Phản công lại IS trên không gian mạng

Thứ Năm, 19/04/2018, 14:15
Internet là mặt trận đối đầu căng thẳng giữa chính quyền các nước phương Tây và chiến binh Hồi giáo cực đoan. Chính quyền Pháp tích cực phát động chiến dịch phản tuyên truyền của riêng nước này trên Internet để chống lại âm mưu cực đoan hóa giới trẻ của IS cũng như các tổ chức khủng bố nguy hiểm khác.

Chiến dịch trực tuyến của chính quyền Pháp, bao gồm một đơn vị quân đội gồm các chuyên gia an ninh mạng, nhằm mục đích chống lại làn sóng chiêu mộ tân binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đồng thời ngăn chặn giới trẻ Pháp bay đến Syria hay Iraq để tham gia thánh chiến.

Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định các biện pháp phản tuyên truyền chống khủng bố của chính quyền Pháp không dễ thuyết phục được những thanh niên có nguy cơ bị lôi kéo vào chủ nghĩa cực đoan nhất trong xã hội. Trong chiến dịch thông tin phản công lại IS, chính quyền Mỹ sử dụng tên gọi bằng tiếng Ảrập là Daesh cho tổ chức phiến quân Hồi giáo này.

Chiến dịch phản tuyên truyền của Pháp

Hiện nay, người ta vẫn chưa nắm rõ được có tất cả bao nhiêu người ủng hộ IS trên Twitter hay Facebook nhưng ấn tượng chung là phiến quân đang cố gắng tuyên truyền cho sức mạnh của bọn chúng ở Syria và Iraq. IS đưa lên Twitter những hình ảnh về cuộc thảm sát máu lạnh của chúng đối với những binh sĩ Iraq và nhiều thông điệp khác tập trung vào hoạt động xã hội của tổ chức tàn bạo – hình ảnh về những người ủng hộ bọn chúng đang vào mùa thu hoạch hay phân phát thực phẩm.

Binh sĩ Pháp được tăng cường trên đường phố sau những vụ tấn công khủng bố ở Paris.

Chiến dịch tuyên truyền toàn cầu của IS tập trung vào 2 mục đích chính – khiêu khích Mỹ và đồng minh, đồng thời tuyển mộ chiến binh mới bên ngoài khu vực Trung Đông. Và, cả hai mục đích này của IS có vẻ như đã thành công.

Ví dụ, các video kinh khủng cho thấy cảnh chặt đầu 2 nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff và sau đó là 2 nhân viên cứu trợ David Haines và Alan Henning đã buộc phương Tây phải quay lại cuộc chiến trong khu vực. Tham vọng tuyên truyền của IS càng lộ rõ khi chúng lập ra một phương tiện thông tin gọi là “Trung tâm Truyền thông Al Hayat” (không nên nhầm lẫn với tờ báo Al-Hayat của Ảrập) chủ yếu nhắm vào những khán giả trẻ tuổi. Nhưng, hiện nay không ai biết được nhân lực của “Trung tâm” này là bao nhiêu người.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định IS sẽ thua trên mặt trận thông tin vì chính cỗ máy tuyên truyền của chúng. Vụ hành quyết man rợ Alan Henning của IS đã bị cả thế giới lên án. Vụ việc chứng minh IS là tổ chức vô nhân đạo và không phải Hồi giáo.

Một hình ảnh của IS trên Facebook.

Thời gian gần đây, chính quyền Pháp tiết lộ trang web “stop-djihadisme.gouv.fr” để cung cấp thông tin về nỗ lực cực đoan hóa giới trẻ và tuyên truyền thánh chiến của bọn khủng bố, đồng thời những đường liên kết sẽ dẫn đến một video dài 2 phút thể hiện những hình ảnh hiện thực kinh khủng về IS.

Theo nhật báo Le Monde, đơn vị phản tuyên truyền trên Internet của quân đội Pháp bao gồm khoảng hơn 50 chuyên gia. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Pháp không tiết lộ chi tiết về chiến dịch. Pháp có số thanh niên đông đảo nhất ở châu Âu – khoảng 1.000 người trong độ tuổi từ 18 đến 29 - được cho là rời khỏi đất nước với mục đích tham gia thánh chiến Hồi giáo.

Theo một báo cáo từ Viện Nghiên cứu An ninh Liên minh châu Âu (UEISS), 70% cư dân Internet trẻ tuổi tích cực của châu Âu trong cùng độ tuổi nói trên sử dụng các mạng xã hội đều đặn hàng ngày và có mặt trực tuyến trung bình hơn 19 giờ mỗi tuần. 

