Ông chủ quyền lực của tình báo Ai Cập Murad Muwafi

Thứ Tư, 15/02/2012, 04:35

Sau khi Hosni Mubarak rời khỏi chiếc ghế tổng thống Ai Cập trong tháng 2/2011, nhiều yếu nhân của chế độ ông ta vẫn còn ở yên vị trí của mình. Và một cột trụ của chế độ Mubarak vẫn không hề bị sứt mẻ quyền lực, thậm chí còn được mở rộng thêm ra, giữa bối cảnh hỗn độn của Ai Cập - đó là GID, Cơ quan tình báo mạnh nhất của Ai Cập với chủ nhân là Murad Muwafi, một con người đầy bí hiểm.

Khi những vị tướng già nua của Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) thổi bùng lên ngọn lửa bất mãn của người dân trong thời gian gần đây do các hành động sai lầm liên tiếp của họ, thì GID - cơ quan nắm vị trí then chốt giữa những cơ quan an ninh khác của Ai Cập - dần dần nổi lên như là nhóm chuyên gia cố vấn cho bộ phận lãnh đạo đất nước hiện nay.

Không giống như những vị tướng cầm quyền, các sĩ quan của GID hoạt động âm thầm trong bóng tối và hết sức bí ẩn đối với người dân cũng như giới truyền thông đại chúng. Vai trò của họ cho phép GID (theo tiếng Arập là Mukhabarat) lợi dụng tình trạng lộn xộn để thao túng các cơ quan khác.

Và ông chủ của GID - con người bí hiểm 61 tuổi tên là Murad Muwafi - hiện đang âm thầm cáng đáng vai trò chính trong giai đoạn tiếp theo của Ai Cập.

Mỗi cuộc chính biến đều sinh ra những nhân vật quyền uy trong bóng tối như Murad Muwafi, người hiếm khi xuất hiện trên truyền hình Ai Cập. Vốn là vị tướng quân đội, Muwafi hiểu sâu sắc chất thực tế của quyền lực.

Muwafi là cựu Giám đốc Tình báo quân đội Ai Cập và được Tổng thống Hosni Mubarak bổ nhiệm vào chức vụ Giám đốc GID (hay EGID) ngày 31/1/2011 sau khi người tiền nhiệm Omar Suleiman được ngồi vào chiếc ghế phó tổng thống.

Muwafi là nhân vật cực kỳ quan trọng ở hậu trường chính trị, thường có mặt trong những sự kiện quan trọng. Ví dụ, khi các lãnh đạo quân đội quyết định đã đến lúc đối thoại với các nhà hoạt động nhân quyền, thì Muwafi đại diện cho SCAF tại cuộc họp. Và khi SCAF gửi phái viên đến Washington vào năm 2011, cũng chính Muwafi có mặt trong phái đoàn này.

Thậm chí, Muwafi cũng có cuộc gặp riêng với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cũng coi Muwafi là nhân vật không thể vắng mặt trong số những người đối thoại cùng ông khi ông viếng thăm Ai Cập vào mùa thu năm 2011 - ngay sau cuộc họp với lãnh đạo tối cao của SCAF là Field Marshal Hussein Tantawi.

Và cũng chính Muwafi - chứ không phải Tantawi hay Ngoại trưởng Ai Cập - là người mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel hướng đến khi Tòa đại sứ Israel ở Cairo bị người dân Ai Cập tấn công, tháng 9/2011.

Tuy nhiên, không nên cho rằng công việc của GID chỉ giới hạn trong những vấn đề chiến lược cao cả. GID của Muwafi là cơ quan duy nhất có nhiệm vụ giải quyết những vấn đề hàng ngày trong nước, bởi vì vị trí của GID là cơ quan an ninh nội địa hàng đầu của Ai Cập.

Sau nhiều thập niên theo dõi, thẩm vấn và đe dọa những kẻ chống đối chính quyền, GID đã có tác động rất lớn đến thế hệ các chính khách mới của Ai Cập. Ngoài ra, GID cũng am hiểu sâu sắc những vấn đề kinh tế của Ai Cập.

