Phụ nữ Uganda bị lừa xuất khẩu lao động sang Iraq

Thứ Năm, 28/04/2011, 15:15

Prossie đang yên phận với nghề dạy học thì bất ngờ nghe được một quảng cáo hấp dẫn trên radio. Một công ty xuất khẩu lao động ở Kampala, thủ đô Uganda, có tên là Uganda Veterans Development Ltd. đang có đợt xét tuyển phụ nữ trong nước sang làm việc lương cao ở những căn cứ quân sự Mỹ bên Iraq. Prossie phấn khởi đăng ký tham gia cùng với 146 phụ nữ Uganda khác.

Nhưng khi đến được thủ đô Baghdad của Iraq, Prossie mới khám phá ra sự thật kinh khủng là mình đã bị một đại lý người Iraq mua với giá 3.500USD. Công việc thật sự của Prossie là làm việc nhà cho một gia đình Iraq. Cũng giống như nhiều phụ nữ khác, Prossie bị cưỡng bức lao động suốt nhiều giờ liên tục trong ngày, có khi từ 5h sáng kéo dài đến nửa đêm. Prossie thường chỉ nhận được một ít thức ăn hay nước uống và còn bị nhốt trong nhà.

Prossie nói: "Công việc nhà rất nặng nhọc bởi vì ở Iraq thường xuyên có bụi và bão cát cho nên phải giữ cho nhà cửa sạch sẽ từ sáng cho đến khi đi ngủ mới thôi". Nếu Prossie chống đối, nhà chủ sẽ bảo: "Chúng tôi đã trả tiền mua cô và cũng được bảo là cô là người không hay đau ốm, không biết mệt mỏi. Do đó cô phải làm việc thật chăm chỉ". Thậm chí Prossie còn bị một người đàn ông trong nhà chủ cưỡng bức. Prossie nói: "Tôi đau buồn nhưng không biết cách nào thoát ra. Tôi thấy căm ghét mọi thứ trong căn nhà này. Đúng là sự tra tấn tinh thần".

Tại phía khác của thành phố Baghdad, trong một căn cứ quân sự của Mỹ, một nhân viên an ninh hợp đồng người Uganda tên là Samuel Tumwesigye nghe được những gì đang xảy ra với những phụ nữ không may mắn này. Anh gọi đến điện thoại di động (được giấu chủ) của một phụ nữ tên là Agnes và hứa giúp đỡ cô. Tumwesigye nói với Agnes, nếu cô thoát được ra khỏi nhà chủ và chạy đến một bức tượng gần sân bay Baghdad thì anh sẽ giải thoát cho cô. Agnes không có passport, chỉ có một ít liền lẻ và không nói được tiếng Arập. Nhưng Agnes được bảo là sẽ nhanh chóng được bay đến Syria và cô tin đây là cơ hội thoát thân duy nhất của mình.

Agnes chờ cho đến khi gia đình nhà chủ ngủ trưa mới thực hiện kế hoạch chạy trốn khỏi căn nhà địa ngục. Khi thoát ra khỏi nhà, Agnes chạy thục mạng, gặp được một tài xế taxi biết nói tiếng Anh và chở cô đến bức tượng gần sân bay Baghdad. Agnes đi qua 4 trạm kiểm soát rất khó khăn vì không có giấy tờ. Sau khi nhận được tin của Agnes, Tumwesigye chuẩn bị lấy xe của căn cứ đi đón cô.

Với hành động này Tumwesigye có nguy cơ bị đuổi việc vì vi phạm điều khoản nghiêm ngặt trong hợp đồng là không được phép rời khỏi căn cứ. Tumwesigye đã chủ động gặp chỉ huy căn cứ là Trung tá Theodore Lockwood để trình bày về hoàn cảnh của Agnes và nhận được sự đồng ý cho phép anh ra ngoài. Cuối cùng, Agnes đã đến được căn cứ quân sự Mỹ một cách an toàn. Sau đó khoảng 2 hôm, Prossie cùng với một phụ nữ khác cũng đi theo con đường của Agnes. Viên sĩ quan chỉ huy căn cứ gửi e-mail lên thượng cấp trình bày sự việc và nhận được lời hứa giúp đỡ.

Lockwood và Tumwesigye đã giải thoát được tổng cộng 14 phụ nữ Uganda. Một vài phụ nữ bị bệnh hay trầm cảm nặng. Một phụ nữ bị cưỡng bức đã mang thai và có ý định tự tử. Một người khác không nói hay nghe được vì hoảng loạn tinh thần và nhiều phụ nữ cần được chữa trị vì kiệt sức và mất nước.

Phụ nữ Uganda bị lừa xuất khẩu lao động sang Iraq.

Trung tá Lockwood đã bỏ ra 5.000USD tiền túi của mình cộng thêm 2.500USD được các đồng nghiệp đóng góp để mua quần áo và những thứ cần thiết cho những phụ nữ Uganda này. Cuối cùng, Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) đưa họ trở về Uganda. Trong khi đó, Giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động Uganda Veterans Development Ltd. là Đại tá Mudola phủ nhận việc những phụ nữ này đã bị bán và nói công ty của ông không chịu trách nhiệm về họ sau khi được tuyển dụng.

Mudola nói: "Họ không phải là nhân viên của chúng tôi. Chúng tôi chỉ tuyển mộ họ và họ ký hợp đồng lao động với các công ty ở Iraq. Chúng tôi có theo dõi và nhận thấy họ được đối xử tốt. Hợp đồng thật ra được ký giữa đại lý (Iraq) và những phụ nữ được tuyển".

Trong năm 2009, xuất khẩu lao động ra nước ngoài là nguồn chính thu ngoại tệ về cho Uganda. Xuất khẩu lao động mang về cho Uganda 500 triệu USD mỗi năm mà đỉnh điểm là năm 2009. Phần đông những lao động Uganda làm việc ở nước ngoài là nam giới, chỉ có một số ít là phụ nữ. Bộ Lao động Uganda cấp phép cho Công ty Uganda Veterans Development Ltd. cho phép công ty xuất khẩu lao động nhưng các phương tiện truyền thông địa phương sau đó đã lên tiếng về hậu quả của ngành kinh doanh được coi là hợp pháp này.

Tuy nhiên, trong tháng 12/2010 hoạt động xuất khẩu lao động được phục hồi trở lại và phổ biến khắp nơi ở Uganda. Tổ chức Bảo vệ nhân quyền cho phụ nữ - FIADA-U - đã lập hồ sơ kiện chống lại Uganda Veterans Development Ltd. nhưng bước đầu đã thất bại. Hiện nay có ít nhất 100 phụ nữ Uganda xuất khẩu lao động sang Iraq vẫn đang được coi là mất tích, trong khi đó Công ty Uganda Veterans cũng không biết họ hiện đang ở đâu trên đất nước khói lửa này

An An (tổng hợp)
.
.