"Nữ hoàng keo kiệt" bị truy tố 30 tội danh

Thứ Năm, 28/08/2008, 14:30
Được tạp chí Forbes bình chọn là người giàu thứ 369 trên thế giới vào năm 2007 với gia sản lên đến 5 tỉ USD, bà Leona Helmsley còn được biết tiếng với biệt danh “Nữ hoàng keo kiệt”. Vào năm 1992, tỉ phú Leona đã bị truy tố đến 30 tội danh với mức án được đề nghị là... 100 năm tù giam!

Bà Leona Mindy Rosenthal Helmsley sinh ngày 4/7/1920 tại thành phố New York trong một gia đình người Ba Lan  di cư đến Mỹ vào đầu thế kỷ XX. Để phụ giúp gia đình mưu sinh, bà phải bỏ học trung học để làm công nhân tại nhà máy sản xuất thuốc lá Chesterfield.

Người chồng đầu tiên của bà là một luật sư tên Leo Panzirer, tuy nhiên cả hai đã ly dị vào năm 1952. Người chồng thứ hai của bà Leona tên Joseph Lubin là giám đốc điều hành một xí nghiệp dệt lớn ở thành phố New York. Nhờ người chồng thứ hai mà bà học được cách quản lý công việc kinh doanh.

Năm 1962, gom góp tiền bạc tiết kiệm, bà Leona mở một nhà máy dệt nhưng chẳng bao lâu thì phá sản. Vụ phá sản này đã khiến bà Leona chia tay với người chồng thứ hai. Chấp nhận thất bại nhưng không đầu hàng số phận, bà chuyển sang kinh doanh bất động sản và đã gặt hái thành công.

Trở thành ngôi sao tỏa sáng trên thị trường bất động sản thành phố New York, bà Leona lại may mắn khi nhận được sự hỗ trợ của nhà tài phiệt Harry Helmsley, ông trùm trong ngành kinh doanh bất động sản của Mỹ, người mà bà Leona quyết định lấy làm chồng vào năm 1972.

Tài điều hành và quản lý của hai vợ chồng đã khiến cho công việc kinh doanh của Tập đoàn Helmsley ngày càng trở nên phát đạt. Không chỉ nắm trong tay chuỗi khách sạn mang tên Helmsley, mà dòng họ Helmsley còn sở hữu nhiều tòa cao ốc nổi tiếng ở thành phố New York như tòa nhà chọc trời Empire State Building, tòa nhà phức hợp các căn hộ cao cấp East Side ở khu Manhattan, tòa cao ốc Helmsley Spear... Ngoài ra, dòng họ Helmsley còn sở hữu hàng chục bất động sản có giá trị cao nằm rải rác khắp nước Mỹ.

Tuy được tôn vinh là nữ doanh nhân kiệt xuất, người có công lớn trong việc tạo dựng thương hiệu khách sạn Helmsley danh tiếng nhưng người ta không lạ gì cách quản lý quá ư chặt chẽ, thậm chí là hà khắc của bà Leona. Đây chính là lý do khiến bà được báo chí Mỹ gọi là “Nữ hoàng keo kiệt”.

Trước công chúng, bà Leona là một bà chủ niềm nở, dễ mến của Tập đoàn Helmsley. Tuy nhiên, trong cuộc sống thường nhật, bà là người ngạo mạn, nóng nảy, dễ nổi cáu và hay sa thải nhân viên vô cớ. Đây chính là lý do khiến nhiều người bất bình và tố cáo bà cố ý lừa đảo để trốn thuế với số tiền lớn vào năm 1985.

Tuy nhiên không phải vào năm 1985, mà từ năm 1974, bà Leona đã gặp rắc rối với pháp luật khi bị tố cáo về tội bội tín trong việc bán các căn hộ trả góp tại thành phố New York. Những người mua trả góp đóng tiền thế chân thấp đã không nhận được căn hộ như theo hợp đồng đã ký kết với công ty kinh doanh bất động sản Brown, Harris, Stevens mà bà Leona làm chủ tịch.

