Pakistan: Hủ tục Swara với “vật tế hiến" là những cô dâu nhí

Thứ Sáu, 09/08/2013, 20:30

Tuy mới chỉ 12 tuổi, nhưng cô bé Nazia đã phải sống trong mỏi mòn, sầu héo đến cùng cực. Khi mới lên 5 tuổi, cha của Nazia đã phải hứa gả em cho một ông già, một người không quen không biết, em trở thành "vật hiến tế" để bồi thường cho vụ án giết người mà chú ruột em đã gây ra.

Bi kịch của cô bé Nazia

Tuy mới chỉ 12 tuổi, nhưng cô bé Nazia đã phải sống trong mỏi mòn, sầu héo đến cùng cực. Khi mới lên 5 tuổi, cha của Nazia đã phải hứa gả em cho một ông già, một người không quen không biết, em trở thành "vật hiến tế" để bồi thường cho vụ án giết người mà chú ruột em đã gây ra.

Quyết định "hiến" con gái để trả nợ cùng 2 con dê và một mảnh đất do một hội đồng bô lão địa phương (jirga) tự tạo nên cái gọi là "hệ thống tư pháp" ở hầu hết các khu vực người dân du mục Pakistan và Afghanistan sinh sống, khu vực "vô chính phủ" này không tồn tại tòa án hoặc chẳng hề có tòa án đáng tin cậy nào. "Đêm ấy, có một gã đến lôi em đi". Nazia nói trong tiếng khóc nấc nghẹn ngào.

Nazia còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang xảy ra khi người đàn ông đó lôi em xềnh xệch vào trong bóng tối. Nhưng bởi vì sinh ra trên mảnh đất nơi phụ nữ không được phép biết những kẻ lạ, em đủ hiểu để nhận ra có chuyện gì thật tồi tệ đang xảy ra, "Em chống cự, gào khóc và cố nắm lấy then gài cửa", Nazia bàng hoàng nhớ lại.

Nazia bị đem đến hội đồng jirga, trưng ra trước mặt những gã đàn ông lạ hoắc như một món hàng, họ kiểm tra "chất lượng", rồi quyết định xem cô bé có đủ "tiêu chuẩn" để lấy làm vợ. Nazia nhớ lại những gã đàn ông đó cứ nhìn chằm chằm vào đôi mắt nâu sâu thăm thẳm, mái tóc đen dài của em -khoảnh khắc tủi nhục đó in hằn trong ký ức của Nazia mà những dòng nước mắt mặn mòi khó có thể xóa nhòa.

Bất đồng ý kiến, cha, bác, chú, cậu, anh, em trai của cô bé Nazia cãi nhau om sòm, có người cho rằng em hãy còn quá nhỏ để phải gả chồng. Tuy nhiên, trong một quyết định hiếm hoi, jirga đã đồng ý là cô bé không phải theo chồng ngay, do đó các bô lão đề nghị người chồng tương lai phải đợi… "mùa xuân chín".

Ngay cả lúc ở với những người phụ nữ trong gia đình, Nazia cũng mặc một bộ đồ chadar (trang phục dành cho phụ nữ Hồi giáo đã có chồng ở Pakistan) kín mít để tránh sẽ có gã nào đó "cạy cửa" đòi làm… chồng của cô bé một lần nữa…

Càng lớn lên, Nazia càng khiếp sợ bi kịch sắp xảy đến với mình. Cha mẹ em đã cố trì hoãn số phận của con gái mình, nhưng chẳng còn bao lâu nữa, chắc chắn vào năm em tròn 14 tuổi. Bởi vì lúc đó, hầu hết các cô dâu nhí đều phải mang bầu.

Sự tàn độc của hủ tục Swara

Có một tình tiết khiến cho số phận bi đát của những bé gái như Nazia càng trở nên bi thảm hơn, đó là: trở thành vật bồi thường tranh chấp bộ tộc - một phong tục có tên gọi là swara ở Pashtun - các bé gái luôn luôn  được dâng cho kẻ thù vì gia đình "mắc tội" - biểu tượng cho sự ô nhục của họ.

Theo truyền thống, việc bồi thường sẽ chấm dứt tranh chấp và khiến 2 gia đình đang có hiềm khích với nhau hòa hợp. Tuy nhiên, trong thực tế, cuộc hôn nhân như thế chỉ làm khổ đau các bé gái vô tội. Các cô gái lấy chồng theo tục swara sẽ trở thành mục tiêu của tất cả sự giận dữ và hận thù trong ngôi nhà mới của mình. Họ thường bị đánh đập, hành hạ về mặt tình cảm và có khi bị những người đàn ông khác nhau trong gia đình chồng hãm hiếp. Những cô dâu nhí này phải cay đắng cam chịu đớn đau, tủi nhục vì tội lỗi mà mình chẳng hề phạm phải.

