Phá vỡ sự im lặng về hành vi “giết người vì danh dự”

Thứ Ba, 03/11/2009, 15:30
Năm 17 tuổi, Zena đã chạy trốn một cuộc hôn nhân do gia đình áp đặt và sau đó người mẹ Bangladesh của cô phán quyết cô có thể được phép tự sát thay vì bị giết chết vì tội làm mất danh dự gia đình. Zena sinh trưởng ở Anh và là người Anh gốc châu Á thuộc thế hệ thứ hai.

Câu chuyện thứ 2: Heshu Yones, 16 tuổi, sống ở tây London bị chính cha ruột đâm chết vì lý do cô có bạn trai làm gia đình mang tiếng xấu! Hành vi bạo lực chống lại phụ nữ như thế là điều rất thực và danh sách những phụ nữ bị sát hại nhân danh "danh dự gia đình" đang ngày càng kéo dài ra thêm.

Cảnh sát ước tính có ít nhất 12 phụ nữ bị giết chết mỗi năm tại nước Anh - đó là chưa kể đến những vụ bị ép buộc tự sát hay giết người rồi tạo hiện trường giả như tự sát. Những phụ nữ gốc Pakistan, Ấn Độ và Bangladesh có tuổi từ 18 đến 24 trở thành nạn nhân của hành vi "giết người vì danh dự" chiếm đa số. Trước tình hình đó, nhiều tổ chức bảo vệ phụ nữ đã nhanh chóng ra đời.

Như tổ chức Henna Foundation đặt trụ sở ở Cardiff hay tổ chức từ thiện gọi là Karma Nirvana ở Derby của Jasvinder Sanghera - một nạn nhân của hôn nhân cưỡng bức và cô đã thành lập tổ chức sau khi em gái Robina buộc phải tự sát để thoát khỏi cuộc hôn nhân đau khổ không tình yêu.

Sau khi mở dịch vụ điện thoại tư vấn và thông tin trong tháng 4/2008, Karma Nirvana nhận được 4.000 cuộc điện thoại ngay trong năm đầu tiên và hiện nay là 300 cuộc gọi mỗi tháng từ những phụ nữ bị đe dọa tính mạng vì dám làm mất "danh dự" gia đình.

Số phụ nữ này thường là nạn nhân của hôn nhân cưỡng bức. Theo Jasvinder Sanghera, khoảng 3% phụ nữ chạy trốn hôn nhân cưỡng bức ở Anh và sau đó họ phải sống chui nhủi trong sợ hãi và còn bị cộng đồng của họ lẫn bạn bè ruồng bỏ và truy sát đến cùng!

Thanh tra trưởng cảnh sát London Gerry Campbell - lãnh đạo đơn vị chống tội phạm bạo lực và chỉ huy nhiều cuộc điều tra về hành vi bạo lực liên quan đến "danh dự" - cho biết ông đã gặp rất nhiều bi kịch như trường hợp của Banaz Mahmod.

Cô gái 19 tuổi gốc người Kurd này đã tìm đến cảnh sát 5 lần khi sự sống của mình bị đe dọa nhưng luôn từ chối sự bảo vệ của cảnh sát và cuối cùng cô đã bị chính gia đình giết chết năm 2006 ngay tại nhà riêng của cô ở Surrey. Theo cơ quan điều tra, Banaz bị chính người đàn ông mà cô bị gia đình ép buộc lấy làm chồng cưỡng bức, đánh đập.

Chị gái của cô, Bekhal, cũng bỏ trốn khỏi nhà vì sợ tính bạo lực của cha và sau đó gia đình bắt đầu coi Mahmod Mahmod như là người cha không kiểm soát được hai cô con gái. Do nhục nhã không chịu nổi nên Mahmod Mahmod cho họp gia đình để bàn cách giết chết Banaz và bạn trai mới của cô.

