Nước Đức với nỗi lo về các tay súng Hồi giáo

Thứ Bảy, 23/10/2010, 09:20
Cái chết của 8 tay súng người Đức trong một cuộc không kích của máy bay không người lái của Mỹ ở Pakistan là một chỉ dấu thêm cho thấy Đức đã trở thành mảnh đất để tuyển dụng các phần tử Hồi giáo cực đoan. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho nước Đức.

Theo Cơ quan Tình báo Đức, số lượng các thanh niên Đức tới Pakistan để tham gia các khóa học của mạng lưới Al-Qaeda ngày càng nhiều. Ước tính có hơn 100 phần tử Hồi giáo trưởng thành từ nước Đức đã tới các trại huấn luyện khủng bố tại PakistanAfghanistan.

Theo Cảnh sát trưởng liên bang Đức, ông Konrad Freiberg, cho biết có khoảng 40 tay súng sống tại Đức đã được huấn luyện tại các "lò" đào tạo khủng bố ở Pakistan, đặc biệt là về chất nổ. Nhiều người trong số này đã trở về Đức tiếp tục sinh sống trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng, có thể gây ra các cuộc tấn công khủng bố bất kỳ lúc nào.

Người đứng đầu Văn phòng Tội phạm liên bang BKA, ông Joerg Ziercke cho biết, con số các tay súng Hồi giáo tại Đức hiện nay lên tới 400. Từ năm 2009, Đức đã phân loại 1 nhóm 131 người xem là "các thành phần nguy hại tiềm tàng" có thể gây ra các vụ khủng bố.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cho rằng, điều đáng nói là hiện nay chưa có một âm mưu tấn công khủng bố nào nhưng không ai dám chắc rằng trong tương lai sẽ không có một kế hoạch tấn công khủng bố nào được vạch ra. 

Những cái chết của các tay súng Đức diễn ra đồng thời với việc chính phủ các nước Mỹ, Anh và nhiều nước tại châu Âu cảnh báo về khả năng xảy ra các cuộc tấn công khủng bố.

Những nhà làm luật tại Đức đang yêu cầu siết chặt luật pháp hơn nữa để chống lại làn sóng các phần tử cực đoan ngay trong lòng nước này. Chẳng hạn hiện nay luật pháp Đức không cho phép truy tố một người được huấn luyện trong các trại của bọn khủng bố.

Tại Kenya, cảnh sát nước này cũng vừa bắt giữ một tay súng người Đức và đã trục xuất hắn ta. Sascha Alessandro Boettcher đến Kenya vào giữa tháng 9, bị bắt vào ngày 6/10 tại một căn hộ ở Mtwapa, ngoại ô thành phố Mombasa. Boettcher, 23 tuổi, là người mới chuyển sang Hồi giáo. Kenya là điểm trung chuyển của Boettcher cũng như nhiều tay súng khác trước khi đến Somalia để theo các khóa huấn luyện của Al-Qaeda.

Theo chuyên gia về khủng bố Guido Steinberg, an ninh Đức đã xác định các tay súng thuộc nhóm "Du lịch Hamburg" trong đó có 11 người rời nước Đức để tới Afghanistan chống lực lượng của Mỹ và liên quân.

Theo ông Steinberg, nhiều nhóm tay súng khác từ Bonn và Berlin đã rời Đức từ năm 2008, trong số này, nhiều người gia nhập Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (IMU) sau đó tới khu vực Waziristan ở biên giới Pakistan - Afghanistan. IMU xuất thân từ vùng thung lũng FerganaUzbekistan và cả TajikistanKyrgyzstanAfghanistan với mục đích thiết lập lãnh thổ Hồi giáo.

Hiện có 4 triệu người Hồi giáo đang sinh sống ở Đức. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố người Hồi giáo ở Đức phải tuân thủ hiến pháp Đức chứ không phải Luật Hồi giáo Sharia. 

