Nỗi lo người nước ngoài gây trọng án

Thứ Sáu, 05/06/2015, 09:00
Dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp… xảy ra khá nhiều ở TP HCM. Kẻ gây án thường có tuổi đời còn khá trẻ, có máu côn đồ nên rất dễ nổi nóng mỗi khi có ai đó làm phật ý mình. Bên cạnh đó, các đối tượng giang hồ hoạt động theo kiểu xã hội đen, dùng dao búa để “nói chuyện” mỗi khi xảy ra tranh chấp địa bàn, hoạt động kinh doanh… cũng khá phổ biến.

Trước đây, kẻ gây án kiểu này hầu hết là người Việt Nam nhưng vài năm trở lại đây đã xuất hiện nhiều vụ người nước ngoài cũng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong đời sống thường nhật.

Mới đây nhất, vào ngày 21/5, một người Malaysia đã đâm chết bạn của mình trong khách sạn cũng chỉ vì một câu nói mỉa mai. Qua đó cho thấy rằng, công tác phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm xâm phạm thân thể nói riêng cần phải lưu tâm hơn nữa với đối tượng là người nước ngoài…

Mất mạng vì một ván cờ, một câu nói…

Chuah Chow Fay (SN 1985; quốc tịch Malaysia), kẻ gây án giết người tại khách sạn Viễn Long, (phường 7, quận 5, TP HCM) có vợ là người Việt Nam sang Malaysia hợp tác lao động. Sau khi cưới nhau cả hai sống ở Malaysia.

Theo Fay khai, vào năm 2010 y có vay tiền của một nhóm giang hồ ở Malaysia nhưng không có khả năng chi trả. Nhóm người này buộc y phải sang Việt Nam dùng thẻ Visa giả để mua hàng ở siêu thị Nguyễn Kim (TP HCM), sau đó mang hàng đi bán lấy tiền gửi trả dần cho bọn chúng. Sợ uy thế của nhóm giang hồ, Fay cùng vợ qua Việt Nam để thực hiện "sứ mệnh".

Năm 2011, Fay dùng thẻ Visa giả để mua hàng ở siêu thị Nguyễn Kim thì bị Công an bắt giữ. Sau đó, y bị TAND TP HCM tuyên phạt 3 năm tù về tội "lưu hành các giấy tờ có giá giả khác". Fay thụ án được 2 năm thì được tha tù trước thời hạn. Vừa ra tù y liền tìm về nhà vợ ở quận 11 nhưng hàng xóm cho biết vợ y đã bán nhà chuyển sang quận 8 sinh sống nhưng không rõ địa chỉ ở đâu.

Chuah Chow Fay, kẻ giết người trong khách sạn.

Trong khoảng thời gian từ khi ra tù đến lúc phạm tội giết người hiện chưa rõ Fay làm gì để kiếm sống nhưng hễ lúc nào rảnh rỗi là y chạy xe gắn máy lòng vòng ở quận 8 để tìm vợ nhưng gần 2 năm qua vẫn chưa gặp.

Về mối quan hệ với nạn nhân Kwok Alexk (SN 1970; quốc tịch Mỹ), Fay cho biết, tháng 4/2015, trong một lần uống cà phê ở quận 1, y tình cờ gặp và làm quen với Alexk. Từ đó hai người thường xuyên qua lại thăm hỏi nhau. Ông Alexk lưu trú tại phòng 102, khách sạn Viễn Long, còn Fay ở lầu 8 của khách sạn Đại Đế nằm trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5. Cả hai đều nói tiếng Việt lưu loát.

Cũng theo Fay khai, khoảng 17 giờ 45 phút ngày 21/5, như mọi khi, Fay đến khách sạn Viễn Long để thăm ông Alexk. Vừa gặp nhau, ông Alexk hỏi mượn tiền Fay nhưng Fay không cho và nói: "Tiền này tôi để dành làm lộ phí đi tìm vợ nên không cho mượn được".

Nghe vậy ông Alexk cười mỉa: "Vợ mày chỉ có ham tiền thôi chứ có chung thủy đâu mà đi tìm". Do vợ bị xúc phạm, Fay tức giận chửi lại ông Alexk. Hai bên lao vào đánh nhau, Alexk vơ lấy con dao dùng để rọc giấy định đâm Fay nhưng Fay đoạt được và dâm vào cổ Alexk, làm ông chết ngay tại chỗ.

Nghe tiếng động trong phòng, anh Thạch Xuân, tiếp tân của khách sạn gõ cửa để kiểm tra thì Fay giả đò nói "anh em đang nói chuyện nhau chứ không có gì đâu". Anh Xuân vừa trở lại quầy tiếp tân thì Fay nhanh chóng cởi bỏ quần áo mình đang mặc (do dính máu) rồi lấy áo của ông Alexk mặc vào.

