên bố, Assange phải chịu trách nhiệm về những nguy hiểm có thể gây ra với mạng sống của nhiều người được nhắc tới trong các tài liệu mật.

Đất dưới chân "tin tặc chính trị trên Internet", hay “Jame bond” do báo giới gọi Assange đã thực sự rung chuyển. Trước tiên, một loạt các nhân viên của ông ta đã từ bỏ dự án WikiLeaks không chỉ với lý do bất đồng về cách công bố tài liệu, mà cả cách hành xử của Assange đối với đồng nghiệp. Hàng chục chiến hữu cũ của Assange cũng mô tả ông ta là một thủ lĩnh có khả năng lôi cuốn, nhưng chính sự nổi tiếng và vinh quang đã biến ông ta thành một nhà độc tài với tính cách thất thường.

Người dân Zimbabwe chú ý theo dõi sự kiện WikiLeaks do có thông tin về những nhận xét của cựu đại sứ Mỹ tại Zimbabwe là ông Christopher Dell. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, nguy hiểm thực sự đến với Assange, khi chính quyền Thụy Điển chính thức ra trát truy nã ông ta vì tội xâm hại tình dục, trước khi Interpol ban hành lệnh truy nã quốc tế từ yêu cầu của Stockholm. Ngay Quốc hội Mỹ cũng ráo riết có những bước chuẩn bị thủ tục để có thể truy nã Assange vì tội đã đe dọa đến an ninh quốc gia của họ. Bản thân ông chủ WikiLekas khẳng định đây chỉ là một chiến dịch "vu cáo bẩn thỉu" nhằm vào mình từ phía các cơ quan mật vụ, đồng thời cảnh báo: sẽ có ít nhất cả trăm ngàn tài liệu mật quan trọng sẽ được tự động giải mã và tung ra nếu như ông bị bắt. Hãy cùng chờ kết cục của cuộc đối đầu giữa Julian Assange với các chính phủ và cơ quan mật vụ hàng đầu thế giới.

Ông chủ WikiLeaks sắp tự thú?

Theo luật sư của Assange, mọi thủ tục đã được sắp xếp để đảm bảo Assange sẽ tự nguyện trình diện tại đồn cảnh sát trong ngày 7/12, sau đó sẽ xuất hiện tại tòa. Hiện tại Assange được cho là đang ở phía tây nam nước Anh. Cảnh sát Anh đã nói chuyện qua điện thoại với Assange để thông báo họ nhận được một yêu cầu dẫn độ từ Thụy Điển.

Luật sư Mark Stephens của Assange cho biết, thân chủ mình sẽ gặp cảnh sát Anh tại Anh, nhưng ông này từ chối khẳng định tin đồn đang lan rộng rằng Assange đang có mặt tại nước này. "Tất cả những gì tôi đã chuẩn bị là để thân chủ của tôi tới gặp cảnh sát Anh" - luật sư nói, nhưng không đưa ra chi tiết ngày giờ của cuộc gặp.

Assange đang bị Thụy Điển truy nã về tội "hiếp dâm và xâm hại tình dục". Assange đã phủ nhận mọi cáo buộc và theo luật sư Stephens, lệnh bắt giữ Assange là "có động cơ chính trị".

Cũng trong ngày 6/12, Thụy Sĩ đã đóng cửa một trong những tài khoản ngân hàng của Assange vì cho rằng ông ta cung cấp thông tin giả trong hồ sơ. "PostFinance đã chấm dứt hợp đồng với Julian Assange" - một tuyên bố của ngân hàng cho hay

Hiếu Trung - Linh Nga (tổng hợp)
.
.