Nóng tình trạng phá rừng ở Thanh Hóa

Thứ Sáu, 25/06/2021, 13:18
Thường Xuân là huyện miền núi nghèo của tỉnh Thanh Hóa, thuộc 62 huyện nghèo của cả nước, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất lâm - nông nghiệp; toàn huyện có khoảng 92.000 ha đất có rừng. Nhưng, từ đầu năm 2021 đến nay, Hạt kiểm lâm Thường Xuân đã phát hiện, xử lý 28 vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ rừng, trong đó có những vụ việc vi phạm nghiêm trọng đến mức phải truy tố trách nhiệm hình sự.


Ghi từ điểm nóng

Xã Xuân Chinh là một trong những địa phương mà tình trạng phá rừng nóng nhất huyện Thường Xuân thời gian qua. Ngày 17-6-2021, chúng tôi có mặt tại xã Xuân Chinh ghi nhận về tình trạng phá rừng ở đây. Tại khu vực phía sau trụ sở Đảng ủy- UBND xã, hàng trăm cây gỗ mà lâm tặc đốn hạ được tập kết ở đây. Đây là số gỗ (gần 26m3) mà lực lượng chức năng thu giữ khi các đối tượng lâm tặc đốn hạ chưa kịp vận chuyển ra ngoài và bỏ lại trong rừng. 

Đi sâu vào khu vực rừng thôn Tú Ạc, xã Xuân Chinh, một địa bàn nằm sâu trong rừng, giáp ranh với xã Thanh Quân, huyện Như Xuân nơi mà các đối tượng lâm tặc vừa đốn hạ một số lượng lớn cây rừng, chúng tôi chứng kiến tại khu vực khoảnh 4, tiểu khu 555, thuộc địa phận thôn Tú Ạc hàng trăm gốc cây rừng có đường kính từ 15 đến 35cm bị đốn hạ trước đó; một số thân cây đang cưa dở còn nằm trong rừng; khu vực phía dưới, nhiều thân cây, gốc cây minh chứng cho việc các đối tượng tập kết cây rừng vẫn còn nằm vương vãi quanh khu vực.

Hiện trường vụ phá rừng.

Ông Lương Văn Long, Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh cho biết, diện tích rừng tự nhiên, rừng sản xuất trên địa bàn xã tương đối lớn và nằm trong diện cấm khai thác. Lợi dụng địa bàn hiểm trở, giáp ranh với huyện Như Xuân, một số đối tượng từ địa bàn khác đã câu kết với người dân địa phương để chặt phá rừng. Trong đó, phá rừng nhằm mục đích lấy gỗ làm nhà, làm vật liệu xây dựng cũng có, rồi phá rừng nhằm mục đích chuyển đổi mục đích sử dụng đất. 

Ngày 20-5-2020, đoàn công tác của Chi cục Kiểm lâm cùng lãnh đạo huyện Thường Xuân đã tiến hành kiểm tra thực tế tại khu rừng thôn Tú Ạc, xã Xuân Chinh. Quá trình kiểm tra, đoàn công tác phát hiện tại lô 11, khoảnh 5a, 5b, tiểu khu 561, có 15 cây gỗ sản phẩm nhóm 6 đến nhóm 7 bị khai thác trái phép, khối lượng thiệt hại hơn 3,8m3. Đây là khu vực thuộc rừng phòng hộ đã được giao cho hộ gia đình quản lý, bảo vệ.

Ngoài địa bàn xã Xuân Chinh, một số địa bàn trọng điểm như: Yên Nhân, Bát Mọt, Xuân Lẹ..., tình trạng phá rừng cũng đã diễn ra trong nhiều năm trước với diện tích và số lượng cây rừng bị đốn hạ tương đối lớn.

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã thuê người phá rừng

Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, Công an huyện Thường Xuân đã khởi tố hình sự 3 vụ, 8 đối tượng “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Điển hình như: Ngày 9-3-2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lữ Xuân Hùng (SN 1990, trú tại thôn Đuông Bai, xã Xuân Lẹ) về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Trước đó, Công an huyện phát hiện, bắt giữ khi Hùng đang vận chuyển 93 khúc gỗ (2,25m3) vừa khai thác trái phép trong rừng.

Cưa máy các đối tượng dùng để phá rừng.

Ngày 6-5, cơ quan điều tra khởi tố Hà Văn Năm (SN 1989, trú tại thôn Xuân Minh 2, xã Xuân Cao) về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Trước đó, Công an huyện Thường Xuân phát hiện, bắt giữ khi Năm đang vận chuyển 2,47m3 gỗ khai thác trái phép trong rừng.

Mới đây nhất, ngày 14-6, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thường Xuân đã khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam 5 đối tượng: Cầm Bá Huế (SN 1966), ở xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân; Cầm Bá Hoán (SN 1971), Cầm Bá Thủ (SN 1970), ở xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân; Vi Văn Tuấn (SN 1978), Vi Văn Chinh (SN 1983), ở xã Thanh Quân, huyện Như Xuân để tiếp tục điều tra làm rõ về hành vi “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Khi phạm tội, Cầm Bá Huế đang là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, Đại biểu HĐND xã Vạn Xuân.

Từ năm 2019, Cầm Bá Huế mua lại khu đất rừng có diện tích 99.680m2 tại khoảnh 4, tiểu khu 555 (thuộc địa phận thôn Tú Ạc, xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, đây là rừng tự nhiên cấm khai thác). Sau đó Huế đã tìm cách thuê người lên chặt cây gỗ trên diện tích rừng mình mua nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Giữa tháng 12-2020, Huế thuê Cầm Bá Hoán, Cầm Bá Thủ, Vi Văn Tuấn, Vi Văn Chinh vào cắt cây trên rừng cho mình với giá 15 triệu đồng. Để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng này chỉ chặt phá cây trong khoảng 2 giờ đồng hồ và vào chiều tối, khi cắt cây phải có người cảnh giới quanh khu vực. Công an huyện Thường Xuân đã thu giữ 3 cưa máy, gần 26m3 gỗ tròn mà các đối tượng cưa xong để tại hiện trường và nhiều tang vật khác có liên quan.

Qua các vụ án đã điều tra, xử lý thì ngoài việc các đối tượng “lâm tặc” phá rừng lấy gỗ, thì nhiều đối tượng khác cũng lợi dụng tình hình để phá rừng nhằm thực hiện âm mưu chuyển mục đích sử dụng đất.

Ông Nguyễn Thành Lương, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết: Quan điểm chỉ đạo của huyện là xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đối với ông Cầm Bá Huế là đảng viên thuộc diện cán bộ do Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý, Huyện ủy đã tạm đình chỉ chức trách, nhiệm vụ được giao và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trong thời gian tới.

Đình Hợp
.
.