Nước nhiễm Asen giữa lòng Hà Nội: Sát thủ thầm lặng

Thứ Hai, 04/08/2014, 15:30

Đề nghị dừng hoạt động Trạm cấp nước sạch Mỹ Đình II của Bộ Y tế trong buổi làm việc với UBND TP Hà Nội vào ngày 2/7 vừa qua, với lý do nước không đạt tiêu chuẩn được coi là một động thái cứng rắn và kiên quyết vì lợi ích người tiêu dùng. Tuy nhiên, câu chuyện nước nhiễm asen hay một số tạp chất có hại khác không phải bây giờ mới được nhắc đến. Nhiều nhà khoa học, qua các kênh thông tin đại chúng, đã lên tiếng cảnh báo từ lâu.

Gọi là nước sạch mà lại chưa sạch

Có một thực tế là trong thời gian qua, giá nước sinh hoạt tại Hà Nội tăng nhiều lần, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia thì chất lượng nguồn cung cấp lại không thay đổi, thậm chí là có phần đi xuống bởi tình trạng cạn kiệt nguồn nước. Nhiều loại hóa chất độc hại trong nước với hàm lượng vượt mức cho phép không được loại bỏ trước khi cấp đến người dùng bởi hệ thống, công nghệ lọc quá cũ kỹ.

Có những nhà máy, trạm bơm cấp nước được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có cải tiến trang thiết bị nhưng về mặt quy trình gần như không có gì thay đổi. Đường ống vỡ liên tục khiến hàng vạn hộ dân bị rơi vào cảnh nước không có mà dùng, còn hơi sức đâu để mà quan tâm đến chất lượng?

Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Thông báo số 243/TB-VPCP ngày 26/6/2014 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế đã thành lập 2 đoàn kiểm tra công tác quản lý nhà nước về chất lượng nước sinh hoạt tại thành phố Hà Nội và TP HCM.

Liên tục từ ngày 27/6 đến 30/6, Bộ Y tế đã tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nước tại 16 nhà máy nước và 07 trạm cấp nước trên địa bàn Hà Nội, trạm cấp nước khu đô thị Nam Đô; chất lượng nước cấp sau đồng hồ tại một số hộ gia đình tại 06 quận nội thành với tổng số mẫu là 196 mẫu. Trong đó 30 mẫu lấy tại các nhà máy, trạm cấp nước và 166 mẫu lấy tại các hộ gia đình.

Kết quả xét nghiệm tại 16 nhà máy nước và 7 trạm cấp nước, đánh giá 107 chỉ tiêu thì thấy có 5/107 chỉ tiêu không đạt: Chỉ tiêu Asen có 1/20 cơ sở cấp nước là trạm cấp nước Mỹ Đình II và có nồng độ cao hơn 1,82 lần ngưỡng cho phép (xét nghiệm thực tế 0,0182 mg/l); Chỉ tiêu Clo dư (20/20 cơ sở cấp nước có nồng độ cao hơn ngưỡng cho phép và 150/155 mẫu lấy tại hộ gia đình thấp hơn ngưỡng cho phép) (mức dao động từ 0.02 - 1,33 mg/l). Đoàn cũng đã kiểm tra quy trình cấp nước của Trạm cấp nước Hoàng Mai và kiểm tra bể chứa nước ngầm tại Khu đô thị Nam Đô.

Tại thời điểm kiểm tra, bể chứa nước ngầm của khu đô thị Nam Đô có sinh vật trú ngụ như gián bám quanh thành bể. Đoàn đã xét nghiệm nhanh 15 mẫu nước sinh hoạt tại bể mái của các tòa nhà CT1A, CT1B và một số mẫu nước tại hộ gia đình của Khu đô thị Nam Đô. Kết quả, tất cả 15 mẫu đều không đạt các chỉ số Clo dư và Phéc mangannát (Pecmangannat), có 5 mẫu không đạt chỉ số về cô-li-phom (Coliform) và NO2; 1 mẫu không đạt chỉ số về colyform chịu nhiệt, 2 mẫu không đạt chỉ số về NH4 và Amoni. Đặc biệt nhiều mẫu lấy từ bể chứa đều nhiễm vi sinh do bể không được vệ sinh và kiểm tra thường xuyên. Ngoài ra còn nhiều mẫu nhiễm nitơrít cao.

