Phó Tổng thống Dick Cheney có nguy cơ bị truy tố?

Thứ Hai, 08/12/2008, 16:00
Tòa án tại bang Texas vừa chính thức đưa ra những lời buộc tội đối với Phó Tổng thống Dick Cheney và cựu Bộ trưởng Tư pháp Alberto Gonzales. Theo đó, cả hai bị cáo buộc dính líu tới những hoạt động của các nhà tù tư nhân tại bang này.

Đây được coi là lần đầu tiên các cơ quan tư pháp Mỹ công khai buộc tội các quan chức trong chính quyền Bush ngay sau cuộc bầu cử tổng thống. Trong khi đó, nhiều quan chức cao cấp của đảng Dân chủ còn cho rằng, sau lễ nhậm chức của tân Tổng thống Obama, sẽ còn không ít các quan chức của chính phủ tiền nhiệm sẽ bị truy tố...

Từ khoản đầu tư vào nhà tù của Dick Cheney

Thực ra, việc điều tra vụ án hình sự trên đã kéo dài khá lâu, tuy nhiên chỉ tới khi  ông Dick Cheney còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thức nhiệm kỳ, tên tuổi các quan chức liên bang hàng đầu có dính líu tới vụ việc mới được tiết lộ. Theo đó, cả 2 người - Cheney và Gonzales - bị buộc tội dính líu vào một nhóm tội phạm có tổ chức chuyên điều hành bí mật các nhà tù tư nhân tại hạt Willacy (bang Texas).

Theo như cáo trạng, Dick Cheney chính là đồng sở hữu một trong các nhà tù ở bang Texas. Cụ thể là ông ta đã đầu tư gần 85 triệu USD vào Công ty Vanguard Group, doanh nghiệp này tiếp đó lại đầu tư tiền vào một vài công ty tư nhân, trong đó có The GEO Group chuyên quản lý nhiều trại cải tạo và nhà tù. Công ty này thường xuyên thắng các gói thầu về đảm bảo hoạt động cho các nhà tù. Bản cáo trạng cho biết, ông Cheney có khả năng lợi dụng ảnh hưởng của mình để tác động tới các kết quả đấu thầu trên.

Nguyên nhân sâu xa của vụ án này bắt đầu từ việc một tù nhân có tên Gregorio de la Rosa hồi tháng 4/2001 đã bị đánh đập đến chết tại một nhà tù tư nhân Raymondville ở Texas. Tòa án dựa trên kết quả điều tra đã xác nhận rằng, nạn nhân đã bị các bạn tù đánh chết trước sự thờ ơ của các giám ngục.

Đến năm 2006, tòa án cũng phán quyết Công ty The GEO Group (điều hành nhà tù Raymondville) có lỗi trong cái chết của tù nhân trên và bắt họ phải bồi thường cho gia đình nạn nhân khoản tiền 47,5 triệu USD. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu chi tiết hồ sơ của vụ án này, bồi thẩm đoàn đã quyết định không dừng lại ở đây.

Họ buộc tội Alberto Gonzales, khi đó đang là Bộ trưởng Tư pháp, về việc đã cố tình ngăn cản hoạt động điều tra vụ sát hại Gregorio de la Rosa nhằm bảo vệ cho quyền lợi của The GEO Group.

Vụ án hình sự chống lại Phó tổng thống và cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ sẽ chính thức được mở sau khi quan tòa của hạt Willacy là Juan Angel Guerra đặt bút phê chuẩn. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, ngay cả khi quan tòa có ký vào cáo trạng này, khả năng chứng minh tội của 2 quan chức cao cấp hàng đầu trong chính quyền Bush là chuyện không hề dễ dàng, do những bằng chứng được sử dụng chủ yếu mang tính chất gián tiếp.

Những điều tồi tệ còn ở phía trước

Tại Washington từ lâu đã có nhiều tin đồn khẳng định rằng, giai đoạn cầm quyền đầu tiên của Obama có thể kèm theo việc khởi tố một loạt các vụ án hình sự chống lại các cựu quan chức trong chính quyền Bush.