Nhà phân tích chính trị Amin Al-Mahdi nhận xét về GID: "Những biến động từ sau sự sụp đổ của Hosni Mubarak cho thấy các kế hoạch kiểm soát xã hội Ai Cập của SCAF luôn nằm dưới sự điều hành của An ninh Quốc gia và GID, cơ quan được coi là con mắt và bộ nhớ của chế độ".

Cựu sĩ quan quân đội Ahmed Ezzat, người có trang Facebook theo dõi những hành vi tham nhũng nhằm vào bộ máy quân sự của Ai Cập, tuyên bố GID đã sử dụng nguồn quỹ của cơ quan để tạo ra những công ty tư nhân đem lại lợi nhuận cho số sĩ quan cao cấp của GID.

Theo nhận xét của Ezzat, GID là nhà nước bên trong nhà nước và mọi hoạt động của nó không hề chịu một sự giám sát nào về mặt pháp lý, tài chính.

Lai lịch của Murad Muwafi hiện nay và có lẽ cả trong thời gian tới, vẫn còn là điều bí ẩn. Với tài năng đặc biệt, Murad Muwafi rất thích hợp cho vai trò lãnh đạo cơ quan an ninh quốc gia hàng đầu của Ai Cập.

Bắt đầu sự nghiệp là một sĩ quan quân đội bình thường, Muwafi dần dần leo lên đến chức lãnh đạo tình báo Ai Cập. Lý lịch tốt cũng giúp cho Muwafi giữ chức Thống đốc Khu vực Bắc Sinai năm 2010.

Mặc dù có được sự tin cậy vì tình hình an ninh vùng biên giới được cải thiện, nhưng về sau Muwafi cũng bị chỉ trích dữ dội vì mô tả những người Arập du cư trong khu vực là "bọn tội phạm" - những người kiếm tiền bằng con đường buôn lậu với Gaza.

Vào đầu tháng 3/2011, một đám đông người dân tấn công Văn phòng trụ sở GID ở Cairo, thu giữ nhiều tài liệu ghi chép về những cuộc khủng bố chống phe đối lập của chính quyền. Nhưng sự kiện này vẫn không đánh dấu sự kết thúc của Cơ quan An ninh nội địa Ai Cập mà thậm chí đem lại quyền lực nhiều hơn nữa cho quan chức GID.

Trước mọi biến động ở Ai Cập, Murad Muwafi vẫn tiếp tục đóng giữ vai trò quan trọng của ông ta trong mọi chính sách đối nội cũng như đối ngoại của Ai Cập.

Đầu năm 2011, Muwafi là một trong những quan chức đầu tiên của Ai Cập được Mỹ tiếp xúc sau khi có tin SCAF trả tự do cho Muhamad al-Zawahiri - em trai của thủ lĩnh Al-Qaeda, Ayman al-Zawahiri - trong chương trình ân xá tù nhân chính trị. Chỉ vài ngày sau đó, người này bị bắt giữ trở lại.

Cũng trong khoảng thời gian đó, Muwafi là người trung gian trong "những cuộc đàm phán hòa hợp" giữa Hamas và Fatah, cũng như tham dự cuộc thảo luận với Hamas (gây lo ngại cho cả người Mỹ lẫn người Israel) về khả năng di dời trụ sở chính của tổ chức này từ Damascus đến Cairo. Nhưng, ít nhất cho đến nay, sự di dời này vẫn chưa trở thành hiện thực.

Muwafi cũng chính là người được tin cậy để làm trung gian trong chương trình trao đổi tù nhân giúp binh sĩ Gilad Shalit của Israel được Hamas trả tự do. Cho đến thời điểm này, Muwafi vẫn là cột trụ của chính quyền Ai Cập trong mọi vấn đề thời hậu Hosni Mubarak

Trang Thuần (tổng hợp)
.
.