Nóng tình trạng tội phạm ngoại giả dạng khách du lịch tại TP HCM

Thứ Sáu, 21/04/2017, 15:15
Nhiều nạn nhân của đối tượng người nước ngoài lừa đảo cướp giật đều có một nhận định chung, do bất đồng ngôn ngữ, do lịch sự, hiếu khách nên không đề phòng, cảnh giác. Thường khi tiếp xúc với người nước ngoài họ đều thân thiện nên không ngờ việc thân thiện đó đã rơi vào bẫy của các đối tượng người nước ngoài.

Ngoài loại tội phạm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thôi miên thì loại tội phạm trộm cắp, cướp giật cũng do người nước ngoài gây ra tại TP HCM và những tỉnh, thành khác đang đáng báo động về hành vi lẫn mức độ gây án. Các đối tượng cướp giật, lừa đảo ngày càng táo tợn và tinh vi hơn...

1. Ravi Barksh (27 tuổi, quốc tịch Ấn Độ) và Moon Atfri (31 tuổi, quốc tịch Mỹ) vừa bị Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm hướng Nam (PC45, CA TP HCM) bắt về hành vi “cướp tài sản”. Để bắt được 2 đối tượng này, Cảnh sát đặc nhiệm phải tổ chức sàng lọc các đối tượng cộm cán trên địa bàn. Trước đó rạng sáng 21-3, anh Lê Đức Tâm (31 tuổi, quê quán Gia Lai, tạm trú Nhà Bè, hành nghề xe ôm) đến trụ sở CA xã Phước Kiển, Nhà Bè trình báo vừa bị 2 đối tượng người nước ngoài dàn cảnh cướp chiếc xe tay ga.

Theo trình báo của anh Tâm, khoảng 0h ngày 21-3, qua hệ thống Grabbike, anh Tâm nhận được cuộc gọi đặt xe đi từ đường Nguyễn Hữu Thọ (ấp 3, xã Phước Kiển) đi sân bay Tân Sơn Nhất. Anh Tâm điều khiển xe tay ga đến trước nhà hàng Thư Giãn thì thấy 2 vị khách nước ngoài đang đứng cạnh chiếc xe tay ga hiệu Nouvo chờ sẵn. Anh Tâm đưa mũ bảo hiểm cho khách thì bất ngờ 1 trong 2 người nước ngoài dùng roi điện chích vào người anh khiến anh ngất xỉu. Tỉnh dậy 2 vị khách và chiếc xe của anh không còn tại hiện trường, anh Tâm đến CA trình báo.

Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm hướng Nam tiến hành khoanh vùng và phát hiện 2 người nước ngoài như anh Tâm mô tả hiện đang lưu trú tại 2 khách sạn trên đường Nguyện Hữu Thọ và Lê Văn Lương (Nhà Bè) gần điểm anh Tâm bị cướp nên tiến hành theo dõi. Đúng như nhận định, ngày 24-3, 2 đối tượng này đến một bãi xe ở quận 1 lấy chiếc xe tay ga thì tổ Cảnh sát hình sự đặc nhiệm ập vào khống chế đưa về trụ sở.

Hai đối tượng thực hiện vụ cướp xe tay ga của tài xế xe ôm ở huyện Nhà Bè.

Xác định chiếc xe tay ga trên là của anh Tâm bị thay biển số giả, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để làm rõ và 2 đối tượng đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình. 2 đối tượng khai nhận, đến TP HCM khoảng 7 tháng trước. Attri Moon thuê khách sạn sống với vợ là người Việt Nam, còn Ravi Parkash là bạn thân của Moon cũng thuê khách sạn ở gần đó.

2 đối tượng bước đầu khai do thiếu tiền nên đi cướp nhưng sau đó lại khai, vì nhiều lần đi Grab bị lấy tiền giá cao nên tổ chức cướp xe để cho... bõ ghét. Sau khi cướp được xe anh Tâm, 2 đối tượng thay biển số giả rồi đem xe gửi ở một bãi giữ xe tại quận 1, định đem đi tiêu thụ thì bị bắt.

2. Theo một cán bộ Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm hướng Nam, các đối tượng người nước ngoài gây án tại TP HCM trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng, các đối tượng không chỉ thực hiện vụ án một cách riêng lẻ mà có băng nhóm. Điển hình là hồi tháng 1-2017, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm hướng Nam cũng vừa triệt phá một băng nhóm tội phạm nước ngoài.

Băng nhóm này gồm 8 đối tượng, đa phần là người Iran, người còn lại mang quốc tịch Malta, tuổi từ 60-16. Đến TP HCM, nhóm tội phạm này thuê các căn hộ ở các chung cư cao cấp hoặc ở khách sạn tại các quận huyện vùng ven. Bằng thủ đoạn thuê ô tô xe máy đến các điểm mua bán tạp hóa, điểm bán vé số ven đường, lừa đảo trộm cắp tài sản, chỉ trong một tuần, các đối tượng đã gây ra 12 vụ ở nhiều tỉnh thành khác nhau.

Các đối tượng giả vờ tiếp cận mua hàng rồi trả tiền bằng mệnh giá lớn. Lợi dụng bất đồng ngôn ngữ, các đối tượng chia người ra giả vờ giật túi tiền của chủ hàng trộm tiền, trong khi các thành viên khác trong băng sử dụng các thủ thuật để đánh lạc hướng nạn nhân. Sau khi trộm xong, các đối tượng trả lại túi tiền cho nạn nhân rồi nhanh chân lên xe ô tô tẩu thoát.

Trong một lần tiếp cận tiệm tạp hóa của chị H.C.L. (33 tuổi, ngụ quận 11) mua hàng đổi tiền và trộm được 1,5 triệu đồng, các đối tượng đã bị Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm hướng Nam bắt giữ.