Dick Cheney và Alberto Gonzales chính là những “ứng cử viên” hàng đầu trên những chiếc ghế bị cáo đầu tiên. Lời cáo buộc rõ ràng nhất nhằm vào họ - cho tới giờ mới chỉ được các phóng viên đưa ra - chính là việc phổ biến các hành động tra tấn trong quân đội Mỹ và CIA.

Ngay từ năm 2001, các chuyên gia CIA trong một cuộc họp có sự tham gia của Phó tổng thống Dick Cheney đã tuyên bố rằng, việc thẩm vấn những kẻ tình nghi khủng bố không có được kết quả nếu như tuân thủ đúng các tiêu chuẩn của Công ước Genève về việc đối xử với tù binh chiến tranh.

Ngay sau đó, Bộ Tư pháp có ban hành một bị vong lục trong đó có nói rõ rằng, chỉ cấm những hành động tra tấn "gây ra những đau đớn như việc làm mất một bộ phận cơ thể hay dẫn tới cái chết".

Các tác giả của bị vong lục trên được nhìn nhận chính là Alberto Gonzales (khi đó đang đứng đầu bộ phận pháp luật của Nhà Trắng), phụ tá của Gon Zales là Timothy Flanigan, cố vấn pháp lý của Dick Cheney là David Addington và cố vấn của Bộ trưởng Tư pháp John You. Đứng ra ủng hộ cho các tác giả của quyết định trên là Phó tổng thống Dick Cheney và Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Donald Rumsfeld.

Các luật gia của Mỹ đã không ít lần tuyên bố rằng, sự kiện trên hoàn toàn có thể là cơ sở để truy tố một loạt các quan chức trong chính quyền Bush - trong đó tất nhiên có Alberto Gonzales và Dick Cheney - với tội danh "tội phạm chiến tranh". Cụ thể như Đại tá Lawrence Wilkerson, cố vấn của cựu Ngoại trưởng Colin Powell, đã tuyên bố rằng, đã có tất cả các cơ sở pháp lý để cáo buộc Phó tổng thống Cheney là tội phạm chiến tranh.

Ngay mùa hè vừa rồi, Quốc hội Mỹ cũng đã tổ chức một vài phiên điều trần về khả năng miễn nhiệm Tổng thống Bush và Phó tổng thống Dick Cheney. Trong danh sách các cáo buộc cũng cho nhắc tới âm mưu "hợp pháp hóa" những hành động tra tấn trong quân đội Mỹ cũng như CIA.

Nhưng chủ đề chính trong những phiên điều trần này lại chính là lý do bắt đầu cuộc chiến Iraq nhằm tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt. Có thái độ kiên quyết nhất trong vấn đề bãi nhiệm tổng thống khi đó chính là Nghị sĩ Dennis Kucinich, dù khi đó ông đã không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các đồng nghiệp trong phe Dân chủ.

Nguyên nhân không phải là do phần lớn không đồng ý với những cáo buộc trên, mà do giới lãnh đạo đảng đã quyết định không nên phân tâm, để dồn sức cho cuộc tranh cử tổng thống, đồng nghĩa với việc đối tượng tấn công khi đó phải là John McCain, chứ không phải George Bush.

Giờ đây, khi mọi chuyện đều đã an bài, George Bush và Dick Cheney rất có thể lại là những đối tượng bị rơi vào tầm ngắm. Ngay từ hè qua, đã có vài chục nghị sĩ Dân chủ công khai ủng hộ việc miễn nhiệm ông George Bush.

Đáng chú ý là đứng về phe này còn có một vài nghị sĩ đảng Cộng hòa, điển hình là Thượng nghị sĩ Chuck Hagel, từ lâu đã là người phản đối quyết liệt cuộc chiến tại Iraq.

Mọi diễn biến tiếp theo có lẽ sẽ phụ thuộc nhiều vào thái độ của tân Tổng thống Barack Obama, người hiện vẫn chưa đưa ra bất kỳ một ý kiến nào liên quan tới những đề xuất trên

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.