Bị tố cáo về tội cố ý lừa đảo, bà Leona chỉ may mắn thoát khỏi án tù giam khi cam kết sẽ bồi hoàn thiệt hại nếu không giao căn hộ theo đúng hợp đồng cho những người kiện cáo. Sau vụ này bà Leona bỏ tiền thuê hẳn một nhóm luật sư giỏi  dưới sự điều hành của luật sư tiếng tăm Paul Raffino.

Từ năm 1983, khi quyết định bỏ 11 triệu USD để mua khu biệt thự Dunnallen Hall ở thành phố Greenwich, bang Connecticut để biến nơi này thành khu nghỉ dưỡng sang trọng của gia đình, bà Leona đã chi đến 18 triệu USD để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa thành một khu dinh thự nguy nga tráng lệ.

Khu dinh thự Dunnallen Hall, nơi xảy ra các vụ vi phạm pháp luật của nữ tỉ phú.

Vốn mang tính keo kiệt và ngạo mạn, bà Leona tìm cách cắt xén chi phí nhân công một cách vô tội vạ, lập chứng từ xuất nhập vật liệu giả, thông đồng với các nhà cung cấp vật liệu để xuất hóa đơn thấp hơn giá thực tế nhằm trốn thuế với số tiền lên đến 3,1 triệu USD.

Một số công nhân do bất bình vì bị cắt xén tiền công đã làm đơn tố cáo hành vi chiếm đoạt tiền công của bà Leona gửi cho các cơ quan bảo vệ pháp luật. Thay vì thương lượng với công nhân, bà ra lệnh cho các luật sư tìm cách kiện lại các công nhân về tội vu cáo.

Hậu quả là một số công nhân đã tìm cách thu thập các chứng từ xuất nhập vật liệu giả rồi gửi cho báo The New York Post. Lần này, tuy có cố gắng cách mấy, các luật sư của bà Leona đã không cứu được bà chủ keo kiệt của họ.

Từ năm 1985, dưới sự chỉ huy của Tổng chưởng lý liên bang Rudy Giuliani, người sau này trở thành thị trưởng nổi tiếng của New York, các cơ quan bảo vệ pháp luật của thành phố New York đã thực hiện các cuộc điều tra liên quan đến hành vi trốn thuế, giả mạo giấy tờ, lừa đảo của vợ chồng tỉ phú Helmsley.

Diễn biến của vụ án này đã khiến tỉ phú Harry Helmsley bị suy sụp và lâm trọng bệnh. Vì vậy, bà Leona trở thành đại diện hợp pháp của dòng họ Helmsley. Do lo ngại các cuộc điều tra không chỉ làm tổn hại đến danh tiếng của Tập đoàn Helmsley trên thương trường mà còn phát hiện thêm những hành vi sai trái khác nên các luật sư đã khuyên bà Leona nên nhận tội.

Vào ngày 30/8/1992, bà Leona bị tuyên phạt tất cả 30 tội danh liên quan đến các hành vi trốn thuế, lừa đảo, giả mạo chứng từ, chiếm đoạt tiền công của người lao động với mức án bị tuyên lên đến 100 năm tù giam. Tuy nhiên, do đã nhận tội và phải đóng một khoản tiền phạt lên đến 15 triệu USD nên mức án được xét giảm còn 16 năm tù giam.

Tuy nhiên, chỉ ngồi tù được 18 tháng, bà Leona được tạm tha vì lý do sức khỏe. Thời gian ngồi tù tuy không dài nhưng đã biến bà thành một con người lầm lỳ ít nói. Năm 1997, sau khi ông Harry Helmsley qua đời, bà sống cô độc một mình tại khu dinh thự Dunnelllan Hall.

Vào ngày 20/8/2007, bà Leona qua đời sau một cơn đột quị tim. Cái chết của “Nữ hoàng keo kiệt” Leona Helmsley cũng làm tốn hao bút mực của báo chí không kém do liên quan đến việc phân chia gia sản thừa kế của dòng họ Helmsley.

May thay, vào những năm tháng cuối đời, bà Leona còn làm được một nghĩa cử cao đẹp là hiến tặng phần lớn gia sản lên đến 5 tỉ USD của dòng họ Helmsley cho Quỹ Từ thiện Helmsley

H.P. (theo Crimes Magazine)
.
.