Pakistan phát triển ứng dụng chống chủ nghĩa cực đoan trực tuyến

Thứ Ba, 06/03/2018, 13:19
Trong nỗ lực chiến đấu chống lại sự lan truyền chủ nghĩa cực đoan thánh chiến trên Internet, chính quyền Pakistan đã có động thái phát hành một ứng dụng cho phép mọi công dân báo cáo về các trang web phổ biến nội dung cực đoan và ngôn từ thù địch.

Ứng dụng gọi là Surfsafe được phát triển bởi Cơ quan Quốc gia chống khủng bố (NACTA) của Pakistan và hoạt động trên cả 2 nền tảng iOS và Android. NACTA là cơ quan chính quyền chịu trách nhiệm thiết kế những sách lược chống khủng bố của Pakistan.

Ehsan Ghani, Giám đốc NACTA, phát biểu với giới truyền thông nước ngoài: “Những quy định luật pháp chặt chẽ chống tội phạm mạng tuyệt đối cần thiết trong bối cảnh chủ nghĩa cực đoan đang phổ biến mạnh trên Internet như hiện nay. Surfsafe chính là bước đi cần thiết theo hướng này. Điều không may là, người dân thường bị cuốn hút vào hệ tư tưởng cực đoan mà bản thân không hề nhận biết. Thông qua ứng dụng di động, chúng tôi muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo đồng thời phong tỏa những nội dung trực tuyến liên quan đến chủ nghĩa cực đoan”.

2 thành viên nhóm Tehreek-e-Taliban Pakistan bị bắt giữ tại thành phố Karachi vào tháng 1-2013.

Theo Ehsan Ghani, nhiều nhóm chiến binh và giáo phái cực đoan đang tích cực hoạt động trực tuyến tại Pakistan bất chấp những quy định luật pháp chặt chẽ chống tội phạm mạng của nước này. Giới chức chính quyền Pakistan hy vọng Surfsafe sẽ giúp ngăn chặn các trang web tuyên truyền tư tưởng cực đoan một cách hiệu quả.

Surfsafe là một phần bổ sung cho Kế hoạch Hành động Quốc gia (NAP) - sách lược 20 điểm triệt phá khủng bố và tư tưởng cực đoan được Chính phủ Pakistan phê chuẩn từ năm 2015. Với sự ra đời của NAP, các nhóm chiến binh cực đoan không được phép sử dụng Internet làm công cụ tuyên truyền đưới bất cứ hoàn cảnh nào. Giới chuyên gia truyền thông xã hội ở Pakistan nhận định rằng biện pháp hạn chế tối đa sự hiện diện của bọn khủng bố trên Internet là hết sức cấp thiết bởi vì các mạng của chúng đang ngày càng trở nên tinh vi hơn trong những năm gần đây.

Shahzad Ahmad, Giám đốc Bytes for All - tổ chức bảo vệ quyền kỹ thuật số của Pakistan - bình luận: “Các nhóm chiến binh cực đoan sẵn sàng bỏ tiền ra thuê dụng những nhóm hacker cho nhiệm vụ phá hoại nền dân chủ, quấy rối chính trường và phá hoại các quyền cơ bản trên không gian mạng”.

Nighat Dad, nữ Giám đốc điều hành Digital Rights Foundation (DRF - tổ chức phi chính phủ Pakistan trợ giúp mọi người đối phó với sự quấy rối trực tuyến), cho rằng chủ nghĩa cực đoan lan truyền trên Internet cũng là vấn đề nghiêm trọng trên toàn cầu. Bà nhận định: “Vấn đề trở nên phức tạp hơn ở Pakistan do chính quyền nước này thiếu ý chí chính trị để xử lý nó”.

Theo Bytes for All, bất chấp mọi sáng kiến chống khủng bố và luật chống tội phạm mạng của chính quyền Pakistan, các nhóm chiến binh cực đoan vẫn tiếp tục tiếp cận với hàng triệu người dùng Internet ở nước này một cách dễ dàng thông qua những nền tảng công nghệ cao của chúng.

Năm 2017, cuộc điều tra chi tiết được công bố trên nhật báo tiếng Anh Dawn tiết lộ 41 trong số 64 tổ chức khủng bố bị cấm hoạt động - bao gồm: Tehreek-e-Taliban Pakistan, Jamaat-ul-Ahrar, Sipah-i-Sahaba và Ahle Sunnat Wal Jamaat - song vẫn công khai tồn tại trên mạng xã hội và thậm chí thu hút đến hàng triệu người theo dõi trên Facebook và Twitter!

Theo báo cáo, các trang của bọn chúng thường xuyên cập nhật những hình ảnh và video bằng tiếng Urdu với mục đích tuyên truyền và tuyển mộ chiến binh. Năm 2017, chính quyền Pakistan chính thức yêu cầu các công ty công nghệ khổng lồ như Facebook và Twitter khóa những trang quảng bá sự thù địch, bạo lực và báng bổ chính quyền.

Ehsan Ghani lập luận: “Để ứng dụng Surfsafe hoạt động hiệu quả, chính quyền cũng cần tiếp tục làm việc với các nền tảng xã hội để xóa những trang và tài khoản liên quan đến bạo lực và thù địch. Đây là vấn đề an ninh quốc gia của chúng ta”.

Các đại diện của Google, Microsoft, Facebook và Twitter bàn luận về các nỗ lực chống chủ nghĩa cực đoan trên Internet tại Italia, ngày 20-10-2017.

Năm 2017, Twitter thông báo nền tảng đã xóa 376.890 tài khoản trên toàn cầu do hành vi quảng bá bạo lực và tư tưởng khủng bố. Theo Cơ quan Quản lý viễn thông Pakistan (PTA), khoảng 51 triệu trong số 190 triệu dân nước này có điều kiện sử dụng Internet. Do đó, giới chức Islamabad lo ngại giới trẻ Pakistan dễ bị nhiễm tư tưởng cực đoan.

Ví dụ hồi tháng 4-2017, chính quyền Pakistan bắt giữ một phụ nữ trẻ tên là Naureen Laghari âm mưu tấn công khủng bố vào dịp lễ Giáng sinh ở Lahore thuộc tỉnh Punjab miền bắc nước này. Người phụ nữ trẻ này được tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyển mộ thông qua các nền tảng xã hội và được cho là đã đến Syria để được huấn luyện.

Diên San (tổng hợp)
.
.