Một hội đồng bô lão Jirga đang họp bàn.

Hủ tục swara là một hình thức trừng phạt tập thể vẫn còn tồn tại trong các khu vực dân du mục. Chú của bé Nazia - thủ phạm gây ra tội giết một người hàng xóm vì tranh chấp đất đai rồi bỏ trốn. Vì chú của Nazia chưa có con nên hội bô lão jirga đã quyết định bắt anh trai phải đền tội cho em ruột bằng cách... hy sinh con gái của mình.

Mặc dù bất hợp pháp, nhưng hủ tục ép buộc các bé gái phải kết hôn để giải quyết thù oán gia đình và bộ lạc vẫn xảy ra trên quy mô rộng khắp các tỉnh, thành của Pakistan. Năm 2012, theo báo cáo của các nhà báo và hoạt động xã hội Pakistan, mỗi ngày  ở Pakistan có 180 trường hợp trẻ em gái bị ép lấy chồng theo hủ tục swara. Nhưng có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn trường hợp không được biết đến.

Mohammad Ayub, một bác sĩ tâm lý trị liệu được đào tạo tại Vương quốc Anh đến từ Lahore. Nhiều cô dâu nhí tìm đến bác sĩ Ayub với những vết bầm tím, có khi có những em bị mù hoặc liệt, đây chính là ảnh hưởng của tình trạng sức khỏe tâm thần mà từ ngữ chuyên ngành gọi là "chứng rối loạn cải hóa" (ví dụ, rối loạn tâm lý vì phải chuyển từ môi trường sống này sang môi trường sống khác, cải đạo từ tôn giáo này sang tôn giáo khác...). Đó là một dạng căng thẳng tâm lý biểu hiện ở các bệnh lý về mặt thể chất gồm co giật, bại liệt hoặc co thắt từng cơn.

Bác sĩ Ayub chua chát cho hay: "Phụ nữ ở đây không có tiếng nói, đặc biệt các trẻ em gái. Chúng tôi cho nhập viện rất nhiều phụ nữ, mỗi ngày có 3-4 trường hợp có triệu chứng tương tự nhau ở trong bệnh viện của tôi và tôi nói rõ là mỗi ngày, các cô bé 13, 14 tuổi, tất cả đều đã có chồng."

Một gia đình can đảm dám phá bỏ hủ tục Swara

Không phải ông bố, bà mẹ nào ở Pakistan cũng nhẫn tâm đẩy con gái mình vào địa ngục trần gian. Mẹ của bé Mahnun, nạn nhân vô tội của một vụ tranh chấp đất, đã can đảm chống lại hội đồng jirga. Bà mẹ yêu con này gào lên khi nghe các bô lão jirga thông báo gia đình phải nộp Mahnun cho một kẻ lạ: "Chúng nó có thể chặt đầu tôi, nhưng chúng nó không thể mang con gái tôi đi. Tôi quyết không để cho chúng bắt con gái tôi".

Bị dồn đến bước đường cùng, gia đình Mahun phải tức tốc gói ghém đồ đạc, tư trang rồi vội vã chạy trốn trong đêm tối mịt mùng. Họ phải để lại tất cả điền sản, nhà cửa ở phía sau.

Hiện 4 thành viên trong gia đình của bé Mahnun đang sống trong một căn phòng tồi tàn, vá chằng vá đụp bằng nhiều loại vật liệu xây dựng cùng với một số hộ gia đình có hoàn cảnh éo le khác. Chẳng có điện, nhà vệ sinh tập thể chỉ là một cái hốc đất dơ dáy nằm trơ trọi giữa trời, chỉ có vài cái xô nhựa để đựng nước sinh hoạt và một cái chảo để phục vụ cho việc nấu ăn.

Cha của Mahnun từng làm tài xế để nuôi sống gia đình, nhưng giờ đây hợp đồng đã hết, ông đang thất nghiệp. "Chúng tôi đang phải vay tiền từ nhiều người để nuôi con. Chúng tôi đâu còn lựa chọn nào nữa", ông thở dài, rồi nói tiếp: "Chẳng có gì quan trọng hơn đối với vợ chồng tôi bằng 2 cô con gái và cuộc sống của chúng".

Mẹ của Mahnun cho biết: "Ngày qua ngày chúng tôi sống trong sợ hãi. Điều gì sẽ xảy đến nếu như bọn họ tìm ra chúng tôi?", bà mẹ này phải đến trường cùng con và đợi cho đến khi 2 đứa tan trường trở về nhà. Khi lên 10 tuổi, Mahnun học lớp 7 (tương đương với lớp 5 ở Việt Nam) và mơ ước mai này lớn lên em sẽ trở thành một vị thẩm phán. "Em sẽ cấm hủ tục swara và em sẽ đưa những gã đàn ông làm việc đó vào tù", cô bé Mahnun nói, giọng tràn đầy tự tin

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.