Pháp: Bước tiến của luật pháp qua những vụ án

Thứ Năm, 05/01/2012, 13:25

Năm 1998 - vụ án Guy Georges và Jourdain: Trong năm đó, cả nước Pháp choáng váng vì vụ án của 4 cô gái bị anh em nhà Jourdain cưỡng hiếp rồi giết chết và việc bắt giữ "tên sát nhân phía đông Paris" Guy Georges cũng phạm tội cưỡng hiếp rồi giết chết 7 cô gái. Dư luận kinh hoàng và bất mãn về 1 điểm chung của những con quái vật đó: tất cả bọn chúng đều đã từng bị kết án về những tội phạm tương tự, sau đó lại được trả tự do.

"Sự cưỡng chế về hình sự cũng phải kèm theo cưỡng chế về tâm lý và y khoa" - Bộ trưởng Tư pháp Elisabeth Guigou nhận định, và ngày 17/6, Quốc hội đã phê chuẩn đạo luật về việc "phòng ngừa và cưỡng chế những sự xâm hại tình dục".

Đạo luật đề ra biện pháp "theo dõi xã hội - pháp luật" giúp quan tòa áp đặt các phương cách kiểm soát đối với một tên tội phạm tình dục sau khi mãn án. Những phương cách đó có thể thuộc dạng cưỡng chế chữa trị mà tên tội phạm phải tuân thủ. Đạo luật cũng lập ra một kho dữ liệu quốc gia về vân tay của những tên tội phạm tình dục.

Năm 2004 - vụ án Bodein và Fourniret: Pierre Bodein, biệt danh "Pierrot điên", bị bắt vì 3 vụ cưỡng hiếp và giết người. Hắn đã trải qua 35 năm giữa nhà tù và bệnh viện tâm thần. Còn Michel Fourniret, biệt danh "con quái vật vùng Ardennes", bị bắt về 7 vụ cưỡng dâm và giết người, cộng với 3 vụ xâm hại các cô gái trẻ. Năm 1987 hắn đã từng bị kết án 7 năm tù về tội cưỡng hiếp thiếu niên dưới 15 tuổi.

"Bi kịch của nước Pháp là lãng phí không ít công sức để theo dõi những tên tội phạm" - dân biểu Pascal Clément cho biết và đã đưa ra một báo cáo về tình trạng tái phạm. Vào tháng 3/2004 đạo luật Perben II quy định việc lập ra một hồ sơ tư pháp đối với những tên tội phạm xâm hại tình dục. Cũng trong năm đó Quốc hội Pháp lập ra một tiểu ban thông tin về tội phạm tình dục trong khi Bộ Tư pháp thành lập tổ "tư pháp - y khoa" để thiết lập một "mối quan hệ tích cực hơn giữa khoa tâm thần và pháp luật".

Năm 2005 - vụ án Trémeau và Cayez: Năm đó Patrick Trémeau và Jean-Luc Cayez bị bắt về tội cưỡng hiếp phụ nữ. Cả 2 từng bị kết án trong quá khứ vì những vụ việc tương tự. Từ vài tháng trước đã có một cuộc tranh cãi quyết liệt giữa các nghiệp đoàn thẩm phán và Bộ trưởng Nội vụ lúc ấy là Nicolas Sarkozy vốn luôn phê phán những kẽ hở của pháp luật.

Tháng 6/2005 ông thẳng thừng chỉ trích vị thẩm phán đã trả tự do có điều kiện cho Patrick Gateau, bị kết án tù chung thân vào năm 1990. Gã này đã bị bắt lại vào tháng 6 về tội giết cô gái Nelly Cremel.

Đến tháng 12/2005, một đạo luật mới ngừa tái phạm đã được biểu quyết. Nó đưa ra khả năng đặt những tên tội phạm tình dục nguy hiểm vào khuôn khổ chịu sự theo dõi của xã hội - pháp luật bằng cách mang vòng điện tử sau khi mãn hạn tù. Quan tòa có nghĩa vụ phải áp đặt biện pháp đánh giá tên tội phạm qua việc giám định y khoa trước khi hắn được trả tự do.

Biện pháp này được bổ sung vào năm 2007 bằng đạo luật Dati đưa ra "hình phạt nền" đối với những kẻ tái phạm. Luật này còn cho phép tăng cường sự điều trị bắt buộc bằng cách bác bỏ mọi sự giảm án nếu hắn không tuân thủ. Ngoài ra đạo luật cũng lưu ý trường hợp tội phạm là thiếu niên dưới 16 tuổi nếu tái phạm những tội nghiêm trọng vẫn phải chịu hình phạt như tội phạm trưởng thành.