Sau vụ án mạng này Mahmod Mahmod bị cảnh sát bắt giữ và buộc tội. Thanh tra trưởng Gerry Campbell cho biết trong nhiều trường hợp hành vi "giết người vì danh dự" xảy ra trong những gia đình nhập cư ở thế hệ thứ 3 hay thứ 4 hơn là những gia đình mới nhập cư vào Anh.

Campbell nói: "Chiếm đa số trong những nạn nhân của bạo lực liên quan đến danh dự gia đình là phụ nữ trẻ. Tuy nhiên chúng tôi cũng đang chứng kiến ngày càng có nhiều vụ giết người như thế xảy ra với cả nam giới trẻ tuổi. Những vụ án mạng liên quan đến danh dự rất phức tạp và không dễ điều tra. Bởi vì hung thủ chính là thành viên trong gia đình cho nên họ không sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra...

Tuy nhiên, nhờ những cuộc vận động chống lại hành vi bạo lực và giết người vì danh dự nổ ra rầm rộ nên rất nhiều vụ được xử lý đến nơi đến chốn. Ví dụ như trường hợp Shabir Hussain bị kết án tù 6 năm rưỡi vì tội lái xe cán chết người cháu và em dâu Tasleem Begum 20 tuổi của ông ta.

Tasleem bị giết chết chỉ vì cô phải lòng một nam đồng nghiệp đã có vợ. Tuy nhiên bản án dành cho Shabir Hussain vì tội "ngộ sát" đã bị các tổ chức bảo vệ phụ nữ phản đối dữ dội. Diana Nammi, lãnh đạo Tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ người Kurd và Iran ở London, tích cực khuyến khích phụ nữ tìm kiếm sự giúp đỡ của tổ chức khi họ gặp nguy hiểm.

Vụ giết chết Banaz cũng nằm trong im lặng nhưng bây giờ thì sự im lặng này đã bị phá vỡ. Đây không là vấn đề văn hóa, tôn giáo hay giáo dục bởi vì những vụ án đã xảy ra ngay trong những gia đình có giáo dục. Không phải một người mà là nhiều người gây nguy hiểm cho phụ nữ và đôi khi  phụ nữ chính là nạn nhân lại không đánh giá đúng mối nguy hiểm hướng đến mình.

Phụ nữ trẻ ở Anh gặp nguy cơ cao bởi vì họ trưởng thành tại đây, muốn thích nghi và sống trong xã hội hiện đại. Họ muốn tự do yêu đương. Họ không muốn mặc trang phục truyền thống, điều mà các gia đình truyền thống không bằng lòng.

Trước vụ án Heshu, hành vi giết người vì danh dự không bị coi là một trọng tội và hung thủ có thể nhận được sự khoan dung trong xét xử do tính nhạy cảm văn hóa. Nhưng bây giờ thì không có sự gia giảm hình phạt nữa. Trong vụ án Banaz, thẩm phán tuyên bố nếu đây là văn hóa thì văn hóa cần được thay đổi và không thể buộcphụ nữ phải hy sinh vì văn hóa này.

Bạo lực liên quan đến danh dự có thể được coi là một vấn đề xã hội - kinh tế. Theo các chuyên gia, có một mối tương quan chặt chẽ giữa bạo lực chống phụ nữ và những vấn đề như là sự bất bình đẳng giữa những người đàn ông. Trong những cộng đồng nghèo khổ, ở đó đàn ông cố hết sức để kiếm tiền và họ muốn được tỏ uy quyền đối với bất cứ ai thấp kém hơn họ mà thường đó chính là phụ nữ.

Ở Pakistan, hành vi giết người vì danh dự được gọi là "karo-kari", và mỗi năm có hơn 10.000 phụ nữ bị giết chết. Ở Syria, đàn ông có thể giết chết phụ nữ mang tội yêu đương tự do.

Tại Jordan, đàn ông được luật pháp cho phép giết vợ nếu bắt quả tang cô ấy ngoại tình. Những vụ giết người như thế này thường được luật pháp bảo vệ hoàn toàn hay một phần tại một số quốc gia như là Argentina, Iran, Guatemala, Ai Cập, Israel và Peru

Diên San (theo Observer)
.
.