Phận đời những phụ nữ xách thuê ma túy: Cạm bẫy nghiệt ngã

Thứ Năm, 06/11/2014, 07:05

Theo các điều tra viên Phòng PC47 Công an Hà Nội, quá trình tiếp xúc, hỏi cung  ban đầu, những phụ nữ là người nước ngoài vận chuyển trái phép ma túy qua đường hàng không lại quan tâm đến việc: "Nếu được trả tự do thì ai sẽ trả tiền mua vé cho tôi về nước?". Dường như cái nghèo  đã khiến họ chỉ lo đến tiền bạc mà "quên" mất chính họ đang phải đối mặt với những mức án cao nhất theo luật pháp Việt Nam. Âu cũng là số phận đáng thương của những phụ nữ  dám đánh cược cả tính mạng của mình để  tìm cơ hội thoát nghèo trên những chuyến bay.

Thống kê của lực lượng phòng chống ma túy Hà Nội, từ năm 2012 đến nay, tại sân bay quốc tế Nội Bài, đã phát hiện 10 vụ án liên quan đến người nước ngoài  vận chuyển trái phép ma túy qua đường hàng không, trong đó có tới 9 vụ với 9 đối tượng  là phụ nữ có quốc tịch châu Á. Đa phần những người phụ nữ xách thuê ma túy đều có hoàn cảnh khó khăn, quá trình tìm việc làm ở nước ngoài đã bị các đối tượng người gốc Phi dụ dỗ, lôi kéo, thậm chí ép buộc vận chuyển ma túy cho chúng.

Giá đắt khi tìm cơ hội việc làm ở nước ngoài

Triwening Puji Astuti (27 tuổi), quốc tịch Indonesia, là một trong số phụ nữ ít tuổi nhất bị cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ khi vận chuyển thuê ma túy tổng hợp vào Việt Nam vào đầu tháng 9 vừa qua. Trước khi bị bắt, Astuti là một cô gái thông minh, yêu đời. Cảnh sát Việt Nam đã thu được một cuốn sổ tay ghi chép nắn nót các bài hát tiếng Anh mà Astuti luôn mang theo bên mình trong các chuyến  xách thuê ma túy.

Astuti là con thứ 2 trong một gia đình nông dân ở đảo Java, Indonesia. Nhà nghèo,  chỉ được học hết cấp 3 nhưng  Astuti rất ham học, nhất là môn tiếng Anh. Cô luôn ước mơ được đi du lịch các nước trên thế giới. Năm 2008, Astuti đến đảo Bali - nơi được mệnh danh là thiên đường nghỉ dưỡng, làm lễ tân cho một khách sạn. Công việc  giúp cô gái trẻ trau dồi vốn tiếng Anh nhiều hơn. Năm 2013, Astuti chuyển sang làm giúp việc cho các gia đình người nước ngoài sinh sống trên hòn đảo xinh đẹp này.

Trong thời gian làm giúp việc, Astuti quen cô bạn Rini cũng làm giúp việc như cô. Biết Astuti thích đi du lịch, tháng 5/2014, qua mạng Internet, Rini giới thiệu Astuti với người bạn trai da đen tên Staenly. Theo Rini thì người bạn trai này sẽ giúp Astuti tìm kiếm công việc mới có cơ hội được đi nhiều nước trên thế giới, lại được tiền công cao. Astuti đã bắt đầu công việc "xách thuê" ma túy cho các "ông trùm" gốc Phi như vậy. 

Từ tháng 5/2014 đến khi bị bắt, Astuti khai đã tham gia vận chuyển 4 chuyến ma túy "xuyên quốc gia" trong phạm vi các nước  khu vực châu Á. Mỗi chuyến vận chuyển, Astuti được đi "du lịch" từ 5-7 ngày, được Staenly đặt trước vé máy bay, phòng nghỉ tại khách sạn, được cho tiền đi lại, ăn nghỉ và một khoản tiền công khi kết thúc với tổng chi phí mỗi chuyến khoảng 2.000 USD. Bản thân Astuti chưa từng được gặp mặt Staenly.