Cảnh sát Đức và các chuyên gia an ninh tại nước này tin rằng những cộng đồng Hồi giáo, trong số đó có đền thờ Hồi giáo ở Hamburg nơi xuất phát của Mohammed Atta, chủ mưu cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001 tại Mỹ là mầm mống khủng bố. Những cộng đồng này gần đây đã "sản sinh" ra 100 tay súng được huấn luyện, đặt ra mối đe dọa tới an ninh nước Đức. Những công trình như cổng Brandenburg hay tháp truyền hình Fernsehturm trở thành các mục tiêu tấn công khủng bố.

Hồi tháng 8, cảnh sát Đức đã đóng cửa ngôi đền Taiba, trước đó mang tên Al-Quds, vì cho là có liên hệ với các nhóm vũ trang ở PakistanAfghanistan.

Ahmed Siddiqi,  tay súng Hồi giáo người Đức bị quân đội Mỹ bắt tại Afghanistan hồi tháng 7 đã tiết lộ các kế hoạch tấn công khủng bố tại Đức và nhiều nước châu Âu. Y thuộc IMU, đã khai với các nhà điều tra Mỹ rằng đã có nhiều "chân rết" bên trong lòng châu Âu.

Trước khi bị bắt tại Kabul, Siddiqui, 36 tuổi, đã từng gặp al-Mauretani, trợ lý của Osama bin Laden tại Mir Ali, khu vực bộ lạc vô chính phủ ở miền Bắc Pakistan. Được biết, Siddiqi còn quen biết với Mohamed Atta và từng cầu nguyện với hắn trong cùng một nhà thờ.

Chính vì vậy, những thông tin do Siddiqui cung cấp về âm mưu khủng bố đã khiến các nước phương Tây phải tăng mức cảnh báo an ninh trong những ngày qua. Theo một nguồn tin tình báo Mỹ, hai cuốn băng ghi âm được cho là của thủ lĩnh

Al-Qaeda Osama bin Laden công bố mới đây, kêu gọi các nước Hồi giáo tích cực giúp đỡ nạn nhân lũ lụt Pakistan, có thể là thông điệp mã hóa cho một nhóm Al-Qaeda hành động. Trước đây, Osama bin Laden chưa từng công bố hai đoạn băng ghi âm liên tiếp nhanh như vậy. Ông ta cũng chưa từng tập trung thông điệp vào các thảm họa như lũ lụt.

Việc phát hiện âm mưu khủng bố tại châu Âu đầu tháng 10 cho thấy, giờ đây những tên khủng bố bắt đầu có khuynh hướng sử dụng hộ chiếu của người phương Tây. Các cơ quan an ninh của Mỹ và EU đang truy lùng nhiều đối tượng mang hộ chiếu phương Tây tới Pakistan và nhiều nước khác để được Al-Qaeda huấn luyện sau đó trở về nước thực hiện các cuộc tấn công khủng bố.

Theo ông Arturo Munoz, một quan chức kỳ cựu của CIA: "Tất cả các bằng chứng chỉ ra rằng, việc sử dụng hộ chiếu phương Tây đang là mối đe dọa an ninh của các nước châu Âu".

Một nghiên cứu của Mỹ và Thụy Điển cuối tuần qua cảnh báo rằng, các cơ quan tình báo phương Tây có thể chỉ mới nắm được bề nổi của mối đe dọa này, theo đó những người sống ngay tại châu Âu hiểu quá rõ về các mục tiêu cần tấn công và cách để gây hậu quả lớn nhất. Một trong những nước đáng quan tâm nhất là Đức.

Trong khi đó, mạng tin "Debka" dẫn nguồn tin tình báo Mỹ đêm 2/10 cho rằng, một cuộc tấn công khủng bố kiểu Mumbai (Ấn Độ) có thể sắp xảy ra, sau khi bốn nước châu Âu gồm Anh, Đức, Pháp và Thụy Điển được đặt trong mức báo động cao.

Tuần báo Der Spiegel của Đức vừa đưa tin tên Sheikh Yunis al-Mauretani, nhân vật số 3 của tổ chức khủng bố Al-Qaeda, đã lên kế hoạch phát động các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các thành phố châu Âu với kịch bản bắt giữ và sát hại con tin tương tự như các vụ tấn công ở Mumbai năm 2008, khiến 166 người thiệt mạng

Trương Minh (tổng hợp)
.
.