Trước khi rời khỏi phòng y còn điện thoại cho quầy lễ tân nói mình là Alexk và bảo lễ tân cứ cho bạn tôi đi chứ không có chuyện gì. Liền sau đó Fay rời khách sạn với thái độ rất vội vã, người đầy mồ hôi. Nghi ngờ có chuyện chẳng lành, anh Xuân cùng một nhân viên khách sạn chạy lên kiểm tra phòng 102 thì phát hiện sự việc.

Về phía Fay, y đi taxi về nơi lưu trú, dọn hết tư trang rồi thuê xe ôm chở đến một khách sạn ở quận 8 để ngủ qua đêm. Đến 14h ngày 22/5, Fay đi xe khách đến cửa khẩu Mộc Bài thì bị bắt giữ.

Hai người quốc tịch Philippines là Alexande Samot (tên thường gọi là Rex, SN 1959) và Rebutoc Ronaldo Barilio (tự Bong, SN 1974) cùng lưu trú tại nhà trọ số 220/68C, Hoàng Hoa Thám, phường 5,  quận Bình Thạnh, TP HCM.

Khoảng hơn 22h ngày 31/1/2014, Rex và Bong ngồi đánh cờ tướng dưới tầng trệt của nhà trọ ở địa chỉ nói trên. Trong lúc đánh cờ do Rex hay xin đi lại nhưng Bong không cho nên hai bên cự cãi dẫn đến đánh nhau. Rex chạy xuống nhà bếp chụp lấy con dao rồi rượt đâm Bong vào phía sau lưng. Khi Bong ngã xuống nền nhà thì Rex gọi anh Michael Lanada Reyes (SN 1977), một người đồng hương khác ở cùng nhà trọ lấy xe gắn máy chở mình tẩu thoát.

Anh Michael không đồng ý thì bị Rex dùng dao khống chế dọa đâm chết, buộc lòng anh Michael phải làm theo. Đi được một đoạn khi anh Michael cho xe chạy chậm lại thì Rex nhảy xuống xe và chạy vào một con hẻm mất hút. Về phía nạn nhân dù được những người ở cùng nhà trọ nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng các bác sĩ xác định Bong đã chết trước khi đến bệnh viện…

Alexande Samot giết đồng hương vì mâu thuẫn trong lúc đánh cờ.

Một vụ việc khác, vào đầu tháng 11/2013, Bong Byung Gon có đưa cho Shim Sung Bo 150.000USD để  mua lại nhà hàng Ngôi Sao Giải Trí (số 2, Chu Mạnh Trinh, quận 1, TP HCM) của ông Kim Heung Sik (cùng quốc tịch Hàn Quốc). Ông Kim Heung Sik đã nhận đủ số tiền này nhưng lại không chịu làm thủ tục sang tên chủ sở hữu cho ông Shim Sung Bo. Bực tức, Bo đòi lại 150.000USD đã đưa nhưng Kim Heung Sik không chịu trả.

Nhằm gây áp lực buộc ông Sik trả lại tiền, giữa tháng 3/2014, Gon cùng ông Bo đến quán cà phê đối diện khách sạn Caravelle (quận 1) để gặp bạn của Gon là Jang Hak Bong. Tại đây, Gon bàn bạc kêu Bo và Bong đến nhà ông Sik bắt cóc ông Sik đến nhà hàng Ngôi Sao Giải Trí để nói chuyện.

Nhằm thực hiện ý định, sáng ngày 26/3/2014, Bo cùng Bong và một người Việt Nam chưa rõ lai lịch tìm đến nhà ông Sik ở lầu 9, chung cư Vạn Đô, quận 4. Tại đây, Bong và người Việt Nam đánh ông Sik khoảng 15 phút rồi bắt đưa về nhà hàng Ngôi Sao Giải Trí. Lúc này Bong Byung Gon xuất hiện và cùng đồng bọn đưa ông Sik vào phòng rồi tiếp tục đánh khoảng 15 phút nữa để buộc ông Sik trả tổng cộng 228.500USD. Do bị đánh đau, ông Sik đồng ý viết giấy thỏa thuận trả số tiền nói trên đồng thời xin được về nhà.

Khoảng 2h sáng ngày 27/3, Bo cùng Nam Koung Soon (quản lý nhà hàng) và Nguyễn Thành Danh (SN 1987; nhân viên lái xe cho nhà hàng) lấy xe ôtô đưa ông Sik về nhà và tiếp tục canh giữ không cho ông Sik đi đâu. Đến khoảng 6 giờ cùng ngày, Bo có việc đi Bình Dương cùng tài xế nên chỉ còn một mình Soon canh giữ ông Sik. Đợi khi Soon mất cảnh giác, ông Sik đã dùng điện thoại nhắn tin nhờ người bạn tên Phương giải cứu.

Ngay sau đó chị Phương trình báo Cơ quan Công an và Phòng PC45 đã phối hợp cùng công an địa phương giải thoát cho ông Sik. Đến cuối tháng 6/2014, Bo và Gon đã đến Cơ quan Công an và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

Cần sự phối hợp nhịp nhàng

Trở lại vụ án Chuah Chow Fay giết người. Đây có thể coi là vụ trọng án liên quan đến người nước ngoài được khám phá nhanh nhất. Qua đó thể hiện rõ sự phối hợp nhịp nhàng giữa công an TP HCM với các cơ quan chức năng khác tại TP HCM và các tỉnh, thành lân cận.