Trạm cấp nước sạch Mỹ Đình II.

Riêng đối với Trạm cấp nước Mỹ Đình (thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Nhà ở và Khu đô thị) bị buộc phải dừng hoạt động cấp nước cho đến khi đảm bảo nồng độ asen trong nước cấp phù hợp với Quy chuẩn quốc gia.

Bộ Y tế đã đề nghị phía Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội có phương án cấp nước bổ sung cho các hộ gia đình trong thời gian Trạm cấp nước Mỹ Đình dừng hoạt động.

Đi tìm câu trả lời

Sáng 3/7, tức là một ngày sau khi Bộ Y tế đề nghị thông tin liên quan đến Trạm cấp nước Mỹ Đình, chúng tôi đến trạm bơm. Một vài người đàn ông đi ra đi vào ở khối nhà điều hành. Thấy tôi đến và xưng là nhà báo, một người đàn ông đứng bên ngoài bèn nhanh tay đóng cổng trạm bơm và cho biết, họ chỉ là những người vận hành trạm. Muốn biết thông tin gì đề nghị nhà báo lên Xí nghiệp 2, là đơn vị quản lý trạm bơm đặt tại tòa nhà CT4 cùng khu. Nói xong, người đàn ông này bỏ đi và không quên gọi người bảo vệ bên trong khóa chặt cổng lại.

Anh Hùng, chủ quán nước gần trạm bơm cho biết, khi vợ chồng anh dọn về ở đây, cách đây 7 năm, thì đã có trạm bơm này. Thường nhật trạm cũng vắng người lắm, chỉ có 1 - 2 công nhân. Từ hôm qua bắt đầu mới thấy đông người.

Chúng tôi tìm đến Xí nghiệp 2, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Nhà ở và Khu đô thị với mong muốn được giải đáp một số thắc mắc như Trạm bơm Mỹ Đình II đã hoạt động được bao lâu? Mỗi một ngày trạm cung cấp bao nhiêu lượng nước sinh hoạt cho các hộ dân trong khu vực? Những khu dân cư nào đang sử dụng nước do Trạm bơm Mỹ Đình II cung cấp? Và thực tế họ đã biết gì về tình trạng nhiễm asen trong nước mà mình cung cấp tới các hộ dân hay chưa?

Và nếu như đã biết, thì sẽ có giải pháp như thế nào để xử lý vấn đề này?... Song khi chúng tôi đến Xí nghiệp 2, người đàn ông tên Hiếu tiếp đón nhưng từ chối trả lời. Ông Hiếu cho biết, tất cả những thông tin đã "chuyển lên trên", tại xí nghiệp không được phép cung cấp?

Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế lấy mẫu xét nghiệm tại Khu đô thị Nam Đô.

Cũng tại khu vực Mỹ Đình, Từ Liêm, năm 2012 đã xôn xao vụ việc hơn 500 hộ gia đình thuộc cụm dân cư ở các khu nhà N01, N02, N03, N04 thuộc thôn Phú Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm sử dụng nguồn nước cung cấp nhiễm asen gấp 40 lần mức độ cho phép. Đây là một con số gây bất ngờ.

Theo khuyến cáo của WHO, nước bị coi là nhiễm độc asen là nước có hàm lượng asen từ 0,01mg/lít trở lên. Sử dụng nước bị nhiễm asen quá mức cho phép trong một thời gian dài thì cơ thể bị phơi nhiễm asen mãn tính. Phú Mỹ chỉ cách khu đô thị Mỹ Đình II một con đường Lê Đức Thọ.

