Năm 2014:

Những tội phạm “trên giời” đình đám nhất bị bắt giữ

Thứ Năm, 15/01/2015, 14:05
Có thể nói năm 2014 là một năm vất vả, bận rộn của các chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao (PC50), Công an TP Hà Nội. Hàng chục chuyên án cùng nhiều đối tượng tội phạm ma mãnh nhất, tinh vi nhất đã được bóc gỡ…

Chúng tôi có mặt tại Phòng PC50 vào một ngày cuối năm 2014. Rất ngạc nhiên khi biết rằng những “khắc tinh” của tội phạm mạng hầu hết là những chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ, chỉ chừng 25-27 tuổi. Tại đây các trinh sát của PC50 đã kể lại cho chúng tôi nghe hàng loạt các chuyên án theo dõi, bao vây, truy tìm tội phạm mạng ly kỳ chẳng kém gì trong phim Hollywood.

Dùng điện thoại "ảo" lừa hàng chục tỉ đồng

Trung tá Phạm Đức Hà, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng mạng máy tính PC50 nhớ lại. Khoảng cuối tháng 10/2014, Cơ quan Công an nhận được đơn trình báo của một phụ nữ tên L.T.P. (SN 1952, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội). Bà P. đã bị một nhóm đối tượng gọi điện thoại đến nhà giả danh là công an để lừa đảo, chiếm đoạt hơn 2,3 tỉ đồng. Sau đó, Cơ quan Công an tiếp tục ghi nhận hàng chục trường hợp tương tự như vậy, với số tiền bị chiếm đoạt lên tới hơn 7 tỉ đồng.

Tiếp nhận thông tin, Phòng PC50 nhanh chóng lập chuyên án để điều tra. Tài liệu điều tra cho thấy tại Hà Nội hiện đang tồn tại một ổ nhóm tội phạm, chuyên giả danh công an để tiến hành lừa đảo, song công việc của các trinh sát không hề đơn giản. Bởi bị hại chỉ có thể cung cấp được những số điện thoại "ảo" (đã bị qua phần mềm giả lập), cùng giọng nói và thủ đoạn của chúng. Chỉ với một vài thông tin ít ỏi như vậy, thì phải tìm bọn chúng ở đâu đây?

Cái khó không "bó" được cái khôn, các trinh sát Đội 2 đã kiên trì phân tích những "vật chứng" của bọn tội phạm để lại. Một tổ công tác đã được thành lập và mật phục trên mạng Internet 24/24 giờ nhằm "kết nối" với một trong số những đối tượng trong ổ nhóm. Khi đã có bằng chứng xác thực cùng những con người cụ thể, Ban chuyên án quyết định phá án.
Một buổi giao ban chuyên án của PC50 Công an TP Hà Nội.

Ngày 8/11/2014, một tổ công tác Phòng PC50 phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội thi hành lệnh khám xét khẩn cấp đối với Vũ Văn Đại (SN 1991, trú tại tập thể Thành Công, Ba Đình, Hà Nội); Nguyễn Trọng Đức (SN 1986, trú tại Nguyễn Xiển, Thanh Xuân, Hà Nội) thu giữ 1 laptop, 7 CMND có dấu hiệu bị làm giả, 3 sim điện thoại, 3 thẻ ngân hàng và nhiều vật chứng khác.

Tiếp đó, lần lượt các đối tượng Đỗ Đình Phương (SN 1972, trú tại Đức Giang, Long Biên, Hà Nội); Nguyễn Xuân Độ (SN 1972, trú tại Mai Dịch, Nam Từ Liêm, Hà Nội); Trần Nguyên Bình (SN 1989, trú tại Hoài Đức, Hà Nội) và Trần Xuân Hòa (SN 1986, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã sa lưới pháp luật.

Cơ quan điều tra đã làm rõ, khoảng tháng 4/2014 thông qua mạng xã hội Facebook và Group (nhóm) "Việc làm tiếng Trung", Vũ Văn Đại đã nhận phiên dịch cho 2 đối tượng người Đài Loan tại Hà Nội. Quá trình đi phiên dịch hai đối tượng này bàn bạc và thuê Đại dùng chứng minh thư nhân dân (CMND) để mở tài khoản Visacard và Mastercard với giá 3,4 triệu đồng/tài khoản.

