Phía sau vụ bê bối gián điệp Nga - Mỹ

Thứ Tư, 07/07/2010, 11:15
Việc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) thông báo bắt giữ được 11 người làm gián điệp cho Nga tại Mỹ ngày 28/6 vừa qua đang được báo chí phương Tây khai thác triệt để và tìm cách khơi gợi lại quá khứ Chiến tranh lạnh giữa lúc quan hệ Nga - Mỹ đang được cải thiện rất đáng kể. Ai đã có ác tâm đưa thông tin này ra chỉ vài ngày sau chuyến thăm Mỹ rất thành công của Tổng thống Nga Dmitri Medvedev?

Trước hết cần điểm lại đôi chút những gì báo chí Mỹ và phương Tây đưa tin về vụ bê bối gián điệp Nga - Mỹ mà họ cho là lớn nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh đến nay. Nhật báo New York Times số ra ngày 29/6 tường thuật: Hôm 28/6, Bộ Tư pháp Mỹ loan báo bắt giữ 11 người bị cáo buộc làm gián điệp cho Nga. 8 trong số đó bị bắt hôm 27/6, bị khởi tố thực hiện những công tác chui sâu dài hạn tại Mỹ để chờ ngày phục vụ cho liên bang Nga.

Có tất cả 11 người bị cáo buộc có can dự vào đường dây gián điệp này, 1 người đã bỏ trốn sau đó đã bị bắt tại Cộng hòa Síp. Vụ bắt giữ xảy ra tại 4 tiểu bang New York, New Jersey, MassachusettsVirginia. Tất cả những người bị tống giam bị truy tố về tội âm mưu hành động như một nhân viên của chính phủ nước ngoài mà không thông báo cho Bộ trưởng Tư pháp Mỹ. Tất cả những nghi can này, ngoại trừ 2 người, ngoài việc bị cáo buộc tội làm gián điệp còn bị cáo buộc về tội rửa tiền.

Tờ Le Monde của Pháp ra ngày 28/6 cho rằng, vụ gián điệp này có thể sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà viết kịch bản, vì cho rằng nó không khác những quyển tiểu thuyết gián điệp từng làm độc giả say sưa trong thời Chiến tranh lạnh. Theo tờ báo, một số điệp viên này đã xâm nhập nước Mỹ từ hơn 10 năm nay. Trước khi rời Nga, họ qua một khóa huấn luyện cấp tốc về kỹ thuật chiếm đoạt, sử dụng giấy tờ tùy thân của người đã chết và sinh hoạt như một công dân Mỹ bình thường.

Hồ sơ truy tố tại tòa án Mỹ hôm 28/6 cho hay vào mùa xuân năm 2009, 2 nghi can Richard và Cynthia Murphy, sống tại New Jersey, được yêu cầu tìm kiếm tin tức về chuyến viếng thăm Nga của ông Obama vào mùa hè năm đó, lập trường của Mỹ về việc thương thảo thỏa ước cắt giảm vũ khí nguyên tử START, vấn đề Afghanistan cùng thái độ của Washington về chương trình nguyên tử của Iran. Họ cũng được yêu cầu tìm thêm chi tiết về những giới chức Mỹ cùng đi với ông Obama hay có liên hệ đến việc soạn thảo chính sách.

Cơ quan an ninh Mỹ cũng chặn lấy được chỉ thị từ Moskva, theo đó ra lệnh cho Cynthia Murphy bắt liên lạc, tạo mối quan hệ với một nhà tài chính nổi tiếng ở New York, sinh hoạt tích cực trong lĩnh vực chính trị để người này cung cấp các tin tức nội bộ của Nhà Trắng hay đưa đến tham dự các sinh hoạt tại văn phòng đảng này ở New York.

Một nghi can khác ở Massachusetts liên lạc với một người làm trong trung tâm nghiên cứu về vũ khí nguyên tử của Chính phủ Mỹ và tìm hiểu về các chương trình nghiên cứu liên quan đến các đầu đạn nguyên tử loại nhỏ dùng vào việc phá hầm ngầm sâu dưới đất. FBI cho hay các nghi can liên lạc với nhân viên điệp báo khác của Nga bằng cách dùng hệ thống vô tuyến trên máy điện toán xách tay, vốn chưa từng thấy sử dụng trong các vụ gián điệp khác bị phá vỡ trước đó.

Hôm 27/6, một nhân viên chìm của FBI ở New York và một nhân viên khác ở Washington, cả hai đóng giả là nhân viên tình báo Nga, gặp 2 nghi can, Anna Chapman ở một tiệm ăn tại New York và Mikhail Semenko, ở một góc đường cách Nhà Trắng vài khu phố, giao cho họ tài liệu tình báo để chuyển đi. Chỉ có Semenko thực hiện việc chuyển giao theo lệnh nhưng Chapman không làm việc này.

