“Nóng bỏng tuyến trọng điểm vận chuyển ma túy sang Úc”: Chốt chặn cuối cùng

Thứ Tư, 06/08/2014, 09:30

Không thể phủ nhận, việc thành lập mô hình Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh (HQCPN) trên cơ sở thống nhất các cơ quan kiểm soát phân tán, thậm chí chồng chéo của lực lượng hải quan… đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong công tác phòng chống buôn bán ma túy và tiền chất ma túy trái phép. Chỉ trong vòng 2 năm Chi cục ra đời, hàng loạt vụ vận chuyển ma túy trái phép lớn đã bị phát hiện. Đằng sau những dấu ấn đáng ghi nhận đó, là cả một câu chuyện dài về sự trưởng thành của các thành viên lực lượng kiểm soát ma túy.

Cách đây 2 năm, Hải quan TP HCM có Chi cục Hải quan Bưu điện chuyên quản lý các doanh nghiệp chuyển phát hàng hóa và một số doanh nghiệp chuyển phát nhanh. Các doanh nghiệp này chủ yếu nằm trên địa bàn quận Tân Bình, xung quanh khu vực cửa khẩu Tân Sơn Nhất.

Ngoài Chi cục Hải quan Bưu điện, còn có một lực lượng nữa nằm bên trong Chi cục Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất, bộ phận này lại chuyên quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh. Với mô hình quản lý có phần phân tán và trùng lặp về chức năng này, rất khó có thể đáp ứng kịp thời sự phát triển bùng nổ của dịch vụ chuyển phát nhanh tại Việt Nam, trong khu vực và trên toàn thế giới.

Trong khi đó, xu thế mua bán hàng hóa quốc tế qua mạng sẽ là một xu thế phát triển mạnh, và quy mô các công ty chuyển phát nhanh nước ngoài có mặt ở Việt Nam sẽ mở rộng từng ngày. Ngay tại các nước phát triển, dịch vụ chuyển phát nhanh không chỉ đơn thuần giới hạn ở việc thực hiện dịch vụ cho hoạt động mua bán, mà còn có các dịch vụ gia tăng như trung chuyển, phân loại và chuyển đi nước khác…

Hiện tại, chức năng gửi hàng hóa theo đường bưu điện truyền thống đã bị "teo tóp" lại, phản ánh xu thế vận chuyển hàng hóa chung của thế giới hướng tới dịch vụ chuyển phát nhanh với các ưu điểm: nhanh, an toàn. Cơ cấu hàng hóa được phân biệt khá rõ ràng: hàng gửi theo đường bưu điện truyền thống chủ yếu là ở các vùng xa xôi, còn khó khăn; còn trên 80% lượng hàng hóa còn lại được chuyển qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Trước tình hình đó, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan quyết định đưa ra mô hình quản lý tập trung đối với các doanh nghiệp chuyển phát nhanh hàng hóa, không để phân tán.

Ngày 11/6/2012, sau 4 tháng chuẩn bị, Chi cục HQCPN TP HCM chính thức đi vào hoạt động, trở thành một trung tâm thông quan hàng hóa chuyển phát nhanh. Một mặt bằng rộng lớn đã được hình thành, có vị trí đặc thù nằm ngay bên trong sân bay Tân Sơn Nhất, sát với đường băng sân bay. Máy bay đáp xuống, bất kể giờ giấc nào, hàng đưa vào sân sau, vào nhà làm thủ tục, đưa ra xe chạy đi các tỉnh thành.

Hoạt động của mỗi đội làm thủ tục cũng được chuyên biệt hóa: Đội 1 chuyên quản lý EMS; Đội 2 chuyên quản lý dây chuyền thủ tục của doanh nghiệp chuyển phát nhanh có sản lượng lớn nhất Việt Nam hiện nay là DHL; Đội 3 chuyên quản lý dây chuyền thủ tục của Bưu điện truyền thống; Đội 4 chuyên quản lý Fedex, UPS, TNT và một số doanh nghiệp nội địa nhỏ khác. Chi cục HQCPN TP HCM có một Tổ kiểm soát ma túy, chuyên trách thực hiện kiểm soát và ngăn chặn các đường dây vận chuyển ma túy trái phép ra vào Việt Nam

Khi bộ máy Chi cục được thành lập và đi vào hoạt động, hoạt động quản lý tập trung đã thể hiện ưu thế rõ ràng so với việc phân tán như trước đây, cả về yếu tố con người, phương tiện máy móc, các hoạt động chuyên sâu đã được tập trung tối đa, đặc biệt trong công tác kiểm soát buôn bán trái phép chất ma túy nói riêng.

Trong năm 2013, chỉ riêng Chi cục HQCPN TP HCM đã phát hiện thu giữ 562 vụ nhập khẩu tân dược có chất gây nghiện hướng thần với tổng số 41.765 viên, lọ; phát hiện, bắt giữ 12 vụ với tổng cộng 51,93 kg tiền chất Pseudoephedrine, Epedrine… dùng để sản xuất ma túy đá.

Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2014, Chi cục đã phát hiện, chuyển Cơ quan điều tra 4 vụ với tổng cộng 15,13 kg tiền chất Pseudoephedrine; 4,22 kg heroin… được xuất đi Úc dưới dạng quà biếu.

Với lượng hàng hóa khổng lồ hơn 10.000 đơn hàng đi qua mỗi ngày, Chi cục HQCPN TP HCM chỉ có 4 đội làm thủ tục, trong đó có 1 tổ kiểm soát ma túy chuyên trách. Với một số lượng hàng hóa khổng lồ như vậy, nếu không xác định rõ tuyến trọng điểm, cái gì cũng muốn kiểm soát chặt chẽ thì rất dễ rơi vào tình trạng không kiểm soát được gì.

Chi cục HQCPN TP HCM thường xuyên phối hợp với các cơ quan như C47 của Bộ Công an và PC47 của Công an TP HCM để nắm tình hình trong và ngoài nước một cách thường xuyên, để xác định đâu là trọng điểm.

Qua những buổi trao đổi học tập chuyên đề với C47 và PC47, các lực lượng trinh sát có cơ hội trao đổi hoạt động nghiệp vụ với nhau. Tổ kiểm soát ma túy xác định đâu là tuyến trọng điểm đối với hàng đi (Úc, Đài Loan), đâu là tuyến trọng điểm đối với hàng nhập (châu Phi có ma túy đá, Nam Mỹ có cocain, các quốc gia vùng Tam Giác Vàng có heroin).

Ông Lê Tuấn Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục HQCPN TP HCM, cho biết, bản thân mỗi lần ông đứng lớp phổ biến nghiệp vụ cho các cán bộ trong Tổ kiểm soát ma túy , ông đều nhấn mạnh đến yếu tố con người là yếu tố kiên quyết. 

Đơn cử, nếu quá phụ thuộc vào chó nghiệp vụ phát hiện ma túy, sẽ rất dễ dàng bỏ qua khi chó bị mệt, hoặc gặp những mặt hàng oái oăm như… mắm tôm trong vụ vận chuyển 9,86 kg tiền chất Pseudoephedrine, được ngụy trang hết sức tinh vi bằng cách trộn lẫn vào mắm tôm đựng trong 2 hũ nhựa sang Úc mới bị bắt ngày 28/5 vừa qua.

Con người, cụ thể là các cán bộ trong Tổ kiểm soát ma túy phải biết "đọc", biết suy nghĩ, biết quan sát, biết nhìn hiện tượng… Trong quá trình làm thủ tục, khi cầm hồ sơ lên, phải phát hiện được những yếu tố bất thường. 

Ông Bình cho biết, có những vụ việc, cầm hồ sơ lên là anh em đã đoán được trên 90% là ma túy, chưa cần thấy hàng. Khi đó, kết hợp với những công cụ nghiệp vụ và máy móc soi chiếu, cán bộ hải quan rất dễ dàng phát hiện được những yếu tố bất thường.

Ví dụ, trong vụ án toàn bộ 4kg tiền chất sản xuất ma túy đá ngụy trang cho vào các hộp kim loại bên ngoài dán nhãn hiệu là Gà hầm xí muội, Bò sốt tiêu Tuyền Ký, Gà hấp gừng Tuyền Ký, Sườn nấu đậu, dùng máy đóng hộp lại nguyên vẹn với trọng lượng mỗi hộp 200 gram, gửi đi Úc… khi cầm lon thịt hộp trên tay, ông Bình "choáng" vì mức độ tinh vi: vỏ lon được dập bằng máy chuyên nghiệp. Ông Bình phải chỉ đạo anh em ra siêu thị mua ngay một hộp đúng cùng chủng loại về để so sánh. Khi đưa vào máy soi chiếu, màu sắc bên trong 2 hộp thịt mới thể hiện sự khác biệt rõ ràng.

"Chỉ cần quan liêu một chút, chỉ phụ thuộc vào máy soi, rất dễ dàng bỏ sót những vụ việc nghiêm trọng", ông Bình cho biết. Không những thế, toàn bộ tư liệu về những vụ việc đã bị phát hiện đều được các cán bộ Tổ kiểm soát ma túy tổng hợp lại thành những "cẩm nang" án lệ: loại hàng gì, vỏ bao nào, cách đóng gói ra sao, độ đậm nhạt phản ứng như thế nào…

"Phải nói rằng, ma túy đưa qua tuyến trọng điểm được giấu vào hàng hóa với những thủ đoạn vô cùng đa dạng: cà phê, bánh đậu xanh, bột bánh xèo, hòa tan tẩm vào khăn ướt… Nhưng chúng không hiểu rằng kẻ gian luôn luôn để lộ kẽ hở, chỉ cần quan sát kỹ, lực lượng kiểm soát ma túy có thể phát hiện ngay được những yếu tố bất thường".

Có những đối tượng chuyên nghiệp, khi gửi hàng chuyển phát nhanh ở doanh nghiệp này bị bắt, lần sau lại tiếp tục nhảy sang sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp khác. Nhưng trăm suối đổ về một sông, bất cứ dịch vụ của doanh nghiệp nào cũng được tập trung về Chi cục HQCPN.