Theo cách thức được hướng dẫn, Đại thuê các đối tượng Độ, Đức, Bình, Hà đi chụp ảnh rồi giao cho Đức để Đức dán vào 80 giấy CMND do Đức mua của Đỗ Đình Phương với giá 1 triệu đồng/30 cái. Sau đó Đức chuyển lại CMND giả đó cho Độ, Hòa, Bình cùng với sim điện thoại của mạng Mobiphone để đến 3 ngân hàng gồm Techcombank, BIDV và Maritime Bank mở tài khoản làm thẻ Visacard và Mastercard. Đại sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để chuyển các thẻ sim và điện thoại cho các đối tượng người Đài Loan. Tổng cộng Đại và đồng bọn đã làm 146 tài khoản và thu lời bất chính 500 triệu đồng.

Những tài khoản này sau đó đã được chuyển cho một số đối tượng người Đài Loan và người Việt khác trong ổ nhóm. Từ đó chúng sẽ giả danh công an, gọi điện thoại và lừa các bị hại chuyển tiền vào các tài khoản đó, để rồi chiếm đoạt.

Dùng phần mềm để theo dõi hàng nghìn thuê bao di động

Còn nhớ, tháng 4/2014 PC50 Công an TP Hà Nội đã phá Chuyên án 773P  phát hiện một công ty dùng phần mềm để "theo dõi" hơn 14.000 thuê bao điện thoại đã gây tiếng vang lớn.

Qua công tác nắm tình hình trên mạng, các trinh sát Phòng PC50 đã phát hiện Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng (Công ty Việt Hồng) có trụ sở tại tầng 4, tòa nhà 110 Tô Vĩnh Diện, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội do ông Đặng Hồng Đăng làm Giám đốc có hành vi giám sát trái phép điện thoại của nhiều cá nhân.

Được sự đồng ý của Giám đốc Công an TP Hà Nội, ngày 24/4/2014, Phòng PC50 đã  xác lập chuyên án đấu tranh, triệt phá ổ nhóm đối tượng trên. Sau khi thực hiện các biện pháp trinh sát trên mạng Internet và trinh sát thực địa, Phòng PC50 đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ xác định Công ty Việt Hồng cung cấp trái phép dịch vụ phần mềm giám sát điện thoại di động (tên gọi Ptracker) trên điện thoại có sử dụng hệ điều hành Android.

Phần mềm Ptracker do chuyên viên kỹ thuật của Công ty Việt Hồng thuê để lập trình. Phần mềm này có chức năng chạy ẩn, dữ liệu được bí mật lấy từ điện thoại bị giám sát trái phép và chuyển về máy chủ của Công ty Việt Hồng, xâm hại nghiêm trọng bí mật đời tư của công dân, gây mất an toàn thông tin. Phần mềm Ptracker có chức năng cơ bản như: Tự động xem tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc thoại, ghi âm môi trường xung quanh, định vị vị trí điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật (tắt) 3G/GPRS máy điện thoại của người bị theo dõi.
Các trinh sát PC50 tiến hành khám xét nơi ở của một đối tượng.

Phần mềm Ptracker còn cho phép người sử dụng ra lệnh điều khiển từ xa điện thoại bị cài đặt trái phép phần mềm giám sát Ptracker bằng tin nhắn tới điện thoại này. Toàn bộ dữ liệu theo dõi được chuyển về máy chủ của Công ty Việt Hồng và nhân viên kỹ thuật có toàn quyền truy cập, sử dụng các dữ liệu này. Nghiêm trọng hơn ngay từ khi khách hàng dùng thử phần mềm Ptracker, điện thoại đã chính thức bị Công ty Việt Hồng chiếm quyền điều khiển, toàn bộ dữ liệu bị đánh cắp và chuyển lên máy chủ dù khách hàng có đăng ký dùng dịch vụ hay không.

Ngày 13/5/2014, Phòng PC50 đã phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra Công ty Việt Hồng. Cơ quan Công an cũng tiến hành khởi tố, bắt giữ 9 đối tượng để điều tra.

Kinh doanh tiền điện tử trái phép

Vào tháng 1/2014, Phòng PC50 đã điều tra, khám phá một vụ kinh doanh tiền điện tử trái phép tại Việt Nam với số tiền thật đã giao dịch lên tới 19 tỉ đồng.

Đối tượng chính trong vụ việc là Nguyễn Văn Bình (SN 1983) ở quận Hải Châu, Đà Nẵng. Tháng 4/2013, Bình ký hợp đồng trị giá 80 triệu đồng, thuê Công ty CP Thương mại và dịch vụ trực tuyến Nencer (trụ sở tại phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội) thiết kế cho Bình một chương trình phục vụ việc kinh doanh tiền điện tử dưới dạng một website. Đến tháng 7/2013, Công ty Nencer bàn giao phần mềm kinh doanh tiền điện tử Bank24h.vn cho Bình trực tiếp quản lý và sử dụng.