Còn tại khu Mỹ Đình II, sau khi Bộ Y tế có đề nghị với UBND thành phố về việc ngưng hoạt động trạm cấp nước sạch ở đây, nhiều người dân cho biết không hay tin gì về việc này. Vào năm 2013, nhiều người dân sống trong khu nhà CT4, chính nơi Xí nghiệp 2 đặt trụ sở dưới tầng 1, phát hiện nước sinh hoạt trong nhà có màu đỏ, đục và mùi tanh, hôi. Đại diện người dân đã thông báo cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ Nhà ở và Khu đô thị và yêu cầu được sử dụng nguồn nước khác sạch hơn…

Sự việc sau đó cũng tạm lắng xuống, và nhiều hộ gia đình ở đây tự động lắp thêm bộ lọc nước để đảm bảo an toàn cho gia đình mình. Được biết, Trạm cấp nước Mỹ Đình II chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ nguồn nước máy cho các hộ gia đình nằm trong khu đô thị Mỹ Đình II.

Thật tình, câu chuyện nước sinh hoạt bị nhiễm asen thực ra không phải bây giờ mới nóng. Với việc nguồn nước ngầm cạn kiệt và cùng đó là sự xâm nhập của nhiều loại vi chất độc hại, trong đó có asen từ tầng nước nông (Holocene) xuống tầng nước sâu Pleistocene thì câu chuyện trạm cấp nước sạch bị nhiễm những chất độc hại ấy chỉ là vấn đề sớm hay muộn. Các chuyên gia đã cảnh báo từ lâu. Trước đây asen chỉ nhiễm tầng nước sâu khoảng 30-50m, nhưng nay tầng sâu 100m đã có nơi bị nhiễm do asen theo nước ngấm từ tầng nông xuống tầng sâu qua cửa sổ thủy văn, những lỗ khoan cũ. Tốc độ nhiễm asen ở tầng nước sâu phụ thuộc khai thác nước ngầm nhiều hay ít.

Với nước mặt sông Đà có vẻ an toàn hơn nước ngầm vì ít nhiễm các loại kim loại nặng. Tuy nhiên, tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra nhiều ở khu vực thượng nguồn, thủy ngân được dùng để tách vàng và đổ thẳng xuống sông cũng khiến cho nó không hoàn toàn loại trừ các khả năng bị ô nhiễm. Đã từng có nhóm các nhà khoa học thực hiện xét nghiệm nước mặt sông Đà, và kết quả là hàm lượng thủy ngân vượt từ 18-20 lần tiêu chuẩn cho phép. Nhưng cho đến nay cũng chưa ai biết nhà máy nước xử lý vấn đề này thế nào.

Bởi thế, điều dư luận quan tâm hơn lúc này là một thái độ ứng xử đúng mực, sẵn sàng hợp tác để cùng giải quyết vấn đề của các đơn vị cung cấp nước sạch, hơn là đóng cửa im ỉm như là để chờ sau một thời gian sự việc đi vào quên lãng là "đâu lại vào đấy!", phớt lờ mọi chuyện như đã từng xảy ra.

Nước nhiễm Asen nguy hại thế nào?

Theo GS-TS. Phạm Hùng Việt, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển Bền vững (CETASD), có điều không phải ai cũng biết, đó là asen cũng có dăm bảy loại. Asen vô cơ thì độc, còn asen hữu cơ thì không gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Trong asen vô cơ, thì asen5 không độc bằng asen3. Và asen3 này chính là thạch tín. Nó là một chất độc không màu, không mùi vị, không thể phát hiện được bằng giác quan, khi tích tụ trong cơ thể trong nhiều năm sẽ gây ra những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư các cơ quan nội tạng, bệnh tim mạch… cũng như một số bệnh về tâm trí.

