Peru thay đổi chiến thuật phòng chống ma tuý

Thứ Ba, 22/05/2007, 14:45
Thương thảo với những nông gia trồng coca không mang lại hiệu quả, chính quyền Peru thay đổi chiến thuật. Họ áp dụng biện pháp mạnh, sử dụng cả chiến đấu cơ và oanh tạc cơ tấn công trực diện vào cơ sở chế biến cocaine do các tập đoàn ma túy thiết lập trong vùng rừng rậm...

Nếu cần phải có một bảng xếp hạng về những hiểm họa ma túy trên thế giới thì vị trí đầu bảng phải thuộc về Colombia, đất nước Nam Mỹ với những tập đoàn ma túy khổng lồ, hàng năm tuồn ra thế giới hàng trăm tấn cocaine, đủ để hủy hoại đời sống của hàng chục triệu người. Song gần đây, Peru cũng nổi lên là một đất nước nóng bỏng về ma túy chẳng kém Colombia.

Theo tập quán do lịch sử để lại, ở Peru và một số nước Nam Mỹ khác, lá cây coca được cư dân bản địa sử dụng trong đời sống có tác dụng về mặt sức khỏe. Họ thường nhai sống lá để tăng cường sức lao động hàng ngày. Nhưng khi khoa học kỹ thuật tiến bộ, tinh chất cocaine được trích xuất từ thứ lá trên đã đặt cả thế giới vào một cuộc chiến khắc nghiệt chống lại hiểm họa khôn lường do chúng tạo ra.

Chính phủ Peru một mặt phải thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng của thế giới trong việc ngăn chặn “cái chết trắng” đang lan tràn, một mặt phải tôn trọng nhu cầu sử dụng lá coca theo truyền thống của cư dân bản địa.

Những thập niên cuối thế kỷ XX, chính quyền nước này cho phép trồng một diện tích cây coca nhất định, mỗi năm cung cấp gần 10.000 tấn lá. Tuy nhiên, trên thực tế, ngày nay số lá coca do đất nước Nam Mỹ này sản xuất đã lên đến 100.000 tấn/năm, tức gấp hơn 10 lần mức cho phép.

Theo các số liệu chính thức từ Bộ Nội vụ Peru, hiện nay nước này sản xuất 1/3 tổng số lá coca tại Nam Mỹ. Diện tích trồng coca không lớn so với trước, vào khoảng 120.000 hécta so với 445.000 hécta của những năm 80 thế kỷ XX, song với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, năng suất của cây coca hiện nay cao hơn trước rất nhiều.

Trong 14 vùng trọng điểm trồng coca trên cả nước Peru, lượng lá thu hoạch được lên đến 110.000 tấn mỗi năm, đủ để tinh chế ra 180 tấn cocaine.

Điều làm cho nhà cầm quyền Peru lo ngại là sau những chiến dịch phối hợp hành động có hiệu quả giữa lực lượng phòng chống ma túy Mỹ và Colombia, những kẻ buôn lậu ma túy, chủ yếu là các tập đoàn ở Mexico, đã chuyển địa bàn hoạt động sang Peru. Chúng trực tiếp móc nối với các nông dân, mua lá coca với giá cao, đồng thời thiết lập ngay trong rừng rậm Peru những cơ sở tinh chế cocaine quy mô lớn có đủ hạ tầng cơ sở như nhà máy chế biến, phòng thí nghiệm, đường băng cho máy bay nhỏ đáp xuống...

Song song với việc mở rộng hoạt động gây ra những hậu quả khó lường, các tập đoàn này phát động chiến dịch khủng bố nhắm vào các cá nhân, tổ chức, trực tiếp tham gia công cuộc phòng chống ma túy tại Peru.

Tháng 7/2006, một thẩm phán Peru đang thụ lý vụ án liên quan đến các thành viên của một tập đoàn ma túy Mexico đã bị sát hại. Tháng 3 vừa qua, một phóng viên vô tuyến truyền hình phụ trách mảng chống tham nhũng và tội phạm, bị giết trước mặt vợ con ông.

Một thẩm phán khác là bà Sonia Medina, có chồng và hai con, thường xuyên nhận được những tin nhắn đe dọa mạng sống khiến cho bà phải luôn đi ra đường với sự bảo vệ của từ 1 đến 3 cận vệ. Nhưng đến khi bọn tội phạm ma túy bắt đầu giở đến ngón đe dọa sự an toàn của chính con gái bà thì Medina hoảng sợ thật sự.

Những diễn biến trên đặt nhà cầm quyền Peru trước một thử thách lớn. Họ đề ra nhiều phương án để cân nhắc, lựa chọn.

Hái lá Coca trên cánh đồng.

Trước tiên, Bộ trưởng Nông nghiệp - ông Juan Jose Salazar, đi thương thảo trực tiếp với những nông gia trồng coca với khối lượng lớn, song biện pháp này bị các tổ chức chính trị đối lập và các chuyên gia về ma túy chỉ trích nặng nề vì đã không mang lại chút hiệu quả nào. Cuối cùng, chính quyền Peru đã buộc phải thay đổi chiến thuật.

Họ áp dụng biện pháp mạnh, sử dụng cả chiến đấu cơ và oanh tạc cơ tấn công trực diện vào cơ sở chế biến cocaine do các tập đoàn ma túy thiết lập trong vùng rừng rậm. Công việc này không dễ dàng gì, nhất là đòi hỏi những khoản kinh phí khổng lồ, song dưới áp lực của Mỹ, nước gánh chịu hậu quả nặng nhất của ma túy từ Nam Mỹ chuyển sang, và cộng đồng thế giới, đây là sự chọn lựa khả dĩ.

Những tín hiệu ban đầu cho thấy Peru đang đạt được những kết quả nhất định trong việc tận diệt hạ tầng cơ sở chế biến ma túy của bọn tội phạm. Tuy nhiên, có thể trong một tương lai gần, nước này phải đối mặt với những hành vi khủng bố, phá hoại của bọn trùm ma túy để trả đũa việc chính quyền có biện pháp mạnh với chúng.

Trong những ngày sắp tới, Tổng thống Peru Alan Garcia sẽ bay sang Mỹ nhằm đạt được một thỏa ước mậu dịch tự do (FTA) với Washington. Và chắc chắn rằng trên bàn thương nghị của Tổng thống Mỹ G.Bush và Tổng thống Peru Garcia, không thể không có những tập hồ sơ dày về công cuộc phòng chống ma túy đầy cam go mà đất nước Peru đang thực hiện

Lê Nguyễn (tổng hợp)
.
.