Trong bộ dạng là một du khách nước ngoài thân thiện, đánh vào sự ham muốn của các nạn nhân, nhiều đối tượng đã lấy được lòng tin của nạn nhân và ra tay thực hiện hành vi lừa đảo, trộm cắp của mình. Bị mất số tiền hơn 100 triệu đồng nhưng cho đến ngày hôm nay, chị L.N.T. (làm việc tại một công ty lữ hành, trụ sở ở quận 1) vẫn không thể tin một người đàn ông ngoại quốc lịch lãm, nói năng lịch sự lại có thể là một đối tượng lừa đảo.

Chị T. cho hay, chiều 4-3, một du khách nam người nước ngoài ghé vào trụ sở công ty chị yêu cầu đổi giùm 200 USD để mua hàng lưu niệm. Công ty không có chức năng đổi ngoại tệ nhưng thấy du khách này năn nỉ dữ quá, chị T mủi lòng đổi 200 USD ra tiền Việt Nam cho du khách.

Trong ca trực hôm sau, chị T. lại thấy nam du khách trên quay lại yêu cầu chị T. đổi giùm 7.000 USD để vị khách này giúp đỡ bạn. Không có nhiều tiền tại quầy nhưng nghĩ đến khoản chênh lệch khi đổi, chị T. hẹn vị khách ngày hôm sau quay lại. Chị T. lấy tiền của mình, mượn thêm bạn bè nhưng cũng chỉ có 5.000 USD đổi cho khách.

Ngày 6-3, nam du khách trên quay lại, chị T. cho biết chỉ có thể đổi được 5.000 USD và vị khách này đồng ý, đưa cọc tiền có mệnh giá 100 USD cho chị T. kiểm tra và nhận lại tiền Việt. Trong lúc chị T. định cất cọc tiền thì vị khách này giật lại với lý do kiểm tra lại lần nữa. Chỉ vài ba phút đếm lại cọc tiền, vị khách này trả lại cho chị T. rồi bỏ đi.

Vì bận trao đổi với một người khách khác, chị T. không kiểm tra lại mà bỏ cọc tiền vào ngăn kéo. Sau khi rảnh rỗi, chị T. lấy cọc tiền ra kiểm tra thì xám mặt khi thấy chỉ có 2 tờ ngoài bìa là tiền 100USD, số tiền bên trong chỉ là loại mệnh giá 1 USD. Chị T. vội vã đi tìm nhưng người khách đã cao chạy xa bay.

Thông qua một người bạn ở Đà Nẵng, chị T. nhận được thông tin vị khách như chị mô tả đang sử dụng chiêu thức trên để lừa đảo, tuy nhiên do biết được mánh khóe này nên bạn chị T. đã không mắc bẫy. “Của đau con xót”, chị T. chỉ còn biết cảnh báo với mọi người đừng hám lợi trước mắt để rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo người nước ngoài.

Tang vật của vụ cướp.

3. Khu phố tây Phạm Ngũ Lão (quận 1) là nơi hằng ngày có từ 500 đến 1.000 khách du lịch, chủ yếu là khách “tây ba lô” đến lưu trú, nơi đây cũng là địa điểm ẩn náu của các đối tượng tội phạm người nước ngoài với đủ các quốc gia trên thế giới. Công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 hằng ngày tiếp xúc với rất nhiều nạn nhân đến trình báo về việc bị lừa đảo, cướp giật tài sản liên quan đến người nước ngoài. Nhiều vụ người nước ngoài, cướp giật, lừa đảo được đưa về đây xử lý nhưng có những đối tượng người nước ngoài ma mãnh, bất hợp tác gây khó khăn cho công tác điều tra.

Trung tá Nguyễn Văn Phước - Trưởng Công an phường Phạm Ngũ Lão cho biết: “Đa phần anh em trong đơn vị công tác tại phố tây ba lô biết tiếng Anh, một số ít biết tiếng Trung, tiếng Nga. Tuy nhiên, các đối tượng người nước ngoài gây án trên địa bàn phường không phải ai cũng nói tiếng Anh, mà chủ yếu là nói tiếng bản địa. Đối tượng người Hàn Quốc, Trung Quốc, Anh, Mỹ... thì có thể lấy thông tin trực tiếp hoặc thông qua người phiên dịch của lãnh sự quán của họ ở đây. Nhưng cũng có một số đối tượng người nước ngoài nói tiếng bản địa gây khó khăn cho công tác điều tra. Một số đối tượng biết tiếng Anh nhưng không nói mà lại sử dụng ngôn ngữ của nước họ hòng gây khó khăn cho việc lấy lời khai”.

Một đối tượng sử dụng chiêu tráo tiền lấy trộm 5.000USD.

Tội phạm mang yếu tố nước ngoài trong thời gian gần đây đang gây ra những bất ổn về ANTT trên địa bàn TP HCM. Việc người dân TP HCM mến khách, chủ quan với những người ngoại quốc, bất đồng ngôn ngữ đã tạo ra một kẽ hở để các đối tượng tội phạm gây án. Các vụ phạm pháp hình sự liên quan đến yếu tố người nước ngoài chủ yếu là lừa đảo, buôn bán vận chuyển ma túy, giết người nhưng thời gian gần đây xuất hiện thêm một loại hình mới, đó là người nước ngoài gây ra các vụ cướp, cướp giật tài sản trên đường phố.

Đừng vì sự chủ quan, lơ là hay hiếu khách mà mất tinh thần cảnh giác trước những đối tượng phạm phạm hình sự mang yếu tố nước ngoài để tránh bị rơi vào bẫy hoặc tài sản rơi vào tay các đối tượng trên.

M.Đ.
.
.