Các triệu chứng bên ngoài đầu tiên của người uống nước nhiễm arsenic là xuất hiện các đốm sẫm màu trên thân thể hay đầu các chi, đôi khi xuất hiện các vùng sừng hóa trên bàn tay, bàn chân…

Khu đô thị Mỹ Đình II nằm ở phía Tây - Tây Bắc Hà Nội với nhiều tuyến giao thông quan trọng như đường Phạm Hùng, đường Láng - Hòa Lạc. Các tuyến phố chính nằm trong Khu đô thị như phố Hoài Thanh, phố Lưu Hữu Phước, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Cao Xuân Huy, Trần Hữu Dực, Hàm Nghi… Có tổng diện tích 262.440m2. Quy mô dân số 5.540 người.

Theo quy hoạch, nước sinh hoạt dùng cho người dân tại khu vực này là 200 lít/người/ngày đêm; nước dùng cho các công trình công cộng thành phố và đơn vị ở là 38m3/ha/ngày.

Còn theo các chuyên gia y tế, thạch tín, với tên gọi khoa học thường dùng là asen hoặc arsenic rất độc hại. Nó độc gấp 4 lần thủy ngân. Khi uống phải một lượng asen bằng nửa hạt đỗ xanh có thể chết ngay. Nhiều câu chuyện đầu độc bằng thạch tín vốn chỉ được biết qua sách vở và như một vị thuốc bắc trong các quầy thuốc đông y. Gần đây, khi hàng loạt người trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam bị mắc những căn bệnh nguy hiểm dẫn đến ung thư thì mới xét nghiệm nước và chỉ định ra: Asen chính là một thủ phạm.

Asen xâm nhập vào con người qua con đường nước uống, không khí trong vùng ô nhiễm, nhiễm da do tiếp xúc nhiều liên tục với nguồn nước, không khí ô nhiễm. Vào trong cơ thể con người asen thường tích tụ trong não, các mô da, móng tay, tóc, răng, xương và trong các bộ phận giàu biểu mô như niêm mạc vòm miệng, thực quản, dạ dày, ruột non gây nhiễm độc cấp tính cao. Nhưng sự xâm nhập asen qua đường nước ăn uống mới là nguy hiểm nhất. Dù ở mức độ nào đi nữa vì nó diễn ra hàng ngày, theo con đường tiêu hóa mà nước trong cơ thể chiếm tỉ lệ cao. Khi tích tụ trong cơ thể như vậy thì nó tác động gây ra bệnh.

Về lý thuyết, asen có thể là nguyên nhân gây ra tới 19 loại bệnh khác nhau. Nếu bị nhiễm độc asen với liều lượng dù nhỏ nhưng tích tụ trong thời gian dài, sau 5 - 10 năm, sẽ gây mệt mỏi, buồn nôn, hồng cầu và bạch cầu giảm. Hai loại bệnh phổ biến nhất do asen gây ra là ung thư da và phổi. Nhiều nơi có hội chứng xạm da, sừng hóa bẩm sinh gan bàn chân. Thay đổi sắc tố da, phát sinh các điểm tối điểm sáng trong lòng bàn tay, chân, gây sừng cứng và hoại tử. Tích tụ asen lâu ngày gây nên da mặt xám, rụng tóc, giảm trí nhớ, mạch máu bị tổn thương, bệnh rối loạn nhịp tim, đau mắt, đau tai, bệnh viêm dạ dày và ruột làm kiệt sức, gây mụn loét, bệnh ung thư, bệnh gây cảm giác về sự di động bị rối loạn, bệnh tiểu đường.

Người uống nước bị ô nhiễm asen lâu ngày sẽ có triệu chứng xuất hiện các đốm sẫm màu trên thân thể hay đầu các chi, niêm mạc lưỡi hoặc sừng hóa da, gây sạm và mất sắc tố. Nguồn nước bị nhiễm asen dù nhỏ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe các bà mẹ, làm động thai ảnh hưởng đến thai nhi và gây ra những bệnh phổi ác tính, những tác động xấu lên sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ con mới lớn.

Nếu nồng độ asen cao trong nguồn nước thì khi uống vào có thể gây ngộ độc cấp tính, gây ung thư, thậm chí có thể tử vong. Các nhà khoa học còn gọi asen là "sát thủ vô hình", "thảm họa môi trường"

Mai Khuê
.
.