Phụ tá biện lý Mỹ Michael Farbiarz khi phát biểu trước Tòa liên bang ở Manhattan hôm 28/6, gọi việc truy tố 11 người vừa bị bắt chỉ là "phần nổi của tảng băng" về âm mưu của Cơ quan Tình báo Nga SVR, hậu thân của KGB, nhằm thu thập tin tức chiến lược về Mỹ.

Sau hơn một ngày im lặng, ngày 29/6, phía Nga lên án việc bắt giữ những người này như một hành động đi ngược về thời Chiến tranh lạnh và một số nhà lập pháp cao cấp ở Nga nói rằng có thể ai đó trong chính quyền Mỹ muốn phá hoại mối quan hệ thân thiện giữa Tổng thống Obama và Moskva. "Những hành động này không có chứng cứ và theo đuổi mục đích mơ hồ. Chúng tôi không hiểu lý do vì sao Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra thông cáo chính thức trong tinh thần của các câu chuyện gián điệp thời Chiến tranh lạnh" - thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho hay.

Thời điểm có cuộc bố ráp này cũng đáng chú ý vì các nỗ lực của Tổng thống Obama và Tổng thống Medvedev để xây dựng lại mối quan hệ Mỹ - Nga. Hai nhà lãnh đạo gặp nhau ở Nhà Trắng tuần trước sau khi ông Medvedev viếng thăm khu thung lũng Silicon ở Bắc California. Cả hai cùng tham dự phiên họp G8 và G20 ở Canada hồi cuối tuần qua.

6 trong số 11 người Nga bị FBI bắt và cáo buộc hoạt động gián điệp cho Nga.

Sau những tin tức được phát đi liên hồi về vụ bê bối tình báo trên, đại diện của cả Mỹ và Nga đều khẳng định việc phá vỡ "mạng lưới gián điệp" này sẽ không ảnh hưởng gì đến quan hệ Mỹ -  Nga, được sưởi ấm trở lại trong thời gian gần đây. Thủ tướng Nga, Vladimir Putin, hôm 29/6 tuyên bố ông hy vọng vụ 11 người Nga bị bắt tại Mỹ về tội "gián điệp" sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương giữa hai nước. Ông đã gặp gỡ cựu Tổng thống Bill Clinton hiện đang thăm Moskva, khi nói cảnh sát ở Mỹ đã không kiểm soát được hành động của mình và bắt giữ một số người để ném vào tù, nhưng đó là công việc của họ. Ông Clinton khi nghe thông dịch câu này đã cười và đáp: hy vọng những thành quả mà hai nước đã đạt được sẽ không bị ảnh hưởng bởi những sự kiện này.

Ông Phillip Gordon, phụ tá Ngoại trưởng Mỹ đặc trách về châu Âu, hôm 30/6 cho biết việc bắt giữ 11 người Nga không làm chững lại mối quan hệ đang được cải thiện giữa Nga và Mỹ. Ông Gordon tuyên bố Tổng thống Obama biết về đường dây gián điệp này trước khi tiếp Tổng thống Nga Medvedev tuần trước. Tuy nhiên, ông nói Tổng thống Obama không nêu vấn đề này trong cuộc thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo. Nói chung, cả hai bên đều cố gắng làm dịu tình hình.

Theo giới tình báo chuyên nghiệp thì vụ bắt 11 người Nga này có nhiều điều phi thực tế. Theo họ, những "gián điệp" nói trên làm việc với những phương pháp đã lỗi thời, giống như vào thập niên 70 thế kỷ trước. Hơn thế nữa, mạng lưới "gián điệp" này được tổ chức rất chặt chẽ, lên kế hoạch rất sát sao, nhưng dường như chẳng mang lại hiệu quả. Điều làm các chuyên gia ngạc nhiên hơn hết, đó là các "gián điệp" này hoạt động ở những nơi nằm xa thủ đô Washington, như Massachussetts, New Jersey.

Nikolai Kovalev, cựu Giám đốc FSB (tiền thân của KGB) cho biết: "Bất kể một điệp viên chuyên nghiệp nào cũng sẽ cười phá lên khi biết rằng 11 người mà phía Mỹ cho là gián điệp lại làm việc cùng nhau. Một điệp viên chỉ kết nối với một người khác, đó là nguyên tắc vàng đối với tất cả các điệp vụ trong tất cả các cơ quan tình báo của bất cứ quốc gia nào".

Theo ông Kovalev, vụ việc này có bàn tay lông lá của một số thành phần ở Mỹ mong muốn tiêm nhiễm con virút phá hoại chương trình ngoại giao hòa giải của Tổng thống Obama. Vị cựu Giám đốc FSB khẳng định những thành phần bảo thủ, diều hâu có quan hệ với FBI trong chính quyền Mỹ, đang là những đối tượng tình nghi hàng đầu cho hành động phá hoại này. Ông khuyến cáo bất cứ một cuộc tấn công nào từ phía bảo thủ ở Mỹ, dù âm thầm hay công khai, thì đều nhằm mục đích làm sống lại những quá khứ đáng quên của thời Chiến tranh lạnh giữa hai nước

Nguyễn Bảo (tổng hợp)
.
.