Những con số thống kê này đã thúc giục chính quyền Pháp nhanh chóng tiến hành vài chiến dịch cụ thể để nhổ bỏ gốc rễ cực đoan khủng bố trong lòng nước này. Chính quyền Pháp hy vọng chiến dịch phản tuyên truyền nhắm mục tiêu vào giới trẻ dễ bị lôi kéo vào chủ nghĩa cực đoan có thể kéo giảm đáng kể số lượng thanh niên có ý định bay đến Syria hay Iraq để được huấn luyện thành chiến binh.

Tuy nhiên, nhiều người đang nghi ngại tính hiệu quả của chiến dịch nếu như không có sự trợ giúp tích cực từ các công ty tư nhân và người dân. Các biện pháp có thể bao gồm giám sát nội dung tuyên truyền cực đoan, truy cập vào các diễn đàn để nhận dạng những phần tử khủng bố chịu trách nhiệm chiêu mộ tân binh phục vụ thánh chiến và phát tán nội dung chống khủng bố của quân đội Pháp.

Các nhóm khủng bố đang nỗ lực tăng cường sử dụng Internet và các mạng xã hội để quảng bá thánh chiến toàn cầu và IS còn cho xuất bản tạp chí trực tuyến chính thức của tổ chức có tên gọi Dar al-Islam hồi tháng 12-2014. Các kỹ thuật chống khủng bố truyền thống đã chứng tỏ hiệu quả trong quá khứ cũng có thể tiếp tục phát huy sức mạnh của chúng trong tình hình hiện nay.

Ngoài nỗ lực phản tuyên truyền, chiến dịch trực tuyến của chính quyền Pháp còn giúp ngăn chặn hoạt động tội phạm phát tán hình ảnh khiêu dâm cũng như nội dung tuyên truyền cho chủ  nghĩa Quốc xã trên Internet. Patryk Pawlak, chuyên gia phân tích kỳ cựu của EUISS, cho biết: “Một số giải pháp có thể bao gồm – tháo gỡ nội dung hay các trang web dung túng cho hoạt động khủng bố, rà soát các tên miền, lọc cỗ máy tìm kiếm hay xóa bỏ những địa chỉ IP nằm trong danh sách đen”.

Francois-Bernard Huyghe, giám đốc nghiên cứu Viện Đối ngoại và Chiến lược (IRIS) đặt trụ sở tại Pháp, lập luận: “Vấn đề là video phản tuyên truyền của chính phủ nhắm đến những thanh niên có ý định bay đến Syria hay Iraq. Nhưng, họ không tin vào những gì mà chính quyền, thầy giáo hay truyền thông nói với họ. Liệu họ có tin vào nguồn gốc của video hay không?”.

Hơn nữa, còn có những giới hạn mà chính quyền cần phải tính đến như là tính bao la vô tận của Internet. Ví dụ, video phản tuyên truyền chỉ có thể được lan truyền thông qua các trang mạng xã hội của chính quyền trên những nền tảng như là Twitter hay Facebook, do đó chỉ có một số lượng độc giả nào đó truy cập.

Theo Patryk Pawlak, để cho chiến dịch phản tuyên truyền trực tuyến của quân đội Pháp đạt hiệu quả cao, điều cần thiết là phải có sự hợp tác chặt chẽ với người dân và cơ quan hành pháp, bởi vì công dân có thể trở thành nguồn cung cấp thông tin có giá trị cho chính quyền nếu tình cờ phát hiện nội dung đáng nghi ngờ nào đó. Như trường hợp nền tảng “Pharos” của Pháp kêu gọi người dân báo cáo về những nội dung vi phạm pháp luật.

Thực trạng tuyên truyền chống IS của Mỹ và đơn vị chống khủng bố của Anh

Tướng Hải quân Mỹ về hưu John R. Allen nhận định IS sở hữu cỗ máy tuyên truyền cực kỳ hiệu quả. Trong khi đó, Mỹ và đồng minh không có tiến bộ nào đáng kể khi theo đuổi chiến dịch thông tin chống lại IS so với kết quả mà những cuộc không kích dồn dập đem lại. John Allen thúc bách các quốc gia tham dự cuộc họp báo – bao gồm các quốc gia Vùng Vịnh, các đối tác khu vực Trung Đông, Pháp và Anh – tăng cường mọi nỗ lực đối phó với cỗ máy tuyên truyền mạnh mẽ của IS.

IS đưa những hình ảnh chiến thắng lên Twitter.