Đối với hoạt động phòng chống mua bán ma túy trái phép, khác với các lực lượng khác trong ngành, việc bắt phạm tội quả tang đối với các cán bộ HQCPN là điều… rất khó. Ông Bình cho biết, hơn 5 năm công tác tại Chi cục Hải quan Sân bay Tân Sơn Nhất, nếu phát hiện ra ma túy trong hành lý là ông bắt được người ngay, vì hàng thường đi với người. Trong khi đó, đặc thù của dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh là hàng với người lại không đi cùng với nhau.

Đơn cử như vụ khám phá đường dây buôn bán ma túy đá trái phép từ Nigeria về Việt Nam, để bắt quả tang được đối tượng, cán bộ Chi cục HQCPN TP HCM đã phải sử dụng gần như toàn bộ các biện pháp nghiệp vụ có thể.

Khi phát hiện lô hàng 200 gram ma túy đá được giấu kín trong một pho tượng mỹ nghệ gửi từ Nigeria về một địa chỉ trên đường Trần Quang Diệu, quận 3, Tổ kiểm soát ma túy quyết định câu nhử đối tượng lên trụ sở, nhưng đối tượng nhất định không chịu lên.

Cán bộ Hải quan chuyển phát nhanh đang tiến hành kiểm tra hàng hóa.

Sau khi báo cáo phối hợp với PC47 Công an TP HCM, một mũi trinh sát bao gồm trinh sát của PC47 và Tổ kiểm soát ma túy hóa trang trong màu áo nhân viên một công ty chuyển phát nhanh tiếp cận địa chỉ giao hàng.

Sau khi đã xác định rõ đối tượng nhận hàng, Phó Chi cục trưởng Lê Tuấn Bình báo cáo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phụ trách ma túy và nhận được chỉ thị: tiếp tục câu nhử để bắt quả tang với số lượng lớn hơn.

Thấy nhận hàng lần đầu êm ấm, đường dây ma túy tiếp tục hoạt động, nhưng lần gửi hàng thứ 2 được chúng cẩn trọng thực hiện qua một doanh nghiệp chuyển phát nhanh khác, nhưng rốt cuộc vẫn đi qua sự giám sát của Tổ kiểm soát ma túy, và tên của chúng đã nằm trong danh sách đen.

Quyết tâm bóc gỡ đường dây này, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Tổ kiểm soát ma túy đã nhử được đối tượng Đ.T.T.N. lên tới tận trụ sở Chi cục. Đang đứng làm thủ tục, tự nhiên đối tượng đánh mùi được nguy hiểm lập tức bỏ chạy. Nhưng các mũi trinh sát mật phục của C47 và PC47 đã nhanh chóng tóm gọn. Khai thác nóng ngay tại hiện trường, Đ.T.T.N. chịu khai ra đối tượng A.D.A. có quốc tịch Nigeria là người cầm đầu đường dây.

Trực tiếp áp tải đối tượng N. về khách sạn, các mũi trinh sát xác định phải bằng mọi cách bắt quả tang đối tượng nước ngoài này. Nếu không bắt quả tang, đối tượng sẽ tìm mọi cách chối tội. Chờ đợi A.D.A. từ chiều cho đến tận tối, đối tượng cáo già này mới chịu mò về khách sạn nơi N. hẹn gặp lúc 3 giờ sáng. Khi N. trao "hàng" cho A.D.A., các trinh sát của PC47 lập tức lao ra khống chế, thu giữ tại chỗ 250 gram ma túy đá.

"Cực kỳ vất vả và khó khăn", đó là đánh giá của ông Lê Tuấn Bình về hoạt động điều tra, theo dõi và bắt quả tang các đối tượng trong đường dây vận chuyển trái phép ma túy và tiền chất ma túy qua đường chuyển phát nhanh.

Trong vụ bắt 4,2 kg heroin được chuyển sang Úc được cất giấu với thủ đoạn hết sức tinh vi vào 40 tuýp dầu nóng vào ngày 11/2 vừa qua, các trinh sát xác định đối tượng Việt kiều Úc sống như "đế vương" tại quận 4, nhưng y toàn thuê xe ôm để đứng tên đi gửi hàng.

Trong vụ vận chuyển tiền chất ma túy đóng trong vỏ lon thịt hộp sang Úc năm 2013, sau khi đã nhử đối tượng gửi hàng lên tới tận nơi làm thủ tục, nhưng lực lượng của PC47 chưa xuống kịp vì tắc đường. Để đảm bảo việc bắt quả tang, Tổ kiểm soát ma túy đã phải dùng biện pháp nghiệp vụ để vô hiệu hóa chiếc xe máy của đối tượng. Khi ra về, đối tượng phải dắt xe đi bộ, rồi tạt vào một hàng cơm trong lúc chờ vá xe. Nhận được thông tin bám sát của Tổ kiểm soát ma túy, tối tượng đã bị các trinh sát của PC47 tóm gọn tại đường Nguyễn Trọng Tuyển, quận Tân Bình

Việt Đông
.
.