Năm 2007 - vụ án Devé-Oglou và Evrard: Ngày 15/8/2007, Francis Evrard vừa mới được thả sau 18 năm tù về tội cưỡng dâm 2 thiếu niên lại bắt cóc cậu bé Enis, 5 tuổi, tại Roubaix và xâm hại cậu bé một cách hung bạo trong một garage. Đến tháng 11/2007 đến lượt Thierry Devé-Oglou định cưỡng dâm và sát hại Anne-Lorraine Schmitt, 23 tuổi, trong tàu điện ngầm.

"Những tên tội phạm tình dục không chịu chữa trị sẽ bị giữ trong một bệnh viện kín nếu bị xem là nguy hiểm" - Nicolas Sarkozy tuyên hứa. Vài tháng sau, đến tháng 2-2008 Rachida Dati đề ra đạo luật "giam giữ an toàn". Từ nay những tên tội phạm nguy hiểm sau khi mãn hạn tù sẽ được đưa vào một trung tâm theo dõi y khoa - pháp luật kín.

Trung tâm đầu tiên mở cửa vào cuối năm 2008 tại Fresnes. Sau đó luật này còn được bổ sung bằng biện pháp "kiểm soát an toàn": trong trường hợp không chấp hành nghĩa vụ chữa trị xã hội - pháp luật, bất kỳ tên tội phạm nguy hiểm nào cũng có thể bị đưa đi giam giữ an toàn.

Năm 2009 - vụ án Da Cruz: Bị kết án 11 năm tù vào năm 2002 về tội bắt cóc và cưỡng dâm một bé gái vị thành niên, Manuel Da Cruz được trả tự do năm 2007 nhờ được ân xá. Đến cuối năm 2008 sự kiểm soát tư pháp kết thúc và pháp luật xem như hắn đã mãn hình phạt. Một năm sau hắn lại bắt cóc, cưỡng hiếp rồi siết cổ Marie-Christine Hodeau, 42 tuổi.

"Cái chết đó có thể tránh được" - Bộ trưởng Nội vụ Brice Hortefeux tuyên bố và bất mãn vì "tên tội phạm đó đã được trả tự do". Bộ trưởng Tư pháp Michèle Alliot-Marie lập tức cho biết sẽ sửa luật cho cứng rắn hơn. Tháng 3/2010 một đạo luật mới tăng cường việc áp chế chữa trị: giờ đây những tên tội phạm nguy hiểm nếu ngưng việc chữa trị bằng hormone.

Năm 2010 - vụ án Penin và Meilhon: Vào  tháng 9/2010, một cô gái chạy bộ buổi sáng lại là nạn nhân của một tên tội phạm tái phạm ở miền Bắc. Natacha Mougel bị bắt cóc và giết chết bởi Alain Penin, kẻ từng bị kết án 10 năm tù về tội cưỡng dâm vào năm 2006 và được trả tự do có điều kiện năm 2009. Đến tháng 1/2011 lại một vụ án mạng khác làm kinh hoàng nước Pháp: Laetitia Perrais bị Tony Meilhon sát hại tại Pornic. Đó là một tên tội phạm đã tái phạm nhiều lần.

"Tái phạm không phải là một định mệnh" - Nicolas Sarkozy nhấn mạnh. Lời lẽ này tuy không được nối tiếp bằng một đạo luật mới nhưng Tổng thống cũng giao cho dân biểu Eric Ciotti làm một báo cáo về việc thi hành bản án.

Năm 2011 - cái chết của Agnès: Sau vụ án mạng của cô nữ sinh Agnès Marin, 13 tuổi, tại Trường trung học Chambon-sur-Lignon, chính phủ đã đề ra một loạt biện pháp: "Đưa vào Trung tâm Giáo dưỡng kín mọi thiếu niên bị nghi ngờ đã phạm pháp tình dục nghiêm trọng"; bị đánh giá về mức độ nguy hiểm; tăng cường trao đổi thông tin giữa các nhà chuyên môn.

Ngoài ra Bộ trưởng Nội vụ Claude Guéant còn phát động cuộc tranh luận về sự cải cách luật pháp về vị thành niên mà bà hứa sẽ là một trong những ưu tiên sau cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2012

Minh Luân (theo Le Figaro)
.
.