Phát hiện lô hàng “vũ khí” và áo giáp: Áo giáp dành cho ai?

Thứ Sáu, 09/08/2013, 15:15

Nhắc đến các thú chơi thời thượng của phái mạnh mà là dân có máu mặt, người ta thường liên tưởng đến trào lưu sưu tầm binh khí của những "anh Bảy chú Ba" khi "tập kết" đầy nhà các bộ sưu tập súng săn, mã tấu, dao găm của thủy quân lục chiến, súng bắn lửa… Có tay chơi máu lửa thậm chí còn sưu tầm đoản kiếm, trường kiếm, đại đao để khẳng định số má dân chơi của mình, để phòng thân và vì nhiều lý do đen tối khác.
Trong cơn lốc chơi bời, săn lùng binh khí ấy, thời gian gần đây nổi bật thú đam mê săn áo giáp. Không dừng lại ở cánh mày râu bặm trợn, điểm đặc biệt của hội chứng săn áo giáp này ở chỗ ngay cả những người bình thường, thậm chí giới học sinh, sinh viên cũng tích cực tuyển món này với lý do… phòng thân?!

1. Ngày 17/7, tin từ Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan TP HCM) cho biết phát hiện lô hàng nhập khẩu phi mậu dịch là "vũ khí" và áo giáp. Theo thông tin ban đầu, lô hàng được gửi từ Anh về Việt Nam qua đường hàng không, người nhận ở Vũng Tàu, bên trong kiện hàng có dao và áo giáp chống đạn.

Trước khi phát hiện lô hàng có áo giáp kia, Cục Hải quan TP HCM qua kiểm tra lô hàng được gửi từ Mỹ trên danh nghĩa quà tặng cho người nhận trú tại đường Cống Quỳnh (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM) đã phát hiện bên trong lô hàng ngoài tân dược, đồ gia dụng, quần áo, đồ chơi còn có 2 khẩu súng ngắn bắn bằng bình khí nén hiệu Gamo, các loại dao lê, dao cắt…

Trước khi đi sâu vào thú chơi áo giáp của giới dân chơi, chúng tôi điểm lại vụ phát hiện 2 lô hàng với dao súng và áo giáp kia để khẳng định rằng thú sưu tầm sưu tập "hàng lạnh" và đặc biệt áo giáp là thú chơi có thật và đang diễn biến rất sôi động.

Cần nói rõ rằng chiếc áo giáp mà Hải quan TP HCM phát hiện có "kết cấu" rất oách, trông rất giống loại áo giáp lính đặc nhiệm thường mặc khi thi hành công vụ trong những phim hành động của Mỹ: "Đấy là loại áo giáp thời thượng nhất trong danh mục các loại áo giáp có mặt tại Việt Nam, chủ yếu tại TP HCM và Hà Nội. Chiếc áo giáp kiểu này rất nhẹ, mặc ôm khít người, có khả năng co giãn, đàn hồi nên ai mặc cũng vừa. Loại này có khả năng chống đạn rất tốt. Súng K54 hay K59 mà các băng nhóm ở Việt Nam thường hay sử dụng để trấn cướp, chống người thi hành công vụ hay thanh toán lẫn nhau đều bó tay trước chiếc áo giáp này".

Tỏ ra rất am tường các loại "áo giáp dành cho chiến binh", Mười Đ., tay anh chị có tiếng ở quận Bình Thạnh nay đã rút chân khỏi "chiến trường" đầu đường hè phố, chí thú kinh doanh quán nhậu "pín dê", nhưng vẫn đam mê sưu tầm binh khí loại độc, chắc như đinh đóng cột rằng anh ta đã từng mặc thử chiếc áo giáp bị hải quan thành phố phát hiện kia: "Thông thường những mặt hàng "đồ chơi" của các nước như Mỹ, Anh gồm dao găm của thủy quân lục chiến, súng bắn khí ga hay áo giáp được nhập vào Việt Nam qua đường vận tải biển. Cách đây gần một năm, Sáu Được, một anh em kết nghĩa của tôi được chiến hữu ở Mỹ về tặng chiếc áo giáp này. Khi mặc vào nó bó sát người nhưng cử động thoải mái. Hôm đó đích thân thằng bạn của Sáu mở cho tụi tôi  xem đoạn video clip cảnh người ta thử nghiệm "năng lực" chống đạn của chiếc áo khi cho một tay găng-tơ da đen xả nguyên loạt đạn vào người mặc nhưng người bị bắn chẳng hề hấn gì". 