Với số vốn ban đầu là 1,1 tỉ đồng, Nguyễn Văn Bình đã sử dụng để mua bán loại tiền điện tử Webmony (WMZ) được cung cấp trên www.wmtransfer.com do Công ty CJSC Computing Forces, địa chỉ tại thành phố Irkutskaya st, 17-04, Liên bang Nga phát hành. Tỷ giá quy đổi tiền WMZ do Bình tự ý điều chỉnh tùy theo từng thời điểm, tính trung bình khoảng 21.000 VNĐ/1WMZ.

Khách có nhu cầu mua hoặc bán tiền điện tử WMZ phải mở tài khoản tại website Webmoney.ru (máy chủ đặt tại Nga), đồng thời phải khai báo đầy đủ những thông tin theo yêu cầu trên giao diện của Bank24h.vn. Sau khi nhấp chuột vào biểu tượng trên giao dịch để khớp lệnh mua hoặc bán, số tiền điện tử mà khách đã mua sẽ tự động được chuyển đến tài khoản của họ mở tại Webmoney.ru; còn số tiền Việt Nam khách dùng để thanh toán việc mua tiền WMZ sẽ được chuyển vào 1 trong 5 tài khoản của Bình mở tại các ngân hàng: Á Châu Bank, Đông Á Bank, Vietcombank, Vietinbank.
Nhóm đối tượng tham gia lừa đảo qua điện thoại bị bắt giữ.

Sau một thời gian theo dõi, các trinh sát đã lần tìm ra "ông chủ" của trang web Bank24h.vn. Nguyễn Văn Bình sau đó đã bị bắt quả tang khi đang sử dụng máy tính cá nhân để thực hiện lệnh chuyển tiền điện tử bán cho khách 10.000 WMZ với giá trị 216 triệu đồng.

Cơ quan Công an làm rõ trong thời gian 6 tháng kể từ khi đi vào hoạt động, trang web Bank24h.vn do Nguyễn Văn Bình quản lý đã thực hiện giao dịch mua bán khoảng 360.000 WMZ tương đương 7,56 tỉ đồng Việt Nam. Nguyễn Văn Bình thừa nhận việc kinh doanh tiền điện tử trên mạng Internet trên không có chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng như không nộp thuế cho cơ quan nhà nước.


Đại tá Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng PC50 Công an TP Hà Nội cho biết, năm 2014, PC50 đã triệt phá tổng số 157 vụ việc với 204 đối tượng, chuyển Cơ quan điều tra đề nghị khởi tố 64 vụ với 93 đối tượng.

Đại tá Sơn cũng cảnh báo: Trong thời gian tới tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Các đối tượng sẽ tăng cường hoạt động trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh… với nhiều phương thức và biểu hiện mới.

Các nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia có thể sử dụng công nghệ cao để tấn công xâm nhập trộm cắp, phá hoại dữ liệu, làm tê liệt hệ thống mạng Internet của các cơ quan doanh nghiệp với mục đích kinh tế và phi kinh tế. Sử dụng công nghệ cao trộm cắp tài sản, sử dụng trái phép, làm giả thẻ tín dụng để mua hàng từ nước ngoài rồi chuyển về Việt Nam.

Những hành vi phổ biến của chúng gồm: lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động kinh doanh đa cấp, bán hàng trực tuyến; gian lận trộm cắp trong hoạt động thanh toán thẻ và thanh toán điện tử; đánh bạc và cá độ bóng đá qua mạng Internet; trộm cắp tài khoản người dùng thông qua mạng xã hội, các dịch vụ chat; giả danh công an, nhân viên các nhà mạng… gọi điện thoại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó, nạn lừa đảo trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán điện tử, nhắn tin lừa đảo, cá độ và đánh bạc qua mạng… sẽ gia tăng. Sử dụng mạng Internet để phát tán các loại tài liệu phản động, phần mềm virus, tiếp tục xảy ra với quy mô lớn và hậu quả khó lường.

Ngoài ra, hệ thống mạng máy tính, cơ sở dữ liệu thông tin số thông tin quốc gia thương mại điện tử tiếp tục phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức mới từ tội phạm sử dụng công nghệ cao trong nước và quốc tế. Đặc biệt tình trạng phát tán virus phần mềm gián điệp để nghe lén truy cập xâm nhập trộm cắp thông tin tài khoản, thông tin cá nhân, tài liệu bí mật Nhà nước sẽ là nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và TTATXH của đất nước nếu không được quan tâm phòng ngừa ngăn chặn hiệu quả. Đồng thời các loại tội phạm truyền thống sẽ tăng cường sử dụng công nghệ cao trong hoạt động phạm tội của mình, đặt ra những thách thức lớn…

Minh Tiến
.
.