Cụ thể, ngay sau khi xác định được hung thủ gây án, Phòng PC45 đã thông báo ngay cho Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh, tỉnh Long An và An ninh sân bay Tân Sơn Nhất để ngăn chặn việc Chuah Chow Fay có thể xuất cảnh hợp pháp qua sân bay Tân Sơn Nhất hoặc trái phép sang Campuchia.

Ngay sau khi nhận được tin báo, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) đã chỉ đạo các trạm, chốt triển khai lực lượng phong tỏa đường biên giới; còn lực lượng làm thủ tục tại cửa khẩu phải nhanh chóng tổ chức bắt giữ nếu như phát hiện đối tượng xuất hiện.

Phố “Tây ba lô” có đông người nước ngoài nhất ở TP HCM.

Khoảng 18h10 ngày 22/5, sau khi so sánh đối chiếu giấy tờ hành khách có tên Chuah Chow Fay trùng với người Cơ quan Công an cần tìm, Đồn Biên phòng đã mời Fay vào trụ sở làm việc. Không bao lâu sau đó, cán bộ Phòng PC45, Công an TP HCM có mặt tại cửa khẩu và nhanh chóng khuất phục Fay, buộc y phải thừa nhận tội lỗi.

Để có được sự phối hợp hiệu quả như vậy là nhờ trong năm 2014, Công an TP HCM đã tham mưu cho UBND TP HCM mở Hội nghị về công tác phối hợp giữa 9 tỉnh giáp ranh khu vực phía Nam và 3 tỉnh thành phía Bắc để phối hợp trao đổi thông tin về đối tượng phạm tội. Qua đó, đã tạo được sự gắn kết giữa lực lượng công an và các ban ngành chức năng khác của các tỉnh, thành.

Từ đó, khi có thông tin cần trao đổi, hỗ trợ các đơn vị đã sẵn sàng phối hợp một cách nhiệt tình nhất. Và đây chính là "bức tường lửa" ngăn chặn sự tẩu thoát của tội phạm người nước ngoài gây án ở Việt Nam. Bởi lẽ, trong thực tế, sau khi gây án ở Việt Nam, các đối tượng người nước ngoài luôn tìm mọi cách trốn khỏi Việt Nam mà chủ yếu là sang Campuchia hoặc Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, từ thực tế cho thấy hầu hết các đối tượng người nước ngoài gây án đều không khai báo tạm trú. Do đó, để làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm người nước ngoài đòi hỏi công an địa phương cấp phường, xã cần phải tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp người nước ngoài không khai báo tạm trú, quá hạn tạm trú và các vi phạm khác về cư trú. Mà người đảm nhận trọng trách này chính là người cảnh sát khu vực. Ở những nơi có nhiều người nước ngoài cư trú thì đòi hỏi người cảnh sát khu vực (CSKV) phải biết ngoại ngữ, có kiến thức cơ bản về phong tục tập quán, văn hóa một số nước và chịu khó nắm bắt tình hình ở địa bàn. Nếu phát hiện có những đối tượng nằm trong diện nghi vấn đang lưu trú trên địa bàn thì lập tức phải tiến hành xác minh lý lịch và theo dõi di biến động của kẻ tình nghi.

Ở TP HCM hiện nay, người nước ngoài không chỉ tập trung đông ở khu phố Tây (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) mà hầu như có mặt ở khắp các quận, huyện. Trong khi đó, người CSKV có đủ năng lực để quản lý địa bàn có người nước ngoài thì không nhiều.

Điều này đã được Đại tá Ngô Minh Châu, Phó giám đốc Công an TP HCM phát biểu trong một hội nghị cho hay, công tác bố trí CSKV như hiện nay là chưa đáp ứng kịp thời với tốc độ đô thị hóa vì có nơi một CSKV quản lý từ 500 - 1.000 hộ hoặc kiêm nhiệm 2-3 khu vực nên không quản xuể; số CSKV có trình độ ngoại ngữ còn quá ít nên gặp khó khăn trong việc quản lý địa bàn có nhiều người nước ngoài sinh sống…

Do vậy, để khắc phục thực trạng trên và ngày càng có thêm nhiều CSKV giỏi, Công an TP HCM kiến nghị Bộ Công an chỉ đạo các trường đào tạo của ngành tăng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo lực lượng CSKV để bổ sung cho công an cơ sở; Cần có hướng dẫn tiêu chí, chỉ tiêu bố trí cụ thể lực lượng CSKV tại các xã trọng điểm, đô thị hóa, địa bàn phúc tạp để làm cơ sở cho địa phương thực hiện. Có được như vậy thì công tác phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm người nước ngoài nói riêng sẽ ngày càng hiệu quả hơn.

Mã Hải
.
.