Bày tỏ ước mong được chạm mặt chiếc áo giáp siêu hạng kia, Mười Đ. lắc đầu bảo do không có nhu cầu sử dụng nên chiến hữu của anh ta đã trả lại cho ông bạn Việt kiều. Lẽ dĩ nhiên chúng tôi chẳng thể nào tin lời của ông chủ quán dê gốc “đại bàng” này. Có chăng chỉ tin lời khẳng định của ông này mà thôi: "Gì chứ áo giáp thì nó đầy ra đó. Tuy không ầm ĩ như các món đao kiếm, súng đạn nhưng áo chiến binh có mặt ở thị trường Việt Nam từ hơn 3 năm qua, được dân chơi vũ khí có máu mặt săn lùng dữ lắm!".

Chiếc áo giáp và các quà tặng dao súng bị Hải quan TP HCM phát hiện.

2. Giới dân chơi áo giáp “bình loạn" rằng chiếc áo giáp được Hải quan TP HCM phát hiện có giá dao động từ 1.000-1.500 USD, tương đương từ 22-35 triệu đồng và đấy là giá chính gốc. Khi được nhập khẩu thành công vào Việt Nam và tuồn ra thị trường chợ đen, chiếc áo này có thể đội giá lên gấp đôi, có khi gấp 3: "Dân chơi thì chỉ săn loại thường thường vài triệu đồng chứ loại oách như vậy thì chỉ có đám anh chị thứ dữ hay đám trùm ma túy mới đủ ngân khoản mà mua thôi. Dân buôn ma túy thì hai bạn biết rồi, tiền thì tụi nó đâu có thiếu, chỉ thiếu mạng sống thôi. Buôn hàng quốc cấm nếu bị bắt thì ẵm chắc chiếc vé dựa cột nên đám này sẵn sàng chống đối đến cùng để thoát thân. Bởi nguy cơ chết cao như vậy nên tụi này trang bị đồ chơi tận răng, súng đạn lúc nào cũng đầy mình và tất nhiên, không thể thiếu cái khoản… áo giáp. Loại càng xịn thì chúng nó càng khoái".

Trong suốt cuộc trò chuyện tại quán cà phê N.T.Gian ở khu Hồ Con Rùa (quận 1), ông Lành, giám đốc một công ty chuyên bán công cụ hỗ trợ khẳng định như thế. Ông Lành quả quyết có đến 99% người được gửi tặng gói quà bên trong có dao và áo giáp ở Vũng Tàu nếu không phải là tay anh chị có số má thì cũng là trùm hêrôin. Về chuyện này, cơ quan chức năng đang điều tra làm rõ, nên sự thể như thế nào thì còn phải đợi: "Tất nhiên thì phải đợi rồi nhưng với kinh nghiệm lẫn nhạy cảm nghề nghiệp, tôi biết chắc kẻ gửi tặng lẫn người nhận quà đều là dân thứ dữ chứ chẳng phải tay mơ" - ông Lành vừa nói vừa suy luận: "Thời buổi này giang hồ hiểm ác lắm, chẳng biết đường nào mà lần. Cũng có khi vì xích mích trong chuyện làm ăn, vì oán thù băng nhóm hay vì lý do gì đó muốn thanh trừng chiến hữu, đối tác, bên A chơi chiêu ác gửi hàng quốc cấm về cho bên B. để cơ quan chức năng đưa bên B. vào tầm ngắm điều tra cũng không chừng".

Trò chuyện, ông Lành cũng như nhiều chủ doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng công cụ hỗ trợ đều có cùng câu trả lời như nhau rằng các mặt hàng như dùi cui, súng bắn điện, roi điện, còng số 8… và áo giáp thuộc mặt hàng "nhạy cảm", cá nhân hay đơn vị có nhu cầu mua sử dụng phải được sự đồng thuận, cấp phép của Cơ quan Công an: "Luật thì quy định như vậy nhưng trên thực tế, các món công cụ kia được mua bán tràn lan, trong đó có áo giáp. Chỉ sợ không có tiền thôi chứ nếu "đạn dược" rủng rỉnh thì bất kỳ ai muốn mua áo giáp kiểu nào dân buôn online cũng sẵn sàng cung cấp với số lượng không giới hạn".

Nói như ông Lành thì thị trường chợ đen có nhiều loại áo giáp, bất kỳ ai muốn mua chỉ việc lên mạng gõ từ khóa "cần mua áo giáp" thì ngay lập tức lạc vào mê trận "áo chiến binh" và mặc sức lựa chọn.

Làm theo hướng dẫn của ông Lành, gõ từ khóa "bán áo giáp" thì chúng tôi choáng trước gần 5,8 triệu thông tin có liên quan đến cụm từ này. Áo giáp được bán như thế giá dao động từ 1,5 đến 5 triệu đồng/cái tùy chất liệu, nơi sản xuất, mẫu mới hay cũ. Khi chấm được chiếc áo nào đó rồi, người có nhu cầu chỉ việc alô số điện thoại của người bán được "niêm yết" ngay trên giao diện màn hình, chốt lại chuyện giá cả, hẹn địa điểm để giao dịch theo phong cách "tiền trao cháo múc".