Tuy nhiên, nếu như liên minh đạt đến sự nhất trí cần phải hành động thì sự phối hợp sẽ diễn ra như thế nào vẫn còn chưa có câu trả lời cuối cùng.

John Allen kêu gọi: “Tôi hết lòng khuyến khích tất cả chúng ta  đề xuất các kế hoạch hành động thật rõ ràng, trực tiếp và nhanh chóng để chống lại cỗ máy tuyên truyền của Daesh trên không gian mạng và cả trên phương tiện truyền thông. Phản ứng của chúng ta phải linh hoạt, nhanh nhẹn đồng thời phù hợp với những sự kiện đang diễn ra trên chiến trường, trong xã hội cũng như các lĩnh vực chính trị trước những thách thức từ phía IS”.

John Allen cũng nhận định một phần của vấn đề hiện nay nằm ở bộ máy quan liêu của chính quyền Mỹ. Khi IS tung lên trang xã hội YouTube một video cho thấy cảnh chiến binh của tổ chức khoe khoang những thùng vũ khí mà chúng thu giữ được sau khi máy bay Mỹ thả hàng tiếp tế nhầm, Lầu Năm Góc phải mất trọn 2 ngày để xác định tính xác thực của thông tin rồi mới có phản ứng! Lãnh đạo ban báo chí Lầu Năm Góc – thiếu tướng John Kirby – từ chối bình luận chi tiết về phản ứng của cơ quan trước thông điệp kêu gọi chống IS trên mặt trận thông tin của tướng John Allen, nhưng cho biết nỗ lực như thế đang diễn ra âm thầm!

Phillip Smyth kêu gọi Washington cần tấn công IS bằng cả hai tài khoản Twitter chính thức và không chính thức cũng như các phương tiện truyền thông khác đồng thời nhấn mạnh Nga, Iran và Trung Quốc hoạt động khá hiệu quả trên mặt trận này. Phillip Smyth là nhà nghiên cứu Đại học Maryland, chuyên gia về các nhóm cực đoan và có nhiều bài viết về các nhóm chiến binh Shia trên blog Hizballah Cavalcade. Trong cuộc họp báo ở Kuwait, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Richard Stengel cũng tuyên bố “cần có một liên minh thông tin để bổ sung cho liên minh quân sự”.

Hình ảnh trong “phim tài liệu” dài 1 giờ tựa “Ngọn lửa Chiến tranh” của IS.

Chính quyền Anh cũng tích cực trong cuộc chiến trực tuyến nhằm ngăn chặn những nội dung cực đoan, với một bên là đội chuyên gia của Sở Cảnh sát London (Anh) còn bên kia là các chiến binh cực đoan Hồi giáo ở Syria, Iraq và những nơi khác thường xuyên đưa lên Internet những video tuyên truyền mà trong đó ghê tởm nhất là hình ảnh chặt đầu con tin.

Một chuyên gia giấu tên trong Đội Chống khủng bố Trực tuyến (CTIRU) của Sở Cảnh sát London cho biết về những thách thức của công việc có thể gọi là “mèo vờn chuột” này: “Chúng tôi gỡ xuống những nội dung độc hại, và rồi bọn chúng tiếp tục đưa thêm những thứ rác rưởi lên. Chúng tôi dễ dàng kiệt sức vì cứ liên tục nhìn thấy những hình ảnh kinh khủng. Điều chúng tôi không muốn là nhìn thấy giới trẻ tiếp xúc với những nội dung cực đoan trên Internet để rồi sau đó chia sẻ với nhau ngay trong trường học thông qua các nền tảng trực tuyến”.

Mỗi thành viên của đội được giao nhiệm vụ xử lý một nhóm thánh chiến trực tuyến khác nhau để có thể nắm bắt được cách phản ứng của chúng – cụ thể là bọn chúng đưa lên mạng các video như thế nào và ở đâu – và sau đó nhanh chóng gỡ bỏ. Chuyên gia giải thích: “Các nhóm thánh chiến trực tuyến này biết được đang bị chúng tôi săn đuổi ráo riết cho nên chúng thường xuyên di chuyển từ nền tảng này sang nền tảng khác. Chúng tôi biết nỗ lực của chúng tôi đạt hiệu quả bởi vì chúng thường để lại thông điệp cho biết sự di chuyển sang nền tảng khác”.

Về phần mình, chính quyền Canada cũng nối gót Pháp và Mỹ trong nỗ lực phản tuyên truyền chống IS với dự án gọi là Extreme Dialogue đưa lên Internet những đoạn phim và thông tin giáo dục giới trẻ tránh xa sự dụ dỗ của chủ nghĩa cực đoan.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.