Mọi việc Astuti được Staenly chỉ đạo từ xa, qua điện thoại hoặc chát trên mạng Internet. Staenly đặt vé máy bay cho Astuti đi từ Indonesia tới Malaysia hoặc Hồng Kông để nhận "hàng" được cất giấu trong các valy kéo. Sẽ có người mang valy tới tận khách sạn cho Astuti cùng vé máy bay đi tới các nước để giao "hàng". Khi di chuyển đến nước nào, Astuti sẽ được Staenly giao cho sim điện thoại mã vùng nước đó để liên lạc và toàn bộ lộ trình của Astuti phải theo sự chỉ đạo của Staenly.

13 giờ 25 phút ngày 12/9/2014,  Astuti  đã bị Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Hoàn Kiếm kiểm tra, bắt giữ khi cô   đang ở khách sạn Royal Palace 2 tại phố Hàng Bông, Hà Nội cùng chiếc valy chứa gần 5kg hêrôin được cất giấu tinh vi trong bìa 6 cuốn truyện tranh. Chiếc valy này được Astuti nhận từ 2 người đàn ông da đen tại Malaysia ít hôm trước. Hộ chiếu và các sim điện thoại mà Astuti mang theo đã thể hiện cô gái này đã từ Indonesia nhập cảnh qua các nước Malaysia, Hồng Kông, Việt Nam, Trung Quốc. 

Trong thời gian bị bắt giữ, dường như đã biết trước được hậu quả nghiêm trọng của việc "xách thuê" ma túy, Astuti  không tỏ ra hốt hoảng mà khá bình tĩnh. Đến ngày thứ 5, Astuti mới chịu khai nhận hành vi phạm tội. Lúc này, cô ta mới tỏ ra ân hận về việc làm của mình. Astuti chua chát thú nhận đã phải trả giá quá đắt cho ước mơ thay đổi cuộc đời nghèo túng của một thôn nữ vùng quốc đảo.

Cùng chung số phận như Astuti còn có rất nhiều cô gái  trẻ  khác mang quốc tịch châu Á như Philippines, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc… Họ đều có đặc điểm chung là sinh ra ở những vùng nông thôn nghèo,  làm giúp việc, biết giao tiếp bằng tiếng Anh, muốn tìm một việc làm tốt hơn ở nước ngoài để đổi đời, để có cơ hội đi du lịch....

Nắm bắt được tâm lý này, các đường dây ma túy do tội phạm gốc Phi điều khiển đã tìm cách dụ dỗ, lôi kéo họ trở thành những kẻ vận chuyển bằng cạm bẫy việc làm hấp dẫn. Những "ông trùm" trong đường dây sử dụng chính những phụ nữ cùng quốc tịch để dễ bề lôi kéo người khác. Emmanuel Sillo Camacho (39 tuổi), quốc tịch Philippines là một nạn nhân như vậy.

Tháng 8/2013,  thông qua mạng xã hội facebook, Emmanuel Sillo Camacho quen một phụ nữ tên Jessica (quốc tịch Philippines) đang sinh sống tại Brazil. Sau một thời gian trò chuyện, thấy Camacho tâm sự cuộc sống bấp bênh, bế tắc vì không có việc làm ổn định, lương thấp, Jessica hứa sẽ xin việc cho Camacho tại Brazil  hoặc các nước khác với mức lương cao từ 1.000 đến 1.500 USD/tháng.

Thấy hấp dẫn, cuối tháng 11/2013, Camacho đã bay sang Brazil gặp Jessica. Tại đây, Jessica nói thẳng chị ta đã đổi đời nhờ công việc vận chuyển ma túy thuê và đề nghị Camacho cùng tham gia. Thấy Jessica vẫn "an toàn", Camacho  đồng ý.

Phụ nữ châu Á vận chuyển thuê ma túy vào Việt Nam bị phát hiện, bắt giữ tại sân bay quốc tế Nội Bài cùng tang vật.

Ngày 5/12/2013, một phụ nữ khác là bạn của Jessica mang 6 bọc nilon màu trắng đựng bít tất, bên trong đã được giấu sẵn 3.408,18gr cocain trong 3 chiếc bít tất. Chị ta cho 6 bọc trên vào valy của Camacho, để lẫn trong quần áo. Người phụ nữ giao vé máy bay cho Camacho và dặn mang "hàng" về Việt Nam sẽ có người liên lạc nhận ma túy.

Hành trình của Camacho từ Brazil qua Singapore an toàn nhưng từ Singapore về Việt Nam, khi nhập cảnh tại sân bay quốc tế Nội Bài, Camacho đã bị các cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra hành lý phát hiện, thu giữ số ma túy trên.

Cạm bẫy từ người bạn trai gốc Phi

Ngoài cạm bẫy việc làm thì nhiều phụ nữ châu Á khác còn bị các đối tượng gốc Phi giăng bẫy ái tình để dụ dỗ, ép buộc vận chuyển ma túy.

Cô Pratuma Phengsakun (31 tuổi), quốc tịch Thái Lan làm nghề massage tự do, xinh đẹp, thông thạo tiếng Anh. Tháng 3/2011, khi đi du lịch Trung Quốc, Pratuma tình cờ gặp và làm quen một thanh niên da đen khoảng 30 tuổi tên OyeKa, quốc tịch Benin khi đi mua sắm tại một trung tâm thương mại. OyeKa bám riết Pratuma trong suốt chuyến du lịch và ngỏ lời yêu đương. Hết tour, Pratuma bịn rịn chia tay OyeKa về Thái Lan. Từ đó, hai người vẫn thường xuyên giữ liên lạc với nhau trên mạng Internet.

Tháng 3/2012, Pratuma rất phấn khởi khi được bạn trai da đen gửi cho 1.000 USD kèm theo lời mời sang Benin. Đầu tháng 4/2012, Pratuma đã dùng số tiền trên mua vé máy bay khứ hồi Thái Lan - Benin. Khi Pratuma đến sân bay, OyeKa chủ động liên lạc qua điện thoại, chỉ dẫn cô thuê taxi đến thẳng một khách sạn OyeKa đã thuê phòng và đợi cô ở đó. Trong thời gian gần 1 tháng, OyeKa tỏ ra rất chiều chuộng người yêu. Anh ta đưa Pratuma đi chơi và mua sắm khắp nơi. Và đó là những ngày tháng thật hạnh phúc đối với Pratuma. 

 

Gần đến ngày về Thái Lan theo thời hạn đã đặt vé máy bay từ trước, Pratuma bịn rịn nói lời chia tay với bạn trai. OyeKa tỏ ra rất quyến luyến, không đồng ý cho Pratuma về ngay mà cố giữ cô ở chơi thêm ít ngày nữa. Quá hạn vé máy bay đã đặt chỗ vẫn không thấy OyeKa đả động gì đến việc cho cô về nước, Pratuma bắt đầu lo lắng vì cô không còn tiền để mua vé máy bay khác.

Lúc này, người bạn trai da đen mới lộ bộ mặt thật. Anh ta nói không có chuyến bay thẳng từ Benin về Bangkok (Thái Lan) mà chỉ có chuyến bay từ Benin  tới Việt Nam. OyeKa ra điều kiện  Pratuma phải mang một chiếc valy từ Benin về Hà Nội (Việt Nam) giao cho em gái của anh ta từ Singapore sang nhận, nếu không sẽ không mua vé cho.

Không có tiền, lại một mình thân cô thế cô nơi đất khách, Pratuma buộc phải đồng ý, dù biết rằng chiếc valy kia chắc chắn có chứa thứ gì đó sẽ gây nguy hiểm cho người vận chuyển. Đêm 26/4/2012, OyeKa mang đến khách sạn một chiếc valy trắng kẻ ca rô, trông bề ngoài bình thường như những chiếc valy khác. Anh ta cho vào valy 4 xấp vải, nói là quà gửi cho cô em gái rồi chuyển quần áo, tư trang của Pratuma sang chiếc valy mới.

Sau đó, OyeKa đưa cho Pratuma vé máy bay đi Việt Nam và chở cô ra sân bay, lên chuyến bay hành trình từ Benin - Casblanca (Morcco) - Doha (Quatar) - Bangkok (Thái Lan) - Nội Bài (Hà Nội - Việt Nam).

22 giờ 45 phút ngày 29/4/2012, khi  Pratuma nhập cảnh Việt Nam qua cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, điều cô lo lắng đã trở thành sự thật. Kiểm tra hành lý, cơ quan chức năng đã phát hiện 1 gói nilon chứa 2.925,954gr ma túy "đá" được dán bằng băng keo ở đáy, dưới lớp lót lụa màu đen trong valy của Pratuma. Cô gái này lập tức bị Cảnh sát Việt Nam bắt giữ.

Điều tra viên Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy (PC47) Công an Hà Nội cho biết, không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh nghèo túng để tham gia vận chuyển ma túy thuê, nhưng dẫu sao, những người phụ nữ quốc tịch nước ngoài bị bắt giữ khi vận chuyển ma túy vào Việt Nam cũng chỉ là nạn nhân của những tay trùm ma túy giấu mặt.

Vì cuộc sống mưu sinh, vì một chút lòng tham muốn kiếm tiền nhanh, họ đã liều mình mang cả mạng sống để đánh cược với may rủi trên những chuyến bay cùng ma túy. Số tiền công mà họ được hưởng có thể là quá nhiều đối với thu nhập của người lao động nghèo, nhưng lại là chi phí quá rẻ đối với các "ông trùm". Với phương thức thuê người vận chuyển như vậy thì các "ông trùm" luôn an toàn, không bao giờ bị lộ diện.

Xuất thân từ những gia đình nghèo khó nên  những phụ nữ này trong thời gian bị bắt giữ tại Việt Nam, gia đình, người thân của họ phần lớn không có điều kiện sang thăm nuôi, không có tiền để thuê luật sư. Do họ đều phạm tội ở những điều khoản rất nặng, có mức án tù cao, thậm chí tử hình nên khi giải quyết vụ án, Công an Hà Nội đều khẩn trương báo cáo Bộ Công an để thông báo cho Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao có thông báo sớm cho đại sứ quán các nước có công dân phạm tội biết, phối hợp giúp công dân nước họ thuê luật sư hoặc để Cơ quan Công an Việt Nam chủ động mời luật sư chỉ định giúp họ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bị can, bị cáo là người nước ngoài có hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam.

Không có người thân thăm gặp nên những buổi hỏi cung, được gặp và nói chuyện với điều tra viên lại là niềm vui đối với những nữ phạm nhân ngoại quốc "xách thuê" ma túy. Điều tra viên bỗng dưng trở thành "người thân bất đắc dĩ" để họ được tâm sự, giải tỏa tâm lý căng thẳng, để họ hỏi han tình hình thời sự đang diễn ra trên đất nước của mình. Thời gian nghỉ giữa buổi làm việc, các bị can còn xúc động khi được cán bộ điều tra mời ăn cơm trưa ngay trong trại giam.

Với những phạm nhân khó khăn nhất, cán bộ điều tra còn trích lương gửi mua quà cho họ tại căng tin của trại giam. Được cán bộ điều tra đối xử ân cần, được phân tích về chính sách khoan hồng của pháp luật Việt Nam nên những phụ nữ xách thuê ma túy đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình. Cái giá quá đắt mà họ phải trả là lời cảnh tỉnh cho những phụ nữ nhẹ dạ khác, trước cạm bẫy nghiệt ngã của ma túy

Hương Vũ
.
.