Trong trường hợp người mua ngại, nếu không dám chuyển tiền vào tài khoản của tiểu thương áo giáp để hàng được chuyển sau thì có khi họ được "giám đốc công ty" cho quân mang hàng đến giao trực tiếp: "Nói tóm lại, như còng số 8, dùi cui điện hay súng bắn điện, mặt hàng áo giáp tiếng là bán lén lút nhưng rất dễ mua, mua mọi lúc mọi nơi, mua bao nhiêu cũng được" - ông Lành, tặc lưỡi.

Những mẫu áo giáp được rao bán trên thị trường.

3. "Áo giáp tự vệ phòng thân có thể bảo vệ hầu hết các bộ phận quan trọng của cơ thể, được thiết kế hoàn toàn phù hợp với cơ thể người Việt với trọng lượng nhẹ, gọn, dễ dàng sử dụng với những miếng dán phù hợp cho tất cả kích thước. Công dụng của áo giáp tự vệ này có thể chống được dao, kiếm, các vật nhọn và các loại súng hơi, súng bắn đạn hoa cải, súng điện".

Trên đây là lời rao bán áo giáp tự vệ trên trang muasungsan… với giá 1,8 triệu đồng/cái, xuất xứ là Hồng Công. Kết thúc lời rao, người bán lưu ý áo giáp loại này "không thể chống lại súng đạn thật hay đạn sát thương cao". Điều này đồng nghĩa với việc muốn có chiếc áo giáp oách hơn, người bán phải trả số tiền nhiều hơn.

Và đây là lời rao của một con buôn áo giáp khác cho chiếc áo chiến binh như thế: "Áo giáp chống đạn này dành cho người làm nhiệm vụ an ninh áp tải tiền bạc, tài sản quý giá cho các ngân hàng hay gì gì đó tùy bạn. Áo giáp này giúp ngăn ngừa mọi rủi ro khi bị đâm chém bằng bất cứ loại hung khí gì. Áo cũng có khả năng bảo vệ bạn trước các loại súng bắn đạn, súng có tính năng sát thương cao".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguồn áo giáp được các con buôn rao bán tràn lan trên các phiên chợ ảo và giữa đời thực phần lớn có nguồn gốc tại Trung Quốc: "Để củng cố niềm tin của người mua hay để bán được giá, lắm tay tung hô rằng áo giáp mà mình rao bán được sản xuất tại Thái Lan, Singapore, Malaysia, thậm chí "có nguồn gốc tại Mỹ, Pháp..." trong khi đa phần đều là hàng "made in Trung Quốc" - Tích, con buôn áo giáp, lúc chúng tôi vào vai người mua đã nhiệt tình tư vấn như thế.

Tích lưu ý: "Thị trường áo giáp giờ phức tạp lắm. Nhiều tay rao hàng của mình chống được đủ thứ binh khí nhưng kỳ thực chỉ chống được dao cùn, mã tấu tà mũi, hay mấy loại súng hơi xoàng xoàng. Hàng đúng chuẩn nếu chống được vật sắc bén khi đâm chém thì ít khi hữu hiệu với đạn dược và ngược lại. Còn loại chống được tất cả thì rất đắt tiền chứ không có chuyện dưới vài triệu đồng như lời rao được".

Điều bất ngờ nhất khi chúng tôi tiếp cận với cánh con buôn áo giáp là những kẻ rao bán này rất sành luật. Lúc khách tỏ ý e ngại sợ mua về sử dụng sẽ bị phiền toái từ phía cơ quan chức năng, Tích và mấy tay chơi khác cười khùng khục bảo đừng quá lo xa: "Có bắt thì bắt tụi tui, bắt người bán chứ bắt gì kẻ mua".

Có lẽ nhờ được củng cố niềm tin như vậy nên dân săn áo giáp khá bạo dạn, hình thành thị trường ngày một sôi động. Điều này được thể hiện rất rõ qua những diễn đàn trao đổi, bàn thảo kinh nghiệm của người trong cuộc như áo giáp này ngon, áo giáp kia chất lượng với những lời quảng cáo như "bị chém hai nhát nhưng khỏe  re nhờ áo giáp hộ mệnh", hay "áo thần bẻ cong nòng súng hoa cải"... Hơi bị choáng khi chúng tôi được dân buôn chợ trời cho biết đối tượng mua áo giáp ngoài bộ phận nhỏ những người khoái sưu tầm đồ binh khí, còn lại phần lớn là người có nhu cầu sử dụng, họ đa phần là giới mày râu, họ còn rất trẻ...

Những người trẻ mua áo giáp chống đạn, chống đâm để làm gì? Câu hỏi đáng để... suy ngẫm!

Huyền Sơn